Trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội

(LĐTĐ) Chiều nay (29/5), Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai tổ chức buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến với chủ đề “Chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội”. Chương trình được truyền trực tuyến trên Báo Lao động Thủ đô điện tử - laodongthudo.vn và các ấn phẩm của Báo Lao động Thủ đô.
TRỰC TUYẾN: Đối thoại, giao lưu những chính sách mới về tiền lương và bảo hiểm xã hội TRỰC TUYẾN: Chính sách về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý các đơn vị nợ bảo hiểm xã hội

Đây là hoạt động thiết thực nhằm chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp, Tháng Công nhân năm 2023; đồng thời trang bị cho các đơn vị, doanh nghiệp, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) những kiến thức thiết thực liên quan tới lao động và bảo hiểm xã hội (BHXH).

Tham gia giải đáp câu hỏi của đoàn viên, người lao động tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến có các chuyên gia: Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Nguyễn Văn Hà - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; bà Dương Thị Minh Châu - Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến thu hút sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động quận Hoàng Mai.
Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Các đại biểu tham dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Đến dự buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, về phía thành phố Hà Nội có các đại biểu: Ông Phạm Thanh Học - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; ông Phạm Bá Vĩnh - Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội.

Về phía quận Hoàng Mai có các đại biểu: Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó Bí thư Thường trực Quận ủy; ông Nguyễn Tuấn Anh - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng ban Tuyên giáo quận; ông Khương Quốc Hưng - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trưởng ban Dân vận quận.

Về phía đơn vị tổ chức có các đại biểu: Ông Nguyễn Văn Bình - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; ông Đinh Tuấn Anh - Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô; bà Bùi Thị Ngọc Thủy - Chủ tịch LĐLĐ quận Hoàng Mai.

Đặc biệt có sự tham gia của gần 300 đoàn viên, người lao động quận Hoàng Mai.

14h15: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình cho biết: Với phương châm hướng về cơ sở, vì người lao động, khi tổ chức mỗi buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Ban Tổ chức luôn chú trọng lựa chọn các chủ đề liên quan thiết thực đến đời sống, việc làm của người lao động.

Trong đó, kiến thức về pháp luật lao động và BHXH, đặc biệt về các chế độ, chính sách như tiền lương, thu nhập là những vấn đề được người lao động quan tâm đặc biệt. Thực tế, các chế độ, chính sách này lại thường xuyên được điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi để phù hợp với xu thế phát triển của xã hội cũng như những thay đổi trong quan hệ lao động.

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Điển hình như Bộ luật Lao động đã được sửa đổi, bổ sung năm 2019, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 với nhiều điều chỉnh liên quan đến quyền lợi của người lao động. Hiện nay, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với nhiều đề xuất mới từ cơ quan soạn thảo cũng đang được đưa ra lấy ý kiến để sửa đổi, bổ sung.

Đặc biệt, mới đây nhất, ngày 14/5/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2023/NĐ-CP quy định về mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (thay thế Nghị định số 38/2019/NĐ-CP ngày 9/5/2019 kể từ ngày 1/7/2023), trong đó quy định sẽ tăng lương cơ sở từ mức 1.490.000 đồng/tháng lên thành 1.800.000 đồng/tháng kể từ ngày 1/7/2023.

Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô Nguyễn Văn Bình nhấn mạnh: “Với những sự thay đổi nói trên, nếu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không được cập nhật kịp thời thì sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện chính sách, người lao động nếu không tìm hiểu rõ về kiến thức pháp luật rất có thể sẽ bị thiệt thòi về quyền, lợi. Do đó, chúng tôi đã lựa chọn chủ đề của buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến hôm nay là: “Chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội”.

14h20: Phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh đánh giá: Thời gian qua, Báo Lao động Thủ đô đã tích cực phát huy thế mạnh của báo điện tử Lao động Thủ đô - một kênh thông tin nhanh chóng, đa chiều để tổ chức các buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về các vấn đề mà bạn đọc và công nhân lao động quan tâm, nhất là về chế độ chính sách pháp luật, chế độ tiền lương, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động… tích cực tham gia cùng tổ chức Công đoàn, các cấp ngành phổ biến, giáo dục pháp luật cho công nhân lao động.

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hà Nội Phạm Bá Vĩnh phát biểu tại buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

“Qua theo dõi tôi thấy, tất cả các buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến mà Báo Lao động Thủ đô phối hợp với các cấp công đoàn Thủ đô tổ chức đều có những chủ đề thiết thực, tập trung vào những vấn đề liên quan thiết thân tới người lao động, qua đó thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc và công nhân lao động”, đồng chí Phạm Bá Vĩnh và cho rằng chủ đề của buổi giao lưu “Chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội” mà Ban tổ chức lựa chọn là rất thiết thực, ý nghĩa, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu, nắm bắt rõ hơn về những chính sách mới trong lĩnh vực lao động, BHXH để đảm bảo được quyền lợi của mình.

