"Bài ca Hà Nội": Tiếng nhạc trầm hùng mà da diết của Thủ đô Anh hùng
Hà Nội trang trí đô thị ánh sáng |
Báo Lao động Thủ đô xin đăng toàn văn Đề tài “Tổ chức chương trình nghệ thuật thường niên vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10” của nhóm tác giả: Hồng Trâm – Hà Linh (Báo Màn ảnh sân khấu Hà Nội) tham gia cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo vì Thủ đô Anh hùng – Thành phố vì Hòa bình” do Công đoàn Viên chức Hà Nội và Báo Lao động Thủ đô tổ chức.
Cứ đến 10/10 hàng năm, Hà Nội lại tưng bừng cờ hoa, lòng người dân rộn ràng, háo hức chờ đón những chương trình nghệ thuật đặc sắc chào mừng Giải phóng Thủ đô – những ngày tháng 10 năm nào cũng thực sự là những ngày hội. Các quận, huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có nhiều hình thức tuyên truyền chào mừng ngày Lễ này phong phú từ chiếu phim tư liệu, biểu diễn ca múa nhạc đến các hình thức tuyên truyền, cổ động đa dạng.
Tại các sân khấu biểu diễn Nhà hát Lớn, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô hay Trung tâm Hội nghị quốc gia đều có những chương trình nghệ thuật đặc sắc mà trong số đó đã có những chương trình ghi lại dấu ấn đặc sắc như Sóng đàn Hà Nội, Thu Hà Nội, Nhớ mùa thu Hà Nội... Đặc biệt, trong những năm gần đây, khi những sân khấu ngoài trời xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm đã trở nên rất dỗi quen thuộc với người dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cũng thường xuyên kết hợp với các đơn vị nghệ thuật, các nhà tài trợ tổ chức những chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao đặc sắc mỗi dịp 10/10.
Bài ca Hà Nội” sẽ là nơi hội tụ những nghệ sĩ hàng đầu , những người con ưu tú của Hà Nội (ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Trong số đó phải kể đến chương trình hòa nhạc ngoài trời với tên gọi Vietnam Airlines Classic – Hanoi Concert tại không gian phố đi bộ Quảng trường Lý Thái Tổ đã được tổ chức đến lần thứ Ba và trở thành một trong những sự kiện văn hóa có thương hiệu, thu hút được sự chú ý của đông đảo khán giả.
Nhưng hòa nhạc vốn kén khán giả thưởng thức, các sân khấu chuyên nghiệp thì giá vé cao, số lượng chỗ ngồi hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đông đảo khán giả, bởi vậy, việc có một sân khấu ngoài trời xung quanh phố đi bộ Hồ Gươm với những ca khúc về Hà Nội, sân khấu rộng, có sức chứa hàng chục ngàn người đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của đông đảo người yêu nghệ thuật Thủ đô là một điều hết sức cần thiết và có ý nghĩa mỗi dịp giải phóng Thủ đô 10/10.
Ý tưởng xây dựng chương trình nghệ thuật mang tên gọi “Bài ca Hà Nội” bắt nguồn từ nhu cầu đó.
"Bài ca Hà Nội" – tinh hoa của âm nhạc Hà Nội
Trong nhịp sống thanh bình hôm nay, nhìn lại quá khứ hào hùng của dân tộc, chúng ta không thể không nhắc đến một phần chiến công của âm nhạc, đó là một phần sức mạnh để đưa đoàn quân ra mặt trận, là giá trị tinh thần cho các chiến sỹ thêm niềm lạc quan tin tưởng vào sự chiến thắng của dân tộc đem lại nền hòa bình độc lập như hôm nay. Khi Tổ quốc có chiến tranh, những bài ca là những tấm lòng thủy chung của người yêu ở quê nhà nhắn gửi làm ấm lòng người ở nơi tiền tuyến. Và còn nhiều ca khúc như những bản tráng ca mang tính hiệu triệu, kêu gọi, khơi dậy ý thức tự tôn dân tộc như luôn là động lực to lớn, là sức mạnh lay động đến muôn triệu trái tim, là những “Tiếng hát át tiếng bom” và là sự tất yếu của Cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thành công.
