Nhân lên những bông hoa đẹp trong vườn hoa Thủ đô
Tiếp tục nhân rộng, lan tỏa phong thi đua cùng làm việc tốt, điều hay | |
Nhân lên những bông hoa đẹp | |
Giao lưu với những bông hoa đẹp 'để cuộc sống thêm tươi đẹp' |
Những bông hoa đẹp của Thủ đô đã góp phần xây dựng Thành phố ngày càng phát triển |
Để vườn hoa người tốt, việc tốt của Thành phố thêm rực rỡ
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, 27 năm qua, kể từ lần đầu thành phố phát động và tổ chức phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” đến nay, phong trào đã trở thành nếp văn hóa, bản sắc riêng của mảnh đất nghìn năm văn hiến. Với việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng nói chung đã tạo động lực và niềm tin trong nhân dân với hàng trăm, hàng nghìn những bông hoa người tốt, việc tốt.
Năm 2019, thành phố đã tiếp tục phát hiện và tuyên truyền nêu gương nhiều cá nhân điển hình trong cuộc sống để mọi người cùng học tập, làm theo. Các phong trào “Người tốt, việc tốt” trong lao động sản xuất luôn được các cấp, các ngành gắn với các phong trào thi đua “Xây dựng nông thôn mới”, “Doanh nghiệp Thủ đô hội nhập và phát triển”, “Khởi nghiệp sáng tạo”, qua đó đã phát hiện nhiều tấm gương thi đua lao động giỏi, cải tiến sáng kiến kỹ thuật, phát triển sản xuất kinh doanh với những cách làm mới, sáng tạo, góp phần phát triển kinh tế, cải thiện an sinh xã hội.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cho rằng, bên cạnh những tấm gương người tốt, việc tốt được tuyên dương, khen thưởng, vẫn còn rất nhiều những hành động đẹp, những việc làm tốt thầm lặng, của những con người đang ngày đêm cống hiến cho công cuộc bảo vệ, xây dựng, phát triển Thủ đô và đất nước.
Khẳng định quyết tâm trong thực hiện phong trào “Người tốt việc tốt”, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, cho biết, thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức các phong trào thi đua gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chủ động phát hiện, khen thưởng và tuyên truyền kịp thời các gương điển hình tiên tiến; tập trung tổ chức và triển khai tốt Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp tiến tới Đại hội Thi đua yêu nước thành phố vào năm 2020.
Tại Hội nghị biểu dương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt tiêu biểu; vinh danh Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong tình hình mới, thành phố Hà Nội cần chú ý phát hiện và biểu dương, khen thưởng người lao động trực tiếp.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các tấm gương tiêu biểu để người tốt, việc tốt lan toả trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Qua đó, góp phần làm cho vườn hoa người tốt, việc tốt của Thủ đô Hà Nội ngày thêm rực rỡ. Đặc biệt, thành phố cần gắn các phong trào thi đua với việc xây dựng, bồi dưỡng con người Việt Nam trong thời kỳ mới để phát triển toàn diện ý thức làm chủ, ý thức trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khoẻ và lao động sản xuất giỏi, sống có văn hoá, tình nghĩa như tinh thần người Hà Nội văn minh, thanh lịch.
Nổi bật trong rừng hoa Người tốt việc tốt năm nay là 10 gương mặt được vinh danh: “Công dân Thủ đô ưu tú”. Mặc dù đến từ nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau, đảm nhận nhiều cương vị công tác, từ bác sĩ, nhạc sĩ, đến trưởng thôn giúp dân bản làm giàu, xóa bỏ hủ tục lạc hậu, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống, có những cá nhân thuần phác nông dân, có những cô giáo tận tụy dạy miễn phí cho trẻ em nhiễm chất độc da cam… Họ mỗi người một cách thể hiện tình yêu Hà Nội và một cách góp sức xây dựng Thủ đô, dù họ được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, hay từ các địa phương về Hà Nội lao động, học tập. Với những hành động đẹp, những suy nghĩ đẹp, họ là những tấm gương bình dị, sống hết mình vì cộng đồng, cống hiến cho sự nghiệp dựng xây Thủ đô.
