“Nhức nhối” với nạn thực phẩm bẩn
Thịt heo được bày bán mất vệ sinh ngay lề đường. Ảnh: H.TRÂN |
50% thức ăn đường phố không an toàn
Thức ăn đường phố luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo vệ sinh ATTP. Tác nhân chính gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli - loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả.
Riêng TPHCM hiện có hơn 19.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Trong 2 năm 2015 – 2016, các cơ quan chức năng TP tiến hành kiểm tra 30.070 cơ sở thì phát hiện đến 14.557 cơ sở vi phạm (chiếm 48%). Không cần đi đâu xa, dạo một vòng vài con đường ngay tại Q.1, TPHCM như: Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Du, Hai Bà Trung,… cũng có thể thấy rất đông người dân, chủ yếu là bạn trẻ lựa chọn thức ăn đường phố. Tuy nhiên, những quán ăn này thường nhếch nhác, thức ăn không được che chắn kỹ lưỡng nên bụi bẩn từ đường phố, xe máy bám vào.
Ghi nhận tại một quán cơm bình dân đối diện công viên 23-9, thức ăn được bày lộ thiên trên một chiếc bàn sắt, xung quanh là nồi cơm, nồi canh, bếp than… và các loại xe cộ chạy ầm ầm ngay bên cạnh, cuốn theo đủ loại bụi đất. Chỉ có 2-3 xô nước vừa để rửa và tráng hàng trăm chén, đĩa trong một buổi bán hàng.
Tương tự, một quán cơm trên đường Ngô Thời Nhiệm, Q.3 rửa chén bát ngay trên một hố ga đầy rác rất mất vệ sinh. Theo ghi nhận, hầu hết các quán đều rơi vào cảnh thiếu nước vệ sinh, chủ quán không dùng găng tay, không đeo tạp dề hay khẩu trang, chỗ đặt thức ăn cho khách là những chiếc ghế thấp tè giống với ghế ngồi của khách.
Chờ kiểm định, thực phẩm bẩn đã đến tay người dùng
Kết quả công bố mới đây cho thấy, các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành của ba cấp (TP, quận/huyện, phường/xã) thanh tra, kiểm tra 98.235 cơ sở thực phẩm trong hai năm 2015-2016, đã phát hiện vi phạm 14.906 cơ sở, xử phạt 11.051 cơ sở với tổng số tiền phạt lên đến hơn 56 tỉ đồng. Đồng thời, cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy trên 556 tấn hàng hóa thực phẩm không đảm bảo ATTP. Kịp thời ngăn chặn các sự cố liên quan đến ATTP như phẩm màu công nghiệp Rodamine B trong thực phẩm; măng, dưa chua, gà có chất vàng ô…
Tại kỳ họp HĐND TPHCM diễn ra vào đầu 7.2017, trước câu hỏi của đại biểu về mức độ an toàn thực phẩm tại TPHCM đang ở mức độ nào, Giám đốc Sở Y tế TP Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, nếu tính quy mô toàn địa bàn TP thì vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm trên 50%. “Nói an toàn thực phẩm ở mức độ nào thì chưa an toàn!” - ông Bỉnh nói.
Theo UBND TPHCM, tình trạng thực phẩm nhập lậu, thực phẩm lưu hành ngâm tẩm phụ gia hóa chất độc hại, rau củ quả có dư lượng thuốc BVTV vượt quá quy định vẫn còn tồn tại gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi vẫn chưa được giải quyết căn cơ, dứt điểm. Nạn lạm dụng thuốc kháng sinh, tưới nhớt cho rau, chất kích thích tăng trưởng trên rau quả vẫn còn phổ biến.
