Giải mã mánh khóe mua nông sản lạ của thương lái Trung Quốc
Thương lái nước ngoài thu mua sẽ đi đâu? Được sử dụng làm gì và ai hưởng lợi? Những câu hỏi này đã được đặt ra từ nhiều năm nay nhưng hiện vẫn chưa có được câu trả lời thỏa đáng và tình trạng lại lâu lâu tiếp diễn với nhiều nông sản “lạ, mới, độc” vì thiếu sự vào cuộc mạnh tay từ cơ quan quản lý.
Bỗng dưng biến mất
Nếu cách đây cả chục năm thì thương lái Trung Quốc (TQ) sang Việt Nam thu mua móng trâu, móng bò,… vài năm trở lại đây thì đỉa, lá điều khô, dừa khô, rễ tiêu, rễ sim,…, hay gần đây nhất là lá khoai mì, lá khoai lang... Trong những mặt hàng nông sản này chúng ta cần chú ý hai loại.
Loại thứ nhất có thể xác định được nhu cầu tiêu thụ nhưng không rõ ràng về thị trường tiêu thụ. Đó là đọt khoai mì, lá khoai lang là thực phẩm rau xanh, đọt sắn muối còn được coi là đặc sản. Rễ sim, cây chua ke…, có thể làm thuốc. Tuy nhiên, nhập với số lượng lớn, giá lại cao thì cũng khó mà biết được mục đích không rõ ràng.
Loại thứ hai mà chúng ta hay gọi nó là nông sản “dị biệt” vì mục đích thương mại không rõ ràng, không thể xác định được giá trị sử dụng và nhu cầu tiêu thụ của thị trường thì mơ hồ khó xác định. Như lá điều khô, rễ tiêu hay dị hơn là đỉa, móng trâu, móng bò. Nhưng nói chung những nông sản này thuộc loại cá biệt, bất thường.
Và chiêu bài quen thuộc của những thương lái TQ vẫn là mua giá cao ngất ngưởng, tung tin mua với số lượng lớn và bỗng dưng biến mất làm thương lái lẫn nông dân nước ta ôm hận.
Trao đổi với PV, các chuyên gia đã chỉ ra những chiêu bài, thủ đoạn tinh vi nhằm thu lợi nhuận và phá hoại nền kinh tế nước ta.
Chăm sóc khoai lang chuẩn bị chờ thu hoạch. Ảnh: GT
GS Võ Tòng Xuân: Chiêu thức làm giá + phá hoại nền kinh tế
Chân tướng sự việc, theo suy luận của tôi thì những hành động thu mua nông sản dị biệt của thương lái TQ là những chiêu bài làm giá thu lợi. Để minh chứng cho chiêu bài làm giá này có thể lấy vụ thu mua lá điều khô ra làm ví dụ với ba giai đoạn:
Giai đoạn 1, các thương lái TQ sẽ đưa thông tin cần mua một khối lượng lớn lá điều khô với giá 500 đồng/kg và chỉ vài ngày (giai đoạn 2) giá thu mua được đẩy lên 1.000 đồng/kg. Rồi sau vài tuần (giai đoạn 3) tiếp tục đẩy lên gần 2.000 đồng/kg. Lá điều khô lâu nay người nông dân để vậy để giữ ẩm và tăng độ mùn cho đất, nếu không thì chỉ là rác nhưng với những mức giá chưa từng có như vậy đã dụ được lòng tham của nông dân. Họ sẽ gom hết lá điều khô trong vườn, thậm chí có người hái lá điều xanh đem phơi khô rồi bán hay phun hóa chất để lá điều rụng hàng loạt bất chấp sẽ làm ảnh hưởng đến năng suất của cây điều trong năm sau.
Thương lái nước ngoài sẽ thu mua lá điều vào giai đoạn 1, 2, đến giai đoạn 3 họ sẽ thổi giá tăng với mức trên trời nhưng không mua vào. Khi đó người dân lẫn thương lái Việt Nam sẽ đổ xô đi thu mua về chất đống để chờ bán lại cho thương lái TQ. Nhưng lúc này cũng chính là thời điểm thương lái TQ mang chính lá điều khô đã mua với giá thấp ở giai đoạn 1, 2 để bán ra với giá cao ngất ngưởng. Và thế là phần lợi nhuận nhờ chênh lệch giá ấy nằm trong tay thương lái TQ. Chỉ tuần sau các thương lái TQ biến mất, dừng thu mua, lá điều khô thành hàng vô giá trị. Người dân và thương lái nước ta ôm đống thiệt hại chỉ vì ham lợi và mắc bẫy thương lái nước ngoài. Đó là quy luật làm giá của thương lái TQ đối với những nông sản dị biệt.
Hậu quả kèm theo là phá hoại nền nông nghiệp và cả nền kinh tế. Thu gom lá điều khô khiến vụ điều giảm năng suất, móng trâu khiến nông dân mất “đầu cơ nghiệp”, mất sức kéo. Đỉa, ốc bươu vàng đổ đầy đồng lại phát triển mạnh hủy hoại môi trường. Lá khoai lang mà cắt đi thì củ còn bao nhiêu hay chỉ còn rễ? Thị trường bị lũng đoạn, quy hoạch trồng trọt, chăn nuôi bị phá vỡ, xuất khẩu bị ảnh hưởng.
