Chúng tôi đã vào nghề và dấn thân như thế
Cần thêm cơ chế bảo vệ nhà báo | |
Cuộc hội tụ ấn tượng của nghề báo | |
Bảo vệ phụ nữ làm nghề báo |
Nhân dịp Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, những phóng viên Lao động Thủ đô trải lòng vì những kỷ niệm với nghề, xin trân trọng gửi đến bạn đọc.
Nhà báo Phạm Diệp (Ban Điện tử): May mắn vì được làm báo công đoàn Tốt nghiệp chuyên văn cấp III, tôi theo bạn bè cùng lớp, hồ hởi nộp hồ sơ thi vào ngành Báo chí, chỉ với một suy nghĩ: Làm báo để được đi khắp nơi và được viết - công việc đúng sở trường của dân chuyên văn. 4 năm ở giảng đường đại học, rồi ra trường, vào nghề, tôi bắt đầu nhận thấy, lý do chọn nghề của mình thật cảm tính. Nghề báo đúng là được đi và viết, nhưng không đơn thuần chỉ là những chuyến đi nhẹ nhàng vui vẻ hay những trang viết lãng mạn, bay bổng như trong mường tượng của tuổi học trò. Hơn nữa, để làm được nghề báo, thì chỉ hai yếu tố “đi” và “viết” là chưa đủ. Đã có khoảng thời gian, áp lực về chất lượng nội dung, tiến độ bài vở, trong khi công việc gia đình nhiều lo toan, bề bộn đã khiến tôi mệt mỏi, cảm thấy hối tiếc với lựa chọn nghề nghiệp của mình. Thế nhưng cũng may mắn cho tôi, khi được làm việc tại báo Lao động Thủ đô- tờ báo của tổ chức công đoàn và CNLĐ, đồng thời tôi cũng được trực tiếp theo dõi viết về hoạt động công đoàn và đời sống công nhân. Những chuyến theo chân cán bộ công đoàn đến với người lao động nghèo để khảo sát chương trình Mái ấm công đoàn, hoặc thăm hỏi, trao trợ cấp cho người lao động; những lần lăn lộn tại nhà trọ CNLĐ chứng kiến cảnh sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn của họ... đã khiến tôi thấy cuộc sống của mình hãy còn nhiều may mắn. Những câu chuyện, những mảnh đời CNLĐ mà tôi đã gặp như tiếp thêm nghị lực cho tôi vượt lên những khó khăn, cản trở của bản thân để nỗ lực, phấn đấu trong công việc nhiều hơn. Và tôi đã tìm thấy niềm vui, hạnh phúc trong công việc của mình, khi mà những bài báo của mình đã góp phần đáng kể để phản ánh được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người lao động tới các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn, qua đó đã có sự tác động, quan tâm trở lại từ lãnh đạo thành phố để chăm lo, cải thiện đời sống người lao động. Một điều hạnh phúc nữa cho những nhà báo theo dõi mảng công đoàn như tôi là được gặp gỡ, tiếp xúc với những cán bộ công đoàn - những con người luôn nhiệt tình, tận tâm, cởi mở và nồng hậu. Cái tình của những cán bộ công đoàn cũng khiến tôi yêu hơn, say mê hơn với công việc của mình. Thấm thoắt cũng đã hơn chục năm, tôi gắn bó với nghề báo, với mảng viết về hoạt động công đoàn và đời sống người lao động. Giờ đây, tôi tự nhủ lòng mình sẽ tiếp tục cố gắng trau dồi nghề nghiệp, bám sát phản ánh kịp thời hơn nữa đời sống người lao động và những hoạt động của tổ chức công đoàn để góp phần xây dựng báo Lao động Thủ đô ngày càng vững mạnh, thực sự là tiếng nói của tổ chức công đoàn, là người bạn đồng hành tin cậy, món ăn tinh thần không thể thiếu của người lao động. |