Đồng chí đề nghị các đoàn viên, CNVCLĐ hãy mạnh dạn, thẳng thắn nêu nhiều câu hỏi để cập nhật được những thông tin, kiến thức hữu ích nhất cho mình và đề nghị các chuyên gia sẽ vận dụng tốt các kiên thức lý luận, thực tiễn, chuyên môn để trang bị đầy đủ thông tin tới đoàn viên công đoàn và người lao động và đề nghị sau chương trình này, Báo Lao động Thủ đô tiếp tục tổ chức thêm nhiều cuộc giao lưu trực tuyến để tuyên truyền, phổ biến, trang bị kiến thức mọi mặt, nhất là kiến thức pháp luật về lao động, các chế độ chính sách và những vấn đề thiết thực gắn với đời sống, việc làm mà người lao động quan tâm đến với đông đảo đoàn viên, CNVCLĐ.

14h30: Các chuyên gia bắt đầu giải đáp câu hỏi, thắc mắc của đoàn viên, người lao động

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia.

Chị Trần Thị Thu Hảo - Chủ tịch Công đoàn Trường THCS Yên Sở hỏi:

Đồng nghiệp tôi dự định tổ chức lễ ăn hỏi và kết hôn kéo dài trong 4 ngày. Trong trường hợp đồng nghiệp đã nghỉ 11 ngày phép, vậy những ngày kết hôn đó có được tính là ngày nghỉ riêng hưởng nguyên lương không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trong quy định của Luật có ghi rõ những ngày nghỉ hưởng nguyên lương, trong đó có 3 ngày nghỉ kết hôn hưởng nguyên lương. Nếu đồng nghiệp chị nghỉ 4 ngày thì có thể thỏa thuận với chủ doanh nghiệp xin nghỉ không lương hoặc nghỉ vào ngày phép.


Chị Trần Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch Công đoàn Viện Kiểm sát nhân dân quận Hoàng Mai hỏi:

Chị tôi mới ký hợp đồng lao động từ tháng 12/2022 và tham gia BHXH từ đó đến nay. Đến tháng 6/2023 chị sinh con, đã đóng BHXH được 6 tháng. Vậy xin hỏi chị tôi có được hưởng chế độ thai sản không?

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội
Chuyên gia giải đáp thắc mắc của đoàn viên, người lao động.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều kiện để được hưởng chế độ thai sản, người lao động nữ tham gia đóng BHXH đủ 6 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh, đối với trường hợp thai bệnh lý thì người lao động đã có 12 tháng đóng BHXH thì chỉ cần đóng đủ 3 tháng trong vòng 12 tháng trước sinh vẫn có thể hưởng chế độ thai sản.


Chị Nguyễn Thị Hồng - Công ty cổ phần Chứng nhận và Giám định VinaCert hỏi:

Đồng nghiệp tôi là nữ sinh tháng 1/1968, theo Bộ luật Lao động mới, đồng nghiệp của tôi sẽ nghỉ hưu năm bao nhiêu tuổi? Nếu đồng nghiệp của tôi có nhu cầu nghỉ hưu sớm vào năm 55 tuổi thì có ảnh hưởng gì đến mức lương hưu không?

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chị có thể tham khảo Nghị định 135 đã có quy định rất rõ về từng tháng sinh, tuổi nghỉ hưu với nam và nữ. Đối với nữ, nếu sinh tháng 1/1968 sẽ nghỉ hưu vào tháng 6/2024. Cũng tại phụ lục 1 của Nghị định 135 có quy định tuổi nghỉ hưu khi đủ điều kiện, phụ lục 2 có quy định độ tuổi nghỉ hưu sớm.

Về nghỉ hưu sớm cần căn cứ trên độ tuổi nghỉ hưu của phụ lục 1 sẽ trừ đi 5 năm tuổi đời. Người lao động có thể về sớm 5 năm nếu mất sức, suy giảm khả năng lao động 61%. Mỗi năm nghỉ trước tuổi sẽ trừ 2%, trừ khi có 15 năm làm công việc nặng độc hại hoặc công việc có phụ cấp 0,7 sẽ được tính tuổi nghỉ hưu sớm hơn 5 năm so với nghề khác.


Chị Trần Thị Hiếu - Công đoàn Trường Mầm non Bình Minh hỏi:

Bạn tôi đang làm việc tại Công ty thì ở nhà có việc đột xuất nên phải về, trên đường về chẳng may gặp tai nạn. Xin hỏi chuyên gia, trường hợp của bạn tôi có được gọi là tai nạn lao động không và có được hưởng chính sách hỗ trợ gì hay không?

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp của bạn chị có tính đặc thù, tôi xin giải thích thế này, tai nạn lao động là tai nạn được xác định trên đường đi làm và trở về nhà với quãng đường và thời gian hợp lý. Cái chính là bạn của chị trước khi nghỉ đã xin lãnh đạo quản lý và được phép về hay chưa. Nếu họ đồng ý và bạn chị về nhà thời điểm đó thì đó là tai nạn lao động. Nếu xác định là tai nạn lao động thì bạn chị sẽ được hưởng 3 quyền lợi chính là được chi trả toàn bộ chi phí y tế, tiền lương trong thời gian nghỉ điều trị và khoản tiền trợ cấp của cơ quan BHXH nếu bạn chị làm hồ sơ.


