Đẩy mạnh phục hồi sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới
Đẩy mạnh phục hồi sản xuất
Là một công ty phát triển trong lĩnh vực phầm mềm chữ ký số, thuế, bảo hiểm xã hội, kế toán và các dịch vụ trực tuyến khác, Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Sóng mới (NWS Corp) có trụ sở tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) gặp không ít khó khăn khi thực hiện các Chỉ thị giãn cách xã hội trong thời gian qua. 80% cán bộ nhân viên công ty làm việc tại nhà, chỉ có bộ phận chủ chốt đi làm để thực hiện việc vận hành máy chủ và xử lý kỹ thuật.
Ông Nguyễn Khánh Toàn – Giám đốc NWS Corp cho biết: “NWS Corp có hàng nghìn khách hàng kết nối hoạt động trong lĩnh vực thanh toán điện tử. Do đặc thù của dịch vụ, chúng tôi thường xuyên phải xử lý kỹ thuật cho khách hàng, đồng thời cũng thường xuyên mở các lớp tập huấn về thuế, bảo hiểm xã hội, kế toán cho khách hàng của mình. Thực hiện các Chỉ thị giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố đã khiến cho toàn bộ công việc của Công ty đóng băng, kể cả việc phát triển thêm khách hàng, trong khi đó chúng tôi vẫn trả lương và đóng bảo hiểm đầy đủ cho toàn bộ nhân viên trong thời gian dịch Covid-19…
Doanh nghiệp vừa đẩy mạnh sản xuất- kinh doanh vừa đảm bảo an toàn công tác phòng dịch. (Ảnh: NC) |
Bắt đầu từ 15/9, khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, 50% nhân viên Công ty đã quay trở lại làm việc, còn 50% vẫn làm việc tại nhà. Số nhân viên đi làm chủ yếu là đội ngũ kỹ thuật để trực tiếp xử lý sự cố cho khách hàng và giảng dạy các lớp đào tạo online. Chúng tôi sẽ mau chóng phục hồi kinh doanh, phát triển khách hàng để đảm bảo đời sống việc làm cho nhân viên, tăng doanh thu sau nhiều tháng chững lại”.
Ông Nguyễn Khánh Toàn cũng cho biết, khi lượng nhân viên quay lại làm việc nhiều hơn, Công ty thực hiện nghiêm và chặt chẽ hơn các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt, nhân viên đến làm việc đảm bảo đã tiêm ít nhất một mũi vắc xin và test Covid-19 trong vòng 72 giờ, sử dụng máy đo thân nhiệt, quét mã QR, nước sát khuẩn, ngồi giãn cách tại nơi làm việc. Khi ra ngoài xử lý sự cố cho khách hàng phải đảm bảo đủ điều kiện phòng, chống dịch cho cả khách hàng và bản thân.
Trong khi đó, tại Công ty TNHH may Phù Đổng (huyện Gia Lâm), các Tổ An toàn Covid-19 tiếp tục phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ người lao động, bảo vệ nhà máy để đảm bảo sản xuất an toàn. Bà Nguyễn Thị Thu Giang - Phó Giám đốc Công ty cho biết, hiện nay các nước châu Âu đang khôi phục kinh tế sau thời kỳ dịch bệnh, nhu cầu hàng hóa, trong đó có may mặc nhiều nên đơn hàng ngành dệt may năm nay ổn định hơn năm trước.
Trước nhu cầu sản xuất rất lớn, để đảm bảo sản xuất an toàn, Công ty đã triển khai mô hình “vùng xanh doanh nghiệp” với các Tổ An toàn Covid-19 là nòng cốt, hỗ trợ Công ty xây dựng các kịch bản ứng phó với dịch bệnh, không để bị động trước các tình huống bất ngờ xảy ra; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở người lao động thực hiện 5K, “một cung đường, hai điểm đến”; đo thân nhiệt và hướng dẫn người lao động khai báo y tế trực tuyến…
Ngoài ra, Công ty thường xuyên vệ sinh nhà xưởng, khử khuẩn toàn bộ các phương tiện vận tải trước khi vào nhà máy; khách hàng, đối tác khi đến Công ty làm việc phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ. Nhờ vậy, trong suốt thời gian qua, các dây chuyền của nhà máy không đứt gãy, người lao động được đảm bảo việc làm, thu nhập.