Nhà báo Lan Ngọc (Ban Điện tử): Cứ dấn thân sẽ có trái ngọt Sáng 21/6, đúng Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi nhận được cuộc điện thoại từ Nghệ An. Đầu dây là một giọng nam, mời tôi đi uống nước, để thông báo tin vui: “Chị ơi, Công ty đã trả tiền em. Nhờ có chị và báo Lao động Thủ đô vào cuộc mà mấy đứa bọn em đều đã được Công ty trả tiền”. Tôi nhận ra giọng nói qua điện thoại đầu dây là Đặng Hải Anh, từng tốt nghiệp cao đẳng nghề nhưng vì muốn kiếm tiền nhanh và trót nghe theo lời rủ rê của bạn bè, Hải Anh đăng ký đi làm việc tại Singapore qua một công ty không có chức năng xuất khẩu lao động.Vì xuất cảnh theo visa du lịch nên chỉ sau 3 tháng, Hải Anh phải về nước, trong khi hợp đồng ký với công ty là 2 năm. Về nước, công ty liên tục khất lần và trốn tránh thanh lý hợp đồng, Hải Anh đã tìm tới cả cơ quan công an nhờ vào cuộc, tuy nhiên, qua xác minh điều tra, cơ quan công an tạm dừng điều tra vì không đủ căn cứ xác định công ty có hành động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Không chỉ riêng Hải Anh mà khi đến công ty tìm hiểu, tôi mới biết còn hàng chục lao động khác cũng được công ty này hứa hẹn, đưa đi làm việc ở Singapore qua con đường visa du lịch, nhưng khi lao động bị trục xuất về nước, lãnh đạo công ty lại lẩn trốn trách nhiệm. Nhắn tin cho tôi, Hải Anh bảo: “Thực sự khi cơ quan công an thông báo tạm dừng điều tra, em đã rất tuyệt vọng. May nhờ sự vào cuộc kịp thời của cơ quan báo chí đã lấy lại phần nào cho em niềm tin. Em xin cảm ơn chị và báo Lao động Thủ đô rất nhiều”. 16 năm đeo đuổi nghề phóng viên của báo Công đoàn, được giao theo dõi mảng lao động- việc làm- công đoàn, tôi đã gặp không ít lao động như Hải Anh. Gần đây nhất, có 4 lao động quê ở Hòa Bình, Nam Định, Thái Bình tìm đến báo Lao động Thủ đô nhờ đòi tiền từ 1 công ty xuất khẩu lao động. Cũng vì muốn đi thật nhanh và kiếm tiền nhanh nên họ đã bất chấp bỏ qua mọi thủ tục đơn giản nhất để đi thực tập tại Nhật. Về nước trước thời hạn hàng năm nay, không giấy tờ trong tay, Công ty khất lần không giải quyết chế độ... Khi tìm đến báo Lao động Thủ đô, kèm theo 4 lá đơn, 4 chàng trai gần như đã tuyệt vọng. Sau khi báo Lao động Thủ đô vào cuộc phối hợp cùng công ty giải quyết, chỉ sau 1 tuần cả 4 lao động đều đã được thanh lý hợp đồng, người nhiều được nhận lại hơn trăm triệu đồng, người ít cũng vài chục triệu đồng...Nhận được điện thoại và lá thư cảm ơn từ người lao động, tôi cũng vui như chính mình vừa nhận lại được khoản tiền đã mất vậy. Sự tin tưởng, yêu quý của những người lao động chính là động lực để chúng tôi tiếp tục đồng hành cùng người lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho người lao động. |
Nhà báo Tuệ Liên (Ban Kinh tế- Xã hội): Nghề báo đã khó, với phụ nữ càng khó hơn Phụ nữ chọn nghề làm báo là đã gánh lên vai gánh nặng, cực nhọc tăng gấp đôi. Một đầu là áp lực công việc, là trách nhiệm đối với độc giả, với xã hội, còn đầu kia là trách nhiệm với gia đình riêng. Bởi vậy, các nữ nhà báo rất cần đến sự đồng cảm, chia sẻ của đồng nghiệp, gia đình và xã hội. Và với các nhà báo nữ những trăn trở, những gian khó, thách thức với họ phía sau những bài báo thường nhiều hơn. Bởi chỉ năng lực chuyên môn vững vàng, tinh