Multimedia
12/04/2021 16:16
Bài 2: Cách nào khả thi?

12/04/2021 16:16

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch đã và đang rất nghiêm trọng, nước sông hoàn toàn không thể sử dụng nước trong sinh hoạt, sản xuất và trồng trọt. Do đâu mà dòng sông chất chứa văn hóa, lịch sử trở nên như vậy? Làm sao để làm sống lại dòng sông Tô Lịch…? Để nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, những nút thắt này cần phải sớm được giải quyết.
Bài 2: Cách nào khả thi?

Theo đánh giá của giới chuyên môn, tình trạng ô nhiễm của sông Tô Lịch đã và đang rất nghiêm trọng, nước sông hoàn toàn không thể sử dụng được trong sinh hoạt, sản xuất và trồng trọt. Do đâu mà dòng sông chất chứa văn hóa, lịch sử trở nên như vậy? Làm sao để làm sống lại dòng Tô Lịch…? Để nâng cao chất lượng sống của người dân đô thị, những nút thắt này cần phải sớm được giải quyết.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Sông hồ trong thành phố từ lâu vẫn được ví như những chiếc máy điều hòa tự nhiên, giúp giảm ô nhiễm không khí, cân bằng hệ sinh thái. Tuy nhiên, một thực tế đáng lo ngại là đến nay, những dòng sông này chủ yếu chỉ tồn tại với chức năng… thoát nước thải.

Tại hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đối với đội ngũ cán bộ, phóng viên báo chí - xuất bản Thủ đô, khi đề cập đến Chương trình số 07-CTr/TU “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025", Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Phạm Thanh Học đã chia sẻ niềm nhức nhối với những dòng sông “chết” trên địa bàn Hà Nội.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Theo đó, một thực trạng đáng lo ngại là, hiện những dòng sông xanh mát thuở nào như sông Tô Lịch, sông Kim Giang hay xa nội thành hơn là sông Đáy, sông Nhuệ… đều trong cảnh ô nhiễm. Làm thế nào để những dòng sông tại Hà Nội chảy? Sông phải chảy mới là sông “sống”.

Để làm được điều này, ông Phạm Thanh Học khẳng định phải có khoa học, công nghệ. "Vấn đề lớn nhất của các dòng sông là phải thu gom được nước thải, thu gom nước thải lại một chỗ thì công nghệ bây giờ sẽ xử lý được. Thế nhưng, dọc các con sông chúng ta chưa làm được điều này nên các sông ô nhiễm” - ông Phạm Thanh Học trăn trở.

Trở lại câu chuyện ô nhiễm ở sông Tô Lịch, theo các chuyên gia nghiên cứu, có 2 lý do khiến con sông trở nên ô nhiễm và dần khô cạn. Một là do tự nhiên, sông Tô Lịch là phụ lưu của sông Hồng, nước sông không đủ mạnh để cuốn trôi bồi tích lắng đọng. Hai là do mức độ phát triển và đô thị hóa tại Hà Nội ngày càng nhanh, nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và nước thải sinh hoạt của cư dân được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Theo ghi nhận, hiện sông Tô Lịch phải đối mặt với cảnh nước thải sinh hoạt của cư dân được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài. Cụ thể, dọc hai bờ sông Tô Lịch hiện có hàng trăm ống xả thải của các hộ dân. Theo ước tính mỗi ngày có khoảng 150.000m3 nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý xả xuống sông. Hệ thống cống xả của các nhà hàng, quán ăn ngày đêm hoạt động khiến nhiều chỗ nước thải dồn bọt trắng.

Theo phản ánh của người dân, sau mỗi trận mưa, trời nắng lên hoặc nổi gió, mùi hôi nồng nặc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu. Nói cách khác, con sông chảy qua nhiều khu dân cư đông đúc, đáng ra là lá phổi xanh, tạo cảnh quan quý giá cho đô thị nhưng nay nó là nỗi ám ảnh với người dân. Chẳng khó để cảm nhận điều này khi lưu thông qua những con đường cạnh bờ sông, bất kỳ ai cũng dễ dàng hít thở thấy mùi hôi khó chịu bốc lên từ mặt sông.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Trước tình trạng sông Tô Lịch ngày càng ô nhiễm, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Cụ thể, vào khoảng năm 2014, các ngành chức năng đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân trên địa bàn sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt ngay tại nguồn trước khi thải ra sông. Cuối năm 2018, Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch; áp dụng công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, để cứu sống, làm hồi sinh sông Tô Lịch về lâu dài thì chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm như vậy vì hàng ngày nước thải vẫn đang tiếp tục được xả thẳng ra sông. Nói cách khác, giải pháp quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm của sông Tô Lịch.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Phó Giáo sư Tiến sĩ Hà Đình Đức, một người đã dành nhiều năm nghiên cứu sông hồ ở Hà Nội cho rằng, việc tạo dòng chảy cho Tô Lịch, biến từ “rãnh nước thải” đen ngòm thành con sông trong xanh từ lâu đã làm đau đầu các sở, ngành Hà Nội và giới khoa học. Hơn hết, việc cải tạo sông Tô Lịch hiện nay mang ý nghĩa lớn lao cho Hà Nội, bởi Tô Lịch không chỉ là một dòng sông mà còn là biểu tượng của kinh thành Thăng Long xưa. Theo ông Đức, để sông bớt ô nhiễm nhiều phương án đã được tính đến, trong đó có việc bổ cập nước cho sông Hồng. Đặc biệt, phương án này có nhiều ưu điểm, trong đó việc bổ cập nước sông Hồng cho sông Tô Lịch qua cống Liên Mạc do hệ thống đã được quy hoạch sẵn một số đoạn tuyến nên tiết kiệm được thời gian, kinh phí đầu tư.

