Lễ hội Đình Nhật Tân: Điểm sáng trong đời sống văn hóa tâm linh của Thủ đô
Lễ hội đình Nhật Tân được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia |
Phát biểu tại lễ hội, ông Công Minh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân cho biết: "Lễ hội Đình Nhật Tân là sợi dây kết nối các thế hệ người dân địa phương với con em quê hương đang sinh sống ở mọi miền Tổ quốc, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc.
Việc Lễ hội được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là niềm vui, tự hào của cán bộ và nhân dân phường Nhật Tân, đồng thời đánh dấu mốc quan trọng, mở ra cơ hội mới để giá trị di sản này tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa".
![]() |
Ông Công Minh Tuấn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Nhật Tân phát biểu tại lễ hội. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội) |
Theo tài liệu lịch sử, Đình Nhật Tân được xây dựng để thờ Đức Thánh Hoàng Làng - Đức Thánh Uy Đô Đại Vương Trần Linh Lang, một vị anh hùng có công lớn trong việc bảo vệ và phát triển vùng đất ven sông Hồng. Tục xưa truyền lại, Đình Nhật Tân trước đây gọi là điện Nhật Chiêu, đến thời Khải Định mới đổi thành Nhật Tân.
Đức Thánh Trần Linh Lang là con của Chính Cung Minh Đức Hoàng Hậu, nổi danh với trí thông minh và tài thao lược. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông vào thời Trần Nhân Tông, Ngài đã dâng biểu xin vua cha cho phép xuất quân, lập đội "Thiên tử quân", tiến đánh và giành chiến thắng vang dội.
Sau khi mất vào năm 1300, vua Trần cho xây đền thờ Ngài tại nơi mất và sắc phong Hiển Minh Đức. Từ đó, để tưởng nhớ công lao của Đức Thánh, người dân Nhật Tân tổ chức lễ hội vào ngày 10/2 Âm lịch hàng năm.
![]() |
Lễ hội Đình Nhật Tân diễn ra hằng năm vào tháng Hai Âm lịch, kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội) |
Lễ hội Đình Nhật Tân diễn ra hằng năm vào tháng Hai Âm lịch, kéo dài trong 3 ngày với nhiều hoạt động đặc sắc. Nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội là lễ tế, trong đó các bô lão trong làng thực hiện các nghi thức cổ truyền để bày tỏ lòng thành kính đối với Đức Thánh Linh Lang.
Lễ rước kiệu là điểm nhấn khi kiệu được rước từ đình làng qua các tuyến phố chính, tạo nên không khí linh thiêng và trang trọng. Năm nay, lễ hội được tổ chức với quy mô lớn, bao gồm Đại lễ rước thần với sự tham gia của 10 tổng rước: kiệu Thánh Cả, kiệu Thánh Mẫu, kiệu lễ vật, kiệu nước và nhiều kiệu khác.
Tổng cộng gần 2.000 người đến từ các tổ dân phố, đoàn thể, dòng họ và khối nhân dân các di tích cùng tham gia rước kiệu.
Trước đó, phường Nhật Tân đã thực hiện phân công việc tổ chức lễ hội tới các tổ dân phố. Nhân dân trong phường đã tích cực luyện tập trong hơn 1 tháng để chuẩn bị cho lễ hội đình Nhật Tân năm 2025.
Riêng Tổ dân phố số 4 đảm nhận tổng rước kiệu Đức Thánh Hoàng Giáp Minh Khiết Đại Vương với 170 người tham gia.
![]() |
Lễ hội Đình Nhật Tân mang đậm nét văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ của nhân dân địa phương với vị Uy Linh Lang có công với nước với dân, dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. (Ảnh: Pháp luật và Xã hội) |
Một nghi lễ đặc biệt được thực hiện trong đêm 9/2 (Âm lịch) gọi là nghi thức "Phóng noãn". Đây là nghi thức quan trọng mang tính tâm linh, được tổ chức để cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Vào khoảng giờ Tý, đoàn rước sẽ đưa lễ tượng trưng có 7 quả trứng đi thả phóng dưới sông Hồng.
Nghi lễ này phản ánh tín ngưỡng phồn thực của người Việt cổ, với mong muốn thiên nhiên ban phát sự sống, mùa màng tươi tốt và cuộc sống ấm no. Theo quan niệm xưa, giờ Tý tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở. Địa điểm thả trứng được thực hiện ở ngã ba sông Hồng với nhiều ý nghĩa của văn hóa phồn thực truyền thống.
Sau nghi thức Phóng noãn, đoàn rước sẽ di chuyển từ đình làng ra bến sông, nơi các bô lão trang trọng múc nước thiêng đem về đình để thực hiện các nghi thức tế lễ. Vị trí lấy nước sẽ được thực hiện tại ngã 3 sông, chính tại địa điểm đã thực hiện phóng noãn của đêm hôm trước.
Nước thiêng này được xem như biểu tượng của sự thanh khiết, mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an và bình an cho dân làng. Bình nước này có thể tích 70 lít sẽ được sử dụng cho các việc của Đình Nhật Tân trong thời gian 2 năm. Đây là phong tục truyền thống mang đậm dấu ấn của nền văn minh lúa nước, thể hiện sự gắn kết giữa con người với thiên nhiên và tín ngưỡng dân gian lâu đời.
Đan xen trong lễ hội có rất nhiều trò chơi và biểu diễn văn nghệ truyền thống như hát chèo, diễn tuồng, biểu diễn các nhạc cụ dân tộc, đánh cờ người, chọi gà, đánh tổ tôm điếm... Lễ hội đình Nhật Tân mang đậm nét văn hóa truyền thống và bản sắc dân tộc, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng mộ của nhân dân địa phương với vị Uy Linh Lang có công với nước với dân, dẹp giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.
Bạn Trần Minh Khuê, học sinh Trường THPT Tây Hồ chia sẻ: "Là một người trẻ, em cảm thấy rất tự hào khi được trực tiếp tham gia vào lễ hội của địa phương. Đây là cơ hội để thế hệ trẻ như chúng em được gắn kết nhiều hơn với những giá trị văn hoá lịch sử của địa phương, của dân tộc và thêm yêu lịch sử của nước nhà".
Với những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc, lễ hội Đình Nhật Tân vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Sự kiện này không chỉ khẳng định vị thế của lễ hội trong đời sống văn hóa tâm linh mà còn là động lực quan trọng để người dân địa phương gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống.
Việc công nhận Lễ hội Đình Nhật Tân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ góp phần bảo tồn nét đẹp truyền thống mà còn mở ra nhiều cơ hội phát triển du lịch văn hóa tại Hà Nội. Lễ hội Đình Nhật Tân không chỉ là nơi để người dân thể hiện lòng tri ân với tổ tiên mà còn là dịp để thế hệ trẻ hiểu hơn về cội nguồn dân tộc.
Với sự quan tâm của các cấp chính quyền và lòng tự hào của nhân dân, lễ hội chắc chắn sẽ tiếp tục là điểm sáng trong đời sống văn hóa tâm linh của Thủ đô Hà Nội.
Nên xem