thần ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp trong sáng vẫn chưa đủ, họ cần một hậu phương thật sự vững chắc, thật sự tin tưởng để chia sẻ giúp đỡ, hỗ trợ họ trong việc thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm với gia đình trước khi bắt tay vào công việc của những người tranh đấu trên mặt trận văn hóa. Trong công tác chuyên môn, các nhà báo nữ không được ưu tiên gì hơn nhà báo nam về định mức lao động cũng như thời gian lao động. Ở gia đình, các ông chồng, cho dù có “đảm đang” mấy đi chăng nữa cũng không thể nào thay thế rất nhiều công việc không tên của vợ. Chính vì vậy, không có cách nào khác, các nữ nhà báo buộc phải năng nổ, nhanh nhạy, sắc sảo thì mới hạn chế thiên chức giới để làm tốt được cả hai việc: việc nước, việc nhà. Bên cạnh những khó khăn, yếu tố thuận lợi để nhà báo nữ phát huy hiệu quả đối với công việc đó là sự nhạy cảm, tinh tế và giàu lòng trắc ẩn. Những yếu tố ấy giúp nhà báo nữ nhìn sâu hơn vào vấn đề mình khai thác; cũng nhờ đó nhà báo nữ dễ chiếm được cảm tình từ cơ sở. |
Nhà báo Đỗ Đạt (Ban Thời sự - Pháp luật): Nếu không có nhiệt huyết thì khó thành công Ai đó đã từng nói “Nếu bạn không có đam mê cho công việc của mình, thì đừng chọn nó và nếu đã lựa chọn thì hãy đốt cháy bản thân để theo đuổi nó”. Với nghề báo cũng vậy, người làm báo luôn phải biết tự hào với những vinh quang của nghề để vượt qua những nhọc nhằn vốn có. Nếu không “dấn thân”, không yêu nghề, thì người làm báo khó thành công. Thế nên, trong rất nhiều những chuyến đi tác nghiệp, với tôi, chuyến đi về bản Oi Nọi, xã Tiền Phong, huyện vùng cao Đà Bắc (Hòa Bình) đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm. Đêm trước ngày chúng tôi lên đường, sương mù dày đặc, mưa và rét khiến chúng nản lòng. Tuy nhiên, khi biết được thông tin về người đàn ông sống 40 năm trong rừng, khiến chúng tôi háo hức lên đường. Gần 200km từ Hà Nội lên trung tâm bản Oi Nọi trong tiêt trời giá rét, mưa lạnh, khiến quãng đường chúng tôi đi như dài hơn. Con đường rừng như sợi chỉ mỏng vắt ngang sườn núi, vừa dốc, vừa quanh co, nhiều đoạn cua gấp khiến trơn trượt khiến chúng tôi phải dùng đến dây xích (chuẩn bị trước khi đi - PV) buộc vào bánh xe mới vượt qua được những con dốc dài. Ấy thế, cũng phải mất đến gần chục lần tôi và cô bạn đồng nghiệp phải xuống xe dắt bộ, vì có những đoạn đường chỉ cần sơ ý trượt bánh trên những hòn đá to lổm nhổm, là chắc chắn chúng tôi sẽ xuống vực thẳm. Đến bản Oi Nọi vào lúc 10 giờ sáng, tranh thủ nghỉ ngơi và ăn tạm vài ổ bánh mì lót dạ. Với sự trợ giúp của hai người dân bản địa, chúng tôi tiếp tục hành trình đi tìm “người rừng”, khi phải cuốc bộ thêm gần 3 tiếng đồng hồ từ bản Oi Nọi, qua xóm Phiếu và cánh rừng Lắn âm u, cuối cùng chúng tôi cũng tìm được nơi “người rừng” Bùi Văn Toán trú ngụ. Cuối cùng, may mắn gặp được “người rừng” Bùi Văn Toán. Sau chuyến đi, một loạt bài phóng sự về “người rừng” ở Hòa Bình sống 40 năm trong rừng được chúng tôi đăng tải và niềm vui được nhân lên gấp bội khi bài viết của chúng tôi đã tạo được hiệu ứng rất tốt. Đặc biệt, sau khi bài báo đăng, một cựu chiến binh ở Long Biên (Hà Nội) đã