Nữ chỉ huy Công an xã nhiệt huyết, tận tụy, luôn được người dân tin yêu
Công an chính quy về xã giữ bình yên xóm làng Dấu ấn sau 2 năm công an chính quy về các xã, thị trấn tại Hà Nội - Kỳ cuối: Hết lòng vì nhân dân phục vụ |
Hết lòng với nhân dân
Những năm qua, với chủ trương đưa Công an chính quy về xã của Bộ Công an, lực lượng Công an chính quy trên địa bàn Hà Nội đã nỗ lực bám địa bàn, phát huy tốt vai trò của quần chúng nhân dân, giữ vững ổn định tình hình an ninh trật tự. Đồng thời, triệt phá nhiều vụ việc, cảm hóa nhiều đối tượng lầm lỡ nhằm từng bước chuyển hóa địa bàn trọng điểm.
Trung tá Trương Thị Liễu, Phó Trưởng Công an xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì là nữ chỉ huy cấp đội duy nhất của Công an thành phố Hà Nội đã xung phong đi cơ sở, triển khai thực hiện nhiệm vụ, góp phần khẳng định được hiệu quả mô hình "Công an xã chính quy về xã", tạo dấu ấn trong lòng nhân dân.
Trung tá Trương Thị Liễu cho biết, ngay sau khi được bổ nhiệm, điều động về xã, đơn vị đã nhanh chóng ổn định tổ chức, bố trí, sắp xếp, phân công nhiệm vụ cụ thể phù hợp với năng lực, sở trường công tác của từng cán bộ, chiến sĩ. Bên cạnh đó, xây dựng quy chế làm việc để triển khai thực hiện nhiệm vụ có hiệu quả; làm tốt công tác phòng ngừa, tạo sự chuyển biến tích cực về tình hình an ninh, trật tự ngay tại địa bàn.
Kể về những ngày tháng mới về địa bàn, Trung tá Trương Thị Liễu bồi hồi nhớ lại, khoảng cuối năm 2020, Ủy ban nhân dân (UBND) huyện Thanh Trì đã tổ chức cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ gia đình, cá nhân thuộc thôn Văn, xã Thanh Liệt để thực hiện Dự án “Xây dựng khu di dân phục vụ giải phóng mặt bằng Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An và các dự án khác thuộc huyện Thanh Trì”.
Do không đồng thuận với giá đền bù nên nhiều người dân bức xúc với chính quyền. Có giai đoạn, người dân khiếu kiện vượt cấp, gây phức tạp về an ninh trật tự. Cùng thời điểm này, Bộ Công an triển khai Đề án “Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư” và Đề án cấp “Căn cước công dân có gắn chíp điện tử”. Khi thực hiện Đề án “Cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư”, Trung tá Trương Thị Liễu cùng với cán bộ, chiến sĩ Công an xã Thanh Liệt phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để phát phiếu thu thập thông tin dân cư, phục vụ việc nhập dữ liệu lên hệ thống...
Trung tá Trương Thị Liễu, Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt, Thanh Trì phát biểu tại chương trình gặp mặt, đối thoại giữa Ban Giám đốc Công an Thành phố với các nữ Cảnh sát khu vực, Công an xã. |
Hai sự việc nối tiếp nhau trong thời điểm "nhạy cảm" về an ninh trật tự, có những ngày các chiến sĩ Công an xã và cán bộ trong Ban công tác mặt trận cơ sở đến phát phiếu thì nhiều người dân không tiếp nhận.
"Cá biệt, một số trường hợp còn chống đối, gây khó khăn khi tiếp cận để tuyên truyền, vận động. Khi tìm hiểu, chúng tôi mới biết, một số người dân chưa đồng thuận vì hiểu chưa đúng. Họ cho rằng việc phát phiếu thu thập thông tin dân cư cũng như phải nộp bản photo một số giấy tờ gồm chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu… là để phục vụ chính quyền hoàn thiện thủ tục hồ sơ để thu hồi đất", Trung tá Trương Thị Liễu cho biết.
"Phải bằng mọi cách tiếp cận được với nhân dân, phân tích để người dân hiểu được quyền lợi và trách nhiệm của mình" - từ những suy nghĩ và trăn trở đó, Trung tá Trương Thị Liễu đã chủ động tham mưu cho cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Sau đó, Công an xã Thanh Liệt đã tăng cường xuống địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của người dân. Đồng thời, tham mưu với Đảng ủy, UBND xã, Chỉ huy Công an huyện phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận dụng sáng tạo những quy định của pháp luật có lợi nhất cho người dân bị thu hồi đất.
Trong đó, đặc biệt là làm tốt công tác tuyên truyền để tách việc thu thập thông tin dân cư để phục vụ Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư” và việc thu hồi đất. “Mưa dầm thấm lâu”, cùng với việc tuyên truyền bằng hệ thống loa truyền thanh, bảng tin, tổ chức họp dân tại nhà văn hóa để tuyên truyền về lợi ích của Đề án “Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”, người dân đã hiểu rõ vấn đề.
Xác định phải “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà thật kỹ, không để một hộ dân nào bị bỏ sót”, Công an xã Thanh Liệt đã bố trí 2 cán bộ là Phó trưởng Công an xã và 2 chiến sĩ để kiên trì vận động, tuyên truyền. Chẳng kể ngày nắng hay mưa, từ 15h-22h, họ có mặt ở địa bàn để phát phiếu, thu phiếu rồi đối chiếu với tài liệu gốc, cuối cùng đến Công an huyện Thanh Trì để nhập lên hệ thống dữ liệu dân cư, ngày làm việc thường kết thúc vào khoảng 3-4h sáng ngày hôm sau.
