Công việc nặng nhọc độc hại, nghỉ hưu sớm có lợi không ?
Hiểu về pháp luật lao động để được đảm bảo quyền, lợi ích và nghĩa vụ | |
Sẽ biểu dương 100 gia đình CNVCLĐ Thủ đô tiêu biểu năm 2017 | |
Giao lưu trực tuyến: "Những điều cần biết về pháp luật lao động” |
Buổi giao lưu trực tuyến hôm nay cũng là một trong những hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội thực hiện chủ đề của năm 2017 năm “Vì lợi ích đoàn viên”, hưởng ứng Tháng Công nhân, Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2017; chào mừng Đại hội Công đoàn các cấp.
Các đại biểu tham dự buổi giao lưu. |
Tới dự buổi giao lưu trực tuyến “Hiểu luật để được đảm bảo quyền, lợi ích và nghĩa vụ” có các đồng chí: Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên đoàn chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam; Ủy viên thường vụ Thành ủy; Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội; Hà Đông - Trưởng ban Tuyên giáo LĐLĐ TP; Tạ Văn Dưỡng- Trưởng ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP; Đàm Thị Hoà - Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội; đồng chí Phan Văn Bảo - Chủ tịch công đoàn nghành Xây dựng HN; bà Nguyễn Việt Hương - Phó giám đốc, Chủ tịch công đoàn Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Tham gia giao lưu, trả lời những thắc mắc trực tiếp của công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội cũng như bạn đọc trực tuyến qua internet có bà Đàm Thị Hòa, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội; Luật sư Phạm Ngọc Minh, đoàn luật sư Hà Nội; ông Tạ Văn Dưỡng, Trưởng Ban chính sách pháp luật Liên đoàn đoàn lao động Hà Nội. Đây là những chuyên gia rất am hiểu về Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các chế độ chính sách đối với người lao động.
Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi giao lưu. |
Tham dự buổi giao lưu trực tuyến còn có đại diện cán bộ công đoàn các quận huyện ngành thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, cùng gần 200 đại biểu là cán bộ công nhân viên công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội.
Phát biểu khai mạc buổi giao lưu, ông Nguyễn Mẫn Nhuệ, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô khẳng định: Hôm nay Báo LĐTĐ phối hợp với CĐ ngành Xây dựng Hà Nội, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội tổ chức buổi giao lưu trực tuyến với chủ đề: “Hiểu biết về pháp luật lao động để được đảm bảo quyền, lợi ích và nghĩa vụ". Đây cũng là hoạt động thiết thực của Báo Lao động Thủ đô và CĐ ngành Xây dựng để thực hiện chủ đề của năm 2017 là năm “Vì lợi ích đoàn viên”, hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2017, chào mừng Đại hội công đoàn các cấp.
Ông Nguyễn Mẫn Nhuệ, Phó Tổng biên tập báo Lao động Thủ đô phát biểu khai mạc buổi giao lưu. |
"Chúng tôi đã mời các chuyên gia là các luật sư, các cán bộ chính sách của công đoàn có kinh nghiệm về pháp luật lao động tham gia buổi giao lưu trực tuyến này. Hy vọng với kinh nghiệm và sự hiểu biết sâu rộng của mình, các chuyên gia sẽ truyền đạt,hướng dẫn và giải đáp các vấn đề về pháp luật lao động mà CNLĐ quan tâm. Chúng tôi cũng hy vọng các bạn tham gia giao lưu hôm nay sẽ mạnh dạn đặt câu hỏi những khúc mắc của mình, của bạn bè, người thân của mình về các chế độ chính sách, các quyền lợi và nghĩa vụ của NLĐ và người SDLĐ để các chuyên gia của chúng tôi có thể giải đáp và có những tư vấn hữu ích đối với các bạn" đồng chí Nguyễn Mẫn Nhuệ cho biết.