Quanh câu chuyện này, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường đánh giá, hiện nước sông Tô Lịch đã cạn, phương án bổ cập nước sông Hồng qua cống Liên Mạc cũng sẽ giúp giảm tình trạng ô nhiễm, góp phần tạo dòng chảy trên sông. Tuy nhiên, theo chuyên gia về tài nguyên nước, một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm sông là nguồn nước thải. Cụ thể, với nước thải sinh hoạt hiện nay việc thu gom, xử lý còn rất hạn chế. Hệ thống công trình thu gom, xử lý tập trung ít nhiều đã có nhưng cũng chỉ thu gom được một phần nhỏ lượng nước thải còn lại hầu hết các hộ dân đều xả trực tiếp vào hệ thống cống, rãnh, sông ngòi gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước.

Chính vì thế, giải pháp căn cơ nhất là phải thu gom được nước thải sinh hoạt để xử lý. “Tôi nghĩ cái gốc của vấn đề là ngăn chặn được nguồn gây ô nhiễm chứ không phải “pha loãng” nước. Ở đây là phải xử lý được nguồn nước thải sinh hoạt của Thành phố, từ các hộ gia đình… Với ô nhiễm nước, chúng ta thường thấy việc xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn chưa tốt. Dễ thấy, các hộ dân, hộ gia đình phải có các hố ga, bể phốt theo quy định nhưng theo tôi được biết thì cũng ít người quan tâm đến vấn đề này” - Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng bày tỏ quan điểm.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Giáo sư Dương Thanh Lượng - nguyên Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Thuỷ Lợi cho biết, trong quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050, sông Tô Lịch là một trong những tuyến giao thông cấp 5, nghĩa là thuyền bè nhỏ có thể di chuyển, lưu thông được. Trong tương lai, trên sông, ngoài việc sông không còn ô nhiễm thì còn có thể tạo thành một số điểm du lịch đường thủy, vận tải đường thủy, kết hợp khu vui chơi giải trí.

Nói như vậy để thấy, quy hoạch đã có “bài toán” hiện tại là làm sao tìm ra phương án để sông trở nên trong xanh. Một trong những phương án mà theo Giáo sư Dương Thanh Lượng cho rằng khả thi nhất là dùng nước sông Hồng bổ cập vào sông Tô Lịch. Theo lý giải của vị chuyên gia này, việc đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch sẽ thu được “lợi ích kép”, vừa làm sạch sông vừa làm cho khu vực hạ du như sông Nhuệ, Đáy có thêm nước để tưới tiêu…

Ngoài ra, đưa nước vào sông Tô Lịch với tốc độ dòng chảy khoảng 5m3/s, so với các dự án khác chi phí sẽ thấp hơn nhiều. Về phương án thực thi, ông Lượng cho rằng phương án khả thi nhất là lấy nước sông Hồng từ An Dương vào Hồ Tây sau đó bổ cập vào sông Tô Lịch. Phương án này có đặc điểm nổi trội là khoảng cách bơm nước ngắn, khoảng 2km nên kinh phí ít. Đồng thời thông qua bổ cập nước từ sông Hồng, Hồ Tây cũng được bổ cập nước thường xuyên tạo ra môi trường sống thích hợp cho các sinh vật dưới hồ.

Bài 2: Cách nào khả thi?

Ông Dương Thanh Lượng cũng cho rằng, không nên quá cứng nhắc với những giải pháp “cứu sông”. Nghĩa là, các giải pháp nên có sự linh hoạt, giải pháp này không được thì chuyển sang giải pháp khác khả thi hơn, cốt lõi là trả lại sông sự trong xanh. “Những con sông có tính chất lịch sử nhất quyết bảo vệ thì chúng ta phải bảo vệ và nếu thay đổi về mặt kỹ thuật nào làm cho tốt hơn thì ta cứ thay đổi. Nhưng phải tuyệt đối tránh trường hợp chúng ta thay đổi nhưng là thay đổi làm cho nó xấu đi” - Giáo sư Lượng nhấn mạnh.

Với giải pháp cứu sông Tô Lịch, ở góc độ quản lý ông Hoàng Cao Thắng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, Thành phố đang lên phương án bổ cập nước cho sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Theo đó, Sở Xây dựng Hà Nội đang đề xuất xây 8 trạm bơm dã chiến công suất 9 m3/s để cải thiện ô nhiễm sông Nhuệ và sông Tô Lịch. Với lưu lượng nước này có thể đủ để tạo dòng chảy, cải thiện ô nhiễm cho hai con sông.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, đã có nhiều giải pháp cho việc bổ cập nước sông Tô Lịch, trong đó có phương án bổ cập nước sông Hồng qua hồ Tây rồi chảy vào Tô Lịch. Trước đây, Thành phố đã có dự án nâng cấp, xây dựng mới cống Liên Mạc, thời gian tới việc này sẽ được đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nếu dự án này được thực hiện sẽ đảm bảo việc tưới tiêu nông nghiệp và bổ cập nước sông Tô Lịch, sông Nhuệ. Bên cạnh đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cũng nhấn mạnh, phương án này sẽ đem lại rất nhiều lợi ích. Thứ nhất là phù hợp quy hoạch. Thứ hai, Hà Nội sẽ không phải lập thêm một dự án mà sẽ dựa vào dự án thoát nước khu vực sông Tả Nhuệ để thực hiện thêm một số hạng mục bổ cập nước cho sông Tô Lịch.

Bài cuối: Viễn cảnh về “dòng sông du lịch”, tại sao không?

Bài 2: Cách nào khả thi?

Nội dung: Đinh Luyện
Thiết kế: Đức Hà