Những người “giữ hồn” trung thu truyền thống
Đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô dịp Tết Trung thu Phố Hàng Mã rực rỡ đón Trung thu |
Ba đời làm đồ chơi trung thu truyền thống
Mỗi dịp gần đến Tết Trung thu, bà Nguyễn Thị Tuyến, người thôn Hậu Ái, xã Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội lại tất bật vừa làm vừa dạy con cháu làm đồ chơi trung thu truyền thống. Gia đình bà Nguyễn Thị Tuyến cũng là gia đình hiếm hoi ở Hà Nội đến nay vẫn giữ nghề làm đồ chơi trung thu truyền thống. “Nhà tôi 3 đời làm đồ chơi Trung thu rồi, từ đời các cụ ngày xưa, đến ông bà thân sinh ra tôi, đến tôi là được 3 đời rồi”, bà Tuyến chia sẻ.
Những món đồ chơi Trung thu truyền thống được bà Nguyễn Thị Tuyến làm rất kỳ công. |
Sinh ra trong gia đình có nghề truyền thống, bà Tuyến nhanh chóng học hỏi và trở thành nghệ nhân thuần thục từ lúc nào chẳng hay. “Tôi làm nghề này được hơn 50 năm nay rồi. Năm lên 8 tuổi, cụ thân sinh đã truyền nghề cho tôi, lúc đó nhỏ thì làm việc nhỏ như dán giấy màu thôi chứ chưa được làm khung. Sau này cứng tay hơn thì mới được làm khung và từ đó đến nay, tôi chưa bỏ một năm nào là không làm, không sản xuất đèn lồng”, bà Tuyến kể.
Với kinh nghiệm của mình, thời gian để bà Tuyến hoàn thiện một chiếc đèn ông sao thường nhanh gấp 2-3 lần người mới vào nghề, vì trăm hay chẳng bằng tay quen.
Mỗi sản phẩm từ đèn ông sao đến ông tiến sĩ giấy đều yêu cầu những người nghệ nhân phải có sự tỉ mỉ, chau chuốt và sự khéo léo. Bởi lẽ, mỗi công đoạn đều được làm hoàn toàn bằng đôi bàn tay của những người nghệ nhân mà không hề có sự can thiệp của máy móc hay công nghệ.
Bà Tuyến chia sẻ, khâu chuẩn bị nguyên liệu được rục rịch chuẩn bị từ đầu tháng 5 âm lịch. Lúc này, bà và chồng phải di chuyển quãng đường vài chục km, đến các chợ trong vùng tìm mua và chọn lọc những bó nứa đạt tiêu chuẩn. Quá trình sơ chế và chuẩn bị nguyên liệu được thực hiện ngay sau đó. Các sản phẩm được hoàn thiện dần từ khoảng đầu tháng 5 đến khoảng mùng 10 tháng 8 âm lịch.
Bà Tuyến cũng cho biết, để làm được những sản phẩm thủ công thì cần sự kiên trì, tỉ mỉ và khéo tay, tuyệt đối không được đốt cháy giai đoạn. Bởi, mỗi loại đồ chơi đều gắn với những câu chuyện dân gian, gắn với sự giáo dục truyền thống của cha ông ta để lại.
Chỉ tay vào ông tiến sĩ giấy vừa được hoàn thiện, bà Tuyến bảo: “Sở dĩ xưa kia trong mâm cỗ trung thu dành cho trẻ nhỏ luôn có ông tiến sĩ giấy là vì cha ông ta muốn giáo dục và mong muốn con cháu học hành giỏi giang, đỗ đạt, tương lai sáng lạng. Đi kèm với ông tiến sĩ giấy luôn có hai ông đánh gậy trông trăng đi cùng, bởi xưa đỗ tiến sĩ là ra làm quan và quan là phải có quân lính đi cùng”.
Với bà Tuyến, việc làm đồ chơi trung thu chỉ là để thỏa lòng đam mê và yêu nghề, hơn thế nữa là có nơi để giáo dục truyền thống văn hóa cho các cháu nhỏ trong thời đại 4.0. Bởi nếu ai cũng bỏ nghề, trẻ nhỏ lớn lên chỉ biết những đồ chơi hiện đại với nhiều màu sắc sặc sỡ, thì dần dần chúng sẽ không biết được ý nghĩa của chiếc đèn ông sao 5 cánh, hay ông tiến sĩ giấy trong mâm cỗ trông trăng…
Hơn 40 năm chế tác thủ công khuôn bánh trung thu
Cũng vào mỗi dịp gần đến Tết Trung thu, ông Trần Văn Bản, thôn Thượng Cung, xã Tiền Phong, huyện Thường Tín, Hà Nội lại bận rộn chế tạo mẫu khuôn mới để thu hút những khách hàng muốn tự tay làm bánh trung thu. Ông Bản là một trong số ít nghệ nhân còn gắn bó với nghề làm thủ công khuôn bánh trung thu ở Hà Nội. Khách hàng của ông không chỉ là cá nhân mà còn gồm cả các làng nghề, nhà máy, doanh nghiệp,...
Thôn Thượng Cung vốn nổi tiếng với nghề làm mộc lâu đời, đặc biệt là các sản phẩm khuôn bánh trung thu được làm thủ công, nhưng hiện nay chỉ còn sót lại gia đình ông Trần Văn Bản với hơn 40 năm kinh nghiệm.