Ông Phan Văn Bảo Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng Hà Nội phát biểu tại buổi giao lưu. |
Phát biểu tại buổi giao lưu, ông Phan Văn Bảo Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng Hà Nội cũng cho biết: Buổi giao lưu trực tuyến về pháp luật lao động cho CNVCLĐ ngành Xây dưng tại Công ty Thoát nước Hà Nội nhằm hỗ trợ pháp lý, tạp huấn nâng cao kiến thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ cho người lao động.
Tại diễn đàn này các chuyên gia tư vấn giải đáp những vấn đề liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động về các điểm mới trong Luật Lao động, Luật BHXH, Luật An toàn vệ sinh lao động. Đây là hoạt động thiết thực của CĐ ngành Xây dựng Hà Nội và báo Lao động Thủ đô thiết thực hưởng ứng Tháng Công nhân năm 2017.
Phát biểu tại buổi giao lưu, Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến đánh giá cao hoạt động phối hợp giữa báo Lao động Thủ đô và Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội. Đây được coi là diễn đàn quan trọng, giúp đoàn viên công đoàn và người lao động có cơ hội tìm hiểu sâu sắc hơn các văn bản quy phạm pháp luật, thực hiện tốt hơn quyền của mình. “Tôi mong sẽ có thêm nhiều diễn đàn tốt như thế này, là cơ hội để truyền tải thông tin chính thống tới người lao động, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ”, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến đề nghị.
Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến cũng chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi đến với Công ty thoát nước Hà Nội- đơn vị có tới 2.200 lao động, đang thực hiện nhiệm vụ thoát nước cho cả địa bàn Thủ đô và tới đây nữa, nhiệm vụ lớn là nạo vét Hồ Gươm- biểu trưng của Thủ đô. Công việc của anh em chị Công ty thoát nước có ý nghĩa nhưng điều kiện làm việc rất vất vả, đặc biệt trong điều kiện thời tiết nắng mưa, bão, gió vẫn phải ra khỏi nhà để đảm bảo Thủ đô luôn được xanh sạch đẹp, không bị ngập úng. “Thay mặt lãnh đạo LĐLĐ Thành phố, tôi hoan nghênh tinh thần làm việc và chia sẻ khó khăn với công nhân lao động của đơn vị; đồng thời mong CNLĐ công ty sẽ có những kiến nghị sát với nhiệm vụ, yêu cầu công việc”, Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến nói.
Ban tổ chức tặng hoa các chuyên gia. |
Mở đầu phần giao lưu, bà Đàm Thị Hòa Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã thông tin đến người lao động những điểm mới của Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016, trong đó nhấn mạnh các điều như: BHXH bắt buộc bổ sung 3 nhóm đối tượng đóng là người làm việc theo hợp đồng lao động từ một tháng đến dưới 3 tháng; người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người lao động là công dân nước ngoài; BHXH tự nguyện mở rộng đối tượng tham gia theo hướng không khống chế tuổi trần; hạ mức sàn thu nhập làm căn cứ đóng; đa dạng các phương thức đóng và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Đông đảo công nhân đến tham dự buổi giao lưu. |
Luật BHXH mới quy định tăng quyền, trách nhiệm của người lao động và cơ quan Bảo hiểm xã hội, cụ thể người lao động được chủ sử dụng cung cấp thông tin về đóng BHXH định kỳ 6 tháng một lần. Năm 2020, sổ BHXH được thay bằng thẻ BHXH.
Cũng theo bà Đàm Thị Hòa, Luật mới cũng giao thẩm quyền thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan Bảo hiểm xã hội. Điểm này nhằm khắc phục trốn đóng, nợ đọng BHXH của doanh nghiệp đồng thời bổ sung quyền khởi kiện của tổ chức CĐ đối với các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về Bảo hiểm xã hội.
