Người lao động phải được hưởng lợi từ thành quả hội nhập quốc tế
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Sẽ giải quyết kịp thời các vấn đề dân sinh bức xúc | |
Chăm sóc sức khỏe nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu |
PV: Hà Nội là địa phương đứng đầu cả nước về đảm bảo an sinh xã hội, chỉ số phát triển con người. Một trong những chính sách đó là chú trọng xây dựng nông thôn mới; chăm sóc sức khỏe nhân dân; chăm lo các gia đình chính sách, những người có công với cách mạng và chăm lo cho người lao động…Đây cũng là nét rất nhân văn của Hà Nội. Xin đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, trong những năm qua Hà Nội đã có những dấu ấn gì trong công tác này và mục tiêu trong năm tới?
Đ/C Nguyễn Thị Bích Ngọc - Phó bí thư thành ủy, Chủ tịch hĐND TP. Hà Nội |
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong những năm qua, cùng với sự nỗ lực phát triển kinh tế, Hà Nội là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về đảm bảo an sinh xã hội, chỉ số phát triển con người. Kết quả đó là do sự cố gắng trong thực hiện đầy đủ các chính sách của Trung ương ở mức cao nhất và sự vận dụng một cách sáng tạo chủ trương của Đảng vào điều kiện cụ thể của Thủ đô. Kết quả nổi bật của một số lĩnh vực là:
Về công tác xây dựng nông thôn mới: Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố và Nghị quyết của HĐND Thành phố, công tác xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, với sự vào cuộc quyết liệt, sự đồng thuận của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp và nhân dân, đã đạt được kết quả tích cực. Trong 5 năm, đã huy động bình quân khoảng 5.800 tỉ đồng/năm cho đầu tư xây dựng nông thôn mới. Hệ thống đê kè, thuỷ lợi, giao thông nông thôn...được củng cố, nâng cấp. Tỉ lệ xã có đường ôtô đến trụ sở được bê tông hóa đạt 100%; đường trục thôn và liên thôn được bê tông hóa đạt 95%. Môi trường nông thôn được cải thiện, tỉ lệ thu gom và xử lý rác thải ở ngoại thành đạt 90%, dân số nông thôn được sử dụng nước đảm bảo vệ sinh đạt 100%. Tỉ lệ thôn, xóm, cụm dân cư có nhà văn hóa đạt 80,5%, các xã đều có hệ thống loa truyền thanh. Tỉ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,2% năm 2011 xuống còn khoảng 1,71% năm 2015. Thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn tiếp tục tăng, gấp 2 lần so với năm 2011. Đến cuối năm 2015, toàn thành phố có 179/386 xã (đạt 46,4%) đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện Đan Phượng đã được công nhận “Huyện nông thôn mới”; 3 huyện: Đông Anh, Hoài Đức, Thanh Trì đã đủ điều kiện đang chuẩn bị trình Chính phủ công nhận “Huyện nông thôn mới”.
Về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân: Thành phố đã tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, tích cực để từng bước khắc phục tình trạng quá tải ở các bệnh viện. 5 năm qua, thành phố đã đầu tư trên 3.068 tỉ đồng từ ngân sách để cải tạo, nâng cấp, mua sắm trang thiết bị cho các bệnh viện, chất lượng khám, chữa bệnh được nâng lên và các bệnh viện của Hà Nội đã thực hiện một số kỹ thuật mới ngang tầm các nước phát triển. Hệ thống y tế cơ sở và mạng lưới y tế dự phòng được củng cố, tăng cường cả về đội ngũ cán bộ, cơ sở vật chất và trang thiết bị. Chất lượng y tế cộng đồng có chuyển biến tốt, dịch bệnh được kiểm soát; công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm được chú trọng thường xuyên. Việc chăm sóc sức khỏe, bảo trợ, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được quan tâm; tỉ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng giảm đáng kể, còn dưới 10%.
