Người Thủ đô hướng về đồng bào bị thiên tai
Người dân Thủ đô thâu đêm nấu bánh chưng gửi đồng bào bị thiên tai Trân trọng những nghĩa cử chung tay vì người nghèo và đồng bào bị thiên tai, lũ lụt |
Cả làng thâu đêm nấu bánh chưng gửi vùng lũ
Nhiều ngày qua, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 và số 7 đã gây ra lũ lớn tại các tỉnh miền Trung làm thiệt hại nặng nề về người và tài sản, hoa màu, làm cho cuộc sống của đồng bào tại các vùng bị thiên tai gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, có 5 tỉnh bị thiệt hại nặng nhất là Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Người dân xã La Phù thâu đêm gói bánh chưng gửi người dân vùng lũ. |
Mực nước lũ ở một số nơi đã vượt mức lịch sử, làm nhiều người chết và mất tích; gần 150.000 ngôi nhà bị ngập, sập đổ, hư hỏng; gần 4.500 ha lúa, hoa màu bị ngập, vùi lấp; hơn 2.100 ha thủy sản bị thiệt hại; hơn 151.000 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; nhiều nơi đang bị chia cắt, nhiều khu vực dân cư bị cô lập.
Với phương châm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, tấm lòng thiện nguyện hướng về miền Trung đã lan tỏa mạnh mẽ trong từng thôn xóm, tổ dân phố, khu dân cư. Khoảng 4 tháng nữa chúng ta mới đón Tết Nguyên đán, tuy nhiên những ngày qua, tại xã La Phù (huyện Hoài Đức), người dân đã “nổi lửa” nấu bánh chưng xanh. Không phải để đón Tết cổ truyền mà hoạt động này đang hướng về miền Trung ruột thịt. Trong suốt 4 ngày, căn nhà của Nguyễn Phan Mạnh (thôn Tiền Phong, xã La Phù) luôn tấp nập người ra vào. Trong khuôn viên sân nhỏ, hàng chục người đủ mọi lứa tuổi không quản ngày đêm cùng nhau quyên góp tiền, vật chất để mua nếp gói và nấu bánh chưng. Người thì tất bật chẻ lạt, lau lá, người thì vo nếp, gói bánh, nhận hàng cứu trợ… Ở một góc sân, bếp lửa luộc bánh luôn trong tình trạng đỏ lửa thâu đêm để kịp gửi về cho bà con ở vùng lũ.
Tích cực tham gia từ những ngày đầu, chị Nhã (người dân thôn Tiền Phong) cho biết, mặc dù bận việc kinh doanh nhưng qua xem thông tin thấy đồng bào miền Trung hứng chịu lũ lụt quá xót thương, chị không khỏi xúc động. “Mong muốn tiếp sức cho đồng bào chống lũ nên tôi và nhiều người trong thôn đã tận tay gói từng chiếc bánh chưng.Với tình hình mưa lũ, người dân miền Trung phải đối mặt với việc thiếu nước sạch và lương thực, thực phẩm trầm trọng. Vì vậy cứu tính mạng và cứu đói là ưu tiên hàng đầu. Việc tiếp tế bánh chưng là hữu dụng vì người dân có thể ăn ngay và thời gian bảo quản được nhiều ngày”, chị Nhã cho biết.
Theo anh Mạnh, ngay sau khi phát động, hoạt động thiện nguyện này tại gia đình anh nhận được sự giúp sức rất lớn, xuất phát từ tấm lòng của người dân không một chút lợi ích cá nhân nào. Người dân trong thôn đã đóng góp 450kg gạo, 150kg đỗ và 150kg thịt lợn. Nhờ đó, 2.500 chiếc bánh chưng đã được hoàn thành. Bánh được chuyển làm 2 đợt, 500 chiếc bánh đầu đã tới được tận tay người dân ở Quảng Trị. Số bánh còn lại dự kiến sẽ được chuyển hết trong đêm 20/10. Bên cạnh đó, người dân cũng đóng góp hơn 40 triệu đồng, 100 thùng mỳ tôm, 560 chiếc áo len cùng các nhu yếu phẩm thiết yếu khác. “Hoạt động này người dân trong thôn sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi tình hình lũ lụt ở miền Trung giảm bớt”, anh Mạnh chia sẻ.
Cũng nhằm chung tay hỗ trợ người dân miền Trung vượt qua khó khăn, một tuần qua, chùa Đình Quán (quận Bắc Từ Liêm) lúc nào cũng đông người. Ngay khi miền Trung gặp lụt nặng, chùa đã tổ chức gói bánh chưng. Đến nay, hàng trăm phật tử cùng nhau gói 10.000 chiếc bánh. Ni sư Thích Tịnh Quán (Trụ trì chùa Đình Quán) cho hay, bánh chưng được chuyển tới tay người dân vùng lũ thông qua các đội tình nguyện. Dự kiến trong ngày 21/10, những chiếc bánh đã luộc chín sẽ được nhiều đơn vị vận chuyển hỗ trợ đưa vào Hà Tĩnh, đưa tận tay người dân vùng lũ.
