Trăn trở nghề vẽ tranh nude
1. Danh hoạ Tô Ngọc Vân có 5 người con, nhưng chỉ duy nhất 1 người theo nghiệp vẽ của cụ, đó là người con thứ 3 Tô Ngọc Thành. Ông Thành cũng đã thành danh sau mấy chục năm vắt hết sức lực sống chết với nghiệp. Hiện họa sỹ Thành là một trong những hoạ sĩ hàng đầu Việt Nam, mặc dù vẫn chưa vượt được cái bóng quá lớn của cha mình. Ông chia sẻ, sống được bằng nghề vẽ tranh bây giờ thực sự là khó, số họa sĩ bán được tranh không nhiều. “Đã là sản phẩm thì phải quy ra vật chất, tranh vẽ ra không bán được thì biết đánh giá tài năng thế nào. Một thời người ta cứ đồn thổi nhau lên, khen tranh của nhau là đẹp, là siêu phàm, tuy nhiên bán lại không có ai mua. Quy luật “vật chất quyết định ý thức” là thế, những bức tranh nghệ thuật thuộc loại sản phẩm vừa là vật chất vừa là tinh thần”, ông bộc bạch.
Hoạ sĩ không bán được tranh thì nhiều lắm, vì thế mà cuộc sống của họ rất khó khăn. Đầu tư vẽ một bức tranh khá là tốn kém, từ giấy mực, bột mầu và nhiều hơn cả là thời gian đi cơ sở, nếu không bán được tranh thì lỗ vốn to. Số người bán được tranh bây giờ cũng gặp khó khăn bởi nạn tranh chép, tranh giả tràn ngập trên thị trường, khách hàng không phân biệt được nên, thấy rẻ hơn một chút là mua.
Ông Thành cũng không lý giải tại sao mình lại theo nghiệp vẽ của bố, cái nghiệp khổ hạnh đủ đường. Ở cái tuổi thuộc diện xưa nay hiếm, vợ đã về hưu, con cái đã truởng thành nhưng hoạ sĩ Tô Ngọc Thành vẫn làm việc rất hăng say, mỗi năm vẫn khoác ba lô lên Sa Pa vẽ cảnh, vẽ người. Cần tiền chăng, hay cái nghiệp nó hành, với ông Thành thì vì cả hai điều đó. Ông tâm sự, giá trị sản phẩm nghệ thuật phải quy ra tiền, đó là tư duy rất hiện đại của một người làm nghệ thuật chân chính. Đã hết cái thời ngồi vẽ ra bức tranh rồi mời bạn bè tới khen đẹp khen hay rồi, cuộc sống cần cơm áo gạo tiền hơn là cái danh hão.
2. Họa sĩ Tô Ngọc Thành bảo, vẽ tranh cũng chỉ là làm nghề, như bao nhiêu nghề khác. Nông dân thì cày ruộng, hoạ sĩ thì cày trên giấy, mỗi nghề có nỗi khổ riêng, mồ hôi đổ xuống đồng, chất xám đổ xuống bức hoạ. Nếu làm việc hết mình, đam mê tới bến thì trên đời này chẳng có nghề nào sướng hơn nghề nào đâu, với ông Thành nhiều khi thấy mình còn khổ hơn nông dân nữa. Ông không nhớ mình đã đi bao nhiêu chuyến để sáng tác, có chuyến đi cả tháng trời, phải đi thật xa vào vùng xa, vùng sâu mới có cảnh đẹp, người đẹp để mà vẽ. Có lần đi bộ hết một buổi sáng, leo qua bao quả đồi, vuợt bao con suối, ngắm tìm cảnh đẹp rồi mới đặt giá vẽ để tác nghiệp. Ông Thành nhớ lại, có lần tới đỉnh một quả đồi, sương sớm Sa Pa huyền ảo, đặt xong giá vẽ mới phát hiện xung quanh toàn là phân trâu, phân bò, đành vậy, vừa bịt mũi vừa vẽ thôi, chẳng còn điểm nào thuận lợi hơn. “Vật vã” một buổi sáng hoàn thành bức tranh, công lao được đền đáp xứng đáng, cuốn tranh vào ống bảo vệ, trời xẩm tối mới xắn quần cuốc bộ về nhà trọ. “Để tìm được một cảnh đẹp bây giờ chỉ còn tìm đến vùng sâu vùng xa, những nơi gần thì người ta vẽ hết rồi. Tuy nhiên để đi vào những nơi xa xôi này tốn công tốn sức lắm, thậm chí tai nạn thường xuyên xảy ra”, ông tâm sự.