Anh Phạm Hùng Minh, Công ty Bao bì và sản xuất thực phẩm hỏi:

Xin hỏi chuyên gia, tại sao hiện nay có rất nhiều người lao động rút BHXH một lần, phải chăng là do chính sách BHXH có những quy định bất hợp lý khiến người lao động không yên tâm, lo lắng cần rút BHXH một lần?

Câu hỏi 2, tại sao cùng một mức đóng bảo hiểm xã hội nhưng hiện nay lao động của khối tư nhân lại tính trong cả quá trình còn đối với người lao động khu vực nhà nước lại chỉ tính những năm cuối, cách tính như vậy đã hợp lý chưa?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Ông Phạm Hùng Minh - Công ty Cổ phần Sản xuất Bao bì và Hàng xuất khẩu đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Câu hỏi thứ nhất của anh mang tầm vĩ mô, song ở góc độ cán bộ ngành bảo hiểm xã hội, tôi cũng xin trao đổi với anh như sau. Vấn đề rút BHXH 1 lần tại Hà Nội thời gian qua không biến động nhiều, kể cả trong thời gian dịch Covid -19, nhiều người gặp khó khăn trong công việc, cuộc sống, song số lượng người rút BHXH một lần ở Hà Nội cũng không tăng.

Một trong những nguyên nhân là do Hà Nội thực hiện tốt chính sách bảo hiểm thất nghiệp vì thế người lao động hưởng chế độ thất nghiệp chứ không nhất thiết phải rút BHXH một lần. Tình trạng rút BHXH một lần phổ biến hơn ở khu vực phía Nam, điều này tôi nghĩ chủ yếu là do quan niệm tư duy của người miền Nam, cũng như điều kiện công việc, thiên nhiên ưu đãi họ có nhiều thu nhập, nhiều công việc nên ít phải nghĩ đến lương hưu mà hay rút BHXH một lần để giải quyết công việc trước mắt.

Với câu hỏi thứ 2, đối với cách tính lương hưu của người lao động khối doanh nghiệp theo cả quá trình và với người lao động khu vực nhà nước chỉ tính một số năm cuối theo tôi đây cũng là một cách tính hợp lý bởi lương của người lao động khối doanh nghiệp là căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng được điều chỉnh hàng năm, lương của người lao động khối nhà nước, người có trình độ đại học cũng chỉ tính theo bậc với mức khởi điểm chỉ là 2,34, trong khi lương tối thiểu cho người lao động khu vực doanh nghiệp chưa qua đào tạo như hiện nay cũng là 4,6 triệu đồng khu vực 1. Lương ở khối doanh nghiệp tăng hàng năm, còn khu vực nhà nước thì không thể tăng đột ngột mà phải 3 năm mới điều chỉnh một lần.


Chị Lý Thị Ngân - Trường Mầm non 10/10 hỏi:

Bạn tôi đóng BHXH đủ 20 năm giờ nghỉ việc muốn thanh toán một lần có được không?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Chị Lý Thị Ngân - Trường Mầm non 10/10 đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, đối với những trường hợp người lao động đủ tuổi nghỉ hưu nhưng có dưới 20 năm đóng BHXH thì được giải quyết BHXH một lần và không phải chờ sau 1 năm dừng đóng theo Nghị quyết 93, ngoài ra đối với các trường hợp mắc 6 bệnh hiểm nghèo có thể giải quyết BHXH một lần, có thể giải quyết ngay tại thời điểm phát hiện ra bệnh nếu có sự xác nhận của bệnh viện chứ không có quy định được phép giải quyết BHXH một lần đối với trường hợp đóng đủ 20 năm


Anh Hoàng Thanh Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty ABB hỏi:

Người lao động được công ty cử đi công tác ở nước ngoài không may bị tai nạn thì có được tính là tai nạn lao động không?

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Trường hợp này được xác định là tai nạn lao động, tuy nhiên quy trình giải quyết so tai nạn với trong nước. Ví dụ lập biên bản thì phải tiếp nhận hồ sơ của các cơ quan nước sở tại đưa về Việt Nam phiên dịch và lập thành các hồ sơ tại Việt Nam để giải quyết chế độ. Những trường hợp nghiêm trọng có thể đoàn kiểm tra của Việt Nam sang nước đó để điều tra về trường hợp tai nạn lao động.


Chị Phạm Thị Thanh Huyền - Trường Tiểu học Đền Lừ hỏi:

Anh tôi đang làm việc cho 1 công ty gia đình sản xuất thực phẩm khô. Công ty dự định trong các dịp lễ tới đây sẽ thưởng cho nhân viên bằng các sản phẩm của công ty thay bằng tiền mặt như trước đây. Như vậy, trường hợp này có đúng theo quy định của pháp luật hay không? Nếu nhân viên không đồng ý với cách thưởng trên thì có được đề nghị công ty thưởng tiền mặt hay không?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Chị Phạm Thị Thanh Huyền - Trường Tiểu học Đền Lừ đặt câu hỏi.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của Bộ luật Lao động 2019 thì doanh nghiệp có thể thưởng bằng hiện vật cho người lao động chứ không bắt buộc phải thưởng bằng tiền mặt, chỉ có việc trả lương thì bắt buộc phải trả bằng tiền mặt.