An toàn phòng dịch tại nơi sản xuất là ưu tiên số một
Những tháng của quý 4 là thời kỳ cao điểm sản xuất của nhiều ngành công nghiệp như da giày, cơ khí, vật liệu xây dựng… Vì vậy, ngay sau khi thành phố Hà Nội điều chỉnh linh hoạt biện pháp phòng, chống dịch, các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp của Hà Nội đã chủ động bắt nhịp, đẩy mạnh sản xuất, góp phần duy trì công ăn việc làm, đảm bảo thu nhập và ổn định cuộc sống cho người lao động.
Huyện Đông Anh là địa phương có rất đông nhà máy sản xuất công nghiệp dịch vụ, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tập trung tại Khu công nghiệp Thăng Long và các cụm công nghiệp trên địa bàn với hàng nghìn công nhân lao động, vì vậy việc phục hồi sản xuất gắn với phòng chống dịch là vấn đề được ưu tiên hàng đầu.
Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, huyện đã phê duyệt phương án hoạt động cho 231 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy, tất cả chủ doanh nghiệp phải ký cam kết với Ủy ban nhân dân huyện; công nhân lao động phải ký 2 bản cam kết: Một với chủ doanh nghiệp và một tại địa phương nơi cư trú để đảm bảo chỉ đi đến cơ quan và về nhà trên một cung đường, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi làm việc và nơi cư trú, hạn chế tiếp xúc với người lạ, không tập trung đông người…
Kiểm tra thân nhiệt của người lao động trước khi vào nhà máy sản xuất. |
Trước đó, 90% doanh nghiệp trên địa bàn Khu công nghiệp huyện Đông Anh thực hiện mô hình “3 tại chỗ” với khoảng 60% công nhân lao động đi làm. Doanh nghiệp đã điều chỉnh kịp thời sang phương án “một cung đường, hai điểm đến” cho phép công nhân được ở nhà, thay vì phải sinh hoạt tại nhà máy hoặc địa điểm do doanh nghiệp thuê. Sự thay đổi này đã góp phần tiết kiệm chi phí, tăng năng suất lao động, công nhân vui mừng và phấn khởi được đi làm trở lại sau nhiều ngày giãn cách, nghỉ luân phiên.
Ông Nguyễn Văn Linh - Phó Giám đốc Công ty TNHH Lam Sơn cho biết: Thực hiện phương án mới, đơn vị đã nâng công suất làm việc lên 97%, 100% lao động đi làm trở lại để hoàn thành kế hoạch sản xuất dang dở, nhất là trong những tháng cuối năm, thời kỳ cao điểm của hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đóng trên địa bàn Cụm Công nghiệp Quất Động (huyện Thường Tín), Công ty Cổ phần Kỹ thuật công nghiệp Á Châu đã cho hơn 80% công nhân đi làm trở lại. Ông Nguyễn Quang Huy - Giám đốc nhà máy cho biết, sự điều chỉnh linh hoạt của Thành phố đã giúp Công ty tiết giảm được khá nhiều chi phí đầu tư, giải toả tư tưởng cho công nhân lao động.
“Để đảm bảo sản xuất an toàn, trước khi đi làm trở lại toàn bộ công nhân phải ký cam kết với công ty, được xét nghiệm PCR và đều có kết quả âm tính với vi rút SARS-CoV-2” - ông Nguyễn Quang Huy cho biết thêm.
Hiện hầu hết các chuỗi cung ứng đã được nối lại, doanh nghiệp phá vỡ được tình trạng “đóng băng” phục hồi sản xuất kinh doanh. Tại các cơ sở kinh doanh nhỏ, hộ gia đình, các chủ sở hữu cũng bắt đầu sản xuất trở lại. Chị Nguyễn Thị Hằng - chủ cơ sở may mặc tại thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức cho biết: Cơ sở sắp xếp, bố trí cho một số công nhân ở một số công đoạn mang hàng về nhà để làm, hạn chế đông người ở xưởng; với những công nhân bắt buộc làm tại xưởng phải có chứng nhận hoàn thành tiêm mũi 1, đảm bảo khoảng cách và tuân thủ 5K.