3. Tính tới thời gian này, hoạ sĩ Tô Ngọc Thành đã vẽ trên 1.000 bức tranh, ông bảo sẽ vẽ 1.000 bức nữa mới nghĩ tới chuyện nghỉ ngơi. Ông quyết tâm phấn đấu mỗi năm vẽ 100 bức, có nghĩa là trong vòng 10 năm, cho tới lúc 84 tuổi thì hoàn thành ý nguyện, nghe mà nể phục ý chí của người hoạ sĩ già. Một trong những đề tài mà hoạ sĩ Tô Ngọc Thành tâm đắc, dành công sức và đầu tư là vẽ phụ nữ nude, mà người mẫu chủ yếu là chị em người dân tộc vùng cao. Chủ đề “Gái Sa Pa hoa Đà Lạt” mà ông đặt ra cũng đã hoàn thành được cả trăm bức tranh. Trên phông hoa cỏ của vùng Đà Lạt là một phụ nữ nude ở vùng Sa Pa. Vẽ phụ nữ nude là khó nhất, phải có kinh nghiệm, dày dạn với nghề. Người mẫu nằm ngồi theo ý họa sĩ, nếu không có kỹ năng thì rất dễ vẽ thành bức tranh với đầy sự dung tục… Để thuê được một cô gái dân tộc làm mẫu vẽ là cả một vấn đề, thậm chí trần ai khổ cực. Có những lần lùng sục vào bản mấy tuần liền mới thấy một cô gái ưng ý, công đoạn thuyết phục cô ta và gia đình chấp nhận làm mẫu là khó nhất. Có những cô đã từ chối thẳng thừng, thậm chí nhận tiền rồi còn vứt trả, mà giá có rẻ đâu, tối thiểu ngồi 1 giờ là 500 ngàn đồng.
Vẽ tranh nude là một việc làm mạo hiểm, đã có không ít gia đình hoạ sĩ tan nát. Nếu vợ mà ghen thì chắc chắn không thể nào vẽ được, hoặc giả họa sĩ không nghiêm túc, tán tỉnh mua chuộc mẫu cũng sẽ gây tai nạn nghề nghiệp. Chia sẻ với tôi, vợ hoạ sĩ Tô Ngọc Thành, bà Vũ Minh Ngọc nói: “Mẹ chồng tôi dạy, lấy chồng hoạ sĩ vẽ tranh thì không được ghen”. Bà Ngọc còn nói, những ngày đầu tiên thấy chồng thuê các cô gái về làm mẫu vẽ nude, máu tôi cũng sôi lên sùng sục, được cái anh Thành là người nghiêm túc nên dần dần cũng quen.
4. Ngôi nhà 3 tầng của vợ chồng hoạ sỹ Tô Ngọc Thành nằm khuất trong ngõ nhỏ phố Tây Sơn (Hà Nội). Ngôi nhà chật ních tranh mà ấm cúng, hai con trai ông cũng học hội hoạ nhưng không theo nghề vẽ, hiện đã ở riêng, chỉ còn hai vợ chồng già chăm nhau. Bà Ngọc bảo, hễ chỗ nào còn trống trong nhà là ông ấy lại nhét tranh vào, ba gian nhà không còn chỗ nào trống, ngay tại gian tiếp khách cũng bị tranh chiếm hết chỗ, khách vào phải cẩn thận kẻo dẫm phải tranh. Không biết 10 năm nữa thì 1.000 bức tranh mà ông dự định vẽ ra sẽ để ở đâu. Ông Thành nói vui: “Hoạ sỹ phải luộm thuộm thì mới vẽ tranh đẹp được”. Vợ ông cười vui, cố tình “bóc mẽ” chồng với tôi: “Ông này chỉ được cái khéo mồm, hoạ sỹ như ông thuộc diện luộm thuộm thì có”.
Bà Ngọc tâm sự, không muốn cho ông đi xa nữa, bà sợ ông vất vả, thậm chí ốm đau dọc đường mà không ai chăm sóc. Tuy nhiên, với ông không đi là đồng nghĩa với bỏ nghề, không cầm bút vẽ nữa thì ông biết làm gì khi đam mê vẫn sục sôi trong huyết quản. Mùa đông tới gần, hoạ sỹ Tô Ngọc Thành lại lên kế hoạch lên Sa Pa một chuyến, ông vẫn luôn háo hức với những chuyến đi xa như thế. Cuộc sống của ông gắn liền với những chuyến đi mất rồi. Chuyện mưu sinh của ông họa sỹ già là như thế đó.
Bốn Bộ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Thể thao 23/12/2024 08:15
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Thể thao 23/12/2024 06:13
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Thể thao 22/12/2024 16:19
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Âm nhạc 22/12/2024 10:15
Nguyễn Xuân Son lập cú đúp, đội tuyển Việt Nam có chiến thắng 5 sao
Thể thao 21/12/2024 22:32
Nhận định trận đấu Việt Nam vs Myanmar: Thắng nhẹ để vào bán kết
Thể thao 21/12/2024 11:46
Aston Villa vs Man City: Chủ nhà khó kiếm 3 điểm
Thể thao 21/12/2024 08:43
Tottenham vs Liverpool: Chiến thắng không hề dễ dàng
Thể thao 21/12/2024 08:42
NSND Trần Hiếu xúc động nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam"
Âm nhạc 20/12/2024 16:55
Á quân Giọng hát hay Hà Nội Đinh Xuân Đạt ra mắt MV đầu tay "Hoàn Kiếm"
Âm nhạc 19/12/2024 17:50