Tuy nhiên, người lao động có thể xem lại Thỏa ước lao động tập thể, nếu như Thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp có quy định phải thưởng cho người lao động bằng tiền mặt thì việc doanh nghiệp thưởng bằng hiện vật cho người lao động là sai so với Thỏa ước lao động tập thể, còn nếu Thỏa ước lao động tập thể không quy định điều này thì doanh nghiệp làm như vậy cũng không có gì sai so với quy định của pháp luật.


Chị Nguyễn Thị Thanh Hoài - Công ty Cơ khí Phú Cường hỏi:

1, Công ty tôi có trường hợp người lao động đã nghỉ việc ở Công ty và sang đơn vị mới, tháng người lao động nghỉ việc thì cả 2 nơi đều đóng BHXH. Giờ người lao động quay lại nhờ chúng tôi thoái thu bảo hiểm tháng trùng đó. Trường hợp này bên tôi phải làm như thế nào, cơ quan nào giải quyết?

2, Trong Bộ luật Lao động, việc thương lượng tập thể cần tập trung vào những nội dung gì?

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Theo quy định, với người lao động có nhiều hợp đồng lao động thì sẽ đóng BHXH trên hợp đồng lao động đầu tiên. Với trường hợp người lao động của chị thì việc thoái thu là tiến hành ở đơn vị của chị, và đơn vị mới nơi người lao động đang đóng bảo hiểm là đơn vị thực hiện thủ tục làm những việc này.

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Hoạt động thương lượng tập thể là hoạt động xoay quanh toàn bộ các chế độ giữa một bên đại diện cho người lao động và một bên là người sử dụng lao động. Chẳng hạn như các vấn đề liên quan đến tiền lương, trợ cấp nâng lương, thưởng, chế độ tăng ca, các điều kiện thời gian nghỉ ngơi…

Chị Nguyễn Thị Hồng Gấm - Công ty cổ phần Thương mại và Kỹ thuật Việt Sinh hỏi:

Tôi có người thân làm việc cho một công ty mỹ phẩm tại Hà Nội tới nay đã tròn 1 năm. Do hoàn cảnh gia đình nên vài tháng nữa người thân tôi phải nghỉ việc về quê. Vậy cho tôi hỏi người thân của tôi có được chi trả bảo hiểm thất nghiệp và được trợ cấp gì hay không?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Đông đảo CNVCLĐ tham gia buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Người lao động có tương ứng 1 năm đóng bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hưởng 3 tháng lương. Trường hợp người nhà chị khi chấm dứt hợp đồng lao động trong 3 tháng đến Trung tâm dịch vụ việc làm hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Tuy nhiên, chị nói người nhà chị về quê sống thì cách tốt nhất là làm thủ tục chuyển về quê lĩnh trợ cấp thất nghiệp thay vì phải lên Hà Nội. Bởi vì, liên quan đến trợ cấp thất nghiệp, hàng tháng người lao động phải đi khai báo có việc làm hay không, không khai báo tháng nào sẽ bị cắt trợ cấp thất nghiệp tháng ấy.


Chị Hoàng Thị Uyên - Công đoàn Trường Mầm non Vĩnh Hưng hỏi:

1, Xin hỏi các chuyên gia, giáo viên mầm non có được nghỉ thêm 12 ngày phép ngoài thời gian nghỉ hè không?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Chị Hoàng Thị Uyên - Trường Mầm non Vĩnh Hưng đặt câu hỏi.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của pháp luật thì người lao động được nghỉ phép hưởng nguyên lương 12 ngày/năm, do đó các giáo viên cũng vẫn được quyền nghỉ phép hưởng nguyên lương 12 ngày/năm như vậy không tính thời gian nghỉ hè.

2, Cán bộ giáo viên, nhân viên đang làm trong trường mầm non nghỉ vì bị ốm nằm viện hoặc có con ốm nằm viện thì có bị đánh giá là không hoàn thành nhiệm vụ và không được tăng lương hay không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Việc người lao động nghỉ ốm hoặc nghỉ có con ốm thì pháp luật cũng đã có quy định cụ thể là được nghỉ bao nhiêu ngày trong từng trường hợp tuy nhiên còn phụ thuộc vào quy chế của từng cơ quan và việc đánh giá có hoàn thành nhiệm vụ hay không thì cũng còn nhiều văn bản quy định pháp luật đi kèm chứ không phải cứ nghỉ là bị đánh giá không hoàn thành nhiệm vụ.


Chị Trần Thuý Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Bàn ghế và thiết bị thẩm mỹ Hồng Hà hỏi:

1, Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người lao động gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp như thế nào?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Chị Trần Thúy Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Bàn ghế và Thiết bị thẩm mỹ Hùng Hòa đặt câu hỏi.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Luật quy định rất rõ nếu xảy ra tai nạn lao động mà lỗi không thuộc hoàn toàn do người lao động thì người sử dựng lao động phải thực hiện chế độ bồi thường với mức tùy vào tỷ lệ thương tật đi giám định sức khỏe, nếu mất sức lao động từ 5 - 10% sức khỏe, doanh nghiệp phải bồi thường ít nhất 1,5 tháng lương và phụ cấp nếu có, sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%.

