Đừng bức tử những dòng sông!
Hà Nội tiếp tục lấy mẫu nước để tiến hành xét nghiệm | |
Tất cả các mẫu nước xét nghiệm đều đạt quy chuẩn về Styren | |
Hà Nội: Nhà máy nước sông Đà đã cấp nước trở lại |
Từ sự cố nước Sông Đà đến khẩn trương khắc phục sự cố
Sau khoảng hơn 2 tuần, những hệ lụy từ sự cố nước sông Đà bị nhiễm dầu đến thời điểm này đã được khắc phục kịp thời và đang dần ổn định. Vụ việc lần này là bài học, là kinh nghiệm để doanh nghiệp, nhà chuyên môn và cơ quản quản lý đúc kết nhằm ngăn chặn những “sự cố” tương tự trong tương lai.
Mấy ngày qua, rất nhiều khu chung cư, tòa nhà cao tầng tại khu vực Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hoài Đức, Hà Đông… đã tiến hành thau rửa bể lắng sau sự cố nguồn nước sạch nhiễm dầu để đón nguồn nước sạch đạt tiêu chuẩn khi được cấp lại.
Nạo vét và xử lý ô nhiễm sông hồ ở Hà Nội. Ảnh: Giang Nam |
Trong thời gian chờ thau rửa, công ty cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà đã cung cấp nước, không thu tiền nước đối với các công ty cung cấp bán lẻ sử dụng nguồn nước sạch sông Đà cho đến khi các công việc súc xả làm sạch bể và các tuyến đường ống, mạng cấp nước ở các khu vực dân cư được hoàn thành.
Đặc biệt, trong thời gian chờ thau rửa, đoàn kiểm tra lưu động của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội đã trực tiếp kiểm tra miễn phí chất lượng nước sẽ kéo dài cho đến khi giải quyết xong sự cố. Trong quá trình kiểm tra, xét nghiệm, đoàn đã tập trung lấy mẫu, test nhanh và tư vấn trực tiếp tại các chung cư, bệnh viện, trường học. Mẫu nước được lấy trực tiếp tại các bể chứa, bể phân phối, điểm vòi sử dụng (chưa qua máy lọc), điểm vòi sử dụng (qua máy lọc).
Đến nay, Sở Y tế Hà Nội cũng đã công bố kết quả xét nghiệm 19 mẫu nước ở các trạm chứa cũng như tại nhà các hộ dân chịu ảnh hưởng. Theo đó, 19 mẫu nước qua xét nghiệm đều đạt quy chuẩn về Styren (đây là một chất có trong các sản phẩm dầu mỏ và trong các nguồn khác).
Cụ thể, đối với 4 mẫu nước của nhà máy nước sông Đà tại các vị trí: Mẫu nước thành phẩm tại nhà máy; bể chứa trung gian tại xã Bình Yên, Thạch Thất; trạm điều tiết Tây Mỗ; Họng 1.200 Big C; xét nghiệm chỉ tiêu Styren theo QCVN 01:2009/BYT. Kết quả cho thấy 4/4 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả của Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).
Đối với 15 mẫu nước tại hộ gia đình sử dụng nước trong mạng cấp của công ty nước sạch sông Đà thuộc 5 quận, huyện Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức cho thấy 15/15 mẫu đạt quy chuẩn về Styren theo QCVN 01:2009/BYT (kết quả được Viện Công nghệ Môi trường - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam cung cấp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy và chuyển mẫu).
Trong các ngày tiếp theo, Sở Y tế sẽ tiếp tục chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội trực tiếp lấy mẫu nước và phối hợp Viện Công nghệ Môi trường, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường nhằm để phân tích đánh giá chất lượng nước sinh hoạt.
Ngăn chặn thảm họa từ đầu
Sự cố xảy ra đối với nguồn nước của nhà máy nước Sông Đà là đáng tiếc, nhưng công bằng mà nói, “sự cố” này bằng nhiều cách cũng đã được cảnh báo. Thực tế, thời gian gần đây, tình trạng đổ trộm phế thải, rác thải, chất thải độc hại đang có xu hướng gia tăng mà chưa có chế tài cụ thể để xử lý.
Sự cố nước sông Đà khiến các cơ quan chức năng phải liên tục kiểm tra chất lượng nguồn nước |
Theo đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên môi trường đô thị Hà Nội - Chi nhánh Cầu Diễn (URENCO Cầu Diễn), thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xảy ra nạn đổ chất thải, đặc biệt là chất thải công nghiệp nguy hại. Cụ thể, tại địa phận cầu Lê Quang Đạo thuộc phường Mễ Trì hướng về trung tâm Hà Nội, URENCO Cầu Diễn phát hiện số lượng 200 lít chất thải bị lén đổ ra đường vào các ngày 5/8 và 3/9/2019. Trước đó, ở khu vực cầu Đào Nguyên, huyện Hoài Đức và 3 khu vực khác thuộc huyện Quốc Oai, đơn vị cũng ghi nhận các vụ nghi đổ chất thải nguy hại số lượng lớn.
