Người cựu binh già hơn 20 năm canh giấc ngủ đồng đội
Tình người phía sau phiên tòa xử người cựu binh | |
Cựu binh đánh trận Gạc Ma: Khắc khoải tìm đồng đội |
Tâm nguyện của người cựu binh già
Năm 1965, chàng thanh niên Nguyễn Văn Liễu viết đơn tình nguyện tham gia vào Tiểu đoàn 50 (đơn vị chủ lực của Tỉnh đội Bình Định), chiến đấu chống kẻ thù tại địa phương. Năm 1968, ông bị quân kẻ thù bắt và nhốt ở nhà tù An Nhơn, rồi đến Quy Nhơn. Đến tháng 7.1970, ông được đồng đội cứu thoát khỏi “địa ngục”.
Ông Liễu chăm sóc cây xanh trong khuôn viên di tích lịch sử Mộ tập thể liệt sĩ. |
Nhớ lại khoảng thời gian này, ông bùi ngùi: “Bọn chúng hành hạ chiến sĩ trong nhà giam dã man lắm. Bây giờ nhắc lại chỉ làm thêm đau lòng. Trên đầu và phía sau lưng của tôi vẫn còn hằn bao nhiêu vết thương. Đến nay, nhiều đêm trái gió trở trời, đầu tôi đau không chịu nổi”.
Hòa bình lập lại, ông Liễu xuất ngũ và được bầu làm Phó Công an xã Đập Đá. Năm 1979, ông chuyển công tác lên Phòng Công nghiệp huyện An Nhơn. Năm 1990 thì nghỉ hưu. Từ ngày đất nước thống nhất đến nay, là ngần đấy năm ông luôn canh cánh trong lòng nỗi lo về giấc ngủ của những người đồng đội đã ngã xuống. Ông luôn mong muốn một ngày nào đó được tự tay chăm sóc giấc ngủ cho đồng đội của mình. Thế rồi mong muốn ấy cũng thành hiện thực…
Vốn là cựu binh Tiểu đoàn 50, đơn vị của ông Liễu nhiều lần kề vai, sát cánh chiến đấu cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nên nhắc đến những kỷ niệm chiến tranh ông Liễu nhớ rành rọt.
Ông Liễu giọng trầm xuống: “Trên đường hành quân vào giải phóng toàn tỉnh Bình Định, khi đến vùng đất An Nhơn vào ngày 22 tháng Chạp năm Mậu Thân 1968, Tiểu đoàn 6 chạm trán phải quân địch. Dù lực lượng và hỏa lực của kẻ thù rất mạnh, gồm 2 trung đoàn bộ binh, 1 trung đoàn Mãnh Hổ (Đại Hàn), 3 tiểu đoàn của ngụy quân, nhưng các chiến sĩ của Tiểu đoàn 6 vẫn chiến đấu anh dũng, kiên cường, tiêu diệt nhiều xe tăng, máy bay trực thăng, gây tổn thất nặng nề cho quân địch. Mất mát quá nhiều khiến địch điên cuồng, tiến hành cuộc càn quét, rải bom trên quy mô lớn”.
Theo lời ông Liễu, ngày 29 tháng Chạp năm Mậu Thân, cuộc càn quét kết thúc, 154 chiến sĩ Tiểu đoàn 6 (trong đó có 151 người có quê quán ở các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa… và 3 người con quê Bình Định) đã hy sinh. Các chiến sĩ hy sinh trong trận chiến chôn chung trong một mộ ở An Nhơn.
Sau ngày giành được độc lập, thống nhất đất nước, để ghi nhớ công ơn của 154 liệt sĩ, người thân cùng người dân địa phương thường đến ngôi mộ chôn chung này để thắp hương tưởng niệm. Năm 1993, Nhà nước đầu tư sửa chữa ngôi mộ tập thể. Đến năm 2003, ngôi mộ tập thể được công nhận là Di tích lịch sử cấp tỉnh.
Qua thời gian, do nhiều hạng mục của công trình bị xuống cấp nên ngành chức năng tiếp tục huy động nguồn vốn để trùng tu, nâng cấp với số tiền 13 tỷ đồng. Tháng 7.2015, ngôi mộ tập thể chính thức được khánh thành gồm nhiều hạng mục như sửa chữa, cải tạo mộ; xây dựng mới nhà hương khói, bia di tích, tường rào, cổng ngõ, nhà lưu trú; cải tạo sân vườn… rất khang trang.