"Chẳng kể mưa, nắng vất vả, bằng sự kiên trì, nhiệt tình của cán bộ, chiến sĩ, cuối cùng người dân đã ủng hộ. Tỷ lệ thu thập thông tin dân cư tại thôn Văn gần như đạt cao nhất so với các thôn, tổ dân phố còn lại. Chúng tôi vui lắm!" - Trung tá Trương Thị Liễu xúc động chia sẻ.
Cán bộ, chiến sĩ Công an thành phố Hà Nội làm thủ tục cấp căn cước cho công dân. |
Đến nay, sau hơn hai năm, Công an xã Thanh Liệt đã nhận được sự ghi nhận và đánh giá cao từ phía người dân. Tội phạm và các tệ nạn xã hội đều giảm. Trên địa bàn không còn các điểm, tụ điểm về ma túy; hiện tượng đổ trộm chất thải, đất thải đã giảm đáng kể…
Theo Trung tá Trương Thị Liễu, quá trình làm công tác dân vận khó nhất là có được sự tin yêu của người dân. “Phải đối với dân bằng tấm lòng chân thành thì người dân địa phương mới đồng hành, chia sẻ để lực lượng Công an hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Từ những việc làm cụ thể, thiết thực, bà con sẽ tin tưởng và khi nhân dân cần, thì chúng tôi sẽ có mặt, bất kể ngày hay đêm, nắng hay mưa…”, Trung tá Trương Thị Liễu cho hay.
"Dân vận khéo" để giữ vững địa bàn
Tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân và tuyên dương 60 gương điển hình tiên tiến lực lượng Cảnh sát Thủ đô năm 2022, câu chuyện xúc động của Phó trưởng Công an xã Thanh Liệt Trương Thị Liễu với bài thơ viết về mẹ đã khiến cả hội trường rưng rưng xúc động.
Trung tá Trương Thị Liễu xúc động nhớ lại, thời điểm đó, Đề án cấp “Căn cước công dân gắn chíp điện tử” triển khai cũng là lúc đại dịch Covid-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp. Khi đó, cũng như những người đồng chí, đồng đội của mình, chị vừa làm nhiệm vụ chuyên môn vừa là lá chắn thép trên tuyến đầu chống dịch. Vào ngày giỗ mẹ, chị chẳng thể về thắp cho mẹ một nén hương…
Trong giây phút xúc động ở chốt trực, Trung tá Trương Thị Liễu đã viết lên bài thơ “Hẹn ngày sau con sẽ về nhưng không phải ngày mai”. Bài thơ thể hiện tình cảm và nỗi lòng của người con xa quê khi nhớ về những người đã sinh thành ra mình. Đồng thời, bài thơ cũng thể hiện những hy sinh thầm lặng của những cán bộ Công an cơ sở...
Nói đến đây, trên gương mặt mang tính cách cương nghị, quyết đoán, nghiêm túc với công việc của chị thoáng chút rưng rưng. Rất nhanh, chị lại chia sẻ về nhiệm vụ đang đảm nhiệm.
Trung tá Trương Thị Liễu hỗ trợ một cụ bà cao tuổi đến làm căn cước công dân. |
Chị Liễu chia sẻ, khi về đơn vị mới, đúng đợt cao điểm của dự án thu nhận thông tin dữ liệu dân cư, cấp căn cước công dân, Công an xã nói chung, Công an xã Thanh Liệt nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Người dân chưa thấu hiểu, chính quyền chưa nhận thức rõ nhiệm vụ, vai trò của lực lượng Công an chính quy, song nhờ làm tốt công tác dân vận, Công an xã đã nắm bắt hoàn cảnh gia đình những trường hợp đặc biệt. Đến nay 100% dữ liệu dân cư đã được thu nhận, 100% công dân trong độ tuổi cấp căn cước công dân đã đi làm thủ tục cấp.
Theo Trung tá Trương Thị Liễu, phải biết đặt quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân lên trên. Công an xã Thanh Liệt nói chung và bản thân chị đã xuống cùng với dân, giúp đỡ họ từ những việc nhỏ nhất như chẻ bó lạt, lội ruộng cắt rau, giúp đỡ cụ già, trẻ nhỏ bằng những việc làm thiết thực như tặng họ hộp sữa, bộ quần áo...
Đối với những gia đình có hoàn cảnh khó khăn; gia đình có việc hiếu thì cử cán bộ phụ trách địa bàn và chỉ huy đến chia buồn… những việc làm đó của cán bộ, chiến sĩ đã được bà con dần dần ghi nhận.
“Ngày 8/3 năm ngoái, khi các nữ Công an xã Thanh Liệt đang quay cuồng trong công việc, xuống địa bàn thì một người dân đã hái một bó hoa cỏ dại bên đường tặng cho chúng tôi. Thật sự xúc động, không thể nói được thành lời. Bởi có xuống cơ sở mới thấy những điều mình chưa bao giờ thấy trong những năm công tác. Người dân địa phương đã coi tôi như những người thân trong gia đình. Do đó, công việc của tôi thuận lợi hơn rất nhiều”, Trung tá Trương Thị Liễu bày tỏ.
Nên xem
Cơ hội thúc đẩy ứng dụng AI và hợp tác số toàn cầu
Giá xăng dầu hôm nay (20/11): Giá dầu thế giới tiếp tục tăng
Chiêu lừa giả mạo bán vé máy bay Tết 2025 để chiếm đoạt tài sản
Tỷ giá USD hôm nay 20/11: Giao dịch giữ mức 25.507 đồng/USD
Xét xử nữ giám đốc lừa tiền của nhiều người lao động
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 20/11: Tiết trời mát dịu trong ngày Nhà giáo Việt Nam
Tin khác
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11