Người viết sử ngày Quốc khánh bằng âm nhạc
"Sao Độc lập": Tái hiện chặng đường lịch sử vẻ vang và đầy tự hào của dân tộc | |
Đảm bảo tuyệt đối an toàn trong dịp Lễ Quốc khánh và khai giảng năm học mới |
Nhắc đến Bùi Công Kỳ trước tiên phải nói đến “Giọt mưa thu”- ca khúc mà ông đã được Đặng Thế Phong mời tham gia góp ý. Đó là câu chuyện của 77 năm về trước khi sáng tác xong “Giọt mưa thu”, người đầu tiên Đặng Thế Phong hát cho nghe là Bùi Công Kỳ vì vốn dĩ họ là những người bạn đồng hương Nam Định rất thân thiết. Bùi Công Kỳ đã đề nghị thay đổi một số nốt, tiết tấu cho chậm rãi cũng như thay đổi vài lời của bài hát này và được tác giả chấp thuận.
Tuy nhiên dù được Đặng Thế Phong công nhận là đồng tác giả nhưng cho đến nay khi nhắc đến ca khúc này người nghe thường nghĩ ngay đến Đặng Thế Phong chứ ít nhắc đến Bùi Công Kỳ có lẽ bởi giai điệu và ca từ của nó buồn, ảm đạm như chính cuộc đời mà nhạc sĩ đoản mệnh đã trải qua.
Đến những ngày đầu của Cách mạng Tháng Tám, tên tuổi của nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đã được nhiều người biết đến khi ông sáng tác “Hồn Việt Nam”. Đó là ca khúc hùng tráng mà ông muốn cổ vũ, động viên tinh thần chiến đấu của quân và dân ta trong những ngày tháng “nước sôi lửa bỏng” của dân tộc. Đặc biệt chính ông đã là người tự đệm đàn ghi- ta và hát ca khúc này trong những lần biểu diễn của đoàn kịch Anh Vũ do nhà thơ Thế Lữ đứng đầu ở nhiều nơi.
Không khí tại Quảng trường Ba Đình ngày tết Độc Lập. Ảnh tư liệu |
Kế thừa tinh thần của “Hồn Việt Nam”, Bùi Công Kỳ đã sáng tác “Ba Đình nắng” dựa vào lời thơ của Vũ Hoàng Địch - Em trai của nhà thơ nổi tiếng Vũ Hoàng Chương. Có điều thật đặc biệt là ca khúc này ra đời năm 1947 trong lời thúc giục, chỉ đạo từ cấp trên của ông ở Ty Thông tin Phú Thọ khi có thông tin Nhà nước sẽ tổ chức kỷ niệm 3 năm ngày Quốc khánh 2/9 một cách long trọng.
Trước đó dù không được tham dự sự kiện đặc biệt ngày 2/9/1945 nhưng với bản năng của người nhạc sĩ tài hoa ông vẫn cứ tưởng tượng ra như mình đang cầm bút vẽ, cầm máy thu âm, cầm máy ảnh… ghi lại diễn biến và toàn bộ khung cảnh. Trong suốt thời gian 2 năm, ông đã nung nấu ý định sáng tác một ca khúc về sự kiện ấy mà chưa biết phải bắt đầu từ đâu. Nay được cấp trên giao phó, Bùi Công Kỳ càng thêm động lực, quyết tâm hơn. Đúng lúc bế tắc thì ông tình cờ đọc được bài thơ của thi sĩ Vũ Hoàng Địch. Đọc kỹ bài thơ, Bùi Công Kỳ thấy tứ thơ hay, đầy đủ, hoàn chỉnh và quan trọng hơn là tác giả bài thơ đã nói đúng được tâm trạng, cảm xúc của mình. Chính sự đồng điệu ấy, nhạc sĩ đã quyết định để nguyên bài thơ mà phổ nhạc, không cắt bỏ hoặc thêm bớt một chữ nào sau khi nghiên cứu rất kỹ bài thơ đến mức thuộc làu.