Sau hơn 70 năm kể từ khi đón chào những đoàn quân chiến thắng, hơn 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới cùng đất nước, đời sống người dân và bộ mặt Thủ đô đã có nhiều thay đổi. Những ngôi nhà cao tầng san sát rực rỡ ánh đèn, những đường phố rộng rãi, những cây cầu ngang dọc... Hà Nội đang vươn cao và trải rộng để hướng tới một Thủ đô văn minh, hiện đại. Các tác phẩm âm nhạc cũng phản ánh chân thực và sinh động Hà Nội đang trên đà đổi mới, phát triển, ca ngợi thiên nhiên Hà Nội với những con người thanh lịch, văn minh, phấn đấu xây dựng Thủ đô xứng với tên gọi “Thành phố vì hòa bình”.
Rất nhiều những bài hát viết về Hà Nội đã ra đời, mỗi nhạc sỹ đều tìm những cách riêng để thể hiện nỗi niềm, cảm xúc và tình yêu đối với Hà Nội trong mỗi “đứa con tinh thần” của mình. Và vì thế, dù được viết vào thời kỳ nào, những bài hát viết về Hà Nội cũng để lại trong lòng người những dư vang lắng sâu, đặc biệt. Những giai điệu, ca từ trong các bài hát viết về Hà Nội cứ tự nhiên được bật ra thấm đẫm tâm hồn người nghe bởi đã phản ánh được hơi thở của thời đại.
Với vị trí và vai trò của âm nhạc trong đời sống xã hội như vậy, việc có những đêm nhạc về Hà Nội là hết sức cần thiết. Bên cạnh việc tuyên truyền, quảng bá cho hình ảnh Thủ đô anh hùng, Hà Nội – Thành phố vì hòa bình thì các đêm nhạc cũng sẽ giúp người dân Hà Nội cũng như các địa phương khác và du khách quốc tế thêm hiểu, thêm yêu, thêm tự hào về Hà Nội qua những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng nhưng cũng không kém phần hào hùng, khơi nguồn cảm xúc trong lòng mỗi người có dịp được thưởng thức.
“Bài ca Hà Nội” được xây dựng từ nguồn cảm hứng đó, đây sẽ là một chương trình âm nhạc được dàn dựng quy mô, tôn vinh các sáng tác về Hà Nội. Chương trình dự kiến được tổ chức định kỳ nhân dịp Giải phóng thủ đô 10/10 hàng năm. “ Bài ca Hà Nội” như một ngày hội âm nhạc của Thủ đô yêu dấu, phục vụ miễn phí nhu cầu thưởng thức Văn hóa Nghệ thuật cho công chúng Hà Nội.
“Bài ca Hà Nội” dự kiến được xây dựng thành một chuỗi đêm diễn hàng năm , mỗi một đêm diễn của một năm sẽ mang một chủ đề, mà ở đó, các mốc lịch sử cũng như những nét văn hóa đặc trưng của Hà Nội sẽ được sử dụng làm chất liệu xây dựng nội dung cho từng đêm diễn.
Các đêm diễn có thể đánh dấu theo thứ tự, 1,2,3,4,5… hoặc theo những chủ đề, ví dụ như: Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu - âm nhạc thuộc về Hà Nội thời kỳ kháng chiến chống Pháp và giành độc lập; Hà Nội ơi, một trái tim hồng - âm nhạc Hà Nội trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, giải phóng đất nước; Hà Nội đẹp mãi trong ta như bản tình ca – những giai điệu âm nhạc Hà Nội của hôm nay; Thu Hà Nội - Những bản tình ca đẹp, lãng mạn về mùa thu Hà Nội; Thủ đô ta tự hào vươn cao - những ca khúc ngợi ca vẻ đẹp của sự phát triển của các công trình xây dựng tạo nên bộ mặt hiện đại của Hà Nội…..