Chị Lê Thị Thanh - công nhân nhặt rác trên kênh và ven kênh thuộc Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội. |
* Chị Lê Thị Thanh - công nhân nhặt rác trên kênh và ven kênh thuộc Công ty thoát nước Hà Nội hỏi: Tôi làm công nhân vớt rác trên kênh và ven kênh, trên thực tế đây là công việc nặng nhọc, độc hại nhưng hiện nay chưa được hưởng chế độ hưu trí đối với nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi như các chức danh nghề cống ngang, cống ngầm, mương, duy tu. Xin cho tôi biết rõ hơn về điều này.
- Ông Tạ Văn Dưỡng trả lời: Theo quy định các danh mục công việc nặng nhọc độc hại, tại Công ty thoát nước hiện có công việc như nạo vét kênh mương, cống ngầm, nhưng đến nay nghề vớt rác trên kênh, sông chưa được đưa vào danh mục công việc nặng nhọc, độc hại, vì thế ảnh hưởng đến quyền lợi của NLĐ khi về hưu.
Tuy nhiên, theo quy định của Bộ luật Lao động, tại Thông tư 25 nếu doanh nghiệp làm việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, trực tiếp Chủ tịch Công đoàn và Giám đốc doanh nghiệp có văn bản lên Cục An toàn (Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội) để xem xét, chờ ý kiến trả lời và ý kiến trả lời của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chính là căn cứ thực hiện.
Chị Nguyễn Thị Hiền- công nhân xí nghiệp Thoát nước số 1 hỏi. |
* Chị Nguyễn Thị Hiền- công nhân xí nghiệp Thoát nước số 1 hỏi: Tôi xin các chuyên gia cho biết quy định pháp luật về giải quyết đóng BHXH như thế nào đối với trường hợp người lao động chấm dứt HĐLĐ với một cơ quan, doanh nghiệp khác mà chưa được cơ quan BHXH chốt sổ BHXH do cơ quan, doanh nghiệp trước đã không thực hiện nghĩa vụ đóng BHXH cho Người lao động trong thời gian làm việc tại cơ quan, doanh nghiệp đó?
- Bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH trả lời: Chị đang tham gia bảo hiểm xã hội tại đơn vị khi chuyển công tác mà chưa được chốt sổ tại đơn vị cũ tôi xin trả lời như sau.
Theo quy định của pháp luật, hàng tháng chủ doanh nghiệp phải đóng đủ BHXH, BHYT để bảo đảm quyền lợi của người lao động, nhưng trong trường hợp của chị doanh nghiệp chưa đóng đủ BHXH cho người lao động do đang thua lỗ, hoặc đang chờ tiền về thì chị có thể đề nghị công ty cũ tách đóng bảo hiểm xã hội cho chị để chị chuyển sang đóng tiếp ở đơn vị mới, hoặc chị có thể kê khai số sổ sang đơn vị mới để đóng tiếp BHXH.
Anh Trần Mạnh Hùng. |
* Anh Trần Ngọc Hùng hỏi: Xin luật sư cho biết, khi doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sang cổ phần hóa, cán bộ công nhân viên chúng tôi có quyền lợi, nghĩa vụ như thế nào?
- Luật sư Phạm Ngọc Minh trả lời: Về nguyên tắc chung, khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, người lao động vẫn được hưởng chế độ như trước đó. Đối với trường hợp, khi doanh nghiệp thay đổi cơ cấu, công việc mới không phù hợp, doanh nghiệp phải có trách nhiệm đào tạo người lao động để họ chuyển đổi công việc. Nếu không khắc phục được thì người lao động sẽ được hưởng chế độ thôi việc, mất việc làm…
Về quyền lợi của người lao động khi doanh nghiệp cổ phần hóa, người lao động sẽ được mua cổ phần ưu đãi. Đối với những lao động đến tuổi nghỉ hưu sẽ được tạo mọi điều kiện và cũng được đảm bảo mọi quyền lợi, chính sách theo quy định. Ông cũng có thể tham khảo thêm Nghị định 59 và 189 CP để biết những nội dung chi tiết hơn.