“Công việc tuần tra giám sát được chúng tôi thực hiện hàng ngày, đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng rác thải độc hại bị đổ trộm. Đơn vị đã nhiều lần báo cáo các Sở, Ban ngành quan tâm chỉ đạo tăng cường kiểm tra và có biện pháp ngăn chặn kịp thời, nhưng đến thời điểm hiện tại chưa có sự chuyển biến, bằng chứng là vẫn thường xuyên xuất hiện tình trạng rác thải độc hại bị đổ trộm bên đường” ông Trần Văn Khải – Phó Giám đốc URENCO Cầu Diễn nhấn mạnh.
Cần phải khẳng định, trong thời điểm diễn ra sự cố vừa qua, thành phố Hà Nội đã có những chỉ đạo kịp thời để khắc phục, thành phố cũng đã chỉ đạo các đơn vị cấp nước xây dựng kế hoạch ứng phó, đảm bảo nguồn nước sạch cho người dân trong thời điểm công ty cổ phần nước sạch sông Đà tạm ngừng cấp nước để thau rửa hệ thống. Đến nay, người dân đã có thể tiếp tục sử dụng nguồn nước sông Đà trong sinh hoạt. Tuy nhiên, bài học vừa qua cho thấy, việc kiểm soát, giám sát đầu vào và chất lượng nước đầu ra chưa đảm bảo. Việc bảo vệ nguồn nước sinh hoạt đã quy định chặt chẽ tại Thông tư số 24 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định việc xác định và công bố vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt, phạm vi vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước sinh hoạt của công trình khai thác nước mặt. Theo đó, quy định an toàn là khoảng cách từ 1.000-1.500 m tùy theo quy mô công trình. Tuy nhiên, từ sự cố nhiễm dầu đầu nguồn Nhà máy Nước sạch sông Đà cho thấy việc kiểm soát khu vực được bảo hộ vệ sinh còn rất lỏng lẻo. |
Trước đó, một vụ xả trộm bùn thải, rác thải xây dựng nghiêm trọng cũng xảy ra trên tuyến đê cấp 3 tả Cà Lồ, đoạn thuộc xứ đồng Đầm Vỡ - Bến Bẽ, thôn Xuân Nộn, xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh) gây ô nhiễm nghiêm trọng môi trường trong khu vực. Tại khu vực này, hàng chục nghìn mét khối phế thải xây dựng đổ xuống hành lang sông Cà Lồ.
Ngoài ra, nhiều khu đất sản xuất nông nghiệp, tuyến đường trên địa bàn các xã: Xuân Nộn, Nguyên Khê, Thụy Lâm, Vĩnh Ngọc… của huyện Đông Anh; Chàng Sơn, Hương Ngải, Phùng Xá… của huyện Thạch Thất; Thanh Thùy, Cự Khê, Tam Hưng, Hồng Dương… của huyện Thanh Oai... cũng bị đổ trộm phế thải xây dựng. Thực trạng này không chỉ gây ô nhiễm, làm xấu cảnh quan môi trường mà còn khiến người dân bức xúc.
Từ những tồn tại trên, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn những tình huống tượng tự có thể xảy ra, việc đầu tiên là phải ngăn chặn, kiểm soát được hành vi đổ trộm phế thải như sự cố vừa qua. Đồng thời, cần có chế tài để xử lý các nhà xưởng, xí nghiệp, nhà hàng không lắp lắp đặt hệ thống xử lý dầu mỡ, chất thải trước khi thải ra môi trường. Kiên quyết xử lý, thậm chí cần thiết đóng cửa những cơ sở cố tình vi phạm.
Ngoài ra, tại các khu vực nguồn nước dẫn vào hệ thống cấp nước cho các Nhà máy nước cần phải lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, camera… giám sát mức độ an toàn của nguồn nước. Đặc biệt, đối với các nhà máy sản xuất nước sạch bao giờ cũng phải được quy hoạch một vùng đệm an toàn. Bởi khu vực này là phạm vi bảo vệ nguồn nước đầu vào tránh tất cả các nguồn gây ô nhiễm.
Đến nhìn lại những dòng sông
Quanh sự cố nước sạch sông Đà, các ngành chức năng cho biết đang khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ việc nguồn nước bị ô nhiễm và việc cung cấp nước sạch từ Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà không bảo đảm chất lượng, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Nhìn rộng vấn đề có thể thấy, nước là nguồn gốc của sự sống, do vậy vấn đề đặt ra cấp bách hiện nay là phải đảm bảo an toàn tuyệt đối nguồn nước sinh hoạt cho người dân trước thực trạng tài nguyên nước đã và đang bị ô nhiễm.
