Chùa cổ và những bí ẩn về xá lợi phật
Du ngoạn ở ngôi chùa có loài sen khổng lồ | |
Cung rước xá lợi Phật chào mừng Phật đản |
Bí ẩn trong ngôi chùa cổ
Từ trung tâm thành phố Hà Nội đi theo Quốc lộ 1 khoảng 24 - 25km, đến thị trấn Thường Tín, rẽ phải theo con đường chạy giữa cánh đồng khoảng vài cây số là đến chùa Đậu. Không có cảnh hương khói nghi ngút như ở các ngôi chùa khác, chùa Đậu hết sức vắng vẻ vào ngày thường. Tam quan chùa trước là một gác chuông tuyệt đẹp, hai tầng tám mái cong vút (hiện Tam quan đã xuống cấp và đang được sửa chữa). Nhiều bộ phận gỗ được chạm khắc hình rồng, phượng và hoa lá tinh xảo.
Cổng tam quan chùa Đậu trước khi được tu bổ lại |
Vào ngày thường, chùa Đậu chẳng có du khách nào, chỉ có vài phụ nữ trong hội người cao tuổi của làng làm công tác trông xe trước lối vào chùa. Không có hàng rong quấy rầy, cũng không có "cò thần thánh" bao vây, cổ tự tĩnh mịch, khác lạ…Chiều muộn, chỉ có tiếng chuông chùa văng vẳng khiến chúng tôi cảm thấy thanh thản như quên hết bụi trần.
Theo sử sách ghi lại, chùa Đậu nằm ở thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi (Thường Tín). Tương truyền, vị trí chùa Đậu trước đây có dáng hình tựa một bông hoa sen đang tỏa sáng. Người xưa cho rằng, hoa sen là nơi đất Phật vì thế họ đã lập chùa tại đây và đặt tên là Thành Đạo Tự, đồng thời rước Đại Thánh Pháp Vũ Bồ Tát về thờ nên gọi là Pháp Vũ Tự.
Nhục thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Trường sau khi được tu bổ và được bảo quản trong tủ kính. |
Ngoài việc nổi tiếng bởi sự linh thiêng, chùa Đậu còn nổi tiếng bởi vẻ trầm mặc, uy nghi của một ngôi chùa cổ. Từ xa xưa, đã từng có nhiều vua, chúa lui tới lễ bái, cầu cho quốc thái dân an…Đặc biệt, khi các triều đại phong kiến mở khoa thi tuyển chọn nhân tài, trước khi vào kinh đô ứng thí, các sĩ tử đều đến đây thắp hương, khấn Phật cầu nguyện đăng khoa, công danh rạng rỡ.
Bởi thế, chùa Đậu không chỉ cổ kính, mà còn là ngôi chùa lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị to lớn về mặt tâm linh như: Quả chuông đúc năm Cảnh Thịnh thứ 9 (1801) thời nhà Tây Sơn, chiếc khánh đồng đúc năm 1774. Ngoài ra, chùa còn có hai tấm biển gỗ sơn son thiếp vàng khắc bài thơ nôm của chúa Trịnh Căn (1682 – 1709) và chúa Trịnh Cương (1709 – 1792…
Nhục thân xá lợi thiền sư Vũ Khắc Minh được bảo quản trong tủ kính |
Ngoài việc lưu giữ nhiều tài liệu quý, linh thiêng, chùa Đậu còn nổi tiếng và thu hút sự quan tâm của du khách bởi là nơi lưu giữ nhục thân xá lợi của 2 vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường. Theo thông tin được PGS.TS Nguyễn Lân Cường, người phát hiện ra toàn thân xá lợi của hai vị thiền sư trong một lần đến kiểm tra và tu bổ chùa Đậu đưa ra, nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư này có niên đại gần 400 năm và đây là một hình thức thiền táng.
Mặc dù đã có những nghiên cứu, đánh giá khá kỹ, nhưng phương pháp thiền táng vẫn là một trong những bí ẩn lớn chưa có lời giải đáp thấu đáo. Bởi, điều kỳ lạ mà các nhà khoa học vẫn chưa thể lý giải đó là, vì sao phủ tạng và da thịt của các vị thiền sư không bị thối rữa, trong khi nghiên cứu không thấy xuất hiện bất kỳ một thủ thuật ướp xác nào? Và đây cũng là một trong những bí ẩn khiến cho sự tồn tại xá lợi nhục thân của hai vị thiền sư ở chùa Đậu, vẫn luôn thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học và phật tử bốn phương.
