Người lính biến đồng trũng “đơm hoa”
Tỏa sáng tấm gương người bộ đội cụ Hồ | |
Bài 3: Người lính thầm lặng | |
Người lính cụ Hồ với tấm lòng sống vì cộng đồng |
Có tiếp xúc và trò chuyện mới thấy “chất lính” trong cốt cách bộ đội Cụ Hồ trong ông chẳng khi nào phai nhạt. Trên “mặt trận” phát triển kinh tế, không khi nào người ta thấy ông lùi bước trước khó khăn. Chuyện hợp sức cùng những đồng đội biến cả cánh đồng trũng năng suất kém “đơm hoa” cho đến giờ vẫn khiến không ít người trong và ngoài xã Trung Tú nể phục.
Không lùi bước trước khó khăn
Hôm tôi đến, trời đã ngả quá trưa, dừng chiếc xe máy cũ vương bùn đất, xiết chặt bàn tay vị khách lạ một cách thân tình, ông Tiến hào sảng bảo: “May nhé, tớ vừa từ ngoài ao về. Đến sớm cũng không tìm được tớ đâu”. Bên chén trà nồng đậm, câu chuyện giữa tôi với người bộ đội Cụ Hồ cứ thế “vào mạch”, cởi mở và chân tình. Nghe kể, ông Văn Đình Tiến nhập ngũ năm 1972, suốt gần 40 năm phục vụ trong môi trường quân đội, cá nhân ông đã từng kinh qua không ít hiểm nguy, tham gia chiến đấu tại chiến trường như miền Nam từ 1973 - 1975, tại chiến trường Tây Nam từ 1977 – 1978…
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của người cán bộ chính ủy Lữ đoàn 61 - Binh chủng thông tin - Bộ Tư lệnh thông tin, năm 2010 ông Tiến trở về Thanh Hội. Trong quãng năm 2010, thôn Thanh Hội, xã Trung Tú được TP Hà Nội quy hoạch là vùng nuôi trồng thủy sản, công tác dồn điền đổi thửa được đẩy mạnh. Thấy tiềm năng cũng như hạn chế của mảnh đất nơi đồng trũng, ông Tiến đã tham mưu, đề xuất với cấp ủy chính quyền hoàn thành công tác dồn ô lần thứ 3. Đồng thời, ông mạnh dạn nhận gọn 3.960 mét vuông đất canh tác của gia đình và chuyển đổi sang nuôi thả cá tại khu vực nuôi trồng thủy sản tập trung đã được quy hoạch.
Cựu chiến binh Văn Đình Tiến là một trong những người tiên phong tham gia sản xuất, phát triển kinh tế tại địa phương. |
Nhắc lại câu chuyện phát triển kinh tế, ông Tiến mộc mạc bảo rằng “động cơ” thôi thúc ông làm đơn thuần chỉ vì sức khỏe. Số là, nghỉ hưu với cấp hàm Đại tá, nếu đặt bản thân vào vị trí của ông Tiến, không ít người sẽ chọn cách an hưởng điền viên, hoặc cũng chọn rong chơi, quanh năm thăm bạn bè hoặc đi du lịch. Nhưng ông Tiến lại không như vậy. Ông quan niệm bản thân là người con sinh ra từ ruộng đồng, lao động chính là phương cách duy trì và mang lại sức khỏe tốt nhất. Nghĩ là làm, năm 2011, ông Tiến tham gia Câu lạc bộ Làng Lính đa canh thôn Thanh Hội. Đến năm 2012 ông được tín nhiệm làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.
Theo lời ông Tiến, quãng thời gian đó Câu lạc bộ có 85 hộ gia đình, trong đó có 42 cựu chiến binh, có 120/190 mẫu ruộng, bằng 63,1% diện tích canh tác của toàn thôn Thanh Hội. Câu chuyện đổi thay trên đồng trũng thời điểm đó được ví như “trận chiến đấu mới” - trận chiến xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Khi nhận canh tác ở khu đồng trũng, không chỉ riêng ông Tiến mà toàn bộ các cựu chiến binh cùng chí hướng khi ấy đã nhận về vô vàn khó khăn.
