Người lao động TP.HCM mong chờ hỗ trợ tiền nhà trọ
Mong chờ hỗ trợ
Khi nghe tin sắp được nhận hỗ trợ tiền trọ của Chính phủ, anh Trần Trung Tín (27 tuổi, công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức) rất vui mừng và mong chờ từng ngày để nhận được khoản tiền hỗ trợ trên. “Tiền trọ, tiền điện nước, sinh hoạt mỗi tháng cũng ngót hết hơn 2,5 triệu đồng, thêm tiền ăn khoảng hơn 3 triệu đồng nữa thì tính lại tiền lương cũng không còn dư bao nhiêu”, anh Tín nói.
Quay lại thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) làm việc sau làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4, anh Tín cũng như nhiều người khác đều mong muốn kiếm được một công việc ổn định với mức thu nhập tương đối. Nhưng từ lúc giá xăng, giá gas, giá thực phẩm… tăng mạnh từ sau Tết Nguyên đán, anh Tín phải thường xuyên tăng ca mới có thể trả được các chi phí tiền thuê trọ, tiền ăn và khám chữa bệnh mỗi khi đau ốm.
Một khu nhà trọ của công nhân gần khu chế xuất Linh Trung 1, thành phố Thủ Đức. |
“Việc hỗ trợ dù bao nhiêu cũng rất đáng quý thời điểm này. Với nhiều người số tiền hỗ trợ 500.000 - 1.000.000 đồng mỗi tháng không lớn, nhưng với những lao động nghèo như chúng tôi, số tiền này như chiếc phao cứu sinh giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất”, anh Tín nói.
Trong khi đó, anh Nguyễn Thành Công (43 tuổi, quê Bắc Ninh, công nhân tại khu chế xuất Linh Trung 1) nhẩm tính, nếu mỗi tháng nhận được hỗ trợ tiền trọ 1 triệu đồng, thì hai vợ chồng anh có thể trả được tiền trọ cho 3 tháng tiếp theo. “Đối với người khác thì 1 triệu đồng có thể không lớn nhưng đối với người công nhân chúng tôi thì đó là cả một khoản tiền có nhiều ý nghĩa vào lúc này...”, anh Công nói.
Anh Công sống với vợ con trong căn phòng rộng chừng 10m2, phía trên lợp bằng tấm lợp fibro xi măng tạm bợ, mảng sơn trên tường bong tróc loang lỗ, trong phòng có tầng lửng nhưng gia đình chưa ai dám lên đó nằm vì sợ sập lúc nào không hay, chỉ dám để đồ đạc. Ngoài chiếc tủ lạnh mua lại từ cửa hàng đồ cũ với giá 700.000 đồng, thì trong phòng không còn gì giá trị.
Thời gian vừa qua, khi vật giá tăng cao, cuộc sống của gia đình anh Công rất khó khăn, khi phải lo tiền học hành cho con gái vừa phải để dành tiền gửi về quê cho bà nội ở Bắc Ninh, hiện đang nuôi đứa con trai 8 tuổi của anh. Hai vợ chồng anh Công làm công nhân mỗi tháng kiếm được khoảng 14 triệu đồng, nhưng dù tằn tiện đến mấy thì cuối tháng cũng chẳng dư được bao nhiêu. Nhiều lần, gia đình có công chuyện anh Công phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.
“Bây giờ được nhà nước hỗ trợ được đồng nào thì hay đồng ấy, chứ tôi cũng không đòi hỏi gì cả. Việc làm này của nhà nước tôi thấy ý nghĩa và trân trọng lắm. Đợt dịch vừa qua tôi cũng nhận tiền rồi, nếu bây giờ được nhận sớm tiền hỗ trợ phòng trọ thì đó là niềm động viên lớn cho chúng tôi bám trụ với công việc ở đô thị”, anh Công nói.
Đừng để thủ tục rối rắm làm chậm tiền hỗ trợ
Có thông tin được nhận hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, nhưng không ít công nhân vừa mừng vừa lo, họ vẫn còn băn khoăn với các yêu cầu về thủ tục nhận tiền. Trong số các thủ tục đó thì thủ tục yêu cầu phải có xác nhận thông tin của chủ trọ, trong khi đó nhiều chủ trọ vốn rất ít xuất hiện, thậm chí có nhiều chủ trọ sống ở nước ngoài.
Anh Trần Trung Tín cho biết, nhiều khu trọ hiện nay chủ yếu thuê một người quản lý để trông coi và thu tiền trọ, thường là sống trong trọ hoặc là hàng xóm gần đó. Còn bản thân chủ trọ rất ít khi xuất hiện, ngay cả khâu làm hợp đồng thuê trọ cũng là do môi giới hoặc quản lý khu trọ thực hiện, chứ không phải người thuê làm việc trực tiếp với chủ trọ.