Công tác chăm lo các gia đình chính sách, người có công và người lao động, luôn được thành phố quan tâm và thực hiện tốt nhất. Bên cạnh những chính sách thỏa đáng cho công việc này, thành phố đã phát động và được cả xã hội chung tay chăm lo. Chỉ tính trong 5 năm qua, toàn thành phố đã huy động đóng góp hơn 151 tỉ đồng cho Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", xây mới gần 2.000 nhà tình nghĩa với kinh phí gần 70 tỉ đồng, tặng gần 30.000 sổ tiết kiệm trị giá trên 21 tỉ đồng, tu sửa hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ. Thành phố có chính sách riêng nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người được hưởng chính sách như: Việc điều dưỡng luân phiên cho đối tượng chính sách được rút ngắn 1/2 thời gian so với quy định (quy định 5 năm/1 lần, thành phố 5 năm/2 lần). Như vậy, hằng năm điều dưỡng luân phiên gần 170.000 người có công. Mỗi năm giải quyết việc làm cho từ 135.000 đến 140.000 lao động. Ngoài ra, 100% số hộ nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế, 12.718 hộ được hỗ trợ học nghề, 4.755 hộ được hỗ trợ xây dựng và sửa chữa nhà ở. Đã đầu tư 1.276,5 tỉ đồng xây dựng 202 công trình cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số theo Nghị quyết 06 về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số Thủ đô, giai đoạn 2011-2015. 14/14 xã có đồng bào dân tộc thiểu số có hệ thống thủy lợi từng bước đáp ứng được yêu cầu cơ bản của sản xuất và dân sinh.
Đ/C Nguyễn Thị Bích Ngọc, tặng quà cho con CNLĐ về quê ăn Tết |
Công tác giải quyết việc làm, dạy nghề, phát triển thị trường lao động có chuyển biến rõ rệt: Bình quân mỗi năm đào tạo, truyền nghề cho 15 vạn lao động, giải quyết việc làm cho 14 vạn lượt lao động; tỉ lệ thất nghiệp còn dưới 4,8%. Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế tự nguyện trong nhân dân tiếp tục mở rộng và phát triển.
Mục tiêu của Thành phố trong thời gian tới là:
Tiếp tục đẩy mạnh chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, tập trung phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân. Huy động đầu tư xây dựng, nâng cấp, đồng thời sử dụng, khai thác có hiệu quả các công trình văn hóa, thể thao, hạ tầng thông tin, giải trí, thư viện nông thôn để từng bước cải thiện và nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần cho nông dân. Tập trung giải quyết những vấn đề dân sinh bức xúc ở khu vực nông thôn như vấn đề nước sạch, môi trường…, tập trung hoàn thành các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Có cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô để sớm hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và phấn đấu đến năm 2020 không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Đầu tư phát triển mạng lưới y tế dự phòng đủ khả năng dự báo, giám sát, phát hiện và khống chế các dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, giảm tỉ lệ mắc bệnh và tử vong. Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên. Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo nhân lực có tay nghề cao.
Thường xuyên chăm lo, cải thiện, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công, người cao tuổi, các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các khu vực xa trung tâm thành phố. Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững theo tiêu chí riêng của thành phố (thông thường cao hơn mức bình quân chung của cả nước từ 1,3 - 1,5 lần), tăng giàu, nâng cao phúc lợi xã hội, hướng tới phát triển bền vững. Hoàn thiện hệ thống an sinh xã hội, mở rộng đối tượng thuộc diện thụ hưởng chính sách, chủ động bố trí nguồn lực và tăng khả năng tiếp cận với các dịch vụ xã hội, nhất là y tế, giáo dục, dạy nghề, trợ giúp pháp lý, nhà ở, v.v...
Chú trọng giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phấn đấu tỉ lệ lao động nông nghiệp còn dưới 20% lao động xã hội. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động khu vực nông thôn theo hướng hội nhập Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương và Cộng đồng kinh tế ASEAN cũng như đáp ứng hội nhập nói chung của Thủ đô.
PV: Chính phủ đã và đang đàm phán một loạt Hiệp định thương mại tự do đa phương, song phương, tạo ra làn sóng hội nhập mạnh mẽ đối với Việt Nam. Hà Nội là trái tim của cả nước, là trung tâm chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học, kinh tế và giao dịch quốc tế, vậy Hà Nội sẽ tập trung vào khâu đột phá nào để xứng đáng là địa phương “đi trước, về trước” trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế thưa đồng chí?