Vấn đề ở đây là thương lái nước ngoài không được quyền thu mua nông sản trực tiếp từ nông dân, họ ung dung mua lượng lớn, ngang nhiên đi lại thu mua ắt phải có giấy phép được cấp. Mới đây UBND tỉnh Vĩnh Long đã có văn bản cảnh báo người dân về tình trạng thu mua lá khoai lang. Đây là động thái tích cực của chính quyền địa phương nhưng chưa đủ. Cần phải kiểm tra chặt chẽ về giấy tờ, giám sát thương lái nước ngoài có các hành động bất thường. Truy tận nơi nguồn mua hàng, nếu có sai phạm phải xử phạt nặng.
Ông Nguyễn Đình Bích, Viện Nghiên cứu Thương mại - Bộ Công Thương: Chiêu thức cung - cầu ảo
Bất ngờ hay có thể nói là bất thường, theo thông tin từ các cơ quan hải quan cửa khẩu đưa ra thì số lượng thực tế các loại nông sản “dị biệt” mà thương lái TQ thu mua không hề được xuất qua biên giới. Chỉ có rất ít các mặt hàng như rễ sim, cây ngâu,… được xuất sang nhưng nếu so với số lượng mà thương lái TQ thu mua thì chênh lệch lớn.
Thực chất ở đây thương lái TQ đã tạo ra nguồn cung ảo, cầu ảo và loại cung ở đây là không có giá trị. Lý do là họ có thể thổi giá nguồn cung tùy ý vì không có giá trị như con đỉa thì làm sao xác định được giá nó là bao nhiêu, không ai biết nó có giá trị sử dụng thế nào. Khi đã thổi được giá, thao túng được thị trường thì họ biến luôn. Cuối cùng người dân và thương lái nước ta lại mua chính hàng mình đã bán, hàng hóa không tiêu thụ mà chỉ truyền tay qua lại và thương lái TQ kiếm lợi nhuận, còn ai ôm hàng thì mang nợ, nông dân thì làm hại ruộng vườn mình. Chiêu bài này họ làm hoài vì lòng tham.
Trường hợp lá khoai lang sẽ giống với trường hợp đọt và lá khoai mì năm 2013. Sau khi thương lái nước ngoài thu mua với giá cao, nông dân đổ xô mở rộng diện tích trồng khoai mì. Hậu quả đầu tiên là doanh nghiệp trong nước không mua được nguyên liệu khoai mì. Tuy nhiên, đó chỉ là một trong các chiêu bài dụ nông dân tập trung sản xuất loại nông sản đó dẫn đến tình trạng dư thừa, không thể tiêu thụ. Tiếp đó các thương lái sẽ ép giá và mua rẻ.
Khi nông sản của ta vào chính vụ, nông dân dồn hàng đưa lên biên giới để xuất sang TQ. Tại đây các thương lái sẽ bày ra trò kiểm dịch nhằm đánh tụt chất lượng cũng như giá cả. Khi đã thống lĩnh thị trường, thương lái TQ có thể xây nhà máy, cơ sở sản xuất ngay tại Việt Nam để thu mua nguyên liệu giá rẻ và xuất về TQ. Tuy nhiên, với chiêu bài này không thể trách nông dân mà trách chính doanh nghiệp trong nước. Nông dân họ mất niềm tin vào doanh nghiệp trong nước, thương lái mua giá cao dại gì họ không bán. Người nông dân làm ăn với doanh nghiệp trong hay ngoài nước kể cả thương lái cần thay đổi thói quen làm ăn, bán hàng phải có hợp đồng, nếu không chịu thiệt biết kêu ai.
Theo Pháp Luật TPHCM
Nên xem
Hà Nội: Lính cứu hỏa nhường mặt nạ dưỡng khí cho thai phụ trong đám cháy
Hà Nội: Tuyên dương 68 người con hiếu thảo
Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)
Trộm xe của bạn "cắm" lấy tiền trả nợ, chơi game
Quốc hội thông qua Nghị quyết về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội
Huyện Thường Tín: Khai thác giá trị văn hóa để phát triển du lịch
Dự kiến một số điểm mới trong quy định thi, cấp chứng chỉ ngoại ngữ
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp 23/11/2024 15:19
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Tài chính 23/11/2024 08:11
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Thị trường 23/11/2024 07:24
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Thị trường 23/11/2024 06:38
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Thị trường 23/11/2024 06:07
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Thị trường 22/11/2024 18:50
Đặc sắc sản phẩm các vùng miền do phụ nữ sản xuất kinh doanh
Thị trường 22/11/2024 15:32
Hà Nội và Hà Giang: Kết nối vì sự phát triển bền vững của nông thôn mới
Tiêu dùng 22/11/2024 12:37
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Thị trường 22/11/2024 07:16