Trong khi đó, việc kiểm soát, quản lý hóa chất, thuốc kháng sinh chưa chặt chẽ, đồng bộ, chưa có quy định, cơ chế kiểm soát đối tượng mua bán sử dụng. Đặc biệt, việc kiểm soát kinh doanh các loại phụ gia, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm hiện nay còn lỏng lẻo. Đáng lo ngại là hóa chất, phụ gia công nghiệp được kinh doanh, bảo quản chung với hóa chất, phụ gia dùng cho thực phẩm, trong khi chưa có cơ chế, quy định kiểm soát đối tượng mua bán sử dụng.
Công tác đảm bảo ATTP tại các chợ nói chung gần như chưa chặt chẽ, việc kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa kinh doanh còn hạn chế đối với các sản phẩm đã qua chế biến, rau quả, gia súc, gia cầm, thủy sản… Đặc biệt như ngay ở các chợ đầu mối của thành phố, hiện vẫn tồn tại thực trạng các chủ hàng tự kê khai nguồn thực phẩm vào sổ Ban quan lý chợ cung cấp và quản lý. Các lô hàng chờ xét nghiệm, kiểm định thì đã đưa đi tiêu thụ ở các chợ lẻ rồi. Điều đó cũng có nghĩa, nếu kết quả xét nghiệm lô hàng thực phẩm không đạt thì hàng đó cũng đã được người dân tiêu thụ hết.
UBND TPHCM cũng thừa nhận, lực lượng thanh tra chuyên ngành về ATTP còn mỏng, chủ yếu tập trung ở tuyến thành phố, còn ở các tuyến quận/huyện, phường/xã chủ yếu là kiêm nhiệm, trong khi tại các tuyến này quản lý số lượng rất lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ.
Lực lượng chức năng phát hiện thịt bẩn vận chuyển vào TPHCM tiêu thụ. |
Trông chờ vào sự ra tay của Ban quản lý an toàn thực phẩm
Để quản lý an toàn thực phẩm, TPHCM đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng, đặc biệt là việc quản lý an toàn thực phẩm tại nguồn như: Xây dựng đề án chuỗi thực phẩm an toàn thành phố; đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn; đề án truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả; mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm… Với đặc thù có khoảng 70-80% thực phẩm cung cấp cho thành phố là từ các nguồn ở địa phương lân cận. Do vậy, TPHCM đã ký kết với 22 tỉnh, thành phố về xây dựng mô hình quản lý thực phẩm theo chuỗi thực phẩm an toàn.
Bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM, cho biết Ban sẽ quyết tâm kiểm tra, xử phạt nghiêm người buôn bán thực phẩm bẩn trong thời gian tới. Vừa qua, Ban quản lý An toàn thực phẩm TPHCM mới thành lập hơn 3 tháng nên vẫn đang ổn định nhân sự, hoàn chỉnh các thủ tục hành chính, để tiến hành làm việc đúng pháp luật.
Trong thời gian tới, Ban quản lý An toàn thực phẩm sẽ thành lập 24 đội thanh tra thường trực tại các quận- huyện và 3 đội thường trực ở các chợ đầu mối Bình Điền, Hóc Môn và Thủ Đức. Các quận - huyện phải kết hợp với 24 đội này để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, không để xảy ra chuyện mới truy tìm trách nhiệm của sở, ban ngành. “Các đội này vào ban ngày sẽ kiểm tra, ban đêm sẽ kiểm dịch. Thành viên các đội thanh tra sẽ được giám sát chặt, luân phiên thay đổi địa bàn làm việc để tránh phát sinh tiêu cực. Nếu có tiêu cực hay năng lực yếu kém, Ban sẽ cương quyết xử lý để đảm bảo an tâm cho người dân” - bà Lan khẳng định.
Về nhiệm vụ của 3 đội thanh tra thường trực ở các chợ đầu mối, bà Lan cho rằng, trước đây nếu lấy thực phẩm tươi sống kiểm nghiệm thì ba ngày mới có kết quả, kết quả dương tính thì thực phẩm bẩn đã vô bụng người dân hết rồi. Vì vậy, hiện nay Ban đã trang bị cho các đội thanh tra phòng xét nghiệm nhanh, nếu kết quả dương tính thì ngưng lô hàng đó lại để gửi đi xét nghiệm sâu.
