Nâng cao vị thế của Thủ đô nghìn năm văn hiến
Kinh tế tăng trưởng khá và ổn định
Vượt qua thách thức của thiên tai, dịch bệnh, cùng với sự biến động của tình hình kinh tế thế giới, thời gian qua, kinh tế xã hội của Thủ đô tiếp tục duy trì đà tăng trưởng khá và ổn định. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, ngày càng hiện đại, tỷ trọng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng - nông nghiệp năm 2017 là: 57,6% - 29,7% - 2,9%.
Diện mạo Thủ đô ngày càng khang trang, sạch đẹp |
Các yếu tố của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (thị trường vốn, bất động sản, lao động, khoa học công nghệ…) tiếp tục được hoàn thiện, thúc đẩy phát triển đồng bộ. Chủ trương sắp xếp, chấn chỉnh hoạt động của các doanh nghiệp và thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, có hiệu quả.
Kinh tế Nhà nước phát huy vai trò chủ đạo; kinh tế tập thể được củng cố; kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển mạnh, có đóng góp ngày càng quan trọng…
Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển của Vùng Thủ đô, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, ngày càng khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế của đất nước. Tuy chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,1% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp tới gần 16,5% GDP và hơn 19% về thu ngân sách của cả nước.
Báo cáo tại Hội nghị giao ban công tác tháng 8/2018 của tập thể UBND thành phố Hà Nội, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, các chỉ số tăng trưởng kinh tế chủ yếu tháng 8 đầu năm tiếp tục duy trì tăng khá và kết quả 8 tháng đều cao hơn cùng kỳ.
Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 tăng 7,2%, cộng dồn 8 tháng đầu năm tăng 7,4%. Tổng mức bán ra và doanh thu dịch vụ tháng 8 tăng 5,5%, cộng dần 8 tháng tăng 9,4% (cùng kỳ là 8,8%); Chỉ số giá tiêu dùng cao hơn so cùng kỳ, CPI trung bình 8 tháng tăng 3,76% (cùng kỳ là 3,53%).
Hà Nội sẽ phát triển theo mô hình công nghệ cao. Ảnh phối cảnh KCN cao Hòa Lạc |
Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước tăng 26,2%, cộng dồn 8 tháng đầu năm xuất khẩu đạt 9,16 tỷ USD, tăng 19,0%. Kim ngạch nhập khẩu cộng dồn 8 tháng đạt 20,03 tỷ USD, tăng 6,2%. Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đầu năm ước đạt 151,6 nghìn tỷ đồng, đạt 63,6% dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ 2017. Tổng chi ngân sách địa phương ước thực hiện 42,6 nghìn tỷ đồng, đạt 44,7% dự toán.
Với nỗ lực của các cấp, các ngành trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thời gian qua, Hà Nội đã trở thành trung tâm thu hút đầu tư của cả nước. Thống kê của sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, Thành phố đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 16.467 đơn vị vốn đăng ký là 180 nghìn tỷ đồng (tăng 0,2% về lượng và 41% về vốn).
Chỉ trong tháng 8, Thành phố đã thu hút 95 triệu USD vốn FDI (trong đó: 51 dự án cấp mới, 20 triệu USD; 16 dự án tăng vốn, 70 triệu USD; góp vốn, mua cổ phần tại 25 doanh nghiệp, vốn góp 5 triệu USD); lũy kế 8 tháng ước thu hút được 6,26 tỷ USD (tăng 3,6 lần so cùng kỳ năm 2017).
Tính đến ngày 20/8/2018, Sở Kế hoạch và đầu tư Hà Nội đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 64 dự án, vốn đầu tư 159,78 nghìn tỷ đồng, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư cho 58 dự án, trong đó điều chỉnh tăng vốn 86,33 nghìn tỷ đồng.
Trên lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, Hà Nội luôn kiên trì thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ khắc phục khó khăn với rất nhiều nhiệm vụ giải bài toán “tam nông” (nông nghiệp - nông dân - nông thôn).