Xá lợi – bí ẩn chưa được giải mã
Có thể nói, ở Hà Nội chuyện xá lợi phật toàn thân không chỉ xuất hiện ở chùa Đậu, mà theo tư liệu để lại, tại chùa Thầy hay còn gọi là Phúc Thiên Tự thuộc (xã Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội) cũng xuất hiện xá lợi phật của thiền sư Từ Đạo Hạnh – Theo Đại Đức Thích Trường Xuân (trụ trì chùa Phúc Thiên Hạ - chùa Thầy gồm 3 tòa là chùa Hạ, Trung và Thượng) cho biết, việc thiền sư Từ Đạo Hạnh sau khi thác có để lại xá lợi hay không thì đến nay vẫn chưa có câu trả lời chính xác.
Tuy nhiên, theo tư liệu để lại, sau khi thác 300 năm thì nhục thân của ngài đã được hóa và người dân địa phương dùng tro cốt của thiền sư bỏ vào trong lòng bức tượng gỗ. Bức tượng ấy đến nay vẫn được bảo quản rất cẩn thận, hàng năm chỉ có một ngày (ngày 7/3 âm lịch), nhà chùa mới được phép tắm rửa cho bức tượng…
Nói vậy để thấy rằng, không phải đến bây giờ xá lợi của các vị thiền sư mới được các nhà khoa học và các phật tử quan tâm. Trước đó hàng nghìn năm, xá lợi phật đã xuất hiện và những điều bí ấn xung quanh xá lợi cho đến ngày nay vẫn chưa có được lời giải đáp thỏa đáng.
Chùa Đậu với lối kiến trúc, chạm khắc tinh xảo |
Vậy xá lợi phật là gì? Lý giải về điều bí ấn của xá lợi phật, Đại Đức Thích Chơn Phương, trụ trì chùa Viên Đình (Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội) ngôi chùa hiện lưu giữ nhiều xá lợi phật nhất Việt Nam cho biết, xá lợi theo phiên âm tiếng Phạn Sarira, nghĩa đen là “những hạt cứng”. Xá lợi không phải là vật gì xa lạ đối với chúng ta, tuy nhiên không phải ai cũng đủ duyên lành được chiêm ngưỡng xá lợi Phật.
Cũng theo Đại Đức Thích Chơn Phương, trên thế giới hiện xá lợi toái thân có nhiều, nhưng xá lợi toàn thân thì rất hiếm. Ở Việt Nam, nhiều vị thiền sư sau khi thác đã để lại xá lợi, ngay như Phật Hoàng Trần Nhân Tông sau khi bỏ ngai vàng xuất gia, khi thác ngài cũng để lại toái thân xá lợi là những viên ngọc.
Hay như “Bồ tát” Thích Quảng Đức “thiêu thân phát nguyện trái tim bất diệt” và hiện nay trái tim của người vẫn còn được lưu giữ. Điều đó có thể thấy, xá lợi phật có thể là nhục thân, toái thân, là những viên ngọc, trái tim, tóc, răng…
Thông thường, xá lợi thường xuất hiện với hình dạng như những viên ngọc trai hay đá quý nhiều màu sắc, long lanh như ngọc, rắn chắc như kim cương, búa đập không vỡ, lửa thiêu không cháy và thu được sau lễ trà tỳ (hỏa thiêu). Đây là sự kết tinh kỳ diệu của sự thành đạt tâm linh, sự phát triển tột cùng của hạnh từ bi và trí tuệ.
Để giải thích cho sự tồn tại những viên xá lợi, đến nay vẫn tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau. Các nhà xã hội học cho rằng, đó là do thói quen ăn chay, thường xuyên sử dụng một khối lượng lớn chất xơ và chất khoáng, quá trình tiêu hóa và hấp thu rất dễ tạo ra các muối phosphate và carbonate.
Những tinh thể muối đó tích lũy dần trong các bộ phận của cơ thể và cuối cùng biến thành xá lợi. Tuy nhiên, giả thuyết này không đủ sức thuyết phục. Bởi lẽ, số người ăn chay trên thế giới nhiều vô kể nhưng không phải ai khi hỏa táng cũng sinh xá lợi. Trong khi đó, số người theo đạo Phật cũng không phải ít, nhưng tín đồ bình thường đó khi hỏa thiêu cũng không thu được xá lợi.
Trong khi đó, một số nhà khoa học lại cho rằng, có thể xá lợi là một hiện tượng có tính bệnh lý, tương tự như bệnh sỏi thận, sỏi bàng quang, sỏi mật… Nhưng giả thuyết này cũng không thuyết phục vì sau khi đưa xác đi thiêu, trong phần tro của những người mắc các chứng bệnh trên không phát hiện xá lợi.
Mặt khác những cao tăng có xá lợi thường sinh thời rất khỏe mạnh, tuổi thọ cũng rất cao. Thế nên, hiện giờ nhiều người nghiêng về quan điểm cho rằng xá lợi là kết quả của quá trình tu hành khổ luyện, tu dưỡng đạo đức. Vì thế, xá lợi chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện.