Đề cập đến hình thức chế tài, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, bà Phong Lan khẳng định thời gian tới Ban sẽ phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, kiểm tra những cá nhân, tổ chức dùng các chất cấm, hóa chất nguy hiểm trong chăn nuôi, sản xuất thực phẩm. "Theo bộ luật Hình sự sửa đổi, các hành vi dùng chất cấm trong sản xuất gây hại đến nhiều người có thể nhận mức án cao nhất là chung thân", bà Lan nhấn mạnh.
Thịt heo không truy xuất được nguồn gốc, không cho vào chợ Từ ngày 31.7, TPHCM chính thức kiểm soát toàn bộ nguồn heo và thịt heo đưa vào tiêu thụ tại thành phố, bắt buộc phải truy xuất được 100% nguồn gốc thịt heo vào chợ đầu mối. Hiện hệ thống chợ đầu mối đang cung ứng hơn 80% lượng thịt heo cho thị trường thành phố, số còn lại do hệ thống bán lẻ hiện đại cung cấp. Đồng thời, từ nay đến tháng 9, thành phố hỗ trợ 50% chi phí mua vòng nhận diện cho người chăn nuôi, 50% chi phí mua tem truy xuất cho người bán thịt heo tại các chợ lẻ, 131 thiết bị chuyên dùng đọc mã cho cơ quan thú y... Triển khai truy xuất nguồn gốc cả thịt gia cầm và trứng Ngày 1.7, TPHCM công bố triển khai kế hoạch quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm và trứng gia cầm. Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó GĐ Sở Công thương TPHCM, Sở sẽ có khoảng 2 tháng để chuẩn bị trước khi triển khai đề án chính thức từ ngày 1.9. Theo đó, quy trình đề án quản lý và truy xuất nguồn gốc thịt gia cầm, trứng gia cầm ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng công nghệ mã QR code, vòng niêm phong, điện toán đám mây, tem truy xuất và hệ thống phần mềm quản lý… để nhận diện, truy xuất nguồn gốc, quản lý tất cả thông tin, dữ liệu liên quan đến sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm. Giải pháp này cho phép người tiêu dùng trực tiếp kiểm tra, thu thập đầy đủ thông tin về loại thịt gia cầm, trứng gia cầm đã mua, truy ngược dòng từ thành phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn, đường đi của gia cầm, của quả trứng. |
Theo Minh Quân/Lao động
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
Tin khác
Kháng thuốc đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe cộng đồng
Y tế 22/11/2024 15:22
Nam bệnh nhân mất 1/2 lượng máu trong cơ thể vì sốt xuất huyết
Y tế 22/11/2024 06:03
Thêm giải pháp nâng cao sức khỏe các nhóm yếu thế tại Việt Nam
Y tế 21/11/2024 14:15
Báo động xu hướng trẻ hóa đối tượng nhiễm HIV
Y tế 21/11/2024 07:03
“Chúng tôi đánh giá cao tinh thần học hỏi của đội ngũ FPT Long Châu!”
Y tế 20/11/2024 22:40
Chiến lược đào tạo giúp đội ngũ Long Châu tự tin chăm sóc sức khỏe hơn 20 triệu khách hàng
Y tế 20/11/2024 22:39
Phát hiện sớm, can thiệp kịp thời các vấn đề liên quan đến thính giác ở trẻ em
Xã hội 20/11/2024 15:57
Mỗi ngày phát hiện 70 ca mắc bệnh sởi tại Đồng Nai
Y tế 19/11/2024 21:56
Hạnh phúc "nảy mầm" sau 7 năm hiếm muộn
Y tế 19/11/2024 15:10
Gia tăng tình trạng lây nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới
Y tế 18/11/2024 21:00