Nguyện canh giấc ngủ cho đồng đội
Năm 1993, khi ngôi mộ tập thể hoàn thành sau khi được đầu tư, sửa chữa lần đầu tiên, ông Liễu đã tự nguyện xin được chăm sóc. “Thấy nhiều trường hợp là người thân của các liệt sĩ phải 3 - 4 năm mới có dịp khăn gói, lặn lội từ ngoài Bắc vào đây thăm viếng, tôi thương lắm.
Rồi chợt nghĩ, bây giờ mình có cơ hội làm điều mà bấy lâu nay mong ước. Dù các đồng chí không cùng Tiểu đoàn nhưng đã kề vai sát cánh với nhau, bản thân mình là cựu chiến binh, cũng phải làm một việc gì đó có nghĩa để đền đáp ân tình, công lao đối với những đồng chí, đồng đội đã ngã xuống”, ông Liễu bộc bạch.
Mỗi ngày, ông Liễu đều đặn đến đây quét dọn nhà tưởng niệm, khuôn viên; tưới, tỉa cành, chăm sóc cây cảnh trồng trong khuôn viên; lau chùi các bia mộ, nhang khói và thắp đèn chiếu sáng. Có một điều ông cảm thấy vui là vợ, con đều ủng hộ và cảm thấy tự hào về việc làm của ông.
Cứ mỗi lần đến ngày rằm, mùng 1, các ngày Tết, lễ trọng đại của đất nước khi có người đến viếng, ông còn đảm trách luôn nhiệm vụ đón tiếp và “thuyết minh viên” về di tích ngôi mộ tập thể; đồng thời, bố trí chỗ ở trong nhà lưu trú cho khách nếu họ có nhu cầu ở lại qua đêm.
Ông Liễu làm điều này từ sự tự nguyện, không đòi hỏi phải trả thù lao hay bất kỳ chế độ gì cho bản thân mình, bởi ông làm vì cái tâm của một người lính. Đối với ông, công việc này là niềm vui, động lực sống của bản thân mình. Nhiều đêm khó ngủ, ông đến từng bia mộ, ngồi tâm sự với các liệt sĩ như người thân của gia đình mình. Có những hôm còn thức trắng cả đêm để kể cho các đồng đội nghe về niềm vui, nỗi buồn của cuộc sống.
“Tôi vốn xuất thân là một người lính. Ở Di tích lịch sử Mộ tập thể liệt sĩ này có đồng đội của tôi yên nghỉ. Với tôi đây là nhà của mình. Cứ hễ có việc phải đi đâu xa là tâm can tôi không yên, lúc nào cũng chỉ muốn trở về bên cạnh các anh sớm, để các anh ấy biết rằng luôn có người đồng đội già bên cạnh”, ông Liễu tâm sự.
Nhiều hôm trời mưa to, gió bão, ông Liễu không yên tâm nên lặn lội cầm đèn ra kiểm tra xem có vấn đề gì không. Những ngày Tết về, khi gia đình ai nấy đều quây quần bên mâm cơm tất niên đầm ấm, ông cũng chỉ tranh thủ về nhà một lát rồi lại ra nghĩa trang ngay vì sợ đồng đội mình thấy cô đơn, hiu quạnh khi tết đến xuân về. Sống được cống hiến cho những anh hùng liệt sĩ, ông thấy lòng mình thanh thản hơn, ấm áp hơn.
Hơn 20 năm chăm lo giấc ngủ cho các liệt sĩ, ông Liễu không nhớ rõ mình đã khóc bao nhiêu lần khi chứng kiến những cuộc trùng phùng giữa các cựu chiến binh với người nằm dưới nấm mồ, cuộc đoàn tụ giữa thân nhân với người liệt sĩ. Giở từng trang “Sổ Vàng", ông bùi ngùi chỉ cho chúng tôi biết rõ họ tên, đơn vị công tác của những người đã từng ghé qua đây.
Dù tuổi đã già, đôi chân đã mỏi, đôi mắt đã mờ dần nhưng khi được hỏi liệu có khi nào ông tính đến chuyện nghỉ ngơi, bàn giao công việc chăm sóc ngôi mộ tập thể cho người khác, thì ông Liễu nói dứt khoát: “Tôi đã gắn bó với công việc này hơn 20 năm rồi và hơn ai hết, tôi là người hiểu rõ từng bia mộ được khắc ghi ở đây. Còn sức thì tôi cứ làm”.
Chia tay ông Liễu, chúng tôi ra về, trời bắt đầu nhá nhem tối, đó cũng là lúc người cựu binh già lại tiếp tục bắt tay vào công việc thường ngày là hương khói, canh giấc ngủ dài cho đồng đội với một niềm vui, niềm hạnh phúc đơn sơ. Nụ cười của người lính già làm chúng tôi không khỏi dâng trào niềm cảm xúc.
Theo Phố Nhơn/ laodong.vn
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21