Bộ GTVT có bỏ qua các dự án BOT?
Mạnh tay xử lý
Phí đường bộ cứ đóng, song nhiều tuyến đường vẫn xuống cấp gây bức xúc trong dư luận. Để hạn chế tình trạng này, mới đây Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư số 52/2013/TT-BGTVT quy định về quản lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2014. Thông tư quy định: Trường hợp vi phạm chất lượng ảnh hưởng đến ATGT nhưng không được khắc phục kịp thời, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ký kết hợp đồng dự án quyết định đình chỉ việc khai thác công trình, đình chỉ thu phí nếu cần thiết cho đến khi doanh nghiệp dự án hoàn thành việc khắc phục vi phạm chất lượng và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông, an toàn công trình.
Đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây làm ăn gian rối.
Thực tế tại nước ta cho thấy nhiều con đường được đơn vị thi công theo tiến độ rùa hoặc vắt chân về đích sao cho kịp tiến độ, còn chất lượng biết không ổn vẫn để đó tính sau. Bằng chứng gần đây là chuyện trước thời điểm thông xe (ngày 28/12), dự án đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây bị phát hiện kém chất lượng thi công hạng mục móng cột hộ lan, tại một số vị trí trên tuyến thuộc gói thầu số 3 của dự án, đang là điển hình cho sự làm ăn gian rối trên. Kết quả, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông (Bộ Giao thông Vận tải) và Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) đã tiến hành xử lý trách nhiệm, các cá nhân và tập thể có liên quan. Ngay cả VEC, với tư cách là chủ đầu tư cũng bị xử lý trách nhiệm tập thể, còn trách nhiệm cá nhân đã tiến hành kỷ luật khiển trách ông Phạm Hồng Quang - Phó tổng giám đốc VEC.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường: Chúng ta có trên 17.000 km tuyến quốc lộ và trên 50.000 km là tỉnh lộ và huyện lộ. Và số tiền chúng tôi tính toán bảo trì hàng năm cần thiết tối thiểu là 20.000 tỷ đồng trong khi ngân sách hàng năm chỉ cấp được 3.000-4.000 tỷ đồng, và thu qua đầu phương tiện như năm nay là 5.000 tỷ đồng. Cũng chỉ đáp ứng được 1/3 và chủ yếu phục vụ cho các tuyến đường không phải là BOT. |
Trước đây, Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông cũng tiến hành xử lý vụ trải thảm nhựa đường trong khi trời đang mưa to ở Hà Tĩnh. Trong công văn được Cục gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư dự án kiểm tra thông tin, chỉ đạo Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát và nhà thầu khắc phục triệt để các sai phạm gồm: Bóc bỏ toàn bộ phần diện tích mặt đường bê-tông nhựa thi công khi trời mưa, thi công lại theo đúng yêu cầu thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật, bảo đảm chất lượng công trình khi đưa vào khai thác, sử dụng.
Cục cũng đề nghị Hà Tĩnh xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân liên quan cố tình vi phạm và báo cáo cấp quyết định đầu tư theo quy định hiện hành.
