“Mới đây nhất, sáng 22/9, Chi cục Thú y TP.HCM nhận được cuộc gọi báo xe tải 63C-033.96 sẽ vận chuyển thịt gia cầm chết từ Đồng Nai vào TP.HCM. Chi cục lập tức triển khai chốt kiểm tra để bắt quả tang” - ông Khương Trần Phúc Nguyên, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết.
Người báo tin được thưởng nóng
Từ tin báo trên, Đoàn liên ngành số 2 phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm TP.HCM phối hợp với Đội CSGT Cát Lái đã chốt chặn tại vòng xoay Mỹ Thủy (quận 2), đón lõng xe 63C-033.96.
Khoảng 22 giờ 30, chiếc xe trên vừa xuất hiện thì bị đoàn công tác chặn lại kiểm tra, phát hiện xe chở 3.330 kg cút thịt không có giấy chứng nhận kiểm dịch, rỉ dịch và bốc mùi. Lô hàng trên được đưa về Trạm Kiểm dịch động vật Hóc Môn lưu giữ, lấy mẫu xét nghiệm để có cơ sở xử lý.
“Chúng tôi đang đề xuất lãnh đạo chi cục khen thưởng nóng người cung cấp thông tin theo quy định” - ông Nguyên nói.
Trước đó mấy ngày, chi cục cũng nhận tin báo từ người dân về một điểm giết mổ heo lậu gây ảnh hưởng môi trường, có nguy cơ phát tán dịch bệnh. Chi cục đã xác minh thông tin, kiểm tra và phát hiện đúng như nguồn tin cung cấp. Điểm giết mổ này đã bị phạt hành chính và buộc ngưng hoạt động. Người báo tin được thưởng nóng 500.000 đồng.
Cơ quan chức năng kiểm tra một cơ sở sản xuất thực phẩm. Ảnh: Trần Ngọc |
Nguồn tin được bảo vệ tối đa
Hiện Chi cục Thú y vẫn đang thực hiện quy chế khen thưởng cho người cung cấp thông tin liên quan giết mổ gia súc trái phép, sản xuất và kinh doanh thực phẩm không an toàn. Theo quy chế, trong vòng 30 ngày sau khi hoàn tất việc xử lý trường hợp sai phạm, chi cục sẽ hoàn tất hồ sơ khen thưởng người cung cấp thông tin.
“Có ba mức khen thưởng tùy theo tính chất vụ việc và số lượng xử lý. Mức một từ 200.000 đến 800.000 đồng nhưng không quá 10% giá trị tang vật vi phạm. Mức hai từ 300.000 đến 1,5 triệu đồng nhưng không quá 10% mức xử phạt. Mức ba từ 1,5 triệu đến 5 triệu đồng nhưng không quá 10% giá trị tang vật vi phạm” - ông Nguyên thông tin thêm.
Người cung cấp thông tin có thể đến chi cục nhận tiền thưởng hoặc đề nghị chuyển qua thẻ ATM. Không ít trường hợp nguồn tin tự nguyện không nhận thưởng vì cho rằng việc thông tin cho chi cục là trách nhiệm của công dân.
Nhiều trường hợp người báo tin e ngại bị trả thù, ông Nguyên khẳng định: “Nhân thân, điện thoại của người cung cấp thông tin được chi cục bảo mật tuyệt đối”.
Đầu năm 2017, TP thí điểm thành lập Ban Quản lý an toàn thực phẩm với chức năng quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình từ sản xuất đến lưu thông, kinh doanh… PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, chia sẻ hiện tại ban chưa có quy định thưởng tiền cho người cung cấp thông tin vì chưa có nguồn quỹ.
“Hiện Chi cục Thú y và Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM vẫn có quy chế thưởng cho người cung cấp thông tin về thực phẩm bẩn. Đáng tiếc là vấn nạn này chưa được cải thiện nhiều” - bà Lan nhận định.
Theo bà Lan, người phát hiện thực phẩm bẩn rồi báo cho cơ quan chức năng xử lý là người có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng, cái họ nhắm đến không phải là tiền thưởng mà là tự thấy phải góp phần chặn đứng nguy cơ bệnh tật từ thực phẩm bẩn.
Ý thức tự giác mà bà Lan nói đến không chỉ cần đối với nguồn tin mà rất cần ở chính những người đang vi phạm về an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Tiền thưởng được trích từ tiền phạt Ông Phan Xuân Thảo, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM, cho biết năm 2015, chi cục tiếp nhận 86 thông tin cung cấp có giá trị và đã chi tiền thưởng cho nguồn tin trên 63 triệu đồng. Năm 2016, tiếp nhận 45 thông tin, chi tiền thưởng 38 triệu đồng. Từ đầu năm 2017 đến nay, tiếp nhận ba thông tin và thưởng gần 1,8 triệu đồng. Số tiền thưởng này được trích từ tiền xử phạt các cơ sở sai phạm. |
Theo Trần Ngọc/Pháp luật Tp HCM