Anh Lê Mạnh Hùng ( Phú Minh, Sóc Sơn) đang theo dõi buổi giao lưu trực tuyến trên Laodongthudo.vn hỏi: Bạn em (không phải công nhân trong công trường xây dựng) khi đến gần hàng rào chắn công trường thì bị 1 người trong công trường ngã xuống từ tầng 7 trúng người gây thương tật nặng hiện đang hôn mê trong viện, người ngã cũng bị thương tương đối nặng.
Sau khi xác minh thì người ngã lại không phải công nhân trong công trường. Hiện tại gia đình cũng không biết phải làm sao nữa. Cho tôi hỏi trong trường hợp này ai phải chịu trách nhiệm? Vì gia đình cũng nghèo ở quê mà giờ không ai chịu trách nhệm nên cũng rất rối. Mong chuyên gia tư vấn giúp!
Luật sư Phạm Ngọc Minh: Trường hợp này của bạn anh, do bạn anh không phải là công nhân trong công trường nên đương nhiên không được hưởng trợ cấp tai nạn. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật, bạn anh vẫn được hưởng bồi thường, hỗ trợ tùy theo phần lỗi của ai. Nếu doanh nghiệp không có cảnh báo, rào chắn thì lỗi có thể xác định chính thuộc về nhà thầu thi công hoặc chủ đầu tư.
Nếu đã có rào chắn, có cảnh báo, mà bạn anh vẫn cố tình đi vào thì lỗi chính thuộc của người tai nạn. Luật vẫn có quy định hưởng về hỗ trợ trong trường hợp này nhưng trong thực tế giải quyết thì khá linh hoạt. Có đơn vị mặc dù không có lỗi nhưng họ vẫn thiện chí hỗ trợ tiền khám chữa bệnh, tuy nhiên cũng có những đơn vị chây ỳ, ko thăm hỏi. Cái này chúng tôi phải xem xét kỹ hồ sơ mới có thể tư vấn. Vì thế, để chi tiết, anh có thể liên hệ trực tiếp với báo Lao động Thủ đô hoặc văn phòng luật sư để được tư vấn chi tiết hơn.
* Anh Huy Toàn - CN xây dựng hỏi: Theo luật an toàn lao động 2015 "Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động." Vậy tai nạn trên đường đi làm hoặc đi làm về của người lao động có được gọi là tai nạn lao động hay không?.
Anh Huy Toàn - CN xây dựng. |
- Luật sư Phạm Ngọc Minh: Điều 45 Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:
Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây: Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;
Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;
Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;
3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.
Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp người lao động bị tai nạn trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý thì được coi là tai nạn lao động.
* Anh Phạm Hồng Lĩnh- Xí nghiệp Thoát nước Yên Sở hỏi: Hiện nay tôi 57 tuổi đã đóng bảo hiểm 40 năm liên lục. Tôi thấy trên các báo đài thông báo từ 1/1/2018 có thay đổi về chế độ nghỉ hưu. Vậy năm 2017 tôi xin về hưu trước tuổi vậy chế độ tôi được hưởng như thế nào?.
Anh Phạm Hồng Lĩnh Xí nghiệp Thoát nước Yên Sở |
- Bà Đàm Thị Hòa trả lời: Chế độ BHXH anh được hưởng như sau: Vì anh thiếu 3 năm nên sẽ bị trừ 6% (mỗi năm 2%), anh đã đóng 40 năm liên tục thì sẽ được hưởng 69% tiền lương, thay vì 75%.
* Một bạn đọc hỏi: Đối với doanh nghiệp cổ phần có cần xây dựng nội dung, kế hoạch an toàn vệ sinh lao động hàng năm không và phải lập như thế nào?
