Mùa lộc vừng thay lá
Phố phường Hà Nội đẹp như trời Âu | |
Chiêm ngưỡng mùa Lộc Vừng thay lá ở Hồ Gươm | |
Có một “trời Âu” giữa lòng Hà Nội |
“Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời, càng tỏa ngát hương thơm hoa Thủ đô…”. Mỗi khi câu hát của cố nhạc sĩ Phan Nhân vang lên, những người con của Hà Nội, hay cả những người mới đặt chân đến Hà Nội dù chỉ một lần, đều không khỏi rạo rực, xao xuyến trong lòng. Hiếm có một thủ đô quốc gia nào lại có một hồ nước đẹp đến vậy giữa trung tâm thành phố.
Cây lộc vừng cổ thụ bên Hồ Gươm. Ảnh-MT |
Cây xanh quanh Hồ Gươm, từ cây gạo, cây vông, lộc vừng, đến liễu, phượng hay cây sấu... đều tạo nên sức hấp dẫn đến kỳ lạ. Nó còn là nguồn cảm hứng sáng tác thơ ca, nhạc, họa cho nhiều thế hệ các nghệ sĩ từng đến hay từng sinh sống nơi đây, tô điểm thêm cho viên ngọc quý của Thăng Long nghìn năm văn vật.
Hồ Gươm, hay còn gọi hồ Hoàn Kiếm từng mang tên hồ Lục Thủy, hồ Tả Vọng hay Ngũ Vọng, đã tồn tại cùng Thăng Long - Hà Nội giữa đất trời và trong lòng người mấy nghìn xuân thu đắp đổi. Hồ là một phần linh hồn của người Hà Nội, nếu không nói là của bất cứ một người Việt Nam nào. Trong số những cây xanh quanh Hồ Hoàn Kiếm có lẽ cây lộc vừng 9 gốc được coi như báu vật bởi nó là một trong những cây cổ nhất. Không giống như muôn ngàn những loài cho hoa vào tiết xuân, lộc vừng chỉ đơm bông vào mùa lá rụng. Khi những chiếc lá vàng mỏng manh theo gió trải đầy mặt phố, gieo vào lòng người những nỗi buồn man mác, cũng là lúc lộc vừng ban tặng hương sắc, thắm vàng tươi trong nắng.
Những nghệ nhân bonsai liệt kê lộc vừng vào hàng tứ quý: Sanh, sung, tùng, lộc. Họ hàng thân mộc chẳng có mấy loài bì kịp lộc vừng về sức sống. Dù bị chặt ngang thân, nhưng chỉ cần có đất và nước, thì phần thân bị đứt lìa lại có khả năng mọc rễ và nảy lộc đâm chồi. Có lẽ vì thương Thu tàn, Đông quạnh, nên lộc vừng muốn bù đắp cho mùa Thu những nụ hoa hiếm hoi của mình, tạo những chấm phá cách điệu, như những nốt hoa mỹ điểm xuyết trong bản nhạc thiên nhiên bất tận...
Hồ Gươm có 2 cây lộc vừng quý hiếm. Một cây đơn độc như cây "thế" khổng lồ, chỗ con đường Trần Nguyên Hãn gặp hồ thiêng. Nó như con ngựa tung bờm, chồm vó còn đang hăng phi nước đại, đến đây gặp làn nước xanh rờn nên đành dừng bước. Một cây nữa hợp quần 9 gốc, sát mép nước, cứ choãi mình soi bóng như cố uống lấy những tầng mây lãng đãng trong lòng hồ. Mỗi năm Xuân Thu nhị kỳ, cây thả hoa đỏ vào mặt hồ thành tấm thảm đỏ lung linh dập dờn, nổi bật trên nền những gợn sóng lăn tăn xanh biếc, lúc dạt xuống Hàng Khay, khi lan man lên chân cầu Thê Húc.
Dẫu chẳng kiêu sa quý phái, nhưng hoa lộc vừng vẫn chiếm trọn những trái tim say sưa thưởng ngoạn. Và cũng thật khác biệt, lộc vừng treo hoa e thẹn, như muốn giấu bớt vẻ đẹp của mình trong phiến lá. Dù là lúc nở rộ, nhưng người ta chỉ thấy mùi hương lộc vừng thoảng bay theo gió, không ngào ngạt, không pha màu nắng gió. Hương Lộc vừng vừa có nét gì đó giống với hương bưởi hương cau, vừa có sự quyến rũ khêu gợi thầm kín khó tả của riêng mình. Đã bao năm nay rồi thành lệ cứ mỗi mùa hoa lộc vừng nở là các tay săn ảnh lại tụ tập quanh cây lộc vừng cổ thụ ven hồ, các bạn trẻ Hà nội cũng đua nhau tạo dáng với thảm đỏ hoa lộc vừng rơi trên mặt đất. Ngay cả khi đã tàn, hoa lộc vừng vẫn còn rất đẹp. Khi những cách hoa liêu xiêu tản mát nhẹ bay, thì những cuống hoa còn lạ đã bắt đầu kết trái. Trái lộc vừng cứ đung đưa theo gió đến tận mùa Xuân, trông xa tưởng như những dải hoa Lộc vừng chỉ vừa thay áo mới, làm sao xuyến lòng người.
