Vải thiều 7.000 đồng/kg, vải Nhật Bản vài trăm nghìn đồng... 5 quả
Những câu chuyện đầy tính thời sự, bức xúc này được nêu ra với Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân trong chương trình “Dân hỏi – Bộ trưởng trả lời” tối 29/6 trên truyền hình quốc gia.
Một ngư dân đánh bắt cá ngừ đại dương phản ánh việc cá do ngư dân Việt Nam đánh bắt tươi ngon nhưng giá thành bán ra chỉ được bằng 1/3,1/4 so với cá ngừ cùng loại của Nhật Bản. Nguyên nhân được phân tích sau đó cho thấy cách bảo quản chế biến, đánh bắt của ngư dân Việt Nam chưa chuẩn nên giá cá bán ra không được cao.
Câu hỏi và cũng là đề nghị thiết tha của ngư dân này với Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân là cho người tìm hiểu và chuyển giao công nghệ đánh bắt, bảo quản cá để giúp người dân tăng giá trị sản phẩm thu hoạch được.
Bộ trưởng Nguyễn Quân phân tích, thực tế này xuất phát từ việc nền sản xuất của Việt Nam còn ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có những tàu dịch vụ để giúp cho bà con ngư dân có thể bảo quản sơ bộ cá ngừ ngay sau khi đánh bắt. Bộ Khoa học-Công nghệ đã quan tâm đến việc này.
Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Nguyễn Quân.
Ông Quân cho biết, cách đây 2 năm, Bộ có tiếp nhận một công nghệ do Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và bộ phận khoa học công nghệ ở Nhật Bản chuyển về - đó là công nghệ bảo quản cá ngừ cũng như các loại thủy hải sản khác, có thể bảo quản lâu dài và vẫn giữ nguyên được chất lượng như là vừa đánh bắt.
Bộ đã tổ chức thí nghiệm thành công với việc bảo quản cá ngừ, tôm sú, và một vài nông sản khác. Tuy nhiên, để áp dụng trong thực tế sản xuất, Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ giải thích, còn phải tiếp tục nhận chuyển giao công nghệ từ phía Nhật Bản. Trước mắt, Bộ đã cho xây dựng một nhà máy để bảo quản cá ngừ cho bà con ngư dân ở Phú Yên và Bình Định. Về lâu dài, Bộ này đang có dự kiến làm một tàu dịch vụ để bảo quản cá ngừ đại dương cho bà con ngay ở trên biển.
Như vậy, để đảm bảo được tỷ lệ loại 1 cho cá ngừ, đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu, ông Quân cho rằng, cần có một doanh nghiệp hoặc có sự hỗ trợ của nhà nước đầu tư cho tàu dịch vụ nghề cá này.
Ngoài ra, hiện tại, Bộ Khoa học-Công nghệ cũng đã được phía Nhật Bản hỗ trợ công nghệ bảo quản sơ bộ đối với cá ngừ cũng như đang nghiên cứu việc làm đá lạnh từ nước biển để có nhiệt độ làm lạnh sâu hơn, giúp cho việc bảo quản cá ngừ ở bước sơ chế tốt hơn để khi đưa về các nhà máy chế biến ở trong bờ thì tỷ lệ sản phẩm tốt cao hơn.
Một ví dụ so sánh khác đến từ sản phẩm tỏi của đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Giá mỗi kg tỏi trắng nông dân Quảng Ngãi trồng hiện bán được 30.000-50.000 đồng nhưng cũng với loại tỏi ấy, với một quy trình công nghệ chế biến để chuyển thành tỏi đen như ở Nhật Bản, giá bán tới 5 triệu đồng/kg. Người nông dân cũng chỉ mong mỏi sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực khoa học công nghệ để có thể chế biến được những sản phẩm giá trị cao như vậy.
Xác nhận công nghệ chế biến tỏi trắng thành tỏi đen xuất phát từ Nhật Bản nhưng người đứng đầu ngành cũng khẳng định, gần đây, Bộ Khoa học-Công nghệ đã giao Học viện Quân Y nghiên cứu và thực hiện thành công việc chế biến tỏi trắng sang tỏi đen. Công nghệ này, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định khá đơn giản, đó là công nghệ lên men với điều kiện nhiệt độ và độ ẩm thích hợp. Qua công nghệ chế biến này, giá trị sản phẩm tăng lên được đến hàng trăm lần.
Tuy nhiên, lý do chưa thể đưa công nghệ này vào sản xuất đại trà được vì tỏi nguyên liệu để có thể đưa vào làm dưới dạng quy mô công nghiệp, phục vụ sản xuất dược phẩm thì phải có chất lượng tương đối đồng đều, và phải được trồng theo một quy trình khoa học, đảm bảo chất lượng, ví dụ như giống phải đồng đều, bảo vệ thực vật phải an toàn… Sau đó còn phải đầu tư hệ thống chế biến.
Ngoài ra, nền công nghiệp dược phẩm của Việt Nam hiện nay cũng chưa đủ năng lực để có thể tiêu thụ được một số lượng lớn nên các doanh nghiệp rất e ngại trong quá trình đầu tư.
“Hiện nay Học viện Quân Y đã làm chủ được công nghệ này, nếu doanh nghiệp nào ở những vùng trồng tỏi mà có mong muốn xây dựng một dây chuyền bảo quản chế biến, phục vụ bà con nông dân chúng tôi sẵn sàng chuyển giao công nghệ và cùng hợp tác với doanh nghiệp đó để đầu tư dây chuyền chế biến tỏi trắng thành tỏi đen để bà con có thể bán được với giá cao hơn” – Bộ trưởng Nguyễn Quân hứa.