Suy giảm khả năng lao động trên 81% hoặc tử vong, người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động ít nhất 30 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động. Nếu lỗi hoàn toàn do người lao động gây ra thì người lao động chỉ được hưởng trợ cấp bằng 0,4 mức bồi thường. Chị có thể xem thêm Nghị định 39 và Thông tư 28 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để được hiểu rõ hơn. Còn bệnh nghề nghiệp căn cứ vào tỷ lệ mất sức lao động, 5% trở lên thì bồi thường trợ cấp như tai nạn lao động.

2, Công ty em ghi tờ khai bảo hiểm cho người lao động theo chứng minh nhân dân cũ, bây giờ người lao động đổi chứng minh mới vậy sau này có ảnh hưởng gì đến các thủ tục giải quyết các chế độ không?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Khi thay đổi chứng minh nhân dân thì không cần phải thực hiện cấp lại sổ hay in lại mà người lao động thực hiện khai báo, điều chỉnh lại thông tin cho cơ quan bảo hiểm.


Chị Đỗ Thị Hân - Trường Mầm non Hoa Mai hỏi:

Hiện nhân viên nuôi dưỡng của các trường mầm non, hiện lương hưởng rất thấp, mong chuyên gia có thể có giải pháp tháo gỡ. Câu hỏi thứ hai, hiện giáo viên mầm non làm việc trong môi trường áp lực cao nhưng lương rất thấp, mong chuyên gia đề xuất rút ngắn để hưởng hưu ạ?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Ông Tạ Văn Dưỡng - Trưởng ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động, LĐLĐ thành phố Hà Nội tặng quà cho CNVCLĐ trả lời đúng câu hỏi giao lưu.

Chuyên gia Tạ Văn Dưỡng: Vấn đề bạn đưa ra tôi rất chia sẻ, đây cũng là tâm tư của đông đảo giáo viên mầm non của Hà Nội. Tôi xin trao đổi thế này, vừa rồi Chính phủ có Nghị định 111 và có hiệu lực từ tháng 2 vừa rồi, tất cả lao động ký theo dạng hợp đồng 68, sau một năm (đến mốc tháng 2/2024) thì phải chuyển sang ký chế độ hợp đồng lao động và tất cả các quyền lợi thực hiện theo quy định luật lao động.

Riêng tiền lương, đơn vị sửa dụng lao động có thể áp dụng theo 2 hình thức là ký hợp đồng mới với tiền lương tối thiểu vùng hoặc theo ngạch hệ số. Nếu 1 trong 2 bên không có nhu cầu thì có thể chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết các chế độ.


Anh Nguyễn Trí Thanh - Công đoàn Công ty Xây dựng Hoàn Hà hỏi:

Xin hỏi chuyên gia, công nhân đang làm việc bị tai nạn, nằm viện, trong lúc nằm viện công ty trả lương, công nhân nhờ người nhà đến nhận, kế toán không trả mà yêu cầu có ủy quyền, vậy trường hợp này ủy quyền có được không, giấy ủy quyền cần viết tay hay công chứng?

Đang trực tuyến: Giải đáp những chính sách mới về lao động và bảo hiểm xã hội

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp người lao động do điều kiện bất khả kháng không thể nhận lương từ doanh nghiệp thì có thể ủy quyền cho người thân. Để xác định việc ủy quyền đó có phải công chức hay không cần căn cứ vào các điều luật.

Theo Luật Công chứng, đối với các giao dịch bắt buộc phải công chứng đó là các giao dịch liên quan bất động sản, các giao dịch khác các bên tự ký với nhau mà không cần công chứng. Bộ luật Dân sự năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 quy định các giao dịch dân sự các bên sẽ tự chịu trách nhiệm về chữ ký của mình.

Trường hợp này người lao động có thể ủy quyền cho người khác thực hiện việc nhận lương, tuy nhiên để đảm bảo tính xác thực khi đó người nhà cần xuất trình một số giấy tờ để chứng minh có quan hệ huyết thống.


Chị Nguyễn Thị Mai - Trường Tiểu học Yên Sở hỏi:

Cháu tôi ở quê hiện nay 15 tuổi nhưng đã nghỉ học. Gia đình cháu dự định sang năm sẽ cho cháu lên thành phố làm việc. Trong trường hợp xin làm công việc thu ngân ở nhà sách thì cháu có phải ký hợp đồng lao động không? Trong điều khoản hợp đồng cần lưu ý những vấn đề gì?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Quang cảnh buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến.

Luật sư Nguyễn Văn Hà: 15 tuổi là độ tuổi rất đặc thù, Bộ luật Lao động quy định rất rõ ràng đối với các mức tuổi từ 13 - 15 tuổi và từ 15 - 18 tuổi, trên 18 tuổi. Tuổi 15 là đang phát triển về thể chất và tinh thần do vậy khi muốn đi làm phải đảm bảo điều kiện nhất định đứa trẻ có thể làm việc, không cho tuyển dụng ồ ạt và phụ thuộc vào điều kiện sức khỏe của đứa trẻ.