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Việc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại Việt Mỹ và gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), có thể coi là cột mốc đánh dấu cho sự khởi đầu làn sóng hội nhập lần thứ nhất của VN. Hiện nay, Chính phủ đã và đang đàm phán một loạt Hiệp định thương mại tự do, được kỳ vọng sẽ tạo ra làn sóng hội nhập lần thứ 2 mạnh mẽ hơn đối với Việt Nam. Trong những năm qua, với vị thế của Thủ đô là trung tâm chính trị -hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước, TP. Hà Nội đã nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp để phát huy vai trò vị thế của Thủ đô, là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng. Tại Đại hội Đảng bộ lần thứ 16 của TP. Hà Nội đã phân tích thấu đáo bối cảnh quốc tế, những cơ hội và thách thức mới đặt ra trong giai đoạn tới khi thực hiện tiến trình hội nhập quốc tế của đất nước, để từ đó xác định những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu xây dựng và phát triển Thủ đô trong nhiệm kỳ tới, trong đó xác định ba khâu đột phá là:
1- Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị và nông thôn. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp về xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển Thủ đô. Tập trung đầu tư, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung: giao thông; cấp, thoát nước; mạng lưới điện, viễn thông…Xây dựng nông thôn mới theo quy hoạch, có kinh tế phát triển, cơ sở hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại; ưu tiên cải tạo, nâng cấp, phát triển các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống, bảo vệ môi trường.
2- Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính; đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ; nâng cao chất lượng, năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng phục vụ nhân dân, phục vụ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức. Thực hiện các biện pháp đồng bộ cải thiện môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh bảo đảm thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế, trọng tâm trong các lĩnh vực quy hoạch, đất đai, thuế, hải quan, đầu tư, xây dựng, quản lý doanh nghiệp…
3- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh và phát triển toàn diện, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới. Tập trung đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, hội nhập quốc tế. Nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường lao động, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao. Khai thác, phát huy tiềm năng “chất xám” của đội ngũ tri thức trên địa bàn Thủ đô. Hoàn thiện, thực hiện tốt chính sách thu hút nhân tài và nguồn lực có trình độ cao phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô.
Để Hà Nội phát huy được thế mạnh, khai thác lợi thế cạnh tranh, tiếp tục phát triển mạnh trong tiến trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đương nhiên là phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ. Tuy nhiên, 3 khâu đột phá nói trên là đặc biệt quan trọng.
Với mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển Thủ đô được Đại hội đại biểu lần thứ XVI Đảng bộ TP. Hà Nội thông qua, Hà Nội sẽ khẳng định vai trò đi đầu, tiên phong, góp phần thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững, tận dụng tốt những cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại.
PV: Lợi ích các Hiệp định tự do mang lại rất lớn, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, nhất là với công nhân lao động, vậy thành phố có chính sách gì hỗ trợ công nhân lao động để phát huy tối đa nguồn nhân lực, nắm bắt những cơ hội do các hiệp định mang lại, góp phần đưa Thủ đô phát triển nhanh bền vững, thưa đồng chí?
Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc: Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế toàn cầu ngày nay, vấn đề bảo đảm quyền lợi của CNLĐ ngày càng được coi trọng. CNLĐ là người trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nên trước hết, họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể là họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Mặt khác, chăm lo cho con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển.
Những năm vừa qua, Thành phố Hà Nội xác định chăm lo đời sống công nhân lao động là nhiệm vụ chính trị quan trọng, xuyên suốt. Theo đó, thành phố đã quan tâm và có nhiều chính sách cụ thể nhằm hỗ trợ CNLĐ như chính sách hỗ trợ đào tạo nghề, xây dựng nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà ở cho CNLĐ các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội và chính sách an sinh cho người lao động có thu nhập thấp.