Như người ta vẫn nói, Hà Nội ngoài vẻ đẹp rất riêng của thành phố ngàn tuổi làm say đắm lòng người còn có sự linh thiêng huyền ảo nào đó khiến cho những áng thơ văn, những tác phẩm âm nhạc viết về Hà Nội luôn là những tác phẩm đặc sắc cả về chất lượng lẫn số lượng. Còn nhớ, nhân kỷ niệm thành phố tuổi ngàn năm, nhà thơ - nhà lý luận phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha có sáng kiến tuyển những nhạc phẩm đó thành cuốn sách dày gần 2.000 trang với 1.000 ca khúc của trên 500 tác giả, và đó sẽ là kho tàng vô tận để chúng ta có thể xây dựng “Bài ca Hà Nội” thành chương trình nghệ thuật cho những năm sắp tới cũng như các thế hệ mai sau....
Còn rất nhiều những chủ đề âm nhạc về Hà Nội khác mà chúng ta có thể khai thác, mỗi chủ đề đều sẽ tạo được những dấu ấn riêng trong lòng người yêu nhạc Thủ đô. Và trong bài viết này, bằng tình yêu da diết với Hà Nội cũng như những ca khúc viết về mảnh đất nghìn năm văn hiến này, tôi muốn mở rộng hơn, đề cập đến một số ca khúc tiêu biểu về Hà Nội, những ca khúc đã đi vào lòng người, là một phần máu thịt trong tâm hồn người Hà Nội bao thế hệ trước đây, hôm nay và mãi về sau này…
"Bài ca Hà Nội" sẽ là tinh hoa của âm nhạc Hà Nội (ảnh minh họa: Bảo Thoa) |
Đó là “Người Hà Nội” của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được xem như một bản hùng ca ngợi ca Hà Nội gắn liền với cuộc chiến đấu bảo vệ thủ đô. Bài hát ra đời năm 1947, sau khi Hà Nội đã vùng lên chiến đấu theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với những ca từ mang tính tự sự, trong phần mở đầu bài hát, tác giả đã làm hiện lên trong tâm trí người đọc hình ảnh một thủ đô đã có một nghìn năm văn hiến vẫn rất thân quen, gần gũi: “Đây Hồ Gươm, Hồng Hà, Hồ Tây / Đây lắng hồn núi sông ngàn năm / Đây Thăng Long, đây Đông Đô, đây Hà Nội, Hà Nội mến yêu...”. Âm hưởng da diết ban đầu chìm xuống, thay vào đó là âm hưởng anh hùng ca với nhịp hành khúc gợi lên nhịp đi của những người anh hùng sắp sửa bước vào trận quyết chiến với kẻ thù: “Hồng Hà tràn đầy, Hồng Hà cuốn, ngàn nguồn song, tràn đầy dâng…”.
Nếu như “Người Hà Nội” là lời thề son sắt buổi lên đường thì “Tiến về Hà Nội” được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác năm 1949 đã miêu tả sinh động bằng âm nhạc cảnh tượng đoàn quân giải phóng tiến về thủ đô ngày chiến thắng. Điều đáng nói là, thời điểm bài hát ra đời cách xa ngày Giải phóng Thủ đô sau này đến 5 năm mà người nhạc sỹ tài hoa vẫn “vẽ” được hình ảnh: “Chúng ta đi nghe vui, lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố”, trong niềm sung sướng, tự hào: “Chúng ta đem vinh quang, sức dân tộc trở về” khi mà “cả cuộc đời vui tươi từ đây”…
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hà Nội được biết đến là một Thủ đô anh hùng vẫn kiên cường trụ vững trong mưa bom, bão đạn, trong khói lửa chiến tranh. Đặc biệt, trong 12 ngày đêm cuối cùng của năm 1972, quân và dân Hà Nội anh hùng đã làm nên một trận Điện Biên Phủ trên không khiến cho kẻ thù phải khuất phục. Nhạc sĩ Phan Nhân, người con của vùng sông nước Cửu Long đã may mắn tận mắt chứng kiến những giây phút hào hùng đó và đã sáng tác bài “Hà Nội niềm tin và hi vọng”. Trong những ca từ đẹp, tươi sáng, người nghe nhận ra được niềm tự hào, trìu mến: “Hà Nội đó, niềm tin yêu hi vọng, của núi sông hôm nay và mai sau. Chân ta bước lòng ung dung tự hào, kìa nòng pháo vẫn vươn lên trời cao…”. Không chỉ mang tính ngợi ca bài hát còn thể hiện niềm lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tất thắng.