Sự vào cuộc mạnh mẽ của hệ thống chính trị cùng với sự đồng thuận của người dân trong thời gian qua, những kết quả đạt được của Hà Nội hết sức đáng tự hào: Đến hết năm 2017, Hà Nội đã có 4 huyện (Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức); 294/386 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Đời sống nông dân được cải thiện rõ rệt, thu nhập bình quân hiện nay đạt 43 triệu đồng/người/năm. Nhờ vậy đã góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và mức sống giữa khu vực thành thị với các huyện ngoại thành. Bộ mặt làng quê của Thủ đô hôm nay khang trang, xanh sạch, với nhiều công trình hạ tầng mới, nhiều tuyến đường hoa mới cùng nếp sống mới.
Văn hóa - xã hội được quan tâm
Tinh thần cách mạng, hào khí tháng Tám được dấy lên trong mọi hoạt động, mọi lĩnh vực của mỗi đơn vị, địa phương trên toàn Thành phố. Phát huy những thành tích đã đạt được, những năm qua, với sự quyết liệt, đổi mới trong phương thức chỉ đạo điều hành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Trung ương giao và có đột phá trên một số lĩnh vực như: Cải thiện môi trường đầu tư; quản lý trật tự đô thị, môi trường...
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã thay đổi rõ rệt. Cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ngày càng phát huy hiệu quả; kết quả giải quyết hồ sơ đúng hạn năm 2017 đạt 97,33%. Hà Nội là địa phương đầu tiên trong cả nước triển khai thành công cơ chế “một cửa” trong cung cấp dịch vụ công tại đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước.
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI tăng liên tục từ năm 2012 (năm 2017 xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố, cao nhất từ trước tới nay); chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX hiện xếp thứ 2/63 tỉnh, thành phố.
Từ thực tiễn phát triển của mình, Đảng bộ thành phố Hà Nội vừa khẳng định vị trí quan trọng trước toàn Đảng; là thực tiễn sinh động về triển khai hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước, qua đó góp phần vào tổng kết kinh nghiệm, hình thành những chủ trương, giải pháp mới cho Đảng và Nhà nước.
Công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị tiến bộ vượt bậc, diện mạo Thủ đô ngày càng đổi mới, khang trang, văn minh, hiện đại. Hạ tầng kỹ thuật và xã hội từ đô thị đến nông thôn phát triển theo hướng đồng bộ, cơ bản đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đòi hỏi cấp bách của quá trình đô thị hóa nhanh.
Thành phố đang chỉ đạo tích cực hoàn thiện các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đô thị và quy hoạch chi tiết. Công tác trang trí, chiếu sáng đô thị được đổi mới, tạo diện mạo mới cho đường phố Thủ đô và vận hành an toàn liên tục. Thành phố áp dụng công nghệ, thiết bị hiệu suất cao; thay thế dần các thiết bị tiết kiệm điện, quản lý hệ thống chiếu sáng tập trung, điều khiển tự động.
UBND Thành phố đã chỉ đạo các cơ quan chức năng ra quân duy trì trật tự đô thị một cách bền vững; triển khai dự án ứng dụng trông giữ xe qua điện thoại di động iParking trên địa bàn quận Hoàn Kiếm; rà soát, kiểm tra các bãi đỗ xe, kiên quyết xử lý “xe dù, bến cóc”, các bãi đỗ xe không đúng quy định; xử lý nghiêm hoạt động quảng cáo, rao vặt trái phép, gây mất mỹ quan đô thị; kiểm tra, đôn đốc, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự an toàn giao thông, trật tự đô thị, trật tự công cộng lòng đường, hè phố và các điểm trông giữ phương tiện; tiếp tục sắp xếp các đường dây, cáp đi nổi trên các tuyến phố; duy trì thường xuyên hệ thống hạ tầng giao thông ...
Văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; đến cuối năm 2017, tỷ lệ hộ nghèo còn 1,69% theo chuẩn mới. Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, thực hiện chính sách xã hội, nhất là chính sách người có công được quan tâm thực hiện chu đáo, kịp thời, đảm bảo đúng chính sách của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực vào việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thủ đô.