Điển hình trong đó là tấm gương Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thừa Hỷ, người đã dành cả cuộc đời cho những công trình nghiên cứu về Thăng Long - Hà Nội. Ông được biết đến như một kho tư liệu quý giá, góp phần quảng bá lịch sử và văn hoá Việt Nam nói chung, lịch sử và văn hoá Thăng Long - Hà Nội nói riêng tới với bạn bè quốc tế.
Trong khi đó, nhắc đến Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu, chúng ta không thể không nhắc đến một biểu tượng về tinh thần dũng cảm trong chiến đấu. Năm 1948, ông gia nhập Đại đội 671, Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174 của Đại đoàn 316 và lập được nhiều thành tích trong chiến đấu. Trong trận Đông Khê thuộc Chiến dịch Biên giới năm 1950, ông là chỉ huy tổ bộc phá làm nhiệm vụ phá hàng rào và đánh lô cốt đầu cầu. Khi bị địch bắn gãy nát một cánh tay, ông đã yêu cầu đồng đội chặt hộ cánh tay để khỏi vướng rồi lại tiếp tục ôm bộc phá xông lên, phá tan lô cốt đầu cầu, mở đường cho đơn vị xung phong tiêu diệt địch.
Tấm gương của ông đã cổ vũ phong trào thi đua diệt giặc lập công trong toàn quân. Sau khi bị thương, ông tập trung học văn hóa và tham gia ở nhiều vị trí công tác. Đến năm 1996, ông nghỉ hưu, cư trú và sinh hoạt tại khu dân cư số 7, phường Quang Trung, quận Đống Đa. Trong quá trình sinh hoạt tại địa phương, ông luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ.
Nhận danh hiệu Công dân Thủ đô ưu tú năm 2019, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân La Văn Cầu xúc động chia sẻ: “Đây là một danh hiệu có ý nghĩa mà thành phố dành tặng cho tôi. Tôi luôn tâm niệm sống xứng đáng với tấm lòng tin yêu của Đảng và Nhà nước, giữ vững phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội cụ Hồ. Làm sao để luôn phấn đấu sống có ích, góp phần tiếp tục xây dựng Thủ đô Hà Nội của chúng ta luôn xanh-sạch-đẹp”.
Những công dân bình dị với cống hiến lớn lao
Không chỉ có những bông hoa “Người tốt, việc tốt” trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động mà phong trào “Người tốt, việc tốt” trong nông dân, công nhân, người lao động được hưởng ứng sôi nổi. Qua phong trào, bằng những cách làm mới, sáng tạo, phong phú và đa dạng của nông dân, công nhân đã góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội của địa phương. Tại các địa phương, đơn vị đã có 3460 nông dân, công nhân, người lao động được tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” cấp cơ sở và có những tấm gương đạt danh hiệu “Công dân ưu tú Thủ đô”.
Cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ luôn hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn |
Tiêu biểu như cô giáo Lê Thị Hòa, giáo viên, Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Cô Hòa sinh năm 1973, hơn 26 năm tham gia giảng dạy và làm Tổng phụ trách Đội tại các trường tiểu học Trường Yên và Đông Sơn của huyện Chương Mỹ. Luôn tâm huyết với công tác giảng dạy, cô Hòa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhiều năm liên tục là giáo viên giỏi, Tổng phụ trách Đội giỏi các cấp.
Suốt 26 năm qua, cô đã mở lớp học tình thương, giảng dạy miễn phí tại nhà riêng và tại chùa Hương Lan cho học sinh khuyết tật, thiểu năng trí tuệ không có khả năng đến trường và các em học sinh nghỉ học giữa chừng. Ngoài ra, cô cũng tổ chức quyên góp ủng hộ người nghèo từ năm 2015 đến nay với số tiền gần 400 triệu đồng.