nhận ra đồng đội của mình, chính là “người rừng” trong loạt phóng sự của chúng tôi. Lần theo thông tin, đồng đội đã tìm đến nơi ông Toán trú ngụ và đưa ông về với cuộc sống hiện đại. Sau đó, người rừng được làm lại giấy chứng minh thư, được trở lại cuộc sống của một con người… Chuyến công tác này được nhiều hơn chúng tôi nghĩ, bởi không chỉ bài viết của chúng tôi độc, lạ, chân thực và được nhiều bạn đọc quan tâm. Mà phía sau bài viết, nhân vật của chúng tôi đã tìm lại được đồng đội, tìm lại con người thật của mình và đó là điều hạnh phúc nhất của những người làm báo. Chúng tôi biết, nghề báo là vất vả và khắc nghiệt, nhưng đôi khi lại mang đến cho người làm báo những trải nghiệm, những chuyến đi, những mối quan hệ, những cuộc tiếp xúc…mà không phải nghề nào cũng có và chuyến đi của chúng tôi là một trong những hành trình như thế. |
Nhà báo Bùi Phương (Ban Kinh tế - Xã hội): Hạnh phúc với những giây phút bình dị Tôi vừa ra trường và làm việc cho báo Lao động Thủ đô chưa đầy một năm. Là dân khối A, tôi thi vào trường báo chỉ là một sự lựa chọn ngẫu nhiên nhưng cũng thật may mắn thi đỗ. Vừa chập chững bước vào nghề báo, kinh nghiệm còn ít, phóng viên trẻ như tôi đã gặp vô vàn khó khăn khi tác nghiệp. Dù mỗi người đến với nghề báo theo một con đường khác nhau, dẫu đầy vất vả, hiểm nguy nhưng tôi tin ai cũng có những giây phút hạnh phúc với nghề. Và với tôi, hạnh phúc đến từ những điều bình dị nhất. Còn nhớ, giờ này năm ngoái tôi chỉ mới đang là CTV của báo. Tôi đăng ký đề tài viết về một làng trồng những cây chè cổ thụ hàng trăm năm tuổi “độc nhất vô nhị” của Thủ đô. Nói là Thủ đô, nhưng làng chè cổ thụ này thuộc thôn Giếng Cốc (Thạch Thất), cách trung tâm thành phố khoảng 40 km. Thời tiết đợt đó nắng nóng cực điểm, nhiệt độ ngoài trời có khi lên đến 50 độ. Ròng rã 2 tiếng đồng hồ trên đường cao tốc không một bóng cây, hơi nóng bốc lên phả vào da thịt bỏng rát. Có đôi lúc cảm tưởng mình đang đi trên sa mạc mà ảo giác thấy dòng nước mát trước mặt. Đến nơi, đón chúng tôi là những người dân vô cùng dễ mến, thân thiện. Tôi vẫn nhớ gương mặt người đàn ông đôn hậu tiếp chúng tôi hôm đấy. Vườn nhà ông có khoảng 20 gốc chè, trong đó có khoảng 7 – 8 cây chè cổ thụ gần 200 tuổi. Vừa rót chén chè, ông vừa tự hào chia sẻ, chè Giếng Cốc đặc biệt bởi nhiều thứ như độ tuổi của cây, cách chế biến, vẻ ngoài của chè đến mùi hương mộc mạc, thanh tao. Tất cả những điều này kết hợp lại đã đánh thức vị giác của những người uống chè khó tính nhất. Đặc biệt, nước để nấu chè là nước lấy từ giếng đá ong ngọt ngào, tinh khiết. Dù trời nắng nóng đến đâu thì nước giếng vẫn mát vô cùng. Những điều này gợi cho tôi nhớ những tháng ngày tuổi thơ bên giếng nước đá ong và ấm chè đặc sánh mỗi sáng sớm nhà bà ngoại. Những ngày Thủ đô nắng nóng như thế tôi chỉ mong được trở về tuổi thơ để rồi đắm mình trong dòng nước mát. Còn cái lạnh mùa đông buốt thấu da thấu thịt, vậy mà giếng nước nhà bà ngoại như được điều hòa lại ấm áp đến lạ. Vậy đó, đôi khi làm nghề lại có những giây phút bình yên đến lạ. Đối với tôi, hạnh phúc luôn đến từ những điều bình dị nhất và tôi luôn trân trọng điều đó. |
