Cân nhắc khi nới rộng khung giờ làm thêm
6 lao động Việt Nam gặp nạn khi đi làm thêm bên ngoài | |
Căng mình làm thêm để chi Tết |
Công nhân: “cực chẳng đã” mới phải làm thêm
Có thể nói, đối tượng chịu tác động nhiều nhất bởi quy định tăng giờ làm thêm chính là CNLĐ. Bày tỏ quan điểm về vấn đề này, nhiều CNLĐ đang làm việc tại các Khu Công nghiệp- Khu chế xuất (KCN-CX ) của Hà Nội khẳng định, vì thu nhập còn thấp, đời sống còn nhiều khó khăn, nên đa số CNLĐ có nhu cầu tăng ca để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những việc “cực chẳng đã”, bị thúc ép bởi nhu cầu của cuộc sống chứ việc làm thêm nhiều cũng gây cho CNLĐ không ít hệ lụy.
Bà Phạm Bích Hải Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam góp ý không nên nới rộng khung giờ làm thêm |
Là nam giới, còn độc thân, chưa vướng bận gia đình, con nhỏ, song anh Nguyễn Văn Tùng, công nhân một doanh nghiệp thuộc KCN Bắc Thăng Long thẳng thắn cho biết, anh không đồng tình với quan điểm sẽ tăng giờ làm thêm. “Với thời gian như hiện nay, lao động phải làm tăng ca đã về nhà rất muộn, thông thường, 9h30 mới về đến nhà, tắm giặt, cơm nước xong cũng đã nửa đêm.
Với những người độc thân chưa có gia đình như tôi thì gần như không có thời gian nghỉ ngơi hay tiếp xúc, tìm hiểu bạn bè để tiến tới hôn nhân. Hơn nữa, tăng ca nhiều sẽ dẫn đến tình trạng mệt mỏi, đau đầu, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, không còn thời gian lo cho nhu cầu riêng tư và gia đình nữa”- anh Tùng nói.
Cũng phản đối việc tăng giờ làm thêm, công nhân Nguyễn Thị Huyền, làm việc tại KCN Quang Minh cho biết: “Khi chưa lập gia đình, không vướng bận con cái thì việc tăng ca giúp tôi có thêm thu nhập. Nhưng khi có gia đình và đặc biệt là khi đã có con thì ai cũng muốn về sớm để có thời gian chăm sóc gia đình. Nếu Luật cho phép tăng số giờ làm thêm thì doanh nghiệp sẽ có cơ sở để yêu cầu công nhân làm thêm nhiều hơn, như vậy rất là bất cập cho công nhân.
Nhiều gia đình công nhân vì đi làm thêm nhiều mà vợ chồng mệt mỏi, đùn đẩy việc nhà cho nhau dẫn đến mâu thuẫn, cãi vã, thậm chí là ly hôn ”. “Rõ ràng, việc tăng ca, làm thêm để lại nhiều hệ lụy khi công nhân không có thời gian nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động, việc chăm sóc con cái, gia đình cũng bị ảnh hưởng.
Chính bởi vậy, để bảo đảm sức khỏe cho người lao động, không nên mở rộng khung giờ làm thêm mà chỉ nên giữ nguyên quy định hiện hành. Ở các ngành nghề thâm dụng lao động, nếu điều kiện làm việc kém và chất lượng bữa ăn không bảo đảm, việc tăng giờ làm thêm sẽ khiến NLĐ kiệt sức, chưa kể phải phải đối mặt với nhiều bệnh tật khác" - chị Huyền góp ý.
Còn một công nhân khác khẳng định: Nếu Nhà nước tăng lương tối thiểu lên mức đủ sống, doanh nghiệp quan tâm đãi ngộ đầy đủ thì chúng tôi không muốn làm thêm để giữ gìn sức khỏe.
Cán bộ công đoàn: Nhiều quan điểm góp ý khác nhau
Tại hội nghị đóng góp ý kiến cho dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi do LĐLĐ Thành phố tổ chức mới đây, vấn đề nới rộng khung giờ làm thêm cũng nhận được những ý kiến góp ý sôi nổi với nhiều quan điểm khác nhau. Bà Đồng Thị Nga, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hoài Đức cho rằng, quy định về giờ làm thêm như trong Luật hiện hành là chưa phù hợp với thực tế.
Theo bà Nga, trong một số ngành nghề như dệt may, da giày, xuất khẩu, chế biến thủy sản thì công việc phụ thuộc vào đơn hàng. Bên cạnh đó, với việc áp dụng mức lương tối thiểu vùng thì các doanh nghiệp đều lách quy định này nên thu nhập của người lao động sẽ được nâng cao nếu tăng số giờ làm thêm vì vậy đa số người lao động đều mong muốn được tăng số giờ làm thêm.
“Theo quan điểm của tôi, chúng ta nên lựa chọn theo phương án 1, điểm c, điều 108 là bảo đảm tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm. Trong trường hợp do yêu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 400 giờ trong 1 năm, quy định này sẽ giúp tăng thêm tính chủ động của doanh nghiệp sau khi có thỏa thuận với người lao động và đáp ứng nhu cầu làm thêm, tăng thu nhập của người lao động”- bà Nga nói.