Một số ngành nghề trẻ 15 tuổi có thể tham gia như: Các nghề liên quan đến biểu diễn nghệ thuật, xiếc; vận động viên thể thao; lập trình phần mềm; ngành nghề thủ công mỹ nghệ; làm sân vườn; chăn thả gia súc ở nông trường… Từ danh sách các nghề được cho phép, lao động 15 tuổi căn cứ vào công việc đó để ký hợp đồng lao động.

Theo Bộ luật Lao động, khi lao động 15 tuổi thực hiện giao kết hợp đồng lao động, ngoài chế độ lương, chế độ làm việc cần quan tâm đến điều kiện lao động, môi trường lao động… Phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản và có người giám hộ hợp pháp của người người lao động cùng tham gia ký kết. Người sử dụng lao động phải bố trí giờ làm việc không ảnh hưởng đến thời gian học tập của lao động 15 tuổi và lao động chỉ được làm một số công việc theo quy định.


Chị Đỗ Thị Hồng Nhung - Công ty cổ phần VN Light hỏi:

Xin các chuyên gia tư vấn cho tôi về trường hợp trùng BHXH. Cụ thể, đơn vị tôi có một người lao động từng làm việc công ty cũ và bị nợ BHXH nên không thể chốt được sổ BHXH. Khi người lao động sang công ty tôi, công ty tôi đóng bảo hiểm đầy đủ cho người đó, giờ người lao động lại nghỉ việc bên công ty tôi nhưng cũng không chốt được sổ BHXH mặc dù bên công ty tôi vẫn đóng đầy đủ, lý do là do công ty cũ đã bị đóng BHXH mà không biết họ đã báo giảm lao động chưa? Bây giờ người lao động này muốn chốt được sổ thì phải làm thế nào?

Trực tuyến hình ảnh: Giải đáp vướng mắc liên quan đến chính sách về lao động và bảo hiểm xã hội
Chị Đỗ Thị Hồng Nhung - Công ty cổ phần VN Light đặt câu hỏi.

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Điều này còn tùy thuộc vào việc người lao động khi ở công ty cũ có hợp đồng lao động hay không? Nếu có hợp đồng lao động thì BHXH được đóng căn cứ trên hợp đồng đầu tiên. Khi người lao động nghỉ việc, nếu có sự chấm dứt hợp đồng lao động thì công ty đó mới báo giảm lao động và người lao động mới kết thúc làm việc không thuộc quản lý của đơn vị còn nếu chỉ nghỉ không lương, không chấm dứt hợp đồng lao động ở công ty đó thì vẫn là người lao động ở đó và trách nhiệm đóng BHXH thuộc về bên doanh nghiệp cũ chứ không phải là của doanh nghiệp hiện nay.

Để giải quyết tình huống này, người lao động có thể đến cơ quan BHXH địa phương để thực hiện chốt sổ BHXH đến thời điểm mà đã được doanh nghiệp cũ đóng đủ, thời gian nợ thì không được tính, sau khi chốt đến thời điểm đóng đủ thì cộng dồn với thời gian mà doanh nghiệp sau này đóng cho họ, chứ cũng không bị bỏ mất thời gian đóng sau này.


Chị Nguyễn Hồng Anh - Công ty cổ phần Công nghệ cao hỏi:

Từ ngày 1/7/2023 nhà nước sẽ điều chỉnh mức lương, doanh nghiệp tôi có lao động đang đóng 30 triệu, trong đó, áp mức trần là 29.800.000 đồng cho BHXH. Trong điều kiện đó, việc tăng lương thì công ty tôi có phải điều chỉnh gì không hay cơ quan BHXH tự điều chỉnh?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Ở trường hợp của bạn, nếu mức lương lên 30 triệu thì bạn phải báo điều chỉnh lên 30 triệu. Hay nói thế này, người lao động đang lĩnh 30 triệu nhưng thực tế bạn đóng cho người lao động chỉ 29.800.000 đồng vì theo quy định không thể đóng trên lương 30 triệu được vì quy định của luật BHXH không cho phép thu. Do vậy, bạn muốn người lao động đóng trên mức lương thực tế nhận thì bạn phải báo lại cơ quan BHXH.


Một bạn đọc hỏi:

Người lao động vi phạm và bị sa thải, tuy nhiên doanh nghiệp chỉ ra thông báo sa thải mà không có quyết định sa thải dẫn đến việc người lao động không thể hoàn tất được các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động như chốt sổ bảo hiểm, hưởng trợ cấp thất nghiệp… Người lao động đã khởi kiện ra tòa nhưng tòa án không tiếp nhận hồ sơ vì không có quyết định sa thải. Vậy cho tôi hỏi tôi phải làm gì và nhờ đơn vị nào hỗ trợ để doanh nghiệp trao trả các quyết định sa thải cho tôi?

Luật sư Nguyễn Văn Hà: Trong trường hợp này, chúng ta vẫn có quyền khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, có vướng mắc rằng doanh nghiệp lại không bàn giao quyết định sa thải. Lúc này, theo Bộ luật Tố tụng Dân sự, người lao động có quyền làm giải trình đã yêu cầu doanh nghiệp trả quyết định nhưng không được bàn giao và đề nghị tòa án thu thập tài liệu chứng cứ. Khi tòa tiếp nhận đề nghị này, vụ án sẽ được giải quyết, quyền lợi của người lao động lúc này sẽ được thực hiện theo Bộ luật Lao động.