Nói về lớp học đặc biệt của mình, cô Hòa chia sẻ, trong lớp, mỗi em một dạng khuyết tật, em thì tự kỷ, em bị câm điếc, em lại bị khoèo chân tay nên việc dạy chữ, làm toán cho các em không hề dễ dàng. Phải lựa từng đối tượng và khả năng tiếp thu để có cách truyền đạt cho các em dễ hiểu, dễ tiếp thu nhất. Để các em dễ nắm bắt và nhớ lâu, khi dạy cho các em, chị đều dùng các đồ vật và hình ảnh trực quan. Thậm chí đôi khi còn phải vừa dạy vừa dỗ dành kẹo bánh.
Có những em do hạn chế về nhận thức nên đến cả những việc vệ sinh cá nhân cô cũng hướng dẫn tận tình. Để lớp học không bị bỏ trống, cô luôn sắp xếp phân bổ thời gian hợp lý giữa công việc với gia đình để đến lớp với các em. Sau khi lo xong công việc trong gia đình, chăm lo chồng con, cô lại dành hết tâm huyết, thời gian để duy trì lớp học. Ngoài được học chữ, học toán, cô và các giáo viên tình nguyện còn dạy và rèn các kỹ năng sống cho các em.
Từ lớp học tình thương này, có nhiều em đã trưởng thành và tự tin hơn, nhiều em đã có thể tự xin việc làm bên ngoài và có công việc ổn định. “Dạy các con mang lại niềm vui cho mình và cho chính bản thân các con, sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, cô Hòa tâm sự.
Những tấm gương tiêu biểu, sẵn sàng đóng góp công sức, tiền của, vật chất xây dựng nông thôn mới như ông Lý Văn Phủ nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì, vượt chặng đường vài chục ki lô mét về trung tâm Thủ đô trong buổi lễ vinh danh. Kết thúc buổi lễ, ông tràn đầy niềm xúc động khi được nhận niềm vinh dự to lớn như vậy, trở thành công dân ưu tú của Thủ đô. Bởi với ông, công việc của một trưởng thôn trong những năm qua chỉ là công việc rất bình thường của một người yêu quê hương, bản làng.
Với những cống hiến lặng thầm, ông Lý Văn Phủ nguyên Trưởng thôn Yên Sơn, xã Ba Vì, huyện Ba Vì được tặng danh hiệu “Công dân Thủ đô ưu tú” |
Là Trưởng thôn, người uy tín ở bản Dao Yên Sơn, ông Phủ và gia đình luôn gương mẫu thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đi đầu trong phát triển kinh tế, cần mẫn gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, góp phần vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc… Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các tuyến giao thông nông thôn, khi còn là Trưởng thôn Yên Sơn (nhiệm kỳ 2015-2017), ông Lý Văn Phủ đã kiên trì tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu và thực hiện các chính sách pháp luật. Để cho người dân hiểu và tin tưởng, gia đình ông Lý Văn Phủ đã tiên phong hiến hàng trăm m2 đất thổ cư để thực hiện dự án. Theo gương gia đình ông Phủ, các hộ dân trên địa bàn thôn đã đóng góp công sức, hiến đất, chặt cây để làm đường đi.
Cùng với đó, người Dao ở thôn Yên Sơn có nghề làm thuốc Nam tuy nhiên nghề chưa phát triển xứng tầm với tiềm năng vốn có. Trăn trở với việc phát triển nghề truyền thống, ông Phủ đã chủ động đề nghị xã, huyện cho phép đưa sản phẩm thuốc Nam của địa phương mình giới thiệu tại các hội chợ làng nghề truyền thống do thành phố Hà Nội cũng như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.
Sau khi có thị trường tiêu thụ, ông tiếp tục tìm cách nhân giống, mở rộng diện tích trồng cây thuốc Nam tập trung tại vườn gia đình. Với cách làm đó, trung bình mỗi năm, gia đình ông thu nhập khoảng 300 triệu đồng từ trồng cây dược liệu và chế biến thuốc Nam.