Công đoàn huyện Quốc Oai tập trung tổ chức hiệu quả các hoạt động trong Tháng Công nhân

Hơn 60 doanh nghiệp tham gia kết nối cung cầu hàng hóa tại Hưng Yên

Danh tính các đối tượng trong vụ việc "bảo kê" xây dựng tại phường Xuân La

Cựu Tổng Giám đốc Tổng công ty Chè Việt Nam bị đề nghị 11-12 năm tù

Chuyển đổi số toàn diện, vì cuộc sống tốt đẹp hơn

Chính thức khởi tranh Giải bóng đá CNVCLĐ & LLVT quận Hai Bà Trưng lần thứ XXIV - năm 2025

Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách
Tin khác

Loạt chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước
Văn hóa 15/04/2025 17:29

Bình yên nghe sóng vỗ
Văn hóa 15/04/2025 16:22

Câu chuyện về Seongsudong, Hàn Quốc và gợi mở cho công nghiệp văn hóa Thủ đô
Văn hóa 15/04/2025 16:17

TP.HCM: Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước
Văn hóa 15/04/2025 09:42

Hai đài truyền hình quốc gia Việt - Trung công bố loạt dự án hợp tác trọng điểm
Văn hóa 14/04/2025 21:03

Tổ chức chuỗi chương trình nghệ thuật kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam
Xã hội 14/04/2025 16:31

Trào lưu tạo hình ảnh bằng Chat GPT gây sốt, nhưng người dùng cần thận trọng
Văn hóa 14/04/2025 09:07

Vị tướng Trường Sơn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân
Văn hóa 13/04/2025 14:34

Họa sĩ Lê Thu Huyền: Người thổi hồn nhân văn vào trong từng nét cọ
Văn hóa 12/04/2025 20:00

"Hẹn ước Bắc - Nam" - Chương trình chính luận nghệ thuật có quy mô hoành tráng
Văn hóa 11/04/2025 16:14