Hai sự việc trên được Bộ GTVT chỉ đạo sát sao cho thấy đây không phải là lần đầu tiên Bộ GTVT mạnh tay xử lý các cá nhân liên quan tới các công trình giao thông có vấn đề. Có thể kể đến việc thay tổng chỉ huy công trình xây dựng nhà ga mới sân bay quốc tế Đà Nẵng, thay 4 nhà thầu phụ dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, xử lý giám đốc điều hành đường cao tốc TP HCM - Trung Lương… Cuối tháng 11 vừa qua, sau nhiều tháng kiểm tra, lần đầu tiên, Bộ GTVT “vạch mặt” những đơn vị thi công, làm ăn gian dối. Qua việc khoan lấy mẫu và kiểm nghiệm mặt đường trên Quốc lộ 1A mở rộng đoạn từ Hà Nam đến Thanh Hoá, Bộ GTVT đã phát hiện nhiều dấu hiệu đáng báo động và đã nhanh chóng có những biện pháp mạnh như yêu cầu các nhà thầu khắc phục sự cố, kéo dài thời gian bảo hành; thu hồi tiền của đơn vị tư vấn tại các điểm kém chất lượng…
Khi BOT vẫn là cứu cánh của Bộ GTVT
Nhưng nói thế không có nghĩa dư luận đã thực sự yên tâm với mỗi tuyến đường đã và đang được thi công, đặc biệt với các tuyến thuộc dự án BOT. Theo quy định, việc lựa chọn chủ đầu tư chỉ cần bảo đảm vốn chủ sở hữu, chứng minh năng lực tài chính. Nhưng thực tế tại nhiều dự án BOT giao thông triển khai thời gian qua, do yếu kém về quản lý đầu tư, năng lực điều hành hạn chế, chủ đầu tư thường bị “sa lầy” trong mớ bòng bong thủ tục pháp lý, thiết kế, tuyển chọn nhà thầu và GPMB. Nhiều chủ đầu tư không đủ năng lực, chỉ nhận dự án rồi đi vay tiền ngân hàng hoặc chờ Chính phủ duyệt chi, lấy “mỡ nó rán nó”. Các chuyên gia cảnh báo, tại các dự án BOT mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) cũng không loại trừ trường hợp này. Ðiểm mặt danh sách các đơn vị tham gia, thấy nhiều đơn vị “không tên tuổi”, một số liên danh có hiện tượng “anh khỏe cõng anh yếu”. Trước đây, cơ quan quản lý gần như đứng ngoài cuộc đối với dự án BOT, quá nuông chiều nhà đầu tư, nên họ chỉ để ý đến lợi nhuận mà coi nhẹ chất lượng công trình, an toàn giao thông.
Một loạt dự án BOT được đầu tư trong thời gian qua đang bị kêu ca do đường xuống cấp vẫn “đè ra” thu phí và thực tế này đang là hồi chuông báo động cho các dự án BOT mở rộng QL1. Trong tổng số hơn 1.800 km dự án mở rộng QL1, nhà đầu tư BOT tham gia hơn 1.000 km, chia nhỏ thành nhiều đoạn và xen kẽ các dự án vốn trái phiếu. Mặc dù thu phí BOT là câu chuyện “hậu năm 2016”, nhưng khi công trình mới bắt đầu khởi công đã khiến dư luận quan tâm. Bình quân khoảng 70 km sẽ có một trạm thu phí BOT và các trạm này sẽ tồn tại khoảng 25 năm, theo tính toán, toàn tuyến QL1 sẽ có khoảng 25 trạm BOT. Nhà đầu tư BOT được hưởng nhiều cơ chế ưu đãi, trong đó có ưu đãi về thu phí hoàn vốn. Cụ thể, được phép thu với mức bằng 3,5 lần giá vé theo quy định của Bộ Tài chính, ba năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 18%. Các nhà đầu tư phản ánh, mức phí này rất khó hoàn vốn, nhưng với nhiều doanh nghiệp vận tải, chỉ nghe cũng đủ khiếp đảm, bởi vừa phải đóng Quỹ bảo trì đường bộ, vừa phải trả phí BOT.
Trong cuộc tọa đàm mới đây về tiến độ và chất lượng các công trình giao thông trọng điểm, ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình cho biết trong 2 năm gần đây, tình trạng hằn lún vết bánh xe xảy ra nhiều trên các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ và các tuyến đường cấp thấp hơn. Hiện tượng này xuất hiện cả ở những dự án mới xây dựng, cả những dự án đưa vào khai thác thậm chí từ 10 năm nay hoặc lâu hơn nữa. Và hiện tượng hằn lún vệt bánh xe không những hằn lún trên phần đường mà còn hằn lún cả trên mặt cầu, nơi có kết cấu bê tông cứng.
Nhưng thật buồn khi cả ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ông Phạm Tuấn Anh đều cho rằng đường lún là do số lượng và tải trọng xe tăng gấp bội và các dự án BOT đều được thực hiện đúng luật. Sự tự tin của ngành GTVT liệu có hơi quá trong khi đường xuống cấp ở nước ta không hề ít. Dù sao với thông tư có hiệu lực từ ngày 1/2/2014 tới đây chúng ta vẫn có những hy vọng cho một sự đổi mới của ngành GTVT.
Khắc Hạnh
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15