Phương tiện bảo vệ cá nhân - biện pháp đảm bảo an toàn trong lao động
Những tai nạn đau lòng
Mới đây, vụ tai nạn lao động (TNLĐ) nghiêm trọng xảy ra tại xưởng sản xuất của Công ty gỗ Bình Minh (xã Thiện Tân, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) vào sáng ngày 1/5 đã cướp đi tính mạng của 6 người tại hiện trường (trong đó có cả Giám đốc Công ty - quốc tịch Trung Quốc), đồng thời khiến 5 người bị thương. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do lỗi kỹ thuật trong quá trình sửa chữa, bảo dưỡng, vận hành.
Trước đó, vào ngày 22/4, một vụ TNLĐ khác cũng xảy ra tại Công ty cổ phần Xi măng và Khoáng sản Yên Bái khiến 7 người chết, 3 người bị thương. Nguyên nhân vụ tai nạn thảm khốc này được xác định là do công nhân bất cẩn, sai sót trong quá trình ngắt, mở điện khiến động cơ chính máy nghiền số 3 hoạt động trong khi đang sửa chữa…
Hiện trường nơi xảy ra vụ nổ lò hơi tại Công ty TNHH gỗ Bình Minh khiến 6 người chết 7 người bị thương. (Ảnh: TTXVN) |
Theo thống kê của Cục An toàn lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) trong năm 2023 cả nước đã xảy ra 7.394 vụ tai nạn lao động, làm 7.553 người bị nạn. Con số này bao gồm cả khu vực có hợp đồng lao động và khu vực lao động làm việc không theo hợp đồng. Những địa phương có số người chết vì tai nạn lao động nhiều nhất trong năm 2023 ở tất cả các khu vực: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Quảng Ninh, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Bình Định, Gia Lai.
Đáng chú ý, nhiều người lao động hiện nay đang bị tàn phá sức khỏe do phải làm việc trong môi trường độc hại, nhưng không được bảo hộ. Lĩnh vực xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất là khai thác mỏ, khai thác khoáng sản, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng và hoá chất.
Cũng theo Cục An toàn lao động, nguyên nhân dẫn đến các vụ TNLĐ là do từ phía người sử dụng lao động chiếm 46,05% tổng số vụ và 44.37% tổng số người chết. Nguyên nhân người lao động vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 15,85% tổng số vụ và 16,3% tổng số người chết. Số vụ còn lại do các nguyên nhân khác như: Tai nạn giao thông, do người khác gây ra, khách quan khó tránh.
Nguyên nhân của tình trạng trên là do nhiều người sử dụng lao động chưa quan tâm, chú ý thực hiện quy định của pháp luật về quản lý, kiểm soát nguy cơ, rủi ro; nhiều người lao động chưa được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, thiếu kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn đầy đủ và tác phong công nghiệp còn rất hạn chế, chủ quan.
Giải pháp an toàn trong lao động
Có thể khẳng định, trong bất kỳ điều kiện lao động nào dù xấu hay tốt đến đâu vẫn luôn tồn tại các yếu tố nguy hiểm và có hại (yếu tố nguy hại). Việc nhận diện các yếu tố này, tìm nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng ngừa phù hợp với điều kiện của cơ sở trong từng giai đoạn của là vấn đề rất quan trọng đã được pháp luật quy định.
Các giải pháp đảm bảo an toàn lao động có rất nhiều, từ các giải pháp kỹ thuật, giải pháp về quản lý tổ chức lao động khoa học, đến các giải pháp tuyên truyền huấn luyện. Mỗi giải pháp có ý nghĩa riêng và đều hướng tới loại trừ hoặc giảm thiểu sự tác động của các yếu tố nguy hại tới người lao động.
Đối với giải pháp kỹ thuật, việc tìm cách loại trừ các yếu tố nguy hại ra khỏi điều kiện lao động là tối ưu nhất vì nó mang lại hiệu quả triệt để, loại bỏ hoàn toàn các yếu tố có khả năng tạo ra mối nguy hiểm cho con người, đem lại môi trường làm việc an toàn nhất, tuy nhiên để thực hiện được giải pháp này không đơn giản, cần phải thực hiện đánh giá tính khả thi về kỹ thuật, kinh tế và môi trường, trong đó yếu tố kinh tế là quan trọng.
An toàn lao động luôn là yếu tố quan trọng hàng đầu. (Ảnh minh hoạ: B.D) |
Khi không có giải pháp loại bỏ hoàn toàn các yếu tố nguy hiểm có hại ra khỏi điều kiện lao động thì các giải pháp nhằm giảm thiểu, cách ly, cảnh báo cũng sẽ được xem xét. Việc giảm thiểu sự tác động của các yếu tố nguy hiểm, có hại tới người lao động được thực hiện khi thay thế dây chuyền công nghệ cũ bằng những dây chuyền công nghệ mới hơn, hiện đại hơn với những loại máy, thiết bị, vật tư, điều kiện làm việc ít nguy hiểm hơn, tăng tính an toàn hơn trong sản xuất, hoặc sửa chữa, thay thế những linh kiện, thiết bị lỗi hỏng đối với máy thiết bị.
Giải pháp cách ly được xem xét khi mối nguy hại không được loại bỏ hoặc giảm thiểu ra khỏi khu vực làm việc. Giải pháp này sẽ cách ly người lao động nhằm tránh tiếp xúc với các yếu tố nguy hiểm, có hại có thể gây nên TNLĐ và bệnh nghề nghiệp. Trong quá trình làm việc chúng ta không thể kiểm soát bao quát hết mọi vị trí làm việc thì các biển báo, tín hiệu có thể phát huy hiệu quả, nhắc nhở cảnh báo nguy hiểm cho người lao động…
Hiệu quả của việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân
Có thể thấy, các giải pháp trên có ưu điểm là bảo vệ được cho một lượng lớn lực lượng lao động trong một phạm vi nhất định. Tuy nhiên, không phải trong điều kiện nào chúng ta cũng có thể thực hiện được các giải pháp trên, đặc biệt là đối với các công việc có tính di động thì các giải pháp trên rất khó thực hiện do vị trí làm việc thay đổi liên tục hoặc do kinh phí không cho phép.