Phóng viên Minh Khuê (Ban Thời sự - Pháp luật): Phải luôn trau dồi kiến thức Ngày tôi quyết định nghỉ công việc nhân viên văn phòng, quay lại nghề báo khiến nhiều người bất ngờ. Bất ngờ vì không ai nghĩ tôi lại quyết định đánh đổi công việc văn phòng nhàn hạ, với mức lương ổn định, để theo đuổi đam mê viết báo, mặc dù biết trước rằng đó là công việc không hề dễ dàng. Bạn bè ngạc nhiên và mắng tôi hâm, “thân lừa ưa nặng”. Nhưng đối với tôi, từ ngày quay lại làm báo tôi chưa từng cảm thấy hối hận với quyết định của mình. Tôi vẫn nhớ, ngày đầu tiên đến nhận công việc tại báo Lao động Thủ đô, chị Trưởng ban điện tử có hỏi: “Em xử lý công việc chỗ cũ thế nào rồi”. Khi biết tôi đã nghỉ hẳn công việc chỗ cũ, chị chỉ mỉm cười lắc đầu. Bởi trước đó, không chỉ có chị mà nhiều bạn bè cũng khuyên tôi nên suy nghĩ kỹ trước khi chuyển việc. Tuy nhiên, điều khiến tôi cảm thấy bất ngờ, chính những lãnh đạo nơi tuyển việc, lại khuyên tôi nên làm song song công việc hai nơi, cho đến khi chắc chắn với quyết định của mình. Có nghĩa, mọi người tạo điều kiện cho tôi có “đường lui”, nếu như cảm thấy chưa theo kịp công việc làm báo, thì vẫn không bị thất nghiệp. Tôi đã quyết định quay lại làm báo, mà không mất nhiều thời gian đắn đo suy nghĩ. Dù công việc văn phòng tôi từng làm nhàn hạ, tuy nhiên nó khiến tôi cảm thấy nhàm chán bởi những việc lặp đi lặp lại đơn điệu. Ở đó, tôi cảm giác mình không học hỏi thêm được điều gì mới mẻ. Và điều khiến tôi lo lắng nhất, là nếu cứ ngồi làm việc bàn giấy sẽ khiến tôi dần bị lụi mất nghề báo. Nhiều người vẫn nói tôi "thân lừa ưa nặng". Nhưng với tôi, cái “nặng” mà tôi yêu thích sẽ cho tôi động lực để đi nhanh, đi xa và đi đến đích mình đặt ra. Bởi đơn giản dù công việc nhàn hạ, nhưng tôi không yêu thích thì nó sẽ khiến cuộc sống của tôi trở lên vô nghĩa. Và nếu ngại vất vả thì tôi đã không chọn nghề này. Không chỉ riêng tôi, mà những người bước vào nghề báo đều chấp nhận “dấn thân”, vượt qua mọi gian khó để có được những “đứa con tinh thần” phục vụ bạn đọc. Và có lẽ sau gần 4 tháng làm việc tại báo Lao động thủ đô, tôi nhận thấy quyết định chuyển việc của mình là đúng đắn. Tôi thích môi trường làm việc chuyên nghiệp nơi đây. Và tôi cũng nhận ra mình còn phải tự phấn đấu nhiều hơn nữa, bởi thời gian làm việc vừa qua, càng viết nhiều tôi càng cảm thấy mình còn nhiều lỗ hổng về kiến thức. Nếu không có sự số gắng, thì có lẽ tôi sẽ chỉ mãi dậm chân tại chỗ và tụt lại phía sau so với mọi người. Ngày trước, tôi từng nghĩ chỉ cần giỏi văn là có thể trở thành phóng viên, nhà báo. Nhưng thực tế không phải đơn giản như vậy. Bởi nghề báo còn đòi hỏi người làm nghề phải có sự sáng tạo không ngừng, sự tìm tòi đề tài vừa thời sự lại đúng với tâm lý người đọc. Đã có lúc tôi muốn chuyển nghề, nhưng rồi khi bình tĩnh suy nghĩ lại, tôi thấy mình thực sự yêu nghề báo. Một nghề cao quý, nhưng cũng không kém phần khắc nghiệt. Và hiện tại tôi tiếp tục đắm chìm theo đuổi nghề, dù biết phía trước còn nhiều khó khăn. |