Lộc vừng đẹp theo mùa, đối với mùa hoa, mặt hồ, dưới gốc cây phủ hết một màu đỏ. Mùa nắng, cây lộc vừng vươn tán làm mát dịu biết bao tâm hồn người Hà Nội những trưa hè. Lãng mạn và cuốn hút hơn cả đó là mùa cây lộc vừng “thay áo” mới. Chỉ có một số ít cây lộc vừng thay màu áo mới sang màu vàng cam rực rỡ, còn chủ yếu là màu vàng thông thường. Như một lời hẹn ước của thời gian, tháng Ba, tháng Tư, hai cây lộc vừng cổ thụ ở Hồ Gươm lại bước vào mùa thay lá. Những chiếc lá xanh đồng loạt chuyển sang màu vàng khiến cả một góc Hồ Gươm như sáng rực, đẹp lung linh. Mỗi năm cây lộc vừng nở hoa hai lần vào đầu mùa Hạ và cuối mùa Thu. Thời điểm đẹp nhất để ngắm hoa lộc vừng là vào ban đêm. Sáng hôm sau hoa sẽ rụng xuống trải thảm dưới gốc cây hoặc cánh hoa nổi bồng bềnh trên mặt hồ.
Nếu ai đó đã từng đến Hà Nội vào tháng Ba, tháng Tư, bên Hồ Gươm ngắm những cây lộc vừng trầm mặc, ngắm những dải hoa tuyệt đẹp rủ bóng xuống mặt Hồ Gươm sẽ thấy được Hà Nội như trở về nét xưa cổ kính. Hoặc lúc buổi mai sớm, bên ly cà phê đặc sánh, ngắm những bông lộc vừng còn ngậm hơi sương vừa chớm nở sẽ thấy lòng xao xuyến bồi hồi, như lạc bước trong thế giới vừa mơ vừa thực.
Chắc nhiều người thắc mắc, không biết cây lộc vừng cổ thụ ấy có gì đặc biệt. Chẳng biết nó bao nhiêu tuổi, nhưng Hồ Gươm lặng lẽ soi bóng trời mây bao năm, bao thế hệ người Hà Nội sinh ra lớn lên ở Hà Nội đã thấy cây nằm đó cổ xưa và vững chãi. Giữa cả nghìn cái cây to nhỏ đủ màu, đủ loại quanh bờ Hồ, có lẽ những người chỉ đi lướt qua sẽ không mấy để ý đến. Tuy nhiên, với những người sống lâu năm ở phố Đinh Tiên Hoàng, Hồ Hoàn Kiếm, Lò Sũ... thì trong mắt họ, trong suy nghĩ của họ, đó là chứng nhân lịch sử quen thuộc gần gũi như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.
Hà Nội có thể vội vã, cả thành phố lúc nào cũng ồn ào như không ngủ, nhưng ở một góc hồ khiêm tốn, cây lộc vừng vẫn lặng lẽ tỏa hương vào mỗi mùa hoa, hay khoe sắc những dịp thay lá, chưa bao giờ thấy gợn chút thị phi. Dưới tán cây ấy, Hà Nội lướt qua với một cốc nước rót đi rót lại vài lần đủ để ngấm cái nhịp sống Hà Nội bình dị xung quanh gốc cây ngàn năm soi bóng xuống hồ thiêng.
Cao Tiến
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Tin khác
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp trong hoạt động cải cách hành chính
Thủ đô 22/11/2024 17:25
Kênh thông tin hữu hiệu tuyên truyền sâu rộng Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 15:13
Sôi nổi Hội thi Bí thư chi bộ giỏi quận Bắc Từ Liêm năm 2024
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 14:18
Quận Tây Hồ phát huy và bảo tồn giá trị di sản văn hóa
Thủ đô 22/11/2024 10:53
Quận Hai Bà Trưng góp ý vào dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ quận
Nhịp sống Thủ đô 21/11/2024 08:42
Đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm OCOP của Đông Anh tới thị trường trong và ngoài nước
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 18:56
Hà Nội có xã dân tộc miền núi đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Nhịp sống Thủ đô 20/11/2024 09:24
Đẩy mạnh kết nối cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm địa phương
Thủ đô 19/11/2024 15:25
Sơn Tây: Khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ngành Giáo dục và Đào tạo năm học 2023 - 2024
Nhịp sống Thủ đô 19/11/2024 07:59