Một bạn đọc hỏi:

Trường hợp người lao động được cấp giấy nghỉ ốm, có ngày vào viện, ra viện cụ thể là 10 ngày, trong nội dung có ghi được chỉ định nghỉ thêm 5 ngày, đến nay đã được bảo hiểm thanh toán 10 ngày, 5 ngày nghỉ thêm chưa được thanh toán, vậy làm sao để thanh toán 5 ngày còn lại kia?

Chuyên gia Dương Thị Minh Châu: Chế độ BHXH nhằm bù đắp một phần thu nhập cho người lao động do ốm đau nghỉ ở nhà. Quan trọng nhất là người sử dụng lao động đề nghị nghỉ bao nhiêu ngày, cơ quan bảo hiểm không can thiệp việc người lao động nghỉ, người lao động thực nghỉ như thế nào, đơn vị đề nghị thanh toán như thế nào cơ quan BHXH sẽ thanh toán như thế, trường hợp người lao động còn nghỉ mà đơn vị chưa đề nghị đủ thì có thể bổ sung. Khi người lao động đã đi làm thì không được hưởng chế độ BHXH. Nếu không nghỉ thì không được đề nghị vì sau khi thực hiện kiểm tra đối soát lương với các dữ liệu khác sẽ bị lệch với nhau.


Bạn đọc Lục Thị Tâm hỏi:

Tôi có bạn phóng vấn xin việc và làm việc tại công ty được 2 năm, sau công ty không ký hợp đồng, do đó bạn tôi không được đóng BHXH. Công ty lấy lý do là phải thi năng lực thì mới được đóng BHXH. Vậy Công ty đang làm đúng hay sai? Trường hợp này thì bạn tôi nên làm gì để đòi quyền lợi của mình?

Chuyên gia Nguyễn Văn Hà: Ở đây xác định rõ 2 mối quan hệ, thứ nhất liên quan đến hợp đồng lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động không ký kết hợp đồng nhưng vẫn có quan hệ lao động. Chính trong xác định đó lại không đóng BHXH. Chúng ta nên nhìn nhận, 2 quan hệ này là quan hệ độc lập. Khi xác định quan hệ lao động là phải có hợp đồng, có thể xác định thời hạn hoặc không.

Điều đặc biệt trong quan hệ lao động hiện nay là hợp đồng giấy hoặc giao dịch điện tử có giá trị như nhau. Như vậy, trong trường hợp lao động tranh chấp thì phải sử dụng các thong tin khác như lương. Đây là cơ sở để chứng minh việc xác lập quan hệ lao động. Nếu liên quan đến bảo hiểm thì đây cũng là căn cứ để kiện ra tòa để buộc người sử dụng phải đóng bảo hiểm cho chúng ta.

Phát biểu bế mạc buổi Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô nhấn mạnh: Sau thời gian gần 3 giờ đồng hồ, với 30 câu hỏi tập trung liên quan đến các chế độ, chính sách đối với người lao động như: Hợp đồng lao động, tiền lương, tiền thưởng, thu nhập, bảo hiểm xã hội, an toàn lao động... là những vấn đề được người lao động hết sức quan tâm.

Do thời lượng có hạn vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu, Phó Tổng Biên tập Báo Lao động Thủ đô mong muốn đoàn viên, người lao động sẽ tiếp tục gửi câu hỏi, Báo Lao động Thủ đô sẽ là cầu nối gửi tới các chuyên gia, các cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên Báo Lao động Thủ đô.

Nhóm PV

Có thể bạn quan tâm

Nên xem

Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây

Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024: "Hút" hàng nghìn khán giả về Sơn Tây

(LĐTĐ) Sau 3 ngày (31/10 - 2/11), Liên hoan Ban nhạc toàn quốc năm 2024 đã khép lại, đánh dấu sự trở lại sôi động của các ban nhạc sống trong dòng chảy nghệ thuật biểu diễn, khẳng định vị trí không gì có thể thay thế được dẫu rằng đã đến thời của kỷ nguyên công nghệ 4.0. Đáng chú ý, trong những ngày biểu diễn, hàng nghìn khán giả từ khắp mọi miền đã đổ về Sơn Tây để thưởng lãm chương trình nghệ thuật đặc sắc này.
Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm

Google Maps tích hợp AI Gemini, sẵn sàng trả lời mọi câu hỏi về địa điểm

(LĐTĐ) Google Maps vừa nâng cấp tính năng vượt trội với sự hỗ trợ của AI Gemini, giúp người dùng có trải nghiệm du lịch và khám phá địa điểm thông minh, tiện lợi hơn bao giờ hết.
Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn

Thời tiết miền Bắc chuyển rét, Trung Bộ, Tây Nguyên có mưa lớn

(LĐTĐ) Hiện nay, không khí lạnh tăng cường đang ảnh hưởng mạnh đến thời tiết miền Bắc và miền Trung, gây ra tình trạng rét tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, trong khi miền Trung đối diện với những trận mưa lớn kèm nguy cơ ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.
Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi

Xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài: Chỉ xây khi dự kiến thu đủ bù chi