Nhạc sĩ Bùi Công Kỳ (1919-1985), quê gốc ở Nam Định. Ông là người sớm giác ngộ cách mạng và từng giữ những vị trí quan trọng trong một số đơn vị trọng yếu như: Trưởng đoàn văn công sư đoàn 316, Trưởng đoàn văn công Tổng cục Hậu cần, Trưởng ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, Trưởng ban văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam. Bên cạnh những ca khúc đã nói ở trên, ông còn sáng tác một số ca khúc như: “Anh và tôi”, “Nông dân ơn Đảng”, “Tây Bắc mừng chiến thắng”, “Bài ca biên giới”, “Mừng xuân tuổi thơ vui ca múa”, “Vui đón hòa bình”... |
Nhạc sĩ Dân Huyền người bạn thân thiết của ông ở Đài Tiếng nói Việt Nam sau có kể lại với tôi rằng: “Lúc sinh thời, nhạc sĩ Bùi Công Kỳ đã có lần tâm sự khi viết bài hát “Ba Đình nắng” ông cũng không quá lúng túng bởi cảm xúc đã có sẵn trong người rồi và thực sự bài thơ của Vũ Hoàng Địch đã chất chứa quá nhiều điều sâu sắc, không phải thêm bớt nhiều. Và với nhiệm vụ của người làm âm nhạc, ông chỉ cần lựa chọn ngôn ngữ âm nhạc phù hợp để chuyển tải là sẽ cho ra một tác phẩm tuyệt vời”.
Điều đầu tiên làm nên sự thành công của “Ba Đình nắng”, đó là ca khúc đã khéo léo đưa được lời nói đời thường, rất đỗi bình dị của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” lồng ghép vào trong khuông nhạc một cách uyển chuyển, tự nhiên. Câu nói ấy đã gắn liền với Người – một vị lãnh tụ luôn gần dân, hiểu dân và khi được hát lên cũng thật dung dị, dễ nghe. Mở đầu bài hát tác giả đã sử dụng tiết nhạc “Gió vút lên” ở âm khu cao khiến người nghe tưởng tượng ra tiếng gió mùa thu ào ạt, mạnh mẽ làm lá cờ tung bay phấp phới đầy tự hào, kiêu hãnh. Và ngay tiếp câu thứ hai “cơn gió” ấy đã “vút lên đây bao nguồn sống mới dạt dào” được coi là chủ đề xuyên suốt cho toàn bộ bài hát.
Đúng như vậy, trong lịch sử dân tộc chỉ trong một thời gian ngắn từ ngày Cách mạng tháng Tám thành công đến ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, dân tộc ta đã đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác và quả thực nhân dân ta đã có một nguồn sống mới thật dạt dào, tràn đầy niềm tin và hi vọng sau hơn 80 năm lệ thuộc. Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng đã nhuộm thắm cả một không gian bao la, rộng lớn, rực rỡ cả đất trời Thủ đô qua câu hát: “Ba mươi sáu phố phường hôm ấy là những nhánh sông đỏ bóng cờ/ Chói lọi sao vàng hoa vĩ đại/ Năm cánh xòe trên năm cửa ô”. Chỉ có người dân ở một đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ được ngẩng cao đầu hít thở bầu không khí tự do mới có thể có được cảm xúc như vậy.
Tuy bài hát này không nằm trong số những bài hát viết về Bác Hồ được phổ biến rộng rãi nhưng hình ảnh của Người vẫn hiện lên sinh động, thiêng liêng, đáng kính biết chừng nào. Đó là một đoạn nhạc được thay đổi tiết tấu nhanh, vui, náo nhiệt diễn tả cảm xúc, tâm trạng của quốc dân đồng bào khi nhìn thấy Bác bằng xương bằng thịt trên khán đài: “Hoan hô! ta đón cha về, ta đón cha về/ Đón trong nắng vàng tươi ngày độc lập/ Ha ha! Có tiếng người reo sao vàng vừa mọc/ Cha hiện lên giọng nói hẹn thành công”. Và Bác hiện lên thật giản dị trong “Bộ Kaki đã bạc với gió sương/ Người hiện thân sức mạnh của hòa bình”.
