Nhiều điểm mới trong dự thảo Luật báo chí sửa đổi
Được tiếp thu từ Luật báo chí hiện hành, từ đánh giá thực tiễn hoạt động báo chí 15 năm gần đây, dự thảo Luật báo chí sửa đổi đang được Bộ Thông tin - truyền thông đưa ra lấy ý kiến góp ý có nhiều điểm mới, tiếp cận thực tiễn phát triển báo chí thời gian qua.
Ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí, Bộ Thông tin - truyền thông, giới thiệu về dự thảo Luật báo chí ngày 28-5 - Ảnh: Hoàng Điệp |
Bản dự thảo Luật báo chí mới gồm 6 chương, 58 điều (thêm nhiều điều mới so với Luật báo chí 1989, được sửa đổi bổ sung năm 1999 gồm 7 chương, 30 điều).
Nhiều điểm mới của dự thảo là quy định cụ thể về hoạt động của nhà báo, vai trò chức năng của báo chí: đối tượng được thành lập cơ quan báo chí; tiêu chuẩn của người đứng đầu cơ quan báo chí, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí; những hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí, vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí...
Về loại hình báo chí đã quy định cụ thể với bốn loại hình báo chí cùng định nghĩa đối với một số nội dung liên quan đến báo chí: bản tin thông tấn; chương trình truyền hình phát thanh, kênh chương trình, chương trình thời sự, phụ trương, đặc san, bản tin, trang chủ, phát hành báo chí in, truyền dẫn phát sóng, liên kết hoạt động báo chí, chương trình liên kết…
Cấm tiết lộ bí mật đời tư, xuyên tạc lịch sử
Đáng chú ý, trong khi Luật báo chí hiện hành quy định "Những điều không được thông tin trên báo chí" thì điều 11 dự thảo quy định cụ thể "Những nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí".
Trong đó dự luật bổ sung quy định cấm thông tin nhiều vấn đề trên báo chí: bí mật đời tư cá nhân và bí mật khác mà pháp luật Việt Nam quy định; thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử; phủ nhận thành tựu cách mạng; xúc phạm dân tộc, anh hùng dân tộc; thông tin không phù hợp với lợi ích của đất nước và nhân dân...
Tại khoản 2, điều 11 dự thảo cũng quy định cụ thể những hành vi bị cấm: hoạt động báo chí không có giấy phép; thực hiện không đúng quy định ghi trong giấy phép được cấp; làm giả, sửa chữa, tẩy xóa, chuyển nhượng, cho thuê, cho mượn các loại giấy phép, thẻ nhà báo; in, phát hành sản phẩm báo chí đã bị đình chỉ phát hành, thu hồi, tịch thu, cấm lưu hành, tiêu hủy; phát sóng nội dung chương trình phát thanh, truyền hình đã bị đình chỉ, cấm lưu hành...
Họp báo phải được cơ quan nhà nước chấp thuận
Theo quy định tại điều 38 dự thảo, cơ quan tổ chức muốn họp báo phải thông báo bằng văn bản trước 24 giờ của ngày làm việc tính đến thời điểm dự định họp báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí ở địa phương nơi tổ chức họp báo. Và việc họp báo chỉ được thực hiện khi cơ quan nhà nước chấp thuận.
Đồng thời, cơ quan nhà nước có quyền không chấp thuận hoặc đình chỉ cuộc họp báo nếu thấy có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc nội dung họp báo vi phạm điều cấm tại điều 11 dự thảo luật.
Báo chí phải thông tin chuẩn xác, không quy kết tội danh
Theo quy định tại điều 36 về việc cung cấp thông tin cho báo chí, dự thảo quy định: "Trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các cơ quan, tổ chức, người có trách nhiệm có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp.
Cơ quan báo chí phải sử dụng chuẩn xác nội dung thông tin được cung cấp và phải nêu rõ xuất xứ nguồn tin".