Huyền tích hai vị thiền sư để lại xá lợi ở chùa Đậu
Trở lại với câu chuyện của hai vị thiền sư ở chùa Đậu là thiền sư Vũ Khắc Trường và Vũ Khắc Minh. Sau khi hai vị thiền sư viên tịch đi vào cõi Niết Bàn và để lại toàn thân xá lợi, đến nay, cho dù thế giới đã có những bước phát triển vượt trội về Khoa học kỹ thuật, song vẫn chưa thể tìm ra câu trả lời vì sao da thịt các vị thiền sư lại không bị thối rữa.
Trong khi đó, họ không sử dụng bất kỳ một chất nào để ướp xác. Điều này không chỉ là những hiện tượng bí ẩn đối với các nhà khoa học trong nước, mà còn đối với cả các nhà khoa học trên thế giới.
Về huyền tích hai vị thiền sư, theo tư liệu để lại cho thấy, thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường là hai thầy trò, đồng thời cũng là hai chú cháu. Ngay từ nhỏ hai vị thiền sư đã vào chùa Đậu để tu hành, tụng kinh siêu độ cho nhân dân. Năm 1693, biết số đã tận, thiền sư Vũ Khắc Minh đã mang theo một chum nước, một chum dầu thắp sáng và ngồi vào trong am để tụng kinh.
Thiền sư dặn các đệ tử, “Sau 3 tháng 10 ngày nếu không nghe thấy tiếng gõ mõ tụng kinh nữa mới được mở cửa am ra. Nếu thi thể của ta còn nguyên vẹn thì lấy sơn ta bả lên người, còn nếu đã bị hôi thối thì dùng đất lấp am”. Hết 3 tháng 10 ngày, nghe lời thầy các phật tử mở cửa am và thấy thiền sư vẫn ngồi theo thế nhập thiền, có mùi thơm, sau đó họ đã mặc cho ngài một lớp áo bằng sơn ta.
Khoảng 10 năm sau, khi biết số mệnh mình đã hết, thiền sư Vũ Khắc Trường cũng vào am gõ mõ, tụng kinh rồi hóa một cách lạ lùng như vậy. Ngày nay, câu chuyện về hai vị thiền sư chùa Đậu đến cõi Niết Bàn trong tư thế ngồi thiền và bất tử trong điều kiện bình thường thì bất kỳ ai ở làng Giang Phúc, xã Nguyễn Trãi, cũng như các vị sư thầy tu tại chùa Đậu đều rõ và kể lại một cách rành rọt. Bởi thế, nhục thân xá lợi của hai vị thiền sư để lại được coi như quốc bảo thiêng liêng và nhận được sự cung kính như đức Phật sống.
Vào năm 1983, do bị trận lụt lớn nên một trong hai pho tượng bị hư hỏng nặng. Để tu bổ hai pho tượng chứa xá lợi toàn thân này, năm 2003 PGS.TS Nguyễn Lân Cường đã cùng các nghệ nhân, họa sĩ đã tiến hành tu bổ lại. Trong quá trình tu bổ, các nhà khoa học đã tiến hành đo đạc và chụp X - Quang xương đùi, xương chày, xương đòn và răng, qua nghiên cứu các xương này còn khá nguyên vẹn nhưng sắp xếp hơi lộn xộn.
Hiện tại, hai vị thiền sư đầy huyền thoại đã được tu bổ thành công và yên vị trong ngôi nhà tổ, được bảo quản kỹ càng trong tủ kính với môi trường khí ni - tơ đậm đặc. Với sự bảo quản kỹ lưỡng, nhục thân hai vị thiền sư sẽ là bất hoại và câu chuyện về xá lợi phật cho đến tận ngày nay vẫn mang đầy huyền bí, linh thiêng và chưa có lời giải.
Đỗ Đạt
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Văn hóa 23/12/2024 11:33
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 2: Văn hóa như cái phễu, cần thời gian gạn đục khơi trong
Văn hóa 21/12/2024 13:40
Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Một năm bội thu
Văn hóa 21/12/2024 10:20
"Con đường lịch sử": Bức tranh sử thi về 80 năm Quân đội anh hùng
Văn hóa 20/12/2024 16:54
Hội hoa xuân Ất Tỵ 2025 TP.HCM có chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân an hòa”
Văn hóa 20/12/2024 15:49
Đám cưới xưa và nay: Kỳ 1: Cốt lõi trong hôn nhân chính là hạnh phúc của con người
Văn hóa 20/12/2024 15:17
Điểm sáng của bức tranh Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thủ đô năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 20:42
Dấu ấn ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch năm 2024
Văn hóa 18/12/2024 12:11
Múa rối nước: Giữ hồn dân tộc trong đời sống đương đại
Văn hóa 17/12/2024 20:05
Trưng bày chuyên đề "Gan vàng dạ sắt": Kết nối và truyền cảm hứng cho giới trẻ
Văn hóa 17/12/2024 09:40