Có nên lập “Bộ Phụ nữ”?
Tại cuộc họp ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 20/1, các đại biểu chưa thống nhất được quan điểm về việc có nên quy định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ của các bộ, cơ quan ngang bộ vào dự thảo Luật tổ chức Chính phủ hay không.
Ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho biết nhiều ý kiến tán thành quy định về cơ cấu tổ chức của Chính phủ như trong dự thảo luật và đề nghị không ghi rõ số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần xác định cụ thể số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ ngay trong luật. Ý kiến này cho rằng, hiện nay các lĩnh vực quản lý nhà nước đều đã được xác định rõ nên cần phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ phụ trách để bảo đảm tính ổn định cho bộ máy Chính phủ. Hơn nữa, trong Luật tổ chức Quốc hội cũng xác định cụ thể số lượng, tên gọi và nhiệm vụ cụ thể của Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội rồi.
Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ như dự thảo và căn cứ vào tình hình cụ thể, trong một giai đoạn cụ thể, Quốc hội sẽ quyết định cơ cấu của Chính phủ gồm bao nhiêu bộ, cơ quan ngang bộ là những bộ, cơ quan ngang bộ nào và không quy định cứng tên các bộ, cơ quan ngang bộ trong luật.
“Không quy định cứng số lượng các bộ, cơ quan ngang bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý để xây dựng một Chính phủ năng động, linh hoạt, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, quản lý xã hội, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trong đời sống kinh tế - xã hội; bảo đảm sự chủ động của Chính phủ khi cần thiết phải điều chỉnh cho phù hợp với yêu cầu của từng thời kỳ”- ông Lý phân tích thêm.
Theo ông Lý, nếu quy định “cứng” số lượng và tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ sẽ làm cho dự thảo luật khó có tính khả thi và không bảo đảm tính ổn định lâu dài. Thực tiễn hoạt động Quốc hội cho thấy, từ đầu nhiệm kỳ của mỗi khóa Quốc hội, Quốc hội sẽ quyết định số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ bằng hình thức ra nghị quyết của Quốc hội. Cách thức này được thực hiện cho đến nay vẫn chưa có vướng mắc nào. Nếu quy định “cứng” số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ trong dự thảo luật thì sẽ phải sửa đổi luật tại mỗi đầu nhiệm kỳ khi có sự thay đổi về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ. Trên thế giới hiện nay cũng có rất ít quốc gia quy định cụ thể về số lượng, tên gọi của các bộ, cơ quan ngang bộ.
Không đồng tình, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết các đại biểu Quốc hội khi thảo luận rất băn khoăn về việc có bao nhiêu bộ, tại sao không quy định rõ luôn vào dự thảo luật.
“Tùy theo tình hình thực tế từng giai đoạn thì có thể thêm hoặc bớt, loại bỏ bộ nào đó. Chính sự ổn định đó của luật pháp giúp ổn định luật của chúng ta. Nếu chỉ quy định Chính phủ gồm các các bộ và cơ quan ngang bộ thì không rõ ràng lắm, đại biểu thắc mắc là gồm những bộ nào ?. Các bộ Tài chính, Quốc phòng, Công an, Ngoại giao rõ ràng, ổn định rồi thì sao không ghi rõ vào, còn bộ nào băn khoăn thì có một điều để điều chỉnh thì có phải luật đàng hoàng không ?”- ông Hiển bày tỏ.
Danh tính của Thủ tướng phải chờ tới phút chót
“Có cần quy định cụ thể ngay trong luật Chính phủ có bao nhiêu bộ không, hay chỉ quy định nguyên tắc?. Hiến pháp nói Chính phủ do Quốc hội quyết định”- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội phân tích, Thủ tướng Chính phủ nếu muốn từ 15 bộ xuống còn 10 bộ chẳng hạn thì phải trình ra Quốc hội quyết định, nếu Quốc hội đồng ý thì mới được thực hiện. Nếu Thủ tướng muốn nâng từ 10 bộ lên 15 bộ chẳng hạn mà Quốc hội nói việc này làm tăng rất nhiều biên chế, không chấp nhận, thì không được thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội, danh tính của Thủ tướng Chính phủ phải “chờ tới phút chót” mới biết được, dù trước đó đã phải trải qua nhiều giai đoạn, quy trình.
“Mới biết Thủ tướng hôm trước, hôm sau Thủ tướng đã phải điều hành Chính phủ mới ngay rồi mà quy định thế thì cấp tập quá, và vì cấp tập quá như thế thì hay ngẫu hứng. Quy định cứng trong luật có bao nhiêu bộ, bộ gì, khi cần thay đổi, làm thêm hay bớt đi thì đến lúc đó Quốc hội lại quyết định thì cũng có cái hay của nó. Tôi đề nghị các đồng chí suy nghĩ, tính toán thêm về vấn đề này”- Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Trong khi đó, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết Việt Nam hiện nay không có bộ nào quản lý phụ nữ, trong khi các nước đều có bộ phụ nữ nên cần tính toán, xem xét tới việc này.
Thủ tướng phải báo cáo trước Nhân dân
Theo ông Phan Trung Lý, có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể hơn trong dự thảo luật trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ; đề nghị quy định mỗi quý một lần, Thủ tướng Chín phủ báo cáo trước nhân dân thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện nào thì do Chính phủ quyết định.
“Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận thấy việc luật hóa chi tiết quy định tại khoản 6 Điều 98 của Hiến pháp về chế độ báo cáo trước Nhân dân của Thủ tướng Chính phủ là cần thiết. Thường trực Ủy ban pháp luật nhận thấy, dự thảo luật đã có quy định về trách nhiệm báo cáo của Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước và Nhân dân tại Điều 25 dự thảo trình Quốc hội. Việc báo cáo của Thủ tướng Chính phủ là định kỳ hoặc đột xuất theo vấn đề phát sinh. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị được giữ như dự thảo”- ông Lý cho biết.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Ksor Phước cho biết khi “rà” lại Hiến pháp ở các Điều 96 và Điều 98, ông nhận thấy có những nội dung của Chính phủ nhưng tại dự thảo luật này lại được đưa vào quy định cho Thủ tướng là không đúng. “Quyết định tổng biên chế công chức, sự nghiệp không thể là của Thủ tướng được, mà phải là của Chính phủ. Mặc dù Thủ tướng ký việc ấy nhưng là thay mặt Chính phủ để ký thôi”- ông Ksor Phước nói.
Theo Thế Kha/ Dân trí
Nên xem
Tổ chức thành công Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số thành phố Hà Nội lần thứ IV
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Tăng cường các biện pháp phòng lây nhiễm sởi trong bệnh viện
Xem trực tiếp chung kết Miss Universe 2024 ở đâu?
Cơ quan Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội: Phong trào thi đua “Người tốt, việc tốt” luôn thực chất, hiệu quả
Thị xã Cửa Lò nhập vào Thành phố Vinh từ ngày 1/12/2024
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Tin khác
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Sự kiện 04/11/2024 22:07
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Sự kiện 04/11/2024 21:44
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Sự kiện 04/11/2024 21:37
Đại biểu Quốc hội: Cần nghiêm trị hành vi phá hoại môi trường dù là nhỏ nhất
Sự kiện 04/11/2024 16:33
Đại biểu đề xuất quan tâm đào tạo nghề, nâng cao chất lượng lao động
Sự kiện 04/11/2024 16:19
Đại biểu Quốc hội: Không tăng lương khu vực công, nhưng phải tăng lương hưu và trợ cấp cho người có công
Sự kiện 04/11/2024 15:06