Ca khúc ra đời thành công ngoài mong đợi không những đáp ứng được yêu cầu sẽ trình diễn tại Lễ kỉ niệm 3 năm ngày Quốc Khánh như ban đầu mà còn được thu thanh, phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam vào đúng ngày lễ qua giọng hát của nghệ sĩ Trần Thụ cùng dàn đồng ca. Sau khi phát sóng, bài hát nhận được sự hưởng ứng của nhân dân cả nước, thậm chí nhiều đồng chí lãnh đạo cao cấp đã có lời khen ngợi cho tác giả và Đài. Tuy nhiên phải đến 10 năm sau khi ra đời (năm 1957), nghệ sĩ Trần Khánh mới thu âm ca khúc này và đó cũng chính là giọng ca “đóng đinh” trong lòng công chúng mấy chục năm qua.
Một điều nữa mà bài hát được nhiều người biết đến, đó là nó có thể hát dưới hình thức hợp xướng nhưng cũng có thể hát tốp ca, đơn ca. Có thể nói trong kho tàng âm nhạc cách mạng Việt Nam, “Ba Đình nắng” mang một giá trị lịch sử đặc biệt, nó như một cuốn hồi ký ghi lại toàn bộ sự kiện trong ngày khai sinh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Sự trường tồn của tác phẩm là ở những chi tiết sinh động, chân thực, ở tính hoành tráng, mang tính chất sử thi anh hùng.
Năm nay, ca khúc “Ba Đình nắng” lại vang lên nghiêm trang bên lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ngày Lễ Quốc khánh khiến mỗi người trong chúng ta không khỏi bồi hồi, xúc động. Đã 72 năm kể từ ngày ra đời nhưng ca khúc vẫn sống mãi trong lòng người con đất Việt mặc dù tác giả phần thơ và nhạc của bài hát này đã trở thành những người thiên cổ./.
Lê Thắm
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đêm nay, Hà Nội cấm lưu thông trên đường Văn Khê
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Vạch trần thủ đoạn của nhóm đối tượng đấu giá 30 tỷ đồng/m2 đất tại Sóc Sơn
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Tin khác
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Âm nhạc 22/12/2024 10:15
NSND Trần Hiếu xúc động nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam"
Âm nhạc 20/12/2024 16:55
Á quân Giọng hát hay Hà Nội Đinh Xuân Đạt ra mắt MV đầu tay "Hoàn Kiếm"
Âm nhạc 19/12/2024 17:50
Hoàng Hải, Vũ Thảo My song ca cực "ngọt" tại IRCtire Motorbike Care Festival
Âm nhạc 17/12/2024 17:12
Miss Eco Teen Bella Vũ tổ chức minishow âm nhạc đầu tiên ở tuổi 16
Âm nhạc 08/12/2024 11:25
Quận Tây Hồ tổ chức Liên hoan các ban nhạc, nhóm nhạc năm 2024
Giải trí 30/11/2024 10:10
Bùi Huyền Trang, Nguyễn Thị Thùy Linh đoạt giải Nhất Giọng hát hay Hà Nội 2024
Âm nhạc 29/11/2024 06:37
Hoàng Rob: “Khiêu vũ với tất cả nỗi sợ trong mình”
Âm nhạc 28/11/2024 14:11
Ghi dấu ấn với những khoảnh khắc “Sống lại tiếng yêu đầu” với đêm nhạc Michael Learns To Rock
Âm nhạc 20/11/2024 16:20
Ông hoàng K-Pop G-Dragon trở lại sau 9 năm vắng bóng tại MAMA 2024
Âm nhạc 14/11/2024 16:54