Những năm tháng chiến tranh, đất nước bị chia cắt làm hai miền, trong buồn thương và chia ly, người Hà Nội vẫn giữ được những nét hào hoa, lãng mạn vốn có. Ca khúc “Gửi người em gái” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh được ra đời trong những ngày mùa xuân năm 1956 là một bản tình ca đẹp, dẫu có phảng phất buồn: Bài hát bộc lộ những nỗi niềm riêng tư, thầm kín nhưng đã tìm được sự sẻ chia trong tâm hồn của những người đồng điệu cùng chung một thế hệ.
Bước ra những năm tháng khói lửa chiến tranh, Hà Nội vươn lên dựng xây cuộc sống mới. Những ca khúc viết về Hà Nội thời kỳ sau năm 1975 thể hiện những xúc cảm đằm sâu về một thủ đô thơ mộng, thanh lịch, mang trong mình những trầm tích văn hoá với bản sắc riêng. Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng có 20 năm gắn bó với Hà Nội. Kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Thủ đô, năm 1984 bài hát “Nhớ về Hà Nội” ra đời như là một sự tri ân của tác giả đối với mảnh đất và con ngưòi Hà Nội. Không phải ngẫu nhiên mà “Nhớ về Hà Nội” đã trở thành nỗi niềm đồng điệu của những con người đã từng sống và gắn bó với mảnh đất Hà Thành.
Trong số các nhạc sĩ có nhiều ca khúc hay về Hà Nội thì những bài hát của nhạc sỹ Phú Quang để lại những ấn tượng đẹp và sâu lắng trong lòng người. Đó là những ca khúc có lời ca trong sáng, giản dị, giai điệu đẹp, chứa đựng nỗi niềm khắc khoải, nhớ thương tha thiết. Có thể kể ra đây một loạt những ca khúc như thế: “Hà Nội ngày trở về”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Em ơi Hà Nội phố”, “Lãng đãng chiều đông Hà Nội”. Người nghe có thể tìm thấy những nét đẹp rất riêng của Hà Nội trong âm nhạc của Phú Quang. Đó là vẻ đẹp cổ kính, trầm mặc được cảm nhận qua nỗi cô đơn của người nghệ sĩ “Cây Bàng mồ côi mùa đông, mùa đông năm ấy, tiếng dương cầm trong căn nhà đổ. Tan lễ chiều, sao còn vọng tiếng chuông ngân…”. Có khi là vẻ đẹp trong cảnh yên tĩnh về đêm với mùi hoa sữa đặc trưng của Hà Nội trong “Im lặng đêm Hà Nội”: “ Chỉ còn mùi hoa sữa nồng nàn, trong căn phòng nhỏ”….
Nhắc đến những ca khúc viết về Hà Nội, không thể không đề cập đến những bài hát về mùa thu Hà Nội. Vẻ quyến rũ rất riêng của mùa thu Hà Nội đã khơi gợi cảm hứng sáng tác cho nhiều nhạc sĩ. Để rồi nhiều bài hát về mùa thu Hà Nội đã ra đời và để lại ấn tượng đẹp trong lòng người như: “Hà Nội mùa thu” - Vũ Thanh; “Có phải em mùa thu Hà Nội” - Trần Quang Lộc; “Nhớ mùa thu Hà Nội”….Trịnh Công Sơn. Đặc biệt, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn đã mang lại cho người nghe những cảm xúc bâng khuâng, khó tả, ngay từ những nốt nhạc đầu tiên: “Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu…”. Bài hát đã gợi lên được một không khí thu mang đặc trưng của Hà Nội với đủ màu sắc, hình khối, đường nét, âm thanh và cả những mùi hương rất riêng của mùa thu nơi đây: “mùa hoa sữa về, thơm từng cơn gió, mùa cốm xanh về, thơm bàn tay nhỏ, cốm sữa vỉa hè, thơm bước chân qua”. Bài hát đã làm dấy lên những cảm xúc nhẹ nhàng, tha thiết đối với cả những ai dù chưa một lần đến với Hà Nội lúc vào thu.