Ít năm trở lại đây, những dòng sông khắp các tỉnh miền núi phía Bắc như: Sông Hồng, sông Chảy, ngòi Thia, ngòi Hút và các con suối Nậm Mu, Nậm Kim, Nậm Mả, Nậm Rạng…đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thủy điện, khai thác cát sỏi và rác thải. Không nói đâu xa, ngay trên địa bàn Hà Nội cũng đang tồn tại những tuyến sông, kênh, mương, cống lộ thiên… ô nhiễm trầm trọng, tiềm ẩn nhiều mầm mống bệnh tật. Sông Nhuệ là một ví dụ.
Nhiều năm qua, hoạt động kinh tế-xã hội trên lưu vực sông sông Nhuệ diễn ra mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích kinh tế xã hội cho đất nước, góp phần giải quyết công ăn việc làm cho số lượng lớn người lao động. Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường trên lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy lại đang ngày càng gia tăng.
Nguyên nhân chủ yếu do sông Nhuệ là nơi tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý; tình trạng đổ phế thải, rác thải xuống các sông chưa được kiểm soát chặt chẽ.
Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm khiến người dân sống cạnh sông luôn phải chịu mùi hôi thối bốc lên nhất là đợt nắng nóng vừa rồi. Các sinh vật sống dưới nước cũng không thể sống và tình trạng cá chết rất nhiều tại các con sông. Chưa hết, tại sông Nhuệ, tình trạng rác thải xây dựng mới được "đùn" xuống sông mỗi ngày một nhiều. Hệ lụy nhãn tiền là dòng sông ngày càng co hẹp.
Cần chú trọng hơn đến công tác “hồi sinh” nguồn nước
Các quy định về giám sát, quy chuẩn chất lượng nước sạch sử dụng cho sinh hoạt cũng đã được nêu rõ trong Thông tư số 41 của Bộ Y tế. Trước khi đưa nguồn nước vào sử dụng phải xét nghiệm tất cả các chỉ tiêu theo quy chuẩn của Bộ Y tế. Đồng thời, khi xảy ra sự cố phải thông báo chất lượng nước hằng ngày cho cơ quan quản lý và khách hàng để xử lý. Thế nhưng trong sự việc vừa qua, phải mất gần 1 tuần, nguyên nhân vụ việc mới được phát hiện. Vụ việc lần này là bài học, là lời cảnh báo về đảm bảo an ninh, chất lượng nguồn nước. Để tránh các sự cố tương tự cho nay mai, đã đến lúc doanh nghiệp, nhà chuyên môn và cơ quan quản lý cùng ngồi lại để đúc rút kinh nghiệm, chỉ rõ những thiếu xót, thậm chí xây dựng các kế hoạch đặc biệt để ứng phó khi sự cố xảy ra. |
Theo báo cáo của Liên hợp quốc, đến năm 2030, nhu cầu về nước của thế giới sẽ tăng thêm 40% so với hiện tại. Nguồn tài nguyên nước sẽ tiếp tục phải chịu sức ép của các yếu tố như tăng dân số, ô nhiễm môi trường, tình trạng biến đổi khí hậu (nắng nóng, hạn hán, lũ lụt).
Đáng chú ý, Việt Nam được cảnh báo là quốc gia thiếu nước sạch, hiện tài nguyên nước chỉ đạt mức trung bình kém của thế giới với 3.600m³/người/năm, ít hơn 400m³/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Thậm chí, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người Việt Nam chỉ còn một nửa con số này.
Dẫn như vậy để thấy rằng công tác đảm bảo an ninh nguồn nước cần được chú trọng hơn bao giờ hết. Thực tế, thời gian qua Hà Nội đã thực hiện hàng loạt các giải pháp hồi sinh nguồn nước như: Lắp đặt bè thủy sinh trên 39 hồ; máy sục khí trên 22 hồ để tăng cường khả năng tự làm sạch.
Bên cạnh đó, để xử lý ô nhiễm hồ Hà Nội, Công ty Thoát nước còn ứng dụng công nghệ Redoxy-3C làm sạch nước hồ trên địa bàn. Sau xử lý, bước đầu cho thấy nước các hồ đã hết hẳn mùi khó chịu, không còn tình trạng ô nhiễm hữu cơ và đã hạn chế một cách hiệu quả tình trạng phú dưỡng. Công nghệ được áp dụng vào xử lý hồ về cơ bản không ảnh hưởng đến những thành phần thuộc hệ sinh thái thủy sinh như tảo, động vật phù du...