Lúc này, biện pháp sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân là biện pháp cuối cùng cho người lao động, khi mọi biện pháp kỹ thuật khác đều không thể áp dụng. Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ, phương tiện cần thiết mà người lao động phải được trang bị để sử dụng trong khi làm việc hoặc thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có các yếu tố nguy hiểm, độc hại khi các thiết bị kỹ thuật an toàn - vệ sinh lao động tại nơi làm việc chưa thể loại trừ hết các yếu tố nguy hiểm...
Hiệu quả bảo vệ người lao động của phương tiện bảo vệ cá nhân tương đối thấp vì trong quá trình làm việc, người lao động luôn luôn phải đối mặt với các yếu tố nguy hiểm, có hại. Do vậy, biện pháp này được coi là biện pháp bổ sung, mang tính thụ động và luôn là sự lựa chọn cuối cùng sau khi tất cả các biện pháp trên đã được xem xét và tiến hành.
Người lao động sẽ luôn đối mặt với rủi ro khi thiếu phương tiện bảo hộ cá nhân. (Ảnh minh hoạ: H.D) |
Theo TS. Đỗ Thị Lan Chi - Phó trưởng Khoa An toàn lao động và Sức khoẻ nghề nghiệp (Trường Đại học Công đoàn): “Việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, thông thường không được người lao động chào đón bởi vì có rất nhiều lý do làm người lao động quan ngại như: Không thuận tiện, khó chịu, quá nóng, làm hạn chế trong công việc, chất liệu của phương tiện bảo vệ cá nhân không tốt, thậm chí một số người lao động có vấn đề về sức khỏe, họ không thể sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như những người khác.
Hiện nay, ngoài các tiêu chuẩn chất lượng cấp ngành, Nhà nước đã ban hành hơn 70 tiêu chuẩn quốc gia về phương tiện bảo vệ cá nhân. Với số lượng như vậy, tiêu chuẩn Việt Nam về phương tiện bảo vệ cá nhân vẫn còn thiếu nhiều, gây không ít khó khăn trong việc quản lý sản xuất, lưu hành, lựa chọn sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Hiện tại các cơ quan chức năng Nhà nước đang xây dựng, ban hành tiếp để hình thành một hệ thống tiêu chuẩn đồng bộ và đầy đủ.
Với các loại chưa có tiêu chuẩn chúng ta nên tham khảo áp dụng tiêu chuẩn ISO của Tổ chức Tiêu chuẩn Đo lường Quốc tế hoặc tiêu chuẩn của các nước tiên tiến. Cần chú ý, hiện nay ngày càng nhiều loại phương tiện bảo vệ cá nhân do nước ngoài sản xuất có mặt trên thị trường Việt Nam, nhưng không phải loại nào cũng đảm bảo chất lượng”.
Chính vì vậy, theo TS. Đỗ Thị Lan Chi, cần lựa chọn sử dụng loại biết rõ xuất xứ, có nhãn mác, chỉ tiêu chất lượng đi kèm. Cũng cần phân biệt: Trên bao bì hoặc trực tiếp trên sản phẩm có ghi tên các tiêu chuẩn nhưng không phải Tiêu chuẩn nào cũng quy định các thông số định lượng mà nhiều tiêu chuẩn nội dung chỉ đề cập đến cách Phân loại, Định nghĩa, Phương pháp thử nghiệm đánh giá… mà thôi.
Để tránh việc sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân như những vật “cản đường”, việc thiết kế phương tiện bảo vệ cá nhân vừa vặn, thoải mái, chất lượng tốt và không khiến người lao động cảm thấy bất tiện khi sử dụng là vấn đề cần hướng tới.
Nên xem
Mở rộng tiêm phòng sởi cho trẻ dưới 9 tháng tuổi
Noel trong tôi
Cuối năm, tăng cường xử lý vi phạm về giao thông
Điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo tăng trưởng bền vững
Thủ tục báo tăng đóng bảo hiểm xã hội
Tin vui: Người dân được nhận 2 tháng lương hưu, trợ cấp BHXH trước Tết
Doanh nghiệp cần hỗ trợ trong chuyển đổi “xanh”
Tin khác
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 16:43
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Vì lợi ích đoàn viên 23/12/2024 11:38
Hàng nghìn sản phẩm ưu đãi tại Chợ Tết Online của tổ chức Công đoàn
Vì lợi ích đoàn viên 22/12/2024 06:52
Xây dựng văn hóa công nhân đáp ứng yêu cầu Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Công đoàn 19/12/2024 18:25
Phát huy vai trò bảo vệ lợi ích của người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:38
LĐLĐ quận Hai Bà Trưng: Khám sức khoẻ miễn phí cho 200 đoàn viên, người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 19/12/2024 16:30
10 sự kiện, hoạt động tiêu biểu của Công đoàn Việt Nam năm 2024
Vì lợi ích đoàn viên 17/12/2024 06:36
Thanh Trì: Nhiều hoạt động nữ công thiết thực, hiệu quả
Vì lợi ích đoàn viên 15/12/2024 16:30
Đồng hành cùng doanh nghiệp đảm bảo việc làm cho người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 12/12/2024 13:59
Truyền thông, khám tầm soát ung thư cho hơn 1.000 công nhân lao động
Vì lợi ích đoàn viên 09/12/2024 06:16