“Bài ca Hà Nội” – nơi hội tụ những nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam
“Bài ca Hà Nội” sẽ là nơi hội tụ những nghệ sĩ hàng đầu, những người con ưu tú của Hà Nội cũng như trong cả nước như: Nhạc sĩ Phú Quang, nhạc sĩ Nguyễn Cường, nhạc sĩ Dương Cầm, NSND Quang Thọ, ca sĩ Hồng Nhung, ca sĩ Mỹ Linh, ca sĩ Thanh Lam, ca sĩ Ánh Tuyết, ca sĩ Tấn Minh, ca sĩ Quang Dũng, ca sĩ Mỹ Tâm...
“Bài ca Hà Nội” sẽ được dàn dựng khác biệt so với những chương trình ca nhạc thuần túy, là sự kết hợp giữa các phần trình diễn hòa nhạc ( semi – classic concerts), hợp xướng, ca nhạc nhẹ, múa. Mỗi chương trình gồm các nhiều thành phần cùng góp sức: tác giả kịch bản, đạo diễn sân khấu, đạo diễn âm nhạc, đạo diễn hình ảnh, biên đạo múa, chỉ huy hợp xướng, họa sĩ thiết kế sân khấu, tổ chức sản xuất….và các nghệ sĩ trình diễn…
Tất cả sẽ tạo nên một bản hòa ca đẹp, hào hùng, mang giá trị nghệ thuật cao và hoàn toàn khác biệt với những chương trình nghệ thuật thuần túy. Với tính chất như vậy, chương trình chắc chắn sẽ là một món ăn tinh thần nổi trội, tạo được sức hút đông đảo với công chúng hơn những chương trình chào mừng Giải phóng Thủ đô trước đây, bên cạnh đó, “ Bài ca Hà Nội” chắc chắn cũng sẽ thu hút được sự quan tâm của các doanh nghiệp, các nhà tài trợ vốn rất cần những chương trình có tầm ảnh hưởng lớn tới công chúng để cùng đồng hành với họ, chương trình sẽ gặp nhiều thuận lợi trong việc xã hội hóa.
“Bài ca Hà Nội” là một món ăn tinh thần cao cấp, đầy tính nghệ thuật - một sản phẩm nghệ thuật giá trị của Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội dàn dựng, đầu tư về ý tưởng , sau đó xã hội hóa để cống hiến cho công chúng yêu âm nhạc Thủ đô hàng năm, với mong muốn tạo thêm tình yêu, lòng tự hào cũng như sự gắn bó, yêu thương và có trách nhiệm hơn nữa đối với mảnh đất văn hiến, linh thiêng đang nuôi dưỡng, bao bọc mình.
Bên cạnh đó,“ Bài ca Hà Nội” cũng có ý nghĩa trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền đặc biệt cho những ngày Lễ lớn của dân tộc, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa, nghệ thuật chất lượng cao cho đông đảo công chúng Thủ đô Hà Nội. Và đây có thể coi là những concert đặc biệt nhất từ trước tới nay để ca ngợi mảnh đất Hà Nội, cuộc sống và con người Hà Nội trải qua những năm tháng thăng trầm, bi tráng, hạnh phúc.
* Tít do Lao động Thủ đô đặt
Hồng Trâm – Hà Linh (Báo Màn ảnh sân khấu - 73 Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Nên xem
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Tin khác
Đánh giá kỹ tác động khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường
Sự kiện 22/11/2024 21:31
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Tin mới 22/11/2024 19:31
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Tin mới 22/11/2024 19:30
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Quốc hội xem xét tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với rượu, bia, thuốc lá
Sự kiện 22/11/2024 15:25
Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ I
Sự kiện 22/11/2024 14:19
Đề xuất các quan điểm, giải pháp xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam hiện đại, lớn mạnh
Sự kiện 22/11/2024 09:49
Ban Dân vận Trung ương làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam
Tin mới 21/11/2024 21:42
TP.HCM: Thành lập tổ công tác tháo gỡ vướng mắc cho các dự án nhằm chống lãng phí, thất thoát
Tin mới 21/11/2024 19:44
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược
Sự kiện 21/11/2024 16:55