Cũng đồng tình với quy định nới rộng khung giờ làm thêm, ông Nguyễn Tràng Huy – Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH MTV May mặc Việt Pacific bộc bạch: đối với doanh nghiệp dệt may, tiến độ giao hàng vô cùng quan trọng, nếu không đáp ứng tiến độ giao hàng thì doanh nghiệp có thể bị cắt hợp đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, thu nhập của người lao động.
Trên thực tế có những khi công nhân dệt may được chơi dài nhưng khi đơn hàng vào thời gian gấp gáp thì doanh nghiệp buộc phải huy động làm thêm giờ để đảm bảo tiến độ giao hàng. Bên cạnh đó, bản thân không ít người lao động cũng có nhu cầu làm thêm để cải thiện thu nhập. Vì vậy, ông Nguyễn Tràng Huy đề xuất, ở góc độ cho phép nên nới rộng khung giờ làm thêm, vừa giúp doanh nghiệp đảm bảo được mục tiêu sản xuất kinh doanh, vừa giúp nâng thu nhập cho người lao động.
Ngược lại với quan điểm ủng hộ, nhiều cán bộ công đoàn cho rằng không nên nới rộng khung giờ làm thêm. Đại diện LĐLĐ huyện Đan Phượng phân tích: Thực tế hiện nay, không ít người lao động liên tục làm tăng ca bởi nếu không làm thêm thì không có đủ tiền trang trải sinh hoạt... Tuy nhiên, nếu thời gian làm việc từ 8 giờ đến 20 giờ thì công nhân có gia đình, đặc biệt người lao động là nữ ngày ngày phải chăm lo cho gia đình sẽ rất vất vả, mệt mỏi.
Ngoài ra, tăng ca nhiều khiến sức khỏe bị suy giảm, đồng nghĩa năng suất lao động đi xuống, hàng bị hư lỗi nhiều hơn nhưng cũng không dám từ chối làm thêm bởi bất cứ khi nào có ai đó xin giảm thời gian làm thêm thì họ sẽ bị sa thải.
Theo đó, nếu dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi quy định nới rộng khung giờ làm thêm thì cần quy định rõ từng ngành nghề được phép áp dụng tối đa là làm tăng ở mức 400 giờ/năm khi đáp ứng một số điều kiện cụ thể như có nhà trẻ cho con em người lao động; Tuy nhiên các tổ chức cần có cơ chế giám sát mạnh mẽ để bảo đảm tính tuân thủ; nâng cao nhận thức về quyền lợi hợp pháp cho người lao động; triển khai các chương trình tập huấn về bảo vệ sức khỏe và an toàn lao động trong doanh nghiệp.
Tương tự, ông Nguyễn Đình Thắng, Phó Chủ tịch Công đoàn các KCN&CX Hà Nội cũng bày tỏ quan điểm không đồng tình nới rộng khung giờ làm thêm. “Đúng là hiện nay đa số người lao động mong muốn làm thêm và lựa chọn làm thêm để tăng thêm thu nhập. Nhưng lý do chủ yếu là do đời sống của họ quá vất vả, thiếu thốn.
Đa số CNLĐ là người ngoại tỉnh, phải thuê nhà trọ, chi phí đủ thứ, rồi nhà trọ nóng bức nên công nhân cũng muốn đến Công ty làm thêm để có thêm thu nhập và cũng có thêm được bữa ăn ca hoặc được ở trong nhà xưởng mát mẻ chứ nếu lương tối thiểu đã đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu thì họ chắc chắn không muốn làm thêm vì làm thêm rất vất vả”.
“Tôi đề xuất lựa chọn phương án 2, điểm C điều 108 trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi là: Bảo đảm tổng số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong một năm. Trong trường hợp do yêu cầu sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp có nhu cầu và người lao động đồng ý thì hai bên thỏa thuận làm thêm giờ không quá 300 giờ trong 01 năm”- ông Nguyễn Đình Thắng nhấn mạnh.
Bà Phạm Bích Hải, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Toto Việt Nam cũng cho rằng, dù bất cứ trong điều kiện nào, người lao động khi phải kéo dài thời gian làm việc (làm thêm) cũng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và năng suất lao động, do vậy không nên nới rộng khung giờ làm thêm, mặc dù hiện nay, làm thêm để tăng thêm thu nhập là nhu cầu của không ít người lao động.
Theo bà Hải, thay vì kéo dài thời gian làm việc của người lao động, cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và các cơ quan chức năng liên quan đối với việc tăng thu nhập cho người lao động như: Nâng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện, môi trường làm việc để nâng cao năng suất lao động, tăng chế độ đãi ngộ...
Phạm Diệp
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Cụm thi đua số 6 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Thực hiện tốt chức năng đại diện
Hoạt động 22/11/2024 15:21
Cụm thi đua số 5: Nhiều đổi mới, sáng tạo trong hoạt động công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 13:01
Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Công đoàn
Hoạt động 22/11/2024 06:06
Nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ Công đoàn Viên chức Việt Nam
Hoạt động 21/11/2024 16:45
Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Hoạt động 21/11/2024 15:49
Cụm thi đua số 4 triển khai hiệu quả công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên
Hoạt động 21/11/2024 14:15
Tổng LĐLĐ Việt Nam tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham mưu công tác truyền thông Công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 10:27
Nâng cao hiệu quả công tác nữ công công đoàn
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Tạo môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp
Hoạt động 21/11/2024 08:42
Cụm thi đua số 1 thực hiện tốt công tác thương lượng, ký kết Thỏa ước lao động tập thể
Hoạt động 20/11/2024 18:50