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, đây mới giải quyết được phần “ngọn” bởi nguồn nước ở Hà Nội ô nhiễm trầm trọng do nhiều nguyên nhân. Đặc biệt là ô nhiễm do dầu, mỡ động thực vật thải trực tiếp ra hồ từ các quán hàng ăn uống, khách sạn, cửa hàng xăng dầu, khu chế biến, lò mổ, khu dân cư...
Dầu mỡ là loại tạp chất rất nguy hiểm và khó xử lý. Nói cách khác, với tính chất không hòa tan trong nước, bám dính cao, nếu không có sự kiểm soát triệt để tại chỗ, mỡ sẽ bị quấn lại với nhau, tạo thành các mảng lớn bám bề mặt hoặc treo bên trong cống. Càng lâu, mỡ sẽ tích tụ và làm tắc nghẽn đường ống thoát nước. Trường hợp mỡ không được xử lý thải ra môi trường sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Được biết, với vấn đề cải tạo sông trên địa bàn Hà Nội, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường đã nêu ra nhiều biện pháp xử lý với tham vọng “cứu” sông, hồ Thủ đô. Từ việc tác động làm thay đổi nhận thức của người dân, các doanh nghiệp đến những việc làm thiết thực như khảo sát, nạo, vét các hồ trên địa bàn... chung tay góp sức xây dựng Hà Nội xanh, sạch, đẹp đang được nhanh chóng triển khai, hiệu quả. Nhiều cơ quan chức năng đã vào cuộc và ứng dụng các phương pháp khác nhau để xử lý nước hồ ô nhiễm...
Bơm nước sạch vào các bể dân sinh phục vụ người dân sau sự cố (ảnh HNM) |
Trở lại công tác “hồi sinh” nguồn nước Sông Đà và đảm bảo nguồn nước sinh hoạt cho người dân Thủ đô, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu toàn bộ Ban Quản trị tòa nhà chung cư có dân ở, tòa nhà văn phòng, nhà riêng thuộc vùng cấp nước của Nhà máy nước mặt sông Đà trên địa bàn các quận, huyện: Hà Đông, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Nam Từ Liêm, Quốc Oai, Thạch Thất (trừ những khu vực đã được cấp nguồn từ nguồn nước sạch do Công ty nước sạch Hà Nội cung cấp) tập trung thau rửa toàn bộ bể nước ngầm, bể nước chứa trên nóc nhà tại các tòa nhà hộ gia đình.
Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục thành lập Đoàn công tác do Giám đốc Sở Xây dựng chủ trì cùng các đơn vị liên quan, phối hợp với tỉnh Hòa Bình lên giám sát việc khắc phục sự cố nhiễm bẩn dầu do các đối tượng đã đổ thải ra suối; việc hút váng dầu trên hồ Đầm Bài. Đồng thời giao Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật Thành phố lấy mẫu nước tại đầu nguồn, tại nhà máy, tại các bể chứa tăng áp, tại các vùng dân bị ảnh hưởng để tiến hành xét nghiệm nước hàng ngày.
Với những nỗ lực khắc phục triệt để trên của Thành phố, người dân sẽ sớm được cấp lại nguồn nước sạch, ổn định. Qua sự việc cũng cho thấy, người dân là nhân tố đảm bảo an ninh nguồn nước. Đặc biệt, ý thức người dân trong công tác đảm bảo nguồn nước xanh, sạch là hết sức quan trọng.
Tuấn Dũng - Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
LĐLĐ quận Đống Đa: Nhiều hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn
Thành đoàn Hà Nội tuyên dương cán bộ công chức, viên chức trẻ xuất sắc
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Công bố 31 điểm sạt lở nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
Trật tự đô thị 23/11/2024 14:49
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Trật tự đô thị 23/11/2024 07:28
Kỳ vọng những bước phát triển mới về nhà ở xã hội tại Hà Nội
Trật tự đô thị 22/11/2024 18:46
Điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 thành phố Biên Hòa, Đồng Nai
Trật tự đô thị 20/11/2024 11:18
Quyết liệt dẹp “điểm đen” về trật tự an toàn giao thông tại phố cổ
Trật tự đô thị 19/11/2024 10:33
Rà soát cây xanh bị nghiêng, gãy đổ chưa được khắc phục
Trật tự đô thị 18/11/2024 16:35
Quyết liệt xử lý tình trạng họp chợ, lấn chiếm lòng đường
Trật tự đô thị 18/11/2024 14:32
Cần làm rõ “trường hợp cần thiết” áp dụng ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước
Trật tự đô thị 17/11/2024 20:36
Hà Nội: Xử lý 2.397 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông qua phản ánh từ Zalo
Trật tự đô thị 09/11/2024 17:36
Hà Nội có thêm 14 dự án đủ điều kiện đưa vào kinh doanh
Trật tự đô thị 04/11/2024 15:34