Tôi cho rằng, trong thời gian tới các ngành, các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức và ý thức, trách nhiệm của CNLĐ về vai trò của giai cấp công nhân trong sự nghiệp đẩy mạnh CNH-HĐH và xây dựng, bảo vệ đất nước. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ đảng đối với các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị trong việc xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn; thường xuyên quan tâm nắm bắt tâm tư nguyện vọng, chăm lo cho đời sống của CNLĐ. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng đào tạo, từng bước trí thức hoá giai cấp công nhân, nâng cao trình độ kỹ thuật cho người lao động, gắn đào tạo lao động kỹ thuật với chuyển dịch cơ cấu lao động tạo điều kiện phát triển đội ngũ công nhân trẻ trình độ cao, chú trọng dạy nghề áp dụng công nghệ cao. Đa dạng hoá các loại hình đào tạo, có chính sách khuyến khích phát triển dạy nghề ngay tại doanh nghiệp. Giáo dục nâng cao ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, trách nhiệm trong lao động sản xuất xây dựng và phát triển đất nước của CNLĐ.
Tăng cường, nâng cao chất lượng, nội dung và cách thức tuyên truyền các chính sách pháp luật liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ hợp pháp của CNLĐ. Thường xuyên tổ chức các cuộc thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các chính sách, pháp luật của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động; kiên quyết xử lý các vi phạm về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm,...Rà soát các văn bản liên quan đến quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp để có tham mưu, báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung để bám sát, đáp ứng sự phát triển trong tình hình thực tế. Tiếp tục hoàn thiện chính sách và thể chế thị trường lao động, tạo điều kiện thu hút, phát triển doanh nghiệp nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có công nghệ cao, qua đó thu hút lực lượng lao động có tay nghề cao vào làm việc, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân, tăng cường chỉ đạo, quản lý để có mức giá thuê nhà hợp lý, tạo điều kiện về nhà ở cho người lao động. Đổi mới nội dung, phương pháp lãnh đạo của tổ chức đảng, phương thức hoạt động của các đoàn thể và tổ chức công đoàn phù hợp với từng giai đoạn cụ thể nhằm giải quyết có hiệu quả những vấn đề cấp bách, bức xúc của giai cấp công nhân; đi sâu vào thực tiễn, thực tế tại cơ sở; chuyển mạnh vào chức năng đại diện, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của CNLĐ.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Chúc đồng chí và gia đình năm mới sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Sớm ban hành Đề án hỗ trợ công nhân khu công nghiệp chăm sóc, nuôi dạy con
Lãnh đạo Mặt trận thành phố Hà Nội thăm hỏi gia đình 4 nạn nhân tử vong tại Chương Mỹ
EVNHANOI đồng hành cùng khách hàng sử dụng điện an toàn, tiết kiệm, hiệu quả
Thanh niên quận Bắc Từ Liêm với chuyển đổi số, văn minh - an toàn
Đảo Ngọc Ngũ Xã hóa phim trường tái hiện ký ức Hà Nội thời bao cấp
Cụm thi đua số 8 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Chú trọng công tác chăm lo, bảo vệ người lao động
Một số biện pháp để đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy
Tin khác
Cụm thi đua số 8 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Chú trọng công tác chăm lo, bảo vệ người lao động
Hoạt động 26/11/2024 17:11
Thiết thực xây dựng phong trào thi đua ở Đan Phượng
Hoạt động 26/11/2024 10:00
Đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn
Hoạt động 26/11/2024 09:59
Công đoàn quận Long Biên: Cán đích sớm nhiều nhóm chỉ tiêu quan trọng
Hoạt động 26/11/2024 09:04
Hà Nội - Bắc Kinh: Hợp tác hữu nghị đưa phong trào công nhân và hoạt động Công đoàn phát triển
Hoạt động 25/11/2024 21:53
LĐLĐ thành phố Hà Nội hội đàm với Tổng Công hội Bắc Kinh
Hoạt động 25/11/2024 18:09
Tổ chức Hội nghị cán bộ năm 2025 đảm bảo dân chủ, thiết thực
Hoạt động 23/11/2024 18:16
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06