(LĐTĐ) Ủng hộ chủ trương xây dựng các trung tâm văn hóa Việt Nam ở nước ngoài, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, phải cân nhắc thật kỹ về sự cần thiết và tính hiệu quả.
Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”

Phát huy hiệu quả mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”

Sau thời gian triển khai, mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” trên địa bàn quận Ba Đình bước đầu đã phát huy tác dụng, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường trước và sau giờ tan học. Mô hình này còn giúp xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện, góp phần đẩy lùi tình trạng vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT).
Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024

Quy định về phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở từ 16/12/2024

(LĐTĐ) Theo quy định mới, từ 16/12/2024, yêu cầu phê duyệt phương án chữa cháy của cơ sở theo quy trình chi tiết, bao gồm tiếp nhận, kiểm tra, và xử lý hồ sơ đúng thẩm quyền. Hồ sơ cần đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể và được lưu trữ cẩn thận.
Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

Công đoàn ngành GTVT Hà Nội: Trao hỗ trợ cho đoàn viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3

(LĐTĐ) Ngày 2/11, Công đoàn ngành Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội tổ chức đoàn công tác do đồng chí Tạ Thị Mỹ Thanh - Ủy viên Ban Chấp hành Công đoàn GTVT Việt Nam, Đảng ủy viên, Chủ tịch Công đoàn ngành GTVT Hà Nội làm Trưởng đoàn đã đến các đơn vị Công đoàn cơ sở để trao hỗ trợ cho đoàn viên công đoàn bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.

Tin khác

TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới

TRỰC TUYẾN: Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và một số chính sách mới

(LĐTĐ) Sáng nay (30/10), tại hội trường Khu liên cơ quan Vân Hồ, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội tổ chức buổi đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Tuyên truyền phổ biến Luật Thủ đô năm 2024 và những chính sách mới liên quan đến người lao động”.
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”

(LĐTĐ) Sáng nay, 11/10, tại hội trường Huyện ủy Gia Lâm, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm tổ chức buổi đối thoại, giao lưu trực tuyến, truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Tuyên truyền kiến thức về an toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động

(LĐTĐ) Sáng nay, 11/10, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Gia Lâm tổ chức buổi Đối thoại - Giao lưu trực tuyến - Truyền thông chính sách năm 2024 chuyên đề 17 với chủ đề “An toàn lao động và chăm sóc sức khỏe cho người lao động”.
TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động

TRỰC TUYẾN: Tôn vinh 100 gương sáng kiến, sáng tạo và 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động

(LĐTĐ) Sáng nay (2/10), tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội long trọng tổ chức Hội nghị tuyên dương “Sáng kiến, sáng tạo trong công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) Thủ đô” và tôn vinh 10 doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động năm 2024.
TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

TRỰC TUYẾN HÌNH ẢNH: Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô tự hào quá khứ, xây dựng tương lai

(LĐTĐ) Hòa trong không khí cả thành phố Hà Nội đang trong những ngày kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), sáng nay (26/9), Báo Lao động Thủ đô tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”. Cuộc Tọa đàm nhằm ôn lại những ngày tháng hào hùng và khắc họa lại bức tranh về chặng đường đấu tranh thống nhất đất nước của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Thủ đô.
Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”

Tọa đàm trực tuyến: “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”

(LĐTĐ) Trong không khí hào hùng của người dân Thủ đô và cả nước hướng tới chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), dưới sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội, sáng 26/9, Báo Lao động Thủ đô tổ chức Tọa đàm trực tuyến nhân chứng lịch sử “Giai cấp Công nhân - Tổ chức Công đoàn Thủ đô: Tự hào quá khứ, xây dựng tương lai”.
TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu

TRỰC TUYẾN: Biểu dương gia đình, khích lệ con công nhân, viên chức, lao động Thủ đô tiêu biểu

(LĐTĐ) Sáng nay (28/8), tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố Hà Nội trang trọng tổ chức Hội nghị biểu dương gia đình công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tiêu biểu năm 2024 và tuyên dương, trao học bổng cho con CNVCLĐ đạt thành tích cao trong học tập, vượt khó học giỏi năm học 2023 - 2024.
TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu

TRỰC TUYẾN: Trang trọng Lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam và tôn vinh cán bộ Công đoàn tiêu biểu

(LĐTĐ) Hôm nay (28/7), kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024), tại Cung Văn hóa Lao động Hữu nghị Việt Xô, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam long trọng tổ chức lễ trao Giải thưởng Nguyễn Văn Linh lần thứ IV; biểu dương Chủ tịch Công đoàn cơ sở, Nghiệp đoàn cơ sở xuất sắc tiêu biểu toàn quốc lần thứ V và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trực tuyến: Lễ Quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

(LĐTĐ) Lễ viếng đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7/2024.
TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội"

TRỰC TUYẾN: Chuyên đề "Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội"

(LĐTĐ) Chiều 20/6, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Hoàng Mai tổ chức buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến - truyền thông chính sách chuyên đề “Phổ biến chính sách mới về pháp luật lao động và nhận diện lừa đảo qua mạng xã hội”.
Xem thêm
Phiên bản di động