Chẳng những làm kinh tế giỏi, với vai trò là Trưởng thôn, người uy tín của bản, ông Phủ còn là người đi đầu trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông Phủ tìm cách gạn lọc, xóa bỏ các hủ tục để phù hợp với phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới trong việc cưới, việc tang, mừng thọ và các lễ hội…
Nếu trước đây, người Dao quần chẹt ở Ba Vì thường tổ chức đám chay, Tết nhảy 3 ngày 3 đêm thì hiện nay, ông đã vận động được người dân giảm thời gian xuống còn 1 ngày, làm cỗ đơn giản, gọn nhẹ hơn. Vì vậy, người dân không chỉ tiết kiệm thời gian, tiền bạc mà vẫn giữ được những nét văn hóa đặc trưng của dân tộc...
Đối với những công dân, mỗi người một tâm sự, một niềm đam mê, nhưng ở họ đều toát lên nhiệt huyết với công việc mình làm và họ cho rằng, những việc ấy chỉ là lẽ thường tình của cuộc sống. Chia sẻ những cảm xúc khi được đón nhận danh hiệu “Người tốt việc tốt”, bà Trần Thị Mai Loan, Xí nghiệp Môi trường đô thị số 3 quận Hai Bà Trưng cho biết công việc của công nhân vệ sinh môi trường mang tính đặc thù, thường cả ban ngày lẫn ban đêm.
Được nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, bà Trần Thị Mai Loan, Xí nghiệp Môi trường đô thị số 3 quận Hai Bà Trưng sẽ tiếp tục hoàn thành tốt nhiệm vụ để làm đẹp cho phố phường |
Trong các đợt phục vụ lễ, Tết, hay vào các buổi cuối tuần khi mọi người được nghỉ ngơi, vui chơi, thì bà và những công nhân môi trường phải tăng ca, tăng giờ, bám địa bàn để phục vụ. Không vì sự vất vả, khó khăn đó mà bà nản chí, trái lại 28 năm qua bà cùng các công nhân trong tổ đã góp phần làm sạch cho phố phường Thủ đô. Bởi đối với bà, được góp phần làm sạch đẹp đô thị, cải thiện môi trường sống cộng đồng đó không chỉ là trách nhiệm mà còn là một vinh dự của công nhân môi trường.
Ngoài ra, những tấm gương người tốt, việc tốt của thành phố còn có những gương doanh nhân với nhiều ý tưởng sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, đóng góp cho sự phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô như ông Đỗ Minh Phú đã xây dựng và phát triển Tập đoàn Vàng bạc Đá quý DOJI trở thành Tập đoàn vàng bạc đá quý hàng đầu Việt Nam với Trung tâm vàng bạc đá quý, trang sức cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Qua chia sẻ của những “Công dân Thủ đô ưu tú” có thể cảm nhận thấy một nét đẹp chung của họ là mỗi người đều chưa thỏa mãn về đóng góp của mình cho Thủ đô, mỗi người đều cháy bỏng khát khao được tiếp tục cống hiến những điều đẹp đẽ bình dị cho Thủ đô ngàn năm văn hiến. Sự khiêm tốn giản dị đó của những bông hoa đẹp Thủ đô sẽ mãi tỏa sáng để lan tỏa trong đời sống xã hội và cũng chính là nhân tố để tạo nên sức sống bền vững của phong trào.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối Giáo dục
Cần quyết liệt xử lý nạn “quái xế”
Bông mua tím
Sức khỏe người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Tin khác
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Y tế 05/11/2024 09:16
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Văn hóa 05/11/2024 09:05
Ngắm nhìn vẻ đẹp của Hà Nội với loạt tranh vẽ bằng bút bi
Xã hội 05/11/2024 06:30
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 22:12
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Văn hóa 04/11/2024 22:00
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Infographic 04/11/2024 20:52
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Xã hội 04/11/2024 19:26
EVNHANOI khẳng định, không sử dụng tài khoản cá nhân để thu tiền điện
Nhịp sống Thủ đô 04/11/2024 17:32
Luật Thủ đô 2024: Thêm cơ chế, chính sách đặc thù để thu hút đầu tư xã hội
Luật Thủ đô 2024 04/11/2024 17:26
Khởi công cụm công nghiệp hơn 1.100 tỷ đồng tại huyện Thanh Oai
Nhịp sống Thủ đô 04/11/2024 16:36