Ông Bản chia sẻ: “Ngày xưa đã có nghề làm khuôn bánh trung thu, khuôn xôi, oản,...nhưng xã hội ngày càng phát triển, hiện đại nên nghề thủ công này mai một dần. Người trong làng cũng chuyển sang làm tượng gỗ hết nên giờ chỉ còn gia đình tôi vẫn giữ nghề. Tôi gắn bó với công việc này đã hơn 40 năm, bắt đầu học nghề từ năm 18 tuổi, đầu tiên là chế tác những khuôn bánh cơ bản và sau này là những khuôn bánh có đường nét, chi tiết phức tạp hơn”.
Vừa làm ông Bản vừa kể, một khuôn bánh trung thu được làm thủ công phải trải qua rất nhiều công đoạn, gỗ sau khi mua về phải làm sạch vỏ, bào nhẵn mặt và xẻ gỗ theo kích thước của từng mẫu. “Trước đây khuôn bánh trung thu thường được chế tạo từ gỗ thị nhưng hiện loại gỗ này rất hiếm và giá cao nên tôi chuyển sang dùng gỗ xà cừ, vừa dẻo lại vừa bền, ít cong vênh”, ông Bản nói.
Cũng theo ông Bản, trước đây, các công đoạn đều phải làm thủ công rất mất thời gian, đặc biệt là việc làm phẳng bên trong khuôn bánh cũng mất đến vài chục tiếng. Nhưng hiện nay, nhờ sự giúp đỡ của nhiều loại máy móc nên các công việc này chỉ mất một vài phút đã có thể hoàn thành. Do đó thời gian dành cho một sản phẩm cũng được giảm đáng kể, đối với những khuôn bánh phổ thông, ông Bản chỉ mất 2 - 3 tiếng, còn đối với những khuôn bánh có độ phức tạp cao hay những khuôn bánh to thì mất 1 - 2 ngày.
Đối với công đoạn đục tạo hình hoa văn, ông Bản vẫn phải làm hoàn toàn thủ công. Có đến hàng trăm loại dùi đục khác nhau và ông Bản với kinh nghiệm làm nghề lâu năm của mình phải lựa chọn từng loại dùi phù hợp với các họa tiết.Ngoài ra, mỗi khuôn bánh nướng, bánh dẻo cũng được làm khác nhau. Đối với khuôn bánh nướng, phải đục đều nét để khi nướng bánh lớp vỏ bên ngoài sẽ chín đều, không bị cháy. Công đoạn đục họa tiết được ông Bản đánh giá là khó nhất và phải làm hoàn toàn bằng tay. Người thợ phải chế tác hết sức khéo léo, tỉ mỉ sao cho hoa văn được khắc sắc sảo, khuôn dóc không bị bám bột mới đẹp mắt.
Ông Bản tuy đã bước qua ngưỡng tuổi 60, mắt không còn tinh tường như trước nhưng với hơn 40 năm tuổi nghề và sự nhạy bén của đôi tay, ông vẫn giữ từng đường đục sắc nét.
Vài năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều loại khuôn bánh trung thu bằng silicon, ảnh hưởng không nhỏ đến công việc của ông Bản. “Từ khi xuất hiện loại khuôn silicon này, lượng khách đặt hàng của gia đình tôi cũng giảm tới 50%, tuy nhiên loại khuôn này có nhược điểm phải dùng hơi nước để xịt bánh ra khỏi khuôn làm bánh dễ bị mốc và khó bảo quản. Vì thế, dần dần khách hàng cũ lại tìm đến tôi để làm khuôn gỗ”.
Công việc sản xuất khuôn bánh trung thu của gia đình ông Bản cũng theo thời vụ, đến hết vụ trung thu gia đình ông Bản lại chuyển sang làm khuôn oản, khuôn xôi cúng. Mỗi chiếc khuôn phổ thông có giá 300.000 - 500.000 đồng, những chiếc phức tạp hơn giá 1.000.000 đồng/khuôn, đặc biệt có những loại khuôn lớn, nhiều chi tiết khó thì giá rất cao, từ vài triệu đến cả vài chục triệu đồng.
Ông Bản cho biết khách hàng của ông rất đa dạng, từ cá nhân đến những làng nghề, doanh nghiệp ở khắp mọi nơi. Đặc biệt là có nhiều khách nước ngoài cũng đến tận nơi để mua khuôn bánh do ông làm ra.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Thủ đô 23/12/2024 17:27
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thủ đô 23/12/2024 11:39
Tết sớm trên phố: Đã thấp thoáng đào, quất
Nhịp sống Thủ đô 22/12/2024 16:16
Quận Hai Bà Trưng: Sẵn sàng vận hành các đơn vị hành chính mới
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 22:33
Nhiều trải nghiệm thực tế thú vị tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế Việt Nam 2024
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:23
Quận Thanh Xuân diễn tập chữa cháy tại Khu đô thị Royal City
Nhịp sống Thủ đô 21/12/2024 18:21
Quận Bắc Từ Liêm thông qua một số nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 20:42
Cử tri kiến nghị về chính sách hỗ trợ giải phóng mặt bằng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 18:52
Quận Bắc Từ Liêm tích cực khắc phục hậu quả vụ cháy quán cà phê trên đường Phạm Văn Đồng
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 17:09
Năm 2024: Quận Thanh Xuân thu ngân sách ước đạt 108,91%
Nhịp sống Thủ đô 20/12/2024 11:07