Lan tỏa sự đùm bọc, sẻ chia trong cộng đồng
Không chỉ riêng hoạt động gói bánh chưng, những hình ảnh đẹp đẽ, giàu tính nhân văn, sự tử tế cũng được lan tỏa mạnh mẽ khi cả nước đang hướng về “khúc ruột” miền Trung. Nhiều bạn trẻ tại Hà Nội đã cùng kêu gọi giúp đỡ áo quần, lương thực, thuốc men, nước sạch... cho người dân nơi rốn lũ. Nhiều người nổi tiếng đã quyên góp nhiều tỷ đồng, cùng lương thực, thực phẩm.
Hàng cứu trợ ủng hộ miền Trung |
Với tinh thần Thủ đô vì cả nước, vì các tỉnh miền Trung thân yêu, từ các cấp, ngành đến các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Hà Nội đã nhiệt tình chung tay ủng hộ. Tại Hội nghị kỷ niệm 90 năm ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quận Đống Đa đã kêu gọi các tầng lớp nhân dân, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn quận ủng hộ hơn 100 triệu đồng. Thành đoàn Hà Nội tổ chức “Hội thu vận động quyên góp, ủng hộ thanh thiếu nhi và Nhân dân các tỉnh miền Trung thiệt hại do mưa lớn”. Chương trình đã quyên góp được số tiền mặt và quà tặng với tổng giá trị ước tính hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó có hơn 300 triệu đồng tiền mặt. Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội và công đoàn ngành phát động quyên góp, ủng hộ. Ngay tại lễ phát động, cán bộ công chức, nhân viên cơ quan Sở đã ủng hộ 45 triệu đồng. Trước đó, Công đoàn Giáo dục Hà Nội đã trao thông qua Ủy ban Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội 200 triệu đồng…
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, tính đến ngày 20/10 đã tiếp nhận hơn 22 tỷ đồng tiền mặt và hàng hóa của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết: Ngay sau khi nắm bắt được tình hình thiệt hại của các tỉnh miền Trung, ngày 13/10, tại Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ XVII, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức phát động “Toàn dân tham gia ủng hộ miền Trung bị thiệt hại do mưa lũ”.
Trân trọng ghi nhận những nghĩa cử cao đẹp của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân, các doanh nghiệp, tuy đang rất khó khăn do dịch Covid-19 nhưng vẫn tiếp tục ủng hộ đồng bào bị thiên tai, lũ lụt, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhấn mạnh: “Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, tôi tiếp tục kêu gọi các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hãy chung sức đồng lòng và tham gia ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung ruột thịt”.
Dự báo, ngập lụt kéo dài sẽ khiến cuộc sống người dân vùng lũ trở nên khó khăn trong thời gian tới. Tuy vậy, tin rằng tinh thần “tương thân tương ái” sẽ ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết trong cộng đồng. Những món quà cứu trợ, xe hàng từ khắp nơi chở đượm tình nghĩa đồng bào sẽ khiến người dân vùng lũ thêm vững tin. Đây là minh chứng điển hình thể hiện tình người, tinh thần vì cộng đồng của người Việt trong cơn hoạn nạn.
P.Ngân
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Hoài niệm về Hà Nội xưa qua không gian nghệ thuật ga Long Biên
Tôi yêu Hà Nội 05/12/2024 11:07
Độc đáo di sản cổ tự 2.000 năm tuổi
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:14
Phở - Tinh hoa ẩm thực Hà thành trong kỷ nguyên số
Tôi yêu Hà Nội 03/12/2024 07:06
“Đêm Trúc Bạch” - Trải nghiệm Hà Nội qua lăng kính thời bao cấp
Infographic 28/11/2024 22:32
Báo Lao động Thủ đô giành giải Ba cuộc thi viết về Bảo vệ môi trường Hà Nội năm 2024
Tôi yêu Hà Nội 28/11/2024 10:57
Sông Đáy thuở xưa
Tôi yêu Hà Nội 26/11/2024 08:01
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Tôi yêu Hà Nội 23/11/2024 21:30
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Lan tỏa những hành động nhân ái từ cộng đồng
Tôi yêu Hà Nội 20/11/2024 16:19
Cầu nối giữa các doanh nghiệp khởi nghiệp với các nhà đầu tư
Tôi yêu Hà Nội 17/11/2024 21:01