Theo Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong 7 tháng đầu năm 2018, Thành phố đã quyết việc làm được cho 98.959 người; đào tạo nghề cho 44.000 lượt người. Công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, đảng viên không ngừng được quan tâm với nhiều hoạt động sáng tạo, thiết thực, chủ động bổ sung, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ cho hệ thống chính trị Thành phố. Các cấp, các ngành của Thành phố cũng luôn quan tâm chú trọng lắng nghe, tiếp thu, điều chỉnh những vấn đề nhân dân và các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh vì sự phát triển bền vững và ổn định của thành phố và lợi ích chung của nhân dân…
Thấu suốt quan điểm văn hóa là nền tảng tinh thần xã hội, vừa là mục tiêu, động lực phát triển, Hà Nội luôn quan tâm chăm lo giữ gìn, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phong phú, đa dạng để quá trình hòa quyện, kết tinh, lan tỏa thấm sâu vào đời sống xã hội. Tỷ lệ tổ dân phố, làng, gia đình văn hóa tăng; tổ chức việc cưới, việc tang ngày càng phù hợp với nếp sống văn minh.
Đặc biệt, năm 2017, thành phố triển khai 2 Quy tắc ứng xử văn hóa ở các cơ quan và nơi công cộng, được đông đảo cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân hưởng ứng thực hiện. Một số di sản đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới (Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, hội Gióng đền Phù Đổng và đền Sóc, 82 bia tiến sĩ triều Lê - Mạc...; Văn Miếu - Quốc Tử Giám được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt...).
Sự nghiệp giáo dục, y tế, thể thao của Thành phố luôn nằm trong tốp đầu của đất nước. Đây cũng là tiền đề quan trọng để Thủ đô Hà Nội vừa vinh dự được Chính phủ giao là địa phương đăng cai tổ chức SEA Games 31 và Para Games 11 năm 2021... Đặc biệt bầu không khí phấn khởi, đồng thuận trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Thủ đô đã lan tỏa trong xã hội, khẳng định niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, của Đảng bộ, chính quyền Thành phố.
Vị thế không ngừng được nâng cao
Quá trình hội nhập của đất nước ngày càng sâu rộng gắn liền với nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mở rộng giao lưu hội nhập quốc tế... đặt ra nhiều yêu cầu mới. Những đòi hỏi này luôn được Thành phố tập trung thực hiện hiệu quả, khẳng định vị thế là trung tâm lớn của đất nước.
An ninh chính trị được giữ vững; trật tự xã hội được bảo đảm; bảo vệ an toàn tuyệt đối các mục tiêu, công trình trọng điểm, hàng nghìn sự kiện chính trị lớn của đất nước và các hoạt động quốc tế mỗi năm; giải quyết thành công các tình huống phức tạp phát sinh; làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch.
Phát huy tinh thần và hào khí Cách mạng Tháng Tám, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội một lòng chung tay xây dựng Thành phố phát triển không ngừng, nhờ đó vị thế của Thủ đô và đất nước được nâng cao trên trường quốc tế. Thống kê đến nay, Hà Nội đã thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với hơn 100 thủ đô, thành phố của các nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Năm 2010, Thành phố tổ chức thành công Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được dư luận trong nước, quốc tế đánh giá cao. Với tinh thần “Cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước”, Thành phố đã chủ trì và phối hợp tổ chức nhiều hội nghị hợp tác với các địa phương trong nước, thực hiện tích cực các nội dung hợp tác phát triển…
Lượng khách quốc tế đến và lưu trú ở Hà Nội ngày càng tăng. Theo thống kê của Sở Du lịch Hà Nội, từ đầu năm đến nay, khách đến Hà Nội đạt 17,63 triệu lượt, tăng 9,08%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 51,28 nghìn tỷ đồng, tăng 7,12%. Chỉ tính trong tháng 8/2018, khách đến Hà Nội ước đạt 2,27 triệu lượt, tăng 8,22%, trong đó: khách quốc tế 458,3 nghìn lượt, tăng 13% (có lưu trú là 330 nghìn lượt, tăng 14%).
Với những đặc trưng của mùa thu, ngành du lịch Thủ đô kỳ vọng sẽ tiếp tục đón tiếp hàng triệu lượt khách từ nay đến cuối năm. Những kết quả đó không chỉ là minh chứng rõ nét thể hiện sự hấp dẫn của Thủ đô nghìn năm văn hiến, mà còn khẳng định sự yên bình, đáng sống của thành phố “Vì hòa bình”.
Với thành quả lớn lao đã đạt được, có thể nói Cách mạng tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị. Hào khí tháng Tám vẫn luôn là động lực tinh thần vô giá mãi mãi cổ vũ Đảng bộ, nhân dân Thủ đô Hà Nội vượt qua mọi khó khăn, kiên định với con đường Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn để vững bước trên con đường đổi mới.
Hoàng Phúc
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59