Kỳ 1: Vẫn chưa thể về đích
Xã hội hóa văn học nghệ thuật: Nhà nước vẫn nắm vai trò chủ đạo |
Sau 21 năm vận hành, dưới tác động của chủ trương xã hội hóa, hoạt động văn hóa – nghệ thuật đã có những thay đổi khá toàn diện từ phương thức tổ chức đến đầu tư, sáng tạo, thẩm định, đánh giá, phát hành và quảng bá sản phẩm.
Dù còn nhiều khó khăn, vướng mắc song không thể phủ nhận quá trình xã hội hóa đã đạt được những kết quả quan trọng bước đầu. Tuy nhiên, nếu nhà nước không có một định hướng đúng đắn, kịp thời sẽ là con dao hai lưỡi, bởi mặt tiêu cực sẽ tác động rất lớn lên mọi tầng lớp xã hội.
Những tác động tích cực
Mới đây, tại cuộc Hội thảo khoa học toàn quốc “Nhìn lại quá trình xã hội hóa các hoạt động văn học, nghệ thuật ở Việt Nam từ khi ban hành chủ trương đến nay”, đã có 70 nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia văn hóa cùng ngồi lại phân tích và bàn bạc các giải pháp để giúp cho quá trình xã hội hóa văn học nghệ thuật được đi đúng hướng.
Với chủ trương xã hội hóa, văn hóa đọc có nhiều cơ hội đến với công chúng. ảnh: Bảo Thoa |
PGS.TS Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương chỉ ra rằng, xã hội hóa văn học nghệ thuật đã kích thích được tinh thần tự chủ, tiềm năng sáng tạo, huy động được các nguồn lực của toàn xã hội vào việc tạo ra các giá trị văn hóa nghệ thuật đáp ứng nhu cầu tinh thần – thẩm mỹ của nhân dân lao động và yêu cầu phát triển đất nước. So với thời kỳ trước, có thể xem đây là thời kỳ phát triển mới của văn hóa nghệ thuật với rất nhiều mô hình, phương thức hoạt động đa dạng, gánh nặng nhà nước được san sẻ, thu hút được mọi nguồn lực xã hội để phát triển.
Còn theo PGS.TS Trần Hoài Anh (Trường Đại học Văn hóa Thành phố HCM), trong lĩnh vực sản xuất các tác phẩm văn học nghệ thuật, từ khi đa dạng hóa chủ thể quản lý cũng như đa dạng hóa các hình thức xuất bản, đặc biệt là liên kết giữa các nhà xuất bản với các đối tác có nhu cầu, thị trường xuất bản đã sôi động, linh hoạt hẳn lên. Nhiều ấn phẩm văn học nghệ thuật ra đời đã đáp ứng được nhu cầu của người đọc, tạo điều kiện cho họ lựa chọn sản phẩm theo yêu cầu. Đây cũng là một trong những nhân tố kích thích và phát triển văn hóa đọc.
Sự năng động và linh hoạt của thị trường văn học nghệ thuật theo xu hướng xã hội hóa còn thể hiện ở hoạt động các nhà xuất bản và các đối tác mà phần lớn là các công ty sách đang nắm thị phần xuất bản các ấn phẩm văn học nghệ thuật như Nhã Nam, Thái Hà Books, Phương Nam… Họ đã mạnh dạn đầu tư mua bản quyền để xuất bản các tác phẩm của nhà văn, nhất là các nhà văn được bạn trẻ yêu thích như Nguyễn Nhật Ánh, Nguyễn Ngọc Tư, Phong Việt, Trang Hạ, Hamlet Trương… hoặc độc quyền xuất bản bằng cách mua bản quyền tác phẩm của các nhà văn đã khẳng định tên tuổi trong lòng công chúng như Sơn Nam, Trang Thế Hy, Nguyễn Hiến Lê.. để khai thác phục vụ bạn đọc và thực tế họ đã thành công.
Ở các lĩnh vực khác như sân khấu, điện ảnh… việc xã hội hóa đã giúp cho nhiều nhà hát có vốn đầu tư vào tác phẩm. Nhiều chương trình ca nhạc, vở kịch được dàn dựng công phu mang lại giá trị nghệ thuật cao cho người xem. Nhiều bộ phim được xã hội hóa có cơ hội đầu tư kỹ lưỡng hơn, có khả năng cạnh tranh thị trường rất cao và đáp ứng được thị hiếu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của khán giả.
Nhưng vẫn còn nhiều bất cập
Phần lớn các nhà khoa học đều đồng ý rằng, xã hội hóa văn học nghệ thuật là hướng đi đúng đắn, phù hợp và là xu thế tất yếu trong thời đại hiện nay. Nhưng quá trình đi vào cuộc sống vẫn còn nhiều vướng mắc và nảy sinh không ít vấn đề.
NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội: Cần khẩn trương xây dựng, bổ sung các tiêu chí về văn hóa chính trị, văn hóa pháp luật, văn hóa kinh doanh, văn hóa đạo đức, văn hóa thẩm mỹ, …, trong đó cần đặc biệt coi trọng đề cao văn hóa lãnh đạo và quản lý, văn hóa trong kinh doanh và văn hóa trong nhân cách của thanh niên, thiếu niên, chống những hiện tượng phản văn hóa, phi văn hóa. Phải coi đầu tư cho văn hóa, văn học, nghệ thuật là đầu tư cho phát triển, cần được bổ sung tương thích với đầu tư kinh tế; xác định rõ những trọng tâm, trọng điểm cần được ưu tiên đầu tư, khắc phục nhanh hiện tượng đầu tư dàn trải, manh mún. Cùng với đầu tư nhà nước bằng ngân sách, cần mở rộng xã hội hóa các hoạt động văn hóa, văn học, nghệ thuật. |
Bên cạnh những thành quả đạt được, dù xã hội hóa đã đi được một chặng đường dài 21 năm nhưng đến nay có thể nói vẫn chưa đi hết lộ trình của nó và chưa đến đích. Quá trình triển khai thực hiện còn nhiều lúng túng, bất cập, thiếu thống nhất, thể hiện ở chỗ cách làm, phương thức hoạt động còn mang tính tùy tiện; hệ thống thiết chế quản lý thiếu đồng bộ, cụ thể và chưa phù hợp; tiêu chí đánh giá, thẩm định nghệ thuật chưa có, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn; vai trò của nhà nước và tư nhân chưa được xác định rõ ràng; thiếu sự định hướng của nhà nước.
Theo PGS.TS Phan Trọng Thưởng, trước những bất cập trên, quá trình xã hội hóa chưa được xác định là mô hình hợp lý để nhân rộng, phát triển. Không ít trường hợp bị đồng nhất với tư nhân hóa đơn thuần. Nhiều đơn vị hoạt động được một thời gian thì rơi vào bế tắc. Các hiện tượng tiêu cực như thương mại hóa, nghiệp dư hóa xuất hiện. Các giá trị nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương và nhạc cổ truyền không có cơ hội để được đầu tư, dẫn đến nguy cơ mai một. Tình trạng thiếu vắng các tác phẩm nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao vẫn đang hiện hữu…
Nhà văn Phùng Văn Kha thì cho rằng, ở nhiều loại hình nghệ thuật, “ai cũng tìm cách đi cho riêng mình và cái câu xã hội hóa đã thành cửa miệng, thành tiên quyết, thậm chí là sống còn đối với mỗi loại hình này”. Nhà văn thẳng thắn đưa ra ví dụ: “Một anh giám đốc cấp tỉnh nhiều tiền bỗng nhiên trở thành hội viên hội thơ, hội viên hội điêu khắc, hội viên nhiếp ảnh, vừa là nhạc sỹ… là chuyện bình thường. Bởi anh ta hay tài trợ cho các kỳ cuộc, các sinh hoạt văn học nghệ thuật. Điều này là có lợi hay có hại thật khó nói. Nhưng chắc chắn chất lượng văn học nghệ thuật ở những nơi đó luôn đi xuống, luôn cãi cọ và kiện cáo. Những vụ lùm xùm ở các hội văn học, nghệ thuật tỉnh, thành phố đều bắt nguồn từ nguyên nhân trên”.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên được các nhà nghiên cứu văn hóa, khoa học chỉ ra rằng: Chủ trương chưa được thể chế hóa cụ thể, rõ ràng, chưa có chiến lược lâu dài; nhà nước có xu hướng thả nổi, để mặc tư nhân tự lo, tự xoay xở, tự tung tự tác; nhiều đơn vị còn ỷ lại trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước; thực tiễn xã hội hóa phong phú, phức tạp nhưng chậm được tổng kết, đúc kết, đánh giá để rút kinh nghiệm và điều chỉnh…
Bảo Thoa
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
Thể thao 22/11/2024 23:26
Thái Lan công bố các môn thi đấu chính thức tại SEA Games 33
Thể thao 22/11/2024 16:56
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Thể thao 21/11/2024 22:17
Độc đạo tập cuối: Cái kết bi thương cho nhân vật Hồng
Điện ảnh 21/11/2024 14:16
HLV Pep Guardiola sẽ ở lại Man City đến năm 2027
Thể thao 21/11/2024 11:49
Ghi dấu ấn với những khoảnh khắc “Sống lại tiếng yêu đầu” với đêm nhạc Michael Learns To Rock
Âm nhạc 20/11/2024 16:20
Độc đạo tập 36: Cái kết liệu có trọn vẹn?
Điện ảnh 20/11/2024 11:25
Vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ: Messi kiến tạo để Martinez ghi bàn
Thể thao 20/11/2024 10:51
Ấn tượng với show diễn Elise Thu Đông 2024
Thời trang 19/11/2024 10:15
Hoa hậu Thanh Thủy được chào đón nồng nhiệt ngày trở về
Giới sao 19/11/2024 00:36