Nhà báo Tuấn Dũng (Ban Kinh tế - Xã hội): Nghề báo cũng là sự trải nghiệm Tôi luôn quan niệm rằng được làm việc mình yêu và yêu việc mình làm, đó là cách thú vị để tận hưởng cuộc sống. Chính vì vậy, dẫu đôi lúc gặp khó khăn, mệt mỏi, áp lực vì tin bài… nhưng lúc nào ngọn lửa đam mê với nghề trong tôi cũng bùng cháy. Theo tôi, một trong những điều tuyệt vời nhất của nghề báo, đó là sự trải nghiệm, được đi đây đó khắp nơi để giới thiệu đến bạn đọc các địa danh, tập tục, những mẩu chuyện khó tin ở khắp mọi miền tổ quốc… hoặc đôi lúc là lang thang vào từng ngóc ngách nhỏ nơi mình sinh sống để tìm tòi những chủ đề về cuộc sống. Một may mắn với tôi đó là từ những ngày đầu bước chân vào nghề cho đến nay, tôi được phân công theo dõi mảng xã hội, dân sinh, đây là mảng báo chí phản ánh về hơi thở cuộc sống, do đó cần sự trải nghiệm và xông xáo. Tôi thực sự không quên được những ngày mới vào nghề được giao nhiệm vụ đưa tin về mưa bão, cảm giác rất khó tả khi mọi người mải miết tìm nơi trú ẩn thì mình lại lao ra đường, đó là những lúc cây đổ, người đi đường dạt ra vì mưa gió thì mình lại sắn quần sắn áo phi đến, trong tay lúc nào cũng lăm lăm điện thoại gọi hỏi mọi người nơi nào có cây đổ, nơi nào bị ngập… Tôi nhớ, lần đầu đi tác nghiệp do thiếu sự chuẩn bị chu đáo nên máy ảnh tôi đã bị hỏng, kết quả là dù đã ướt nhẹp vì phải lang thang khắp nơi nhưng tôi lại không có được sản phẩm của mình… Còn nhiều nhiều nữa những kỷ niệm qua từng chuyến đi, nhưng có lẽ với nghề báo điều quan trọng nhất là tình yêu nghề. Bởi nếu không có tình yêu nghề thì bạn khó có thể lặn lội để săn tin, viết bài dưới trời nắng cháy hay mưa gió bão bùng… Đến giờ, dù thời gian làm báo chưa dài và dẫu cũng đạt được vài tác phẩm đạt giải nhưng con đường để phấn đấu trở thành một nhà báo giỏi vẫn còn nhiều chông gai. Điều quan trọng mà tôi vẫn luôn tự nhắn nhủ mình và các bạn trẻ mới vào nghề đó là ý thức được trách nhiệm và đạo đức với nghề. Nghề báo là một nghề hấp dẫn, đầy sự khám phá nhưng cũng đầy cám dỗ, hào quang cũng có mà đau khổ cũng không thiếu. Ngoài ra, để có thể trụ vững và sống được với nghề báo đòi hỏi bản thân phải luôn cập nhật, tự trang bị kiến thức và phải có tư tưởng chính trị vững vàng, tỉnh táo, biết cách bảo vệ mình và không được hiếu thắng. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
Cơ hội làm việc tại Australia cho lao động Việt Nam
Việc làm 22/12/2024 21:55
Các công việc số hóa sẽ gia tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 22/12/2024 06:10
Cuối năm, nhu cầu tuyển dụng tăng cao
Việc làm 17/12/2024 08:01
Năm 2024: Vượt mục tiêu về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 17/12/2024 06:27
Một số ngành nghề sẽ “khát” nhân lực trong năm 2025
Việc làm 15/12/2024 18:52
Người trẻ chia sẻ cách "vượt chông gai" nóng trong người khi liên tục tiệc tùng cuối năm
Việc làm 15/12/2024 08:05
Một số doanh nghiệp trả lương cho người quản lý từ 130 đến 150 triệu đồng/tháng
Việc làm 14/12/2024 20:31
Cuối năm, ngành kinh doanh bất động sản tăng nhu cầu tuyển dụng
Việc làm 12/12/2024 20:46
Vùng Đông Nam Bộ: Tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động
Việc làm 12/12/2024 14:00
Thành phố Hồ Chí Minh đưa gần 10.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài
Việc làm 11/12/2024 11:03