Khởi nghiệp từ “tiếng gọi” làm nông nghiệp sạch
Hà Nội: Từng bước xây dựng nền sản xuất nông nghiệp sạch | |
Lấy công nghệ cao làm “chìa khóa vàng” chinh phục nông nghiệp sạch |
Diện mạo xã nông thôn mới Đại Áng đang ngày càng “thay da đổi thịt” với cơ sở hạ tầng hoàn thiện, những tuyến đường nở hoa và rợp bóng cây xanh, cùng với đó, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao được đầu tư phát triển đã góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương và nâng cao đời sống người dân.
Trong đó, có những mô hình sản xuất nông nghiệp tiêu biểu như của anh Nguyễn Đại Đồng, với diện tích đất mà đối tác và anh thuê trên 3.000 m2, chăn nuôi nhiều loại gia súc, gia cầm và trồng trọt các giống rau theo mùa bằng phương pháp canh tác hữu cơ. Mô hình này đã và đang cho thấy hiệu quả khi toàn bộ sản phẩm nông nghiệp xuất ra đều là sản phẩm sạch, được sự tin dùng của người dân, lợi nhuận thu về hàng trăm triệu đồng/năm.
Anh Đồng bên những giò lan đột biến gien. |
Đến với trang trại của anh, ấn tượng đầu tiên đối với khách tham quan đó là không khí trong lành, không mùi thuốc bảo vệ thực vật, các luống rau, chậu hoa tươi tốt, các đàn gia súc, gia cầm như lợn rừng, gà, vịt… phát triển khỏe mạnh. Ngoài ra, với diện tích một ao cá giống gần 2.000 m2, cứ hai tháng một lần, trang trại của anh lại cung cấp cho các hộ chăn nuôi lân cận hàng tấn cá giống các loại, đem về thu nhập cả chục triệu đồng.
Cạnh đó, tại trang trại, anh Đồng cũng đang đầu tư mua giống, trồng và kinh doanh các loại hoa lan đột biến gien với mục đích tận dụng tối đa các điều kiện sẵn có để phát triển kinh tế. Anh Đồng chia sẻ, để phát triển trang trại, anh và đối tác chỉ bỏ ra một số vốn ban đầu để mua con giống, sau đó sẽ phát triển theo hướng tự cung tự cấp. Ví như, đối với gà, vịt, anh đầu tư máy ấp trứng để không phải mua giống cho những lứa tiếp theo hay như đàn lợn rừng, anh cũng chỉ cần đầu tư lợn giống, từ đó nhân lên thành nhiều đàn lợn mới.
Theo anh Đồng, với mục đích làm nông nghiệp sạch để cung ứng cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn nên trong trồng trọt, anh tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng. Thay vào đó, để trồng trọt đạt hiệu quả, anh Đồng đã sử dụng nhiều biện pháp cải tạo đất trồng, làm cho đất luôn tươi xốp, giàu dinh dưỡng. Khi cây trồng bị các loài sâu hại tấn công, anh sử dụng các bài thuốc dân gian để bảo vệ cây như dùng rượu ngâm với tỏi, ớt để phun cho cây…Trong chăn nuôi, anh Đồng cũng chú trọng đảm bảo các biện pháp chăn nuôi an toàn như tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn, gà, vịt. Với thức ăn cho gia súc, gia cầm đều là những thức ăn có sẵn như chuối, bèo tây pha trộn với cám theo tỷ lệ hợp lý.
Mặc dù luôn bộn bề với công việc để phát triển kinh tế gia đình nhưng anh Đồng vẫn dành thời gian và nhiệt huyết của tuổi trẻ để tham gia các công tác xã hội tại địa phương. Với năng lực và sức trẻ của mình, anh Đồng đã tham gia đảm nhiệm các vị trí tại địa phương như: Bí thư chi đoàn; Trung đội trưởng Dân quân cơ động; Công an viên… Dù ở vị trí nào, anh cũng luôn hết lòng với công việc, nhiệt tình, trách nhiệm, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Với những thành tích đã đạt được, năm 2014, anh Đồng vinh dự được Công an thành phố Hà Nội tặng Giấy khen vì đã có thành tích trong việc phát hiện và bắt giữ đối tượng trộm cắp tài sản. Nhiều năm liền anh được biểu dương là Bí thư chi đoàn xuất sắc cấp huyện… Ngoài ra, anh Đồng cũng tích cực tham gia hoạt động hiến máu tình nguyện. Tính đến nay, anh đã được Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tặng nhiều Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác hiến máu tình nguyện. |
Chia sẻ về ý tưởng làm trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, anh Đồng cho biết: “Hiện tôi đang là nhân viên cho một đơn vị, do làm việc theo ca, có nhiều thời gian rảnh rỗi, thêm vào đó, nhận thấy nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm sạch của người tiêu dùng ngày càng cao; đặc biệt là hưởng ứng tinh thần, lời kêu gọi của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung về việc tăng cường trồng cây xanh, phát triển nông nghiệp sạch nên tôi đã quyết định cùng một vài anh em thuê đất để đầu tư phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp sạch.
Trước là để đáp ứng nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của gia đình và hướng tới mở rộng cung ứng cho đông đảo người tiêu dùng”. Quan sát anh Đồng tự tay vớt bèo, thái chuối, pha trộn thức ăn cho gia súc, gia cầm, chúng tôi còn nhận thấy một trong những động lực lớn nhất để anh hiện thực hóa ý tưởng đó chính là tình yêu, niềm hăng say với lao động và đam mê với nông nghiệp sạch.
Hơn hai năm cùng đối tác phát triển trang trại sản xuất nông nghiệp sạch, anh Đồng không chỉ áp dụng các kiến thức về chăm sóc cây trồng được tích lũy trong khoảng 2 năm từng theo học tại Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội… mà anh còn chủ động ứng dụng công nghệ thông tin để trau dồi kiến thức, học hỏi kinh nghiệm về lĩnh vực mình đang quan tâm. “Ngoài việc áp dụng kiến thức, kinh nghiệm qua thực tiễn học tập và làm việc, tôi cũng luôn chủ động xem các chương trình về phát triển nông nghiệp để tham khảo, kết hợp ưu điểm của các mô hình vào trang trại của mình. Đồng thời, tôi tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội để học hỏi, trao đổi phương pháp, kinh nghiệm trồng trọt, chăn nuôi đối với từng giống cây trồng, vật nuôi nhằm mục đích đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất” – anh Đồng nói.
Giai đoạn đầu phát triển trang trại, anh Đồng đã gặp không ít khó khăn khi mà kinh nghiệm còn thiếu, gia súc, gia cầm bị dịch bệnh, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Nhưng với ý chí quyết tâm, tinh thần ham học hỏi để áp dụng các phương pháp chăn nuôi, trồng trọt tiến bộ, cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ về mọi mặt của chính quyền địa phương đã giúp trang trại của anh và đối tác dần đi vào ổn định phát triển sản xuất.
“Tôi mong rằng, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để những người bắt đầu khởi nghiệp nghề nông như tôi được tham gia các lớp tập huấn về trồng trọt, chăn nuôi, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất nông nghiệp đã thành công. Đồng thời, tạo điều kiện cho tôi phát triển trang trại với quy mô lớn hơn để đẩy mạnh sản xuất và đáp ứng nhu cầu sử dụng nông sản, thực phẩm sạch ngày càng cao của người tiêu dùng. Từ đó, phát triển kinh tế gia đình và góp phần vào sự phát triển chung của địa phương” – anh Đồng bày tỏ.
Mai Quý
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Tin khác
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10