Đó là nỗi gian nan “ba không”: Không điện, không đường, không nước sạch... Có thực tìm hiểu mới biết, những khắc phục trong gian khó của người lính khi ấy mới đáng trân quý nhường nào. Thời điểm đó, việc vận chuyển từ khu chăn nuôi, sản xuất về các tuyến đường chính trong xã rất khó và tốn nhiều công sức. Một số gia đình khi thu hoạch cá phải dùng xe công nông, xe máy vận chuyển để cho lên ô tô. Chứng kiến tình cảnh này, ông Tiến cùng các thành viên Câu lạc bộ họp bàn và đi đến thống nhất đóng góp tiền để chỉnh trang, cải tạo giao thông. Người trong Câu lạc bộ đã mua đá rải đường và góp hàng trăm công lao động tu bổ đường đi.
Không chỉ vậy, cá nhân ông cùng các hội viên còn tích cực đi khơi thông dòng chảy, thực hiện tốt quy chế không vứt cá chết, các con vật nuôi chết, cỏ rác ra mương nước của tập thể. Đồng thời, động viên mọi người có điều kiện khoan thêm giếng khoan để bảo đảm nguồn nước, hướng dẫn hội viên rắc vôi và chế phẩm sinh học để làm sạch nguồn nước.
Mang nỗi trăn trở phát triển kinh tế sao cho bền vững, hiệu quả, qua tìm hiểu trên mạng về mô hình nuôi cá nheo ở tỉnh Vĩnh Phúc có hiệu quả cao, ông Tiến đã đến trực tiếp tham quan, học hỏi rồi về áp dụng thử. Sau khi mô hình đem lại hiệu quả tốt, ông lại vận động mọi người cùng chuyển đổi. Ông Tiến thí điểm làm trước, các hội viên sau khi thấy hiệu quả cũng dần chuyển từ nuôi cá trắm, chép, mè, trôi sang cá nheo.
Cứ như vậy, năm 2016 ông chuyển đổi mô hình sản xuất đa canh sang chủ yếu nuôi cá nheo đặc sản đã cho thu nhập cao, đạt 12,5 triệu đồng/sào/năm, tương đương 337 triệu/ha. Với nỗ lực và quyết tâm phát triển kinh tế, xây dựng quê hương cá nhân ông Tiến cùng hàng chục cựu chiến binh đã trực tiếp khiến cánh đồng trũng năng suất thấp dần thay đổi. Nhìn dải đất “đơm hoa”, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giờ đây bất kỳ ai có dịp ghé qua vùng chiêm trũng cũng dễ dàng thấy được sự trù phú, thân thiện của đất và người nơi đây.
Phát huy bản chất Bộ đội Cụ Hồ
Sau khi những khó khăn về đường giao thông, giống, vốn, nguồn nước, môi trường, khoa học kỹ thuật từng bước được khắc phục thì đáng ngại nhất là về an ninh trật tự. Nói sâu về vấn đề này, ông Tiến cho biết: “Tôi đã cùng Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ thực hiện nhiều giải pháp từng bước tháo gỡ. Chúng tôi đã xây dựng quy chế hoạt động với một số nội dung như đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự, góp phần bảo đảm an toàn khu sản xuất đa canh. Quy chế được thông qua và mọi người duy trì thực hiện. Cứ như vậy, mọi thứ dần ổn định, đi vào quỹ đạo. Đến nay các gia đình không còn phải ăn ngủ ngoài đồng để trông coi tài sản, không có tệ nạn cờ bạc, ma túy, mại dâm xảy ra tại khu đa canh”.