Chuyển sang câu chuyện giữa mùa vải, cũng thông tin từ Nhật Bản, 5 quả vải bán tại nước này giá đến vài trăm nghìn đồng. Trong khi vải thiều Việt Nam hiện tại 1kg chỉ bán được 7.000-8.000 đồng. “Bộ trưởng xem có cách nào giữ được vải tươi cho chúng tôi để mang sang Nhật bán được không? Vì chúng tôi chăm bón cả 1 vụ vải mấy tháng trời vất vả mà cứ đến mùa lại lỗ phải bán đổ bán tháo?” – một nông dân trồng vải hỏi Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ.
Chia sẻ với nỗi cay đắng của người trồng vải, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng phân trần, cách đây 3 năm, Bộ Khoa học-Công nghệ đã hỗ trợ cho vùng vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), xây dựng chỉ dẫn địa lý. Nhờ đó giá bán vải đã cao hơn, bà con đã bớt cảnh phải bán đổ bán tháo quả vải khi vào mùa chín rộ.
Tuy nhiên, ông Quân cũng xác nhận, đây vẫn chỉ là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, Bộ cũng mong muốn phải có công nghệ bảo quản, chế biến giúp cho nông dân.
Ông Quân cho biết, năm ngoái, Bộ đã hợp tác với Nhật Bản nhập công nghệ tế bào sống đảm bảo những sản phẩm được bảo quản, sau thời gian rất dài vẫn giữ được phẩm chất tươi nguyên như khi vừa được thu hái, vừa được sản xuất. Bộ đã quyết định đầu tư, hiện đã kết thúc giai đoạn 1 là nhập khẩu công nghệ từ Nhật Bản, làm chủ công nghệ và thí nghiệm thành công với quả vải, tôm sú và cá ngừ.
Bộ cũng đàm phàm với phía Nhật Bản, thí điểm chuyển một số vải mẫu nhưng phải chờ phía bạn chấp nhận mới có thể ký được hợp đồng. Năm nay container đầu tiên với 10 tấn vải thiều Lục Ngạn sẽ lên đường sang Nhật trong tuần này. Nếu được Nhật Bản chấp nhận, ông Quân hứa năm sau sẽ giúp bà con nông dân tiêu thụ vải ở thị trường Nhật Bản.
“Nhưng ngay cả khi họ đã chấp nhận, việc đưa sản phẩm quả vải vào một nước có tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm rất cao như Nhật Bản hoặc Châu Âu cũng là vấn đề không dễ dàng gì. Chắc chắn là người nông dân ở khu vực trồng vải của chúng ta sẽ phải có tổ chức sản xuất lại, gieo trồng, chăm bón cây vải theo một quy trình, trước mắt là VietGAP, về lâu dài là tiêu chuẩn GLOBAL (Quốc tế). Và khi đó quả vải mới có chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm” – ông Quân bày tỏ kỳ vọng lớn vào việc năm tới sẽ xuất khẩu vải sang Nhật.
Cũng đáp lại băn khoăn về việc chính quyền địa phương đang cấp tập mua công nghệ chế biến, bảo quản vải sau thu hoạch, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định sẽ không có tình trạng giẫm chân, chồng chéo với TƯ. Ông Quân thông tin, tập đoàn ABI của Nhật Bản đã thỏa thuận Bộ Khoa học-Công nghệ là đầu mối duy nhất để nhận chuyển giao công nghệ. Từ đây, Bộ sẽ hợp tác với các doanh nghiệp, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp nên bất kể địa phương nào muốn sử dụng công nghệ này thì đều phải hợp tác với Bộ Khoa học-Công nghệ. Sẽ không có chuyện lãng phí vì cả địa phương và TƯ cùng đầu tư công nghệ.
Theo Dân trí
Nên xem
Gen Z mùa deadline cuối năm: Đa nhiệm, stress nhưng vẫn luôn tận hưởng cuộc sống
Học bổng ABG Future Leaders cho các nhà lãnh đạo trẻ
Luật Công nghiệp công nghệ số: Luật hóa trí tuệ nhân tạo, tài sản số
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Quận Bắc Từ Liêm phát triển công nghiệp văn hóa vươn tầm cùng Thủ đô
Ngân hàng nào liên quan đến đại án Xuyên Việt Oil?
Vì sao Chứng khoán Smart Invest bị phạt tiền tỷ?
Tin khác
Thành phố Hồ Chí Minh: Kết nối hỗ trợ hơn 2,3 triệu tỷ đồng cho doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp 23/11/2024 15:19
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Tài chính 23/11/2024 08:11
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Thị trường 23/11/2024 07:24
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Thị trường 23/11/2024 06:38
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Thị trường 23/11/2024 06:07
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
“Hiểu hàng thật - Tránh hàng giả”: Trang bị kiến thức về sản phẩm để bảo vệ bản thân và gia đình
Thị trường 22/11/2024 18:50
Đặc sắc sản phẩm các vùng miền do phụ nữ sản xuất kinh doanh
Thị trường 22/11/2024 15:32
Hà Nội và Hà Giang: Kết nối vì sự phát triển bền vững của nông thôn mới
Tiêu dùng 22/11/2024 12:37
Giá xăng dầu hôm nay (22/11): Giá dầu thế giới tăng gần 2%, trong nước giảm
Thị trường 22/11/2024 07:16