Tiếp nối quy định về nguồn tin như Luật báo chí hiện hành, dự thảo quy định rõ về quyền và trách nhiệm của cơ quan báo chí đối với việc thông tin về vụ án: "Đối với vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, chưa xét xử thì các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền không cung cấp thông tin cho báo chí;
Báo chí có quyền thông tin theo các nguồn tài liệu của mình nhưng không được quy kết tội danh; phải nêu rõ là nguồn tin riêng của báo, nhà báo và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin”.
Dự thảo cũng quy định về nghĩa vụ giữ bí mật nguồn tin: “Cơ quan báo chí và nhà báo có quyền và nghĩa vụ không tiết lộ tên người cung cấp thông tin nếu có hại cho người đó, trừ trường hợp có yêu cầu của viện trưởng viện kiểm sát nhân dân, chánh án tòa án nhân dân cấp tỉnh và tương đương trở lên cần thiết cho việc điều tra, xét xử tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng".
Dự thảo bổ sung quy định về nghĩa vụ trả lời trên báo chí tại điều 37: "Người đứng đầu cơ quan báo chí có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời vấn đề mà công dân nêu ra trên báo chí".
Nhưng đồng thời, ngược lại: "Cơ quan, tổ chức, công dân có quyền yêu cầu cơ quan báo chí trả lời vấn đề mà cơ quan báo chí đã thông tin; cơ quan báo chí có trách nhiệm trả lời trên báo chí".
Công dân có quyền yêu cầu báo chí đăng phản hồi
Ngoài việc quy định báo chí đăng, phát tin sai phải cải chính, xin lỗi trên báo tại đúng chương trình, chuyên mục đã đăng, phát về vấn đề đó thì dự thảo luật cũng quy định về việc phải đăng thông tin phản hồi trên báo.
Điều 40 dự thảo quy định: khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có căn cứ cho rằng cơ quan báo chí thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự, nhân phẩm của mình có quyền nêu ý kiến phản hồi bằng văn bản hoặc khởi kiện tại tòa án.
Tuy nhiên, cơ quan báo chí có quyền không đăng, phát ý kiến phản hồi của tổ chức, cá nhân nếu ý kiến đó vi phạm pháp luật, xúc phạm đến uy tín, danh dự của cơ quan báo chí, tác giả.
Được liên kết trong hoạt động báo chí
Ngoài những vấn đề liên quan đến hoạt động của các cơ quan báo chí, dự thảo luật lần này cũng quy định về việc quảng cáo trên báo chí và việc liên kết trong hoạt động báo chí.
"Cơ quan báo chí được phép liên kết trong hoạt động báo chí với cơ quan báo chí khác, pháp nhân, cá nhân có đăng ký kinh doanh phù hợp với lĩnh vực liên kết theo quy định của pháp luật sau khi được sự đồng ý của cơ quan chủ quản”.
Theo đó, dự thảo luật quy định một số lĩnh vực mà báo chí được liên kết: sản xuất chương trình, kênh chương trình phát thanh, truyền hình... Mua các chương trình phát thanh, chương trình truyền hình nước ngoài để biên tập, biên dịch, truyền dẫn, phát sóng tại Việt Nam.
Luật này cũng quy định cụ thể về thời lượng các chương trình liên kết trên mỗi kênh phát sóng, chương trình phát thanh, truyền hình giải trí, trò chơi truyền hình, truyền hình thực tế có bản quyền, định dạng nước ngoài không vượt quá 10% tổng thời lượng của kênh chương trình.
Luật chưa thể bao quát, cần sự góp ý của người dân Là tổ trưởng tổ biên tập của dự thảo Luật báo chí sửa đổi, ông Hoàng Hữu Lượng, cục trưởng Cục Báo chí, cho rằng dù dự thảo đã được thực hiện một cách công phu nhưng chưa thể nào bao quát hết mọi hoạt động rất đa dạng của báo chí. Vì vậy rất cần sự đóng góp ý kiến của nhân dân, các nhà báo để trình Quốc hội thông qua trong kỳ họp tới. |
Theo Hoàng Điệp/ Tuổi trẻ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15