Với sự cố gắng của các thành viên Câu lạc bộ, an ninh trật tự của khu sản xuất đa canh từng bước đi vào ổn định. Đáng mừng là, những nỗ lực giúp nhau sản xuất kinh doanh của Câu lạc bộ Làng lính sản xuất đa canh đã được UBND huyện Ứng Hòa ghi nhận và khen thưởng. Năm 2015, Câu lạc bộ được Giám đốc Công an TP Hà Nội tặng giấy khen có thành tích xuất sắc trong phong trào Câu lạc bộ tự phòng tự quản về an ninh trật tự. Cựu chiến binh Văn Đình Tiến được Hội đồng thi đua khen thưởng chọn là 1 trong 10 tấm gương tiêu biểu tham gia giao lưu “Lan tỏa những tấm gương người tốt, việc tốt”.
Quan niệm bản thân là một Đảng viên, là một người lính nên, còn sức khỏe thì còn cần bản thân phải tiếp tục học tập và làm theo gương Chủ tịch Hồ Chí Minh, tích cực tham gia xây dựng quê hương, xây dựng nông thôn mới. Với “chất lính” cứng cỏi như vậy nên dù được giao cho nhiều nhiệm vụ song nhiệm vụ nào ông cũng hoàn thành xuất sắc. Được biết, từng có thời điểm ông Tiến đảm nhận vị trí Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn. Tại vị trí này, ông đã vận động nhân dân địa phương ủng hộ hơn 70 triệu đồng xây dựng Nhà Đại đoàn kết cho cụ Nguyễn Thị Hòa là hộ nghèo cô đơn xây nhà ở.
Hiện ông Tiến tiếp tục được nhân dân và chính quyền địa phương tín nhiệm bầu làm Chi hội trưởng Người cao tuổi. Được biết, tại vị trí công tác này, cá nhân ông đã vận động hội viên trong chi hội, phối hợp với các đoàn thể trong thôn ủng hộ xây sửa 2 ngôi nhà dột nát xuống cấp cho hộ nghèo, với số tiền trên 33 triệu đồng và 82 ngày công. Tích cực chăm lo xây dựng Hội vững mạnh, duy trì tốt hoạt động của Hội, ông Tiến đã tổ chức vận động nhân dân đóng góp xây dựng Quỹ chăm sóc phát huy vai trò người cao tuổi trong 2 năm 2016, 2017 mỗi năm được gần 20 triệu đồng.
Để nâng cao đời sống tinh thần cho người cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích, ông cùng Ban chấp hành Chi hội đẩy mạnh duy trì hoạt động của các Câu lạc bộ trong thôn ngày càng đông đảo hội viên tham gia. Hằng năm Chi hội đều đạt danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng” xuất sắc.
Trong bất cứ lĩnh vực nào, những người dân xã Trung Tú cũng thấy ông Văn Đình Tiến hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Cá nhân ông liên tục được cấp trên ghi nhận và khen tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, Huy chương Quân kỳ Quyết thắng, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất… danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu được UBND thành phố Hà Nội và UBND huyện Ứng Hòa khen thưởng năm 2016, 2017 và 2018.
Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10
Bác sĩ trẻ tâm huyết, sáng tạo vì sứ mệnh cứu người
Gương sáng 02/11/2024 13:11
Nữ nông dân khởi nghiệp thành công từ nuôi bò sữa
Gương sáng 30/10/2024 14:39
Nghệ nhân tuổi 75 "vượt bão" giữ nghề đúc đồng truyền thống
Gương sáng 30/10/2024 12:24
Chủ tịch Công đoàn cơ sở luôn hết lòng vì người lao động
Gương sáng 28/10/2024 06:05
Nâng cao hiệu quả sản xuất từ sáng kiến cải tiến tự động hóa
Gương sáng 23/10/2024 06:05
Nữ thủ lĩnh Công đoàn năng động, tâm huyết
Longform 21/10/2024 22:18
Người nông dân làm giàu từ nuôi cá nhờ công nghệ 4.0
Gương sáng 17/10/2024 16:45
Cô giáo đam mê làm thiện nguyện và những chuyến đi ấm áp tình người
Gương sáng 17/10/2024 16:43
Bí thư Chi bộ thôn dám nghĩ, dám làm
Gương sáng 17/10/2024 07:36