- Ông Tạ Văn Dưỡng trả lời: Theo quy định của Luật An toàn vệ sinh lao động, tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đều phải xây dựng kế hoạch, gồm 5 nội dung: Biện pháp thực hiện; công tác tuyên truyền; trang bị phương tiện; chăm sóc sức khỏe cho người lao động và phòng cháy chữa cháy. Cũng theo quy định của Luật, khi lập kế hoạch, Giám đốc phải xin ý kiến của Ban Chấp hành Công đoàn, nếu doanh nghiệp không xin ý kiến sẽ bị phạt đến 7,5 triệu đồng.
Bà Lê Thị Bích Ngọc - TBT báo Lao động Thủ đô trao quà cho công nhân trả lời câu hỏi trong phần giao lưu của ban tổ chức. |
* Chị Nguyễn Thị Kim Liên, xí nghiệp thoát nước số 3 hỏi: Tôi sinh năm 1968, tháng 7 này tôi đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm, hợp đồng lao động cống ngang. Xin hỏi tôi có nên về hưu năm nay không?
- Luật sư Phạm Ngọc Minh: Chị sinh năm 1968 tức là năm nay chị xấp xỉ 50 tuổi và đã có 20 năm đóng BHXH. Về việc có nên về hưu sớm hay không thì chị nên cân nhắc ở nhiều khía cạnh cũng như cân nhắc với điều kiện thực tế của mình. Nếu chị về hưu sớm, thời gian đóng bảo hiểm thấp thì lương hưu sẽ bị thấp nhưng nếu công việc của chị vất vả, nặng nhọc mà cứ cố gắng kéo dài, lương có thể lên một tí nhưng lại ảnh hưởng sức khỏe thì nên nghỉ để đảm bảo sức khỏe. Tóm lại, chị nên cân nhắc cho phù hợp với điều kiện của mình.
* Chị Nguyễn Thị Phương Ly (XN 2) hỏi: Khi trời mưa to, có giông, bão hoặc gió mạnh cấp 4 trở lên khi bố trí người làm việc ngoài đường cần yêu cầu họ làm gì để đảm bảo ATLĐ?
- Ông Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định, khi trời mua to, có giông bão hoặc gió mạnh cấp 5 trở lên thì người lao động không được làm việc ngoài đường. Đối với ngành thoát nước thì chưa có quy định cụ thể. Khi làm việc ngoài mưa, người lao động cần có trang phục BHLĐ đầy đủ, đảm bảo an toàn.
* Chị Lưu Thị Hương – Xí nghiệp Yên Sở hỏi: Công ty tôi ghi tờ khai bảo hiểm cho người lao động theo chứng minh nhân dân cũ, bây giờ tôi đã đổi chứng minh thư mới, vậy sau này có ảnh hưởng gì đến các thủ tục giải quyết các chế độ của tôi không?
Chị Lưu Thị Hương – Xí nghiệp Yên Sở. |
- Bà Đàm Thị Hòa: Hiện BHXH Hà Nội đang tập trung rà soát, điều chỉnh thông tin sổ BHXH, vì vậy người lao động có thể phối hợp với đơn vị rà soát lại các thông tin trong sổ, trong đó có số chứng minh thư nhân dân, sau khi thống nhất sẽ chuyển lên BHXH quận, huyện để chúng tôi hoàn tất bàn giao lại sổ BHXH cho người lao động.
* Chị Hà Thị Thu Huyền - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội hỏi: Tôi xin hỏi có những thành viên 1 lúc làm việc tại 2 công ty, vậy, chế độ của người lao động sẽ phải đóng- hưởng như thế nào tại 2 công ty?
Chị Hà Thị Thu Huyền - Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội. |
- Bà Đàm Thị Hòa: Chị có thể làm việc và ký hợp đồng tại 2 công ty nhưng trách nhiệm đóng BHXH sẽ thực hiện theo hợp đồng tại 1 doanh nghiệp (doanh nghiệp ký hợp đồng đầu tiên), với doanh nghiệp sau, doanh nghiệp sẽ chi trả vào tiền lương cho người lao động.