“Khu trọ của tôi có một người quản lý riêng chuyên đi thu tiền trọ của người lao động, từ trước đến nay gần như rất ít người gặp người chủ trọ, mọi việc từ thủ tục ký hợp đồng thuê trọ đến việc làm giấy tờ tạm trú đều phải thông qua người quản lý, nên tôi nghĩ việc nhờ chủ nhà trọ điền số căn cước công dân, địa chỉ và ký tên xác nhận sẽ không dễ”, anh Tín nói.
Đồng cảnh ngộ, anh Trần Xuân Trường (26 tuổi, ngụ quận 12, công nhân tại khu chế xuất Linh Trung, thành phố Thủ Đức) cho biết, anh thuê trọ từ đầu năm đến nay, anh chưa bao giờ gặp được chủ trọ vì họ đang sinh sống tại nước ngoài, mọi việc trong khu trọ đều thông qua một người quản lý.
Khu chế xuất Linh Trung 1 là nơi tập trung nhiều công nhân, người lao động làm ăn xa quê. |
“Chủ trọ chỗ tôi đang ở thì chắc chắn sẽ không gặp được rồi, tôi cũng đề nghị người quản lý khu trọ ký xác nhận nhưng cũng khó khi quản lý khu trọ cũng không biết là có đúng quy định không nên họ cũng không dám ký...”, anh Trường nói.
Trả lời Báo Lao động Thủ đô, đại diện Bảo hiểm xã hội TP.HCM cho biết, đến nay đơn vị này chỉ mới xác nhận quá trình tham gia bảo hiểm cho 35 lao động để nhận gói hỗ trợ. “Cơ quan BHXH chỉ là nơi xác nhận người lao động có tham gia bảo hiểm xã hội tháng liền kề hay không mà thôi. Còn lại, người lao động phải lấy mẫu đơn có xác nhận của chủ trọ gửi lên ngành lao động, rồi qua ngành tài chính khi đó mới nhận được tiền hỗ trợ”, đại diện BHXH TP.HCM cho biết.
Trước thực tế này, ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP.HCM cho biết, số người nhận được hỗ trợ hiện nay còn rất ít, vì thủ tục còn khá phức tạp gây khó khăn cho người lao động.
“Để nhận được hỗ trợ, người lao động phải có giấy được chủ nhà trọ xác nhận, địa phương xác nhận và nhiều thủ tục khác. Như vậy sẽ gây khó khăn cho người lao động, cần phải có cơ chế thông thoáng, dễ thực hiện thì tiền mới đến đến tay người lao động sớm được”, ông Lâm nói.
Ông Lâm cho rằng, ngân sách của nhà nước được chi ra với mục đích hỗ trợ cho người lao động bị ảnh hưởng sau dịch. Nếu quá trình hỗ trợ kéo dài dẫn đến tiền đến với tay người lao động thiếu kịp thời sẽ làm giảm ý nghĩa của gói hộ trợ.
Theo Quyết định 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Chính phủ, người lao động đang làm việc trong doanh nghiệp, có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/2-30/6/2022 sẽ nhận mức 500.000 đồng/người/tháng, tối đa là 3 tháng. Mức nhận hỗ trợ tiền thuê nhà 1.000.000 đồng/người/tháng dành cho người lao động quay trở lại thị trường và đảm bảo điều kiện có ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1/4-30/6/2022, tối đa là 3 tháng. Người lao động làm đơn đề nghị hỗ trợ theo mẫu nộp lên công ty. Doanh nghiệp lập danh sách, công khai tại nơi làm việc trong 3 ngày rồi gửi tới cơ quan Bảo hiểm xã hội để xác nhận lao động đang đóng bảo hiểm. Hồ sơ sau đó tiếp tục gửi về Uỷ ban nhân dân cấp huyện thẩm định, cấp tỉnh phê duyệt. |
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Lấy an toàn lao động là tiêu chí hàng đầu
Lợi quyền lao động 21/11/2024 07:41
Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng: Người lao động được hưởng quyền lợi gì?
Lợi quyền lao động 07/11/2024 15:30
Hà Nội: Báo cáo thưởng Tết Dương lịch, Tết Âm lịch 2025 trước ngày 6/1/2025
Lợi quyền lao động 07/11/2024 14:28
Thi đua thúc đẩy năng suất, việc làm tốt hơn cho người lao động
Emagazine 11/10/2024 20:58
Xây dựng môi trường làm việc an toàn để người lao động gắn bó và cống hiến
Lợi quyền lao động 03/10/2024 12:07
Tạo động lực để người lao động gắn bó và cống hiến
Lợi quyền lao động 01/10/2024 09:47
TP.HCM: Nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế gần 9.300 tỷ đồng
Lợi quyền lao động 27/09/2024 18:40
Người lao động có tự chốt sổ BHXH được không?
Lợi quyền lao động 23/09/2024 11:02
Công đoàn với công tác an toàn vệ sinh lao động
Lợi quyền lao động 17/09/2024 09:28
Danh sách 100 đơn vị sử dụng lao động chậm đóng tiền BHXH
Lợi quyền lao động 17/09/2024 09:04