Reuters dẫn lời một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết tàu khu trục USS Lassen đã được điều đến gần bãi Subi và bãi Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là những bãi đá chìm khi nước triều dâng cao trước khi bị Trung Quốc cải tạo phi pháp thành các đảo nhân tạo năm 2014.
Tàu khu trục USS Lassen của Mỹ. Ảnh AP |
Thách thức chủ quyền phi lý của Trung Quốc
Giới chức Mỹ cho biết, sự hiện diện của tàu Lassen trong khu vực trong vài giờ sẽ là khởi đầu cho một loạt hành động của Mỹ nhằm thách thức yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trước đó, giới chức Mỹ từng tuyên bố, tàu Lassen sẽ được một máy bay trinh sát P-8A hoặc P-3 hộ tống. Hai loại máy bay này đều từng tiến hành những vụ trinh sát trong khu vực.
Việc đưa tàu vào tuần tra được coi là thách thức mạnh nhất mà Mỹ thực hiện nhằm bác bỏ yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc với việc tuyên bố thiết lập lãnh hải 12 hải lý xung quanh các đảo mà nước này đã cải tạo phi pháp ở Biển Đông.
Tháng trước, phía Trung Quốc từng tuyên bố sẽ “không bao giờ chấp nhận bất kỳ quốc gia nào” vi phạm hải phận và không phận mà nước này tự cho là của mình trên quần đảo Trường Sa.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhấn mạnh, quan điểm về tự do hàng hải sẽ không được nước này chấp nhận như là cái cớ để các nước khác phô trương sức mạnh của mình và cảnh báo Mỹ cần phải “kiềm chế không được nói hay làm bất kỳ hành động gì mang tính chất khiêu khích mà nên thực thi trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực”.
“Đây sẽ là hành động được tiến hành thường xuyên chứ không phải là việc chỉ tiến hành một lần duy nhất”, quan chức Mỹ cho biết.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest khẳng định, Mỹ sẽ làm cho Trung Quốc hiểu rõ tầm quan trọng của tự do giao thương trên Biển Đông.
“Có hàng tỷ USD hàng hóa thương mại đang lưu thông qua khu vực này nên việc đảm bảo tự do giao thương tại đây là yếu tố then chốt đối với kinh tế toàn cầu”, ông Earnest.
Đây sẽ là cuộc tuần tra đầu tiên của Mỹ vào trong khu vực 12 hải lý gần các đảo mà Trung Quốc cải tạo trái phép kể từ năm 2014.
Hình ảnh chụp từ máy bay Mỹ cho thấy Trung Quốc đang cải tạo bãi Vành Khăn. Ảnh Reuters |
Trước đó, Mỹ từng khẳng định rằng, theo luật quốc tế, việc bồi đắp các đảo nhân tạo mà trước đó chỉ là các bãi đá ngầm sẽ không phải là cơ sở để một quốc gia tuyên bố lãnh hải với các đảo nhân tạo đó.Nghị sĩ Randy Forbes, thành viên Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ, đã ca ngợi kế hoạch này: “Việc đưa tàu vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc cải tạo ở Biển Đông là phản ứng cần thiết của Mỹ trước những hành vi gây bất ổn trong khu vực”.
Ngăn chặn khả năng quân sự hóa các đảo nhân tạo
Ngoài ra, Mỹ cũng lo ngại Trung Quốc cải tạo các đảo nói trên để mở rộng tầm hoạt động của quân đội nước này ở Biển Đông.
Cuộc tuần tra của Mỹ diễn ra trong bối cảnh, giữa tháng 11 tới, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ cùng tham dự Hội nghị Thượng đỉnh châu Á- Thái Bình Dương.
Trước đó, trong cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo tại Washington tháng 9 vừa qua, ông Tập đã gây kinh ngạc cho các quan chức Mỹ khi khẳng định Trung Quốc “không có ý định quân sự hóa các đảo này”.
Tuy nhiên, trên thực tế, những hình ảnh vệ tinh cho thấy, Trung Quốc đã xây 3 đường băng theo tiêu chuẩn quân sự tại các đảo nói trên, trong đó có 1 đường băng trên bãi Vành Khăn và 1 trên bãi Subi.
Một số quan chức Mỹ khẳng định, việc đưa tàu vào tuần tra một phần cũng để xem xét về tuyên bố của ông Tập Cận Bình.
Những vụ “đối đầu” Mỹ-Trung trong quá khứ
Tháng 5 vừa qua, Hải quân Trung Quốc đã phát đi 8 cảnh báo nhằm vào một chiếc máy bay trinh sát P8-A Poseidon của Mỹ bay qua các đảo nhân tạo của nước này nhưng không tiến vào khu vực 12 hải lý.
Cũng trong tháng 5, tàu tác chiến ven bờ USS Fort Worth đã nhiều lần “đối đầu” với các tàu chiến Trung Quốc trong quá trình tuần tra trên quần đảo Trường Sa.
Hình ảnh các trang thiết bị máy bóc của Trung Quốc tiến hành cải tạo bãi Subi. Ảnh Reuters |
Các quan chức Lầu Năm Góc khẳng định, Mỹ luôn tiến hành các cuộc tuần tra trên toàn cầu nhằm đảm bảo tự do hàng hải trên khắp thế giới.Trước đó, năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama từng ra lệnh cho 2 chiếc máy bay B-52 bay qua Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) mà Trung Quốc tuyên bố thiết lập trên Biển Hoa Đông trong khu vực diễn ra tranh chấp với Nhật Bản.
Đầu tháng 9 vừa qua, Trung Quốc cũng đã đưa tàu Hải quân tiến vào trong khu vực 12 hải lý quanh đảo Aleutian ngoài khơi Alaska. Trung Quốc khẳng định các tàu của họ đang tiến hành một cuộc tập trận thông thường sau khi đã tham dự các cuộc tập trận trước đó với Nga./.