* Một bạn đọc báo Lao động Thủ đô gửi câu hỏi qua laodongthudo.vn: Do nhầm lẫn nên thời gian đóng BHXH theo lương thử việc của tôi kéo dài 2 năm so với quy định. Vậy, bây giờ tôi có thể truy đóng BHXH được không?
- Bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội: Căn cứ vào Hợp đồng lao động, nếu điều chỉnh hợp đồng về đúng thời gian của Luật lao động thì BHXH sẽ cho người lao động truy đóng 100%.
Ông Phan Văn Bảo Chủ tịch CĐ ngành Xây dựng Hà Nội trao quà cho công nhân trả lời câu hỏi trong phần giao lưu của ban tổ chức. |
* Lưu Thị Hương (XN 8) hỏi: Thẻ BHYT của tôi không đăng ký gần nơi cư trú, mỗi lần tôi đi khám chữa bệnh rất xa. Tôi xin hỏi,cơ quan BHXH làm thế nào để tôi không phải đi khám chữa bệnh ở xa và được hưởng đầy đủ quyền lợi?
- Bà Đàm Thị Hòa- Phó giám đốc BHXH Hà Nội: Theo quy định, BHYT sẽ đăng ký khám gần nơi cư trú hoặc gần cơ quan nơi chị làm việc. Chị cần tìm hiểu kỹ xem, cơ quan đã đăng ký BHYT cho chị gần nơi cư trú chưa? Trường hợp, chị muốn đổi nơi khám chữa bệnh có thể đến BHXH trong vòng 15 ngày tháng đầu quý để làm thủ tục.
* Anh Nguyễn Thế Anh - NLĐ quận Hai Bà Trưng hỏi: Công nhân trên đường đi làm về bị tai nạn do tự ngã (đúng tuyến đường và thời gian hợp lý), hậu quả là gẫy chân, mất phần chân từ đầu gối xuống. Do tai nạn được người dân mang vào bệnh viện cấp cứu nên không có biên bản tai nạn của công an giao thông và công an xã. Vậy trong trường hợp này, người lao động phải làm gì để được hưởng trợ cấp hàng tháng theo chế độ?
- Ông Tạ Văn Dưỡng: Trước hết, tôi khẳng định trường hợp này là tai nạn lao động, mà là tai nạn lao động nặng. Theo quy định của pháp luật, thì thủ tục để giải quyết trợ cấp chế độ hàng tháng của Bảo hiểm y tế trong trường hợp này bắt buộc phải có bản sao biên bản tai nạn cảnh sát giao thông. Do người lao động không khai báo với công an, không có biên bản nên không được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng là đúng.
Tuy nhiên vẫn có cách gỡ là gia đình và công ty phải đến cơ quan công an trình bày để cơ quan công an hiểu và tạo điều kiện giúp đỡ, vì bắt buộc phải có biên bản tai nạn của cơ quan công an mới có thể được giải quyết chế độ. Còn về phần các khoản chi trả của công ty thì người lao động đương nhiên được hưởng 3 chế độ chi trả do công ty thực hiện là tiền thuốc men y tế điều trị, lương trong thời gian nghỉ việc điều trị và tiền trợ cấp tùy mức độ thương tật, những chi trả này người lao động đương nhiên được hưởng mà không bắt buộc phải có biên bản của cơ quan công an.
Một bạn đọc hỏi: Người lao động vi phạm quy định an toàn dẫn đến tai nạn lao động và điều trị tại bệnh viện. Trong thời gian điều trị, lương của người lao động ai phải trả?
- Ông Tạ Văn Dưỡng: Theo quy định của pháp luật thì trong mọi trường hợp tai nạn lao động, dù bất kỳ do lỗi của ai thì doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm trả lương trong thời gian người lao động nghỉ việc điều trị thương tật. Mức lương phải trả là mức lương người lao động hưởng trước khi bị tai nạn.