Tại Công ty TNHH Lixil Việt Nam (Cụm Công nghiệp nhỏ và vừa Phú Thị, huyện Gia Lâm), dù có 90% công nhân được tiêm phòng mũi 1 nhưng các giải pháp phòng chống dịch được lãnh đạo Công ty yêu cầu thực hiện quyết liệt nhằm giữ vững “vùng xanh sản xuất”. Ông Đinh Quốc Toản - Chủ tịch Công đoàn Công ty cho biết, 70% sản phẩm sản xuất của Công ty phục vụ xuất khẩu, các đơn hàng ổn định nên an toàn phòng dịch của nhà máy là ưu tiên số 1 để duy trì sản xuất, đảm bảo công việc và thu nhập cho người lao động; nhất là trong điều kiện Công ty vẫn còn hơn 60 lao động ở các tỉnh lân cận và vùng đỏ của Thành phố đang thực hiện “3 tại chỗ”. Công ty phân luồng để công nhân ra - vào nhà máy theo các đường khác nhau, không tiếp xúc; giữ khoảng cách trong nhà máy và nhà ăn với các khung giờ ăn được chia ca (11h30 và 12h45), bàn ăn có vách ngăn, công nhân ngồi chéo nhau giữa các bàn…
Cùng với nhà máy, các địa phương có đông công nhân lao động đang thuê trọ cũng tăng cường quản lý, giám sát thông qua các chốt kiểm soát vùng xanh tại các khu dân cư. Tại xã Tráng Việt, huyện Mê Linh - địa bàn có hơn 1.000 công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Quang Minh đang sinh sống, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Lê Xuân Thành, người lao động khi đi làm và về nhà phải khai báo y tế trực tuyến tại các chốt vùng xanh ở từng thôn trên địa bàn xã để đảm bảo phòng, chống dịch.
Ở những vùng xanh này, người lao động và nhân dân đi theo một đường ra và một đường vào. Việc kiểm soát này đang được thực hiện tại một số xã trên địa bàn huyện Đông Anh có đông công nhân lao động thuê trọ.
Xây dựng kịch bản, chương trình phục hồi sau đại dịch
Tại Tọa đàm tham vấn chuyên gia về kinh tế - xã hội được tổ chức lần đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV diễn ra mới đây, các đại biểu tập trung thảo luận, đề xuất nhiều giải pháp trọng tâm trước mắt và lâu dài để phục hồi kinh tế - xã hội trong và sau đại dịch Covid-19, trong đó nhấn mạnh đến giải pháp xây dựng khung Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch.
Ông Nguyễn Văn Thiềng - Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh cho biết, huyện đã phê duyệt phương án hoạt động cho 231 doanh nghiệp trong Khu công nghiệp và các cụm công nghiệp. Đến nay, 100% doanh nghiệp đã hoạt động trở lại. Để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch trong nhà máy, tất cả chủ doanh nghiệp phải ký cam kết với Ủy ban nhân dân huyện; công nhân lao động phải ký 2 bản cam kết: Một với chủ doanh nghiệp và một tại địa phương nơi cư trú để đảm bảo chỉ đi đến cơ quan và về nhà trên một cung đường, thực hiện nghiêm quy định phòng dịch theo thông điệp 5K của Bộ Y tế tại nơi làm việc và nơi cư trú, hạn chế tiếp xúc với người lạ, không tập trung đông người… |
Tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn phải đối mặt với những khó khăn, hệ lụy nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19. Ở bên ngoài, các thị trường xuất khẩu sử dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm hạn chế hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hàng hóa Việt Nam. Rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng cũng làm tăng chi phí đáng kể cho doanh nghiệp xuất khẩu cũng như doanh nghiệp hoạt động thương mại trong nước. Theo thống kê, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng năm 2021 tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.
Dù có nhiều nỗ lực cải thiện, công tác điều hành và chất lượng các văn bản chính sách hỗ trợ nền kinh tế, người dân và doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, bất cập. Trong khi áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, các địa phương chưa cân nhắc hài hòa, đồng bộ các quy trình, biện pháp liên quan để giảm thiểu tác động tiêu cực đối với hoạt động lưu thông hàng hóa giữa các địa phương. Một số biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế như giãn, hoãn thuế, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi, phí, v.v. chưa đủ “sức nặng” cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp, trong bối cảnh đầu ra của nền kinh tế còn khó khăn.
Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 vừa đi vào thực hiện song cũng gặp phải vấn đề phát sinh và đã có những đề xuất sửa đổi điều kiện, mở rộng đối tượng hỗ trợ. Bên cạnh đó, dù có đề cập đến nhiều lĩnh vực mới để tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, nhưng các thông tin, số liệu chính thống phục vụ cho đánh giá chính sách ở các mảng lĩnh vực này hiện còn thiếu rất nhiều.
Từ những bất cập đó, tiến sĩ Trần Thị Hồng Minh đề xuất một số giải pháp căn cơ, trong đó nhấn mạnh đến việc cần sớm xây dựng và thực hiện Chương trình tổng thể về phục hồi và phát triển kinh tế trong và sau dịch Covid-19. Theo đó, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương kiến nghị ba giai đoạn trong chương trình phục hồi kinh tế, với cách tiếp cận khác nhau nhưng đều nhấn mạnh yêu cầu thực hiện hiệu quả các chính sách.
Giai đoạn 1 (đến quý I/2022), ưu tiên phòng, chống dịch Covid-19, kết hợp với chính sách kinh tế vĩ mô (kể cả thúc đẩy giải ngân đầu tư công) để hỗ trợ cho doanh nghiệp “trụ vững” qua thời kỳ khó khăn, và duy trì cải cách môi trường kinh doanh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; Giai đoạn 2 (đến hết 2023), sau khi kiểm soát dịch Covid-19, tiến hành nới lỏng chính sách kinh tế vĩ mô để kích cầu cho nền kinh tế, đồng thời tạo thêm “sức bật” cho doanh nghiệp. Duy trì và đổi mới cải cách môi trường kinh doanh để tạo thêm không gian cho doanh nghiệp; Giai đoạn 3 (sau 2023), bình thường hóa chính sách kinh tế vĩ mô, hướng tới củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, và thúc đẩy cải cách thể chế kinh tế sâu rộng hơn.
Cho rằng việc mở cửa cũng cần có chính sách đồng bộ, kế hoạch thống nhất, có bộ tiêu chí đánh giá đủ điều kiện và mở cửa từng bước, linh hoạt trong phản ứng với dịch bệnh, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Chương - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân đề nghị Chính phủ và chính quyền các địa phương, thành phố một mặt phải có chính sách kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, lãi suất, mặt bằng, các khoản phí và lệ phí...) để khôi phục lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh “sống chung với dịch” khi người dân và người lao động đã đạt được sự miễn dịch cộng đồng.
Đồng thời, có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp hình thành chuỗi cung ứng ngắn, thay thế nguồn hàng nhằm phát huy mọi nguồn lực trong nước và nguồn tại chỗ, hạn chế sự phụ thuộc quá mức vào nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu do bị đứt gãy vì Covid-19./.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Bay cao con nhé!
Khai mạc Triển lãm các sản phẩm, dịch vụ khởi nghiệp sáng tạo
Truy tố cựu Chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương và đồng phạm
Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á 2024 sắp diễn ra tại Hà Nội
Bắt quả tang tàu khai thác cát trái phép quy mô lớn trên sông Hồng trong đêm
Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn
Quy định lại thẩm quyền công chứng giao dịch bất động sản
Tin khác
Bay cao con nhé!
Văn hóa 26/11/2024 21:55
Đảo Ngọc Ngũ Xã hóa phim trường tái hiện ký ức Hà Nội thời bao cấp
Du lịch 26/11/2024 18:15
Khai thác giá trị truyền thống trong kiến trúc đương đại
Văn hóa 26/11/2024 10:00
Gia tăng nguy cơ bệnh nặng và tử vong vì kháng thuốc
Y tế 26/11/2024 08:01
Khói bếp chiều đông
Văn hóa 26/11/2024 08:01
Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo khi mua sắm trực tuyến trong đợt giảm giá Black Friday
Xã hội 25/11/2024 22:05
Trải nghiệm độc đáo với robot nấu phở tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội năm 2024
Văn hóa 25/11/2024 16:52
Hà Nội triển khai mô hình tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn
Xã hội 25/11/2024 14:34
Hà Nội tăng cường các hoạt động nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 25/11/2024 14:23
Hà Nội ghi nhận thêm 28 ca mắc sởi
Y tế 25/11/2024 14:17