* Nguyễn Văn Hùng- Quỳnh Mai- Hà Nội hỏi: Tôi sinh năm 1967, hiện hưởng lương hệ số 4,4; đã có 9 năm làm công nhân in ofset tại Công ty In. Tính đến tháng 7/2017, tôi đóng BHXH được 30 năm và muốn nghỉ hưu. Xin hỏi, trường hợp của tôi, cơ quan BHXH có đồng ý cho giám định sức khỏe để nghỉ hưu không? Cách tính lương hưu như thế nào?
- Bà Đàm Thị Hòa trả lời: Anh sinh năm 1967 thì năm nay mới 50 tuổi, nên đến 52 tuổi anh mới được đi giám định y khoa. Anh cần nộp hồ sơ giám định đến Hội đồng giám định Y khoa thành phố, không phải qua cơ quan BHXH. Nếu suy giảm sức khỏe và anh nghỉ hưu trước tuổi thì lương hưu sẽ bị trừ tỉ lệ theo quy định.
* Một bạn đọc hỏi: Tôi xin hỏi việc tăng tuổi nghỉ hưu được áp dụng từ khi nào?
- Bà Đàm Thị Hòa- Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội: Việc tăng tuổi nghỉ hưu mới hiện mới là Dự thảo, chưa có quy định chính thức. Khi nào có quyết định, chúng tôi sẽ thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người lao động cùng biết và thực hiện.
Chị Phạm Thị Vân Hương |
* Chị Phạm Thị Vân Hương hỏi: Con trai tôi đã tốt nghiệp đại học và hiện đang làm tự do, gia đình đang muốn chọn loại hình bảo hiểm cho cháu. Xin chuyên gia tư vấn giúp.
- Bà Đàm Thị Hòa, Phó giám đốc BHXH Hà Nội: Chế độ BHXH, BHYT của chúng ta rất nhân văn, chị nên mua BHYT tự nguyện sẽ được khám chữa bệnh như những trường hợp mua BHYT bắt buộc. Về thủ tục, chị có thể ra UBND xã, phường nơi cư trú để kê khai mua BHYT tự nguyện.
* Chị Nguyễn Hoàng Ly xí nghiệp thoát nước số 3 hỏi: Ở đơn vị tôi có một chị công nhân làm nạo vét bùn cống ngang, công việ nặng nhọc độc hại. Tháng 12 này, chị đủ 50 tuổi và đã đủ 30 năm đóng bảo hiểm xã hội và đáng ra được về hưu nhưng tại công ty có quy định, sau khi đến tuổi nghỉ hưu thì có thêm 3 tháng hưởng lương tiếp tục rồi mới nghỉ hưu, xin các chuyên gia tư vấn cho chị công nhân phải làm thế nào?
- Luật sư Phạm Ngọc Minh trả lời: Theo quan điểm của tôi thì việc có thêm 3 tháng này là chủ trương của công ty thực hiện có lợi hơn cho người lao động. Tuy nhiên nếu cá nhân chị muốn về hưu đúng thời điểm thì có thể kiến nghị với doanh nghiệp, có thể nghỉ trước 3 tháng mà vẫn hưởng nguyên lương.
- Bà Nguyễn Việt Hương- Phó Tổng Giám giám đốc, Chủ tịch Công đoàn công ty trả lời thêm: thực ra, đây là một chế độ của Công ty ưu đãi hơn cho người lao động. Bình thường, người lao động đến tuổi về hưu luôn, nhưng công ty thống nhất cho thêm 3 tháng nữa hưởng lương rồi mới về hưu, vì mức lương hưởng cao hơn lương hưu từ bảo hiểm xã hội. Nguồn lương hỗ trợ này được trích từ chi phí của công ty chi trả cho người lao động, đấy là cố gắng nỗ lực của công ty để ưu đãi cho người lao động.
Bà Nguyễn Việt Hương (Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty Thoát nước Hà Nội): Định kỳ, công ty và công đoàn thường xuyên có các buổi tuyên truyền, phổ biến chế độ chính sách cho người lao động trên tinh thần dân chủ, công khai. Ban giám đốc và công đoàn công ty xác định việc tuyên truyền các chế độ chính sách pháp luật sẽ giúp người lao động hiểu biết chính sách đầy đủ để thực hiện đúng. Qua đó, người lao động mới có thể mạnh dạn đề đạt nguyện vọng của mình đồng thời giúp cho công đoàn kịp thời nắm bắt tâm tư của người lao động để tham mưu cho các chuyên viên có những giải đáp tháo gỡ, thắc mắc kịp thời trên tinh thần thấu hiểu, đồng cảm. Chính vì vậy, khi công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội và báo Lao động Thủ đô lựa chọn đơn vị là nơi tổ chức buổi giao lưu trực tuyến, ban giám đốc và công đoàn công ty rất ủng hộ, tạo điều kiện. Đặc biệt, để buổi giao lưu trực tuyến có chất lượng, chúng tôi đã thông báo tới tất cả cán bộ công nhân viên và gửi câu hỏi trước tới ban tổ chức. Còn tại buổi giao lưu hôm nay có khoảng gần 200 công nhân lao động đại diện cho 2.200 cán bộ công nhân lao động công ty tham dự trực tiếp đưa ra các thắc mắc của mình và đã được các chuyên gia trả lời thấu đáo. |
Tổng biên tập Lê Thị Bích Ngọc phát biểu bế mạc buổi giao lưu: Sau hơn hai giờ đồng hồ, chúng ta được nghe nhiều câu hỏi liên quan đến quyền lợi, hợp pháp của người lao động như BHXH, BHYT. Các câu hỏi đã được các chuyên gia trả lời thỏa đáng. Hội trường của buổi giao lưu luôn kín chỗ chứng tỏ buổi giao lưu rất có sức hút. Báo Lao động Thủ đô có thế mạnh làm giao lưu trực tuyến những vấn đề người lao động quan tâm. Qua đây, chúng tôi nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Do thời lượng có hạn vẫn còn nhiều câu hỏi của bạn đọc chưa được trả lời hết tại buổi giao lưu hôm nay, chúng tôi sẽ gửi tới cơ quan chức năng và trả lời bạn đọc qua chuyên mục tư vấn pháp luật trên báo Lao động Thủ đô. Bạn đọc có thể tiếp tục gửi các thắc mắc đến báo Lao động Thủ đô để chúng tôi gửi cơ quan chức năng trả lời thỏa đáng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Cập nhật giá vàng, tỷ giá sáng 23/12: Vàng nhẫn diễn biến lạ, tỷ giá USD tăng "nóng"
Tin khác
Sôi nổi Ngày hội văn hóa thể thao khối trường học huyện Đông Anh
Hoạt động 22/12/2024 10:26
Bình Dương: Tuyên dương 183 cá nhân lao động giỏi, sáng tạo
Hoạt động 21/12/2024 08:42
Quận Tây Hồ: Hiệu quả trong công tác phát triển đoàn viên, thành lập tổ chức Công đoàn
Công đoàn 21/12/2024 08:42
“Chợ Tết Công đoàn năm 2025” trực tuyến chính thức hoạt động
Hoạt động 20/12/2024 20:32
Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội thành lập mới 11 Công đoàn cơ sở
Hoạt động 20/12/2024 18:50
Công đoàn Y tế Việt Nam: Chú trọng các hoạt động bảo vệ đoàn viên, người lao động
Hoạt động 20/12/2024 18:33
Công đoàn Viên chức Việt Nam tổng kết hoạt động năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 18:32
Công đoàn Hà Tĩnh đạt nhiều kết quả nổi bật năm 2024
Hoạt động 20/12/2024 15:44
LĐLĐ quận Long Biên chuyển giao Công đoàn cơ sở về LĐLĐ quận Bắc Từ Liêm
Hoạt động 20/12/2024 13:49
LĐLĐ quận Đống Đa: Giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đoàn viên công đoàn
Hoạt động 20/12/2024 12:23