Ngôi làng đặc biệt có người nói được… 20 thứ tiếng khác nhau
Vùng đất kỳ lạ
Nghe điều này từ một cán bộ văn hóa thông tin của huyện Kon Tum, tính hiếu kỳ lại nổi lên khiến chúng tôi lặn lội từ thành phố Kon Tum ngược lên Ngọc Hồi với quãng đường hơn 80km, rồi từ đó rẽ xuyên rừng Chư Mom Ray, vượt ngầm, vượt suối 75km nữa đặt chân đến làng Le, ngôi làng của dân tộc Rơ Mâm duy nhất ở cực Bắc Tây Nguyên lúc mặt trời vừa khuất núi Chư Gor Tong, thuộc dãy Chư Mom Ray cao 1.773m. Mệt rã, ướt như chuột và bết trong bụi đỏ bazan.
Người đầu tiên chúng tôi gặp là thôn trưởng A Ren, thấy tôi A Ren xởi lởi dắt lên nhà. Lúc ấy trong nhà cũng đã có rất đông người làng đang tụ họp để nói chuyện. Những người dân nơi đây đã ra tiếp đón chúng tôi rất thân tình, những cái nắm tay thật chặt, nụ cười hồn hậu đã xua tan đi cái lạnh giá của núi rừng.
Ngôi nhà sàn của gia đình A Ren bỗng chốc tập trung rất đông người, đó là những người dân trong thôn bản. Một cảm giác gần gũi, thân thiện khiến chúng tôi không khỏi xúc động. Hết vài cang rượu theo đúng phong tục của người Rơ Mâm, tôi đem chuyện “ngoại ngữ” ra để hỏi mọi người.
A Ren cười tít mắt bảo: “Người Rơ Mâm làng mình từ già đến trẻ ít nhất có thể sử dụng được 3 thứ tiếng nước ngoài như Lào, Thái, Miên. Đấy là chưa kể tới tiếng của những dân tộc anh em sống quanh đây như người Kinh, người Rơ Ngao, người Giẻ Triêng, người Ve, người Jrai… như tiếng mẹ đẻ vậy.
Với vốn “ngoại ngữ” phong phú như vậy nên khi gặp bất kỳ người của dân tộc nào thì đều có thể nói được cả. Nhưng người của dân tộc khác lại ít hiểu, ít nghe được tiếng của người Rơ Mâm làng mình!”.
Hóa ra ngay như trưởng thôn A Ren này cũng “bỏ gùi” được cả chục “ngoại ngữ” một cách khá thông thạo. Và như để chứng minh cho tôi thấy, A Ren nói một tràng bằng tiếng Jrai, tất nhiên trong đó có một số từ mà tôi biết khi nhiều lần tiếp xúc mà nghe những người Jrai nói chuyện với nhau. Rồi tiếng Lào, tiếng Thái một cách lưu loát.
Lũ trẻ người Rơ Mâm ở làng Le cũng nói được nhiều ngôn ngữ khác nhau
Để kiểm chứng rõ hơn về khả năng đặc biệt này của người Rơ Mâm, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhanh thông qua rất nhiều người. Anh A Lunh, một chàng trai người Rơ Mâm cho biết: “Người Rơ Mâm tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, nhưng trình độ dân trí lại không hề thua kém. Một trong những khả năng đặc biệt nhất của người dân nơi đây, là việc trong một thời gian ngắn có thể học nói được rất nhiều thứ tiếng các dân tộc khác nhau!”.
Một cậu bạn đồng nghiệp đi cùng tôi vốn là một người dân tộc Xê Đăng đã yêu cầu một vài người dân nơi đây nói vài câu tiếng Xê Đăng, lập tức mỗi người nói vài câu một cách rành mạch, rõ ràng. Điều đó, khiến cậu bạn tôi hết sức ngạc nhiên. Có những thanh niên khoe họ còn nói được cả tiếng Anh. Chúng tôi đề nghị họ nói vài câu xem thử, và họ cũng đã nói khá lưu loát.
Trong lúc cao hứng, trưởng thôn A Ren còn giới thiệu những cái tên như già H’lui, già A Ping, già A Miu, già Y My, già A Ông và nhiều già khác nữa có thể nói được hơn chục thứ tiếng khác nhau.
Nhưng đáng nể nhất vẫn là già làng Blong sống gần 90 tuổi nay đã mất có thể nói được 20 ngoại ngữ. Trong đó có cả tiếng Pháp, tiếng Anh. A Ren cho biết, trước đây khi quân Pháp, rồi quân Mỹ đến làng, già Blong đều là người đứng ra nói chuyện với Pháp, Mỹ để chúng không đàn áp dân làng, không bắt dân làng đi phu đi lính. Nhờ thế mà người làng mới còn lại đến ngày hôm nay được.
“Cái tài là của yàng cho đấy!”
Bên bếp lửa giữa mái nhà sàn, thấy tôi cứ tròn mắt ngạc nhiên, A Ren liền giới thiệu: “Đấy là già A H’lới, biết nhiều sử thi lắm, hát khan hay nhất làng, và cũng biết nhiều thứ tiếng lắm đấy!”.
Sau mấy căn rượu, các cụ già trở nên phấn khích, hồ hởi kể chuyện. Không có ranh giới chủ - khách, lạ - quen, tôi như một đứa con xa làng lâu ngày trở về. Dạo đó người Rơ Mâm nghe theo lời bộ đội đã rời khỏi núi Yang Sít ra đây lập làng mới, lớp người già ngày ấy nay chỉ còn sót lại ba người là A Ông (105 tuổi), A H’lới (77 tuổi) và bà Y Mi (89 tuổi).
Già A H’lới kể: “Ngày xưa, xưa lắm, cả trăm mùa trăng trước đếm không hết đâu, người Rơ Mâm đông hơn bây giờ nhiều, có tới 12 làng sống biệt lập với người JRai, người Giẻ triêng và nhiều người khác.
Làng Rơ Mâm của mình ở nơi cao nhất so với các dân tộc khác. Nhưng rồi một trận dịch khủng khiếp cách đây nhiều con trăng đã xóa sạch các làng Rơ Mâm, từ 12 làng chỉ còn lại một làng duy nhất đó là làng Le hôm nay thôi!”. Mắt A H’lới nhìn vào ánh lửa bập bùng một cách xa xăm...
Bên bếp lửa giữa mái nhà sàn, già làng A H’lới kể cho chúng tôi nghe về những nét văn hóa độc đáo của người Rơ Mâm. Điều khiến chúng tôi khó lý giải nhất là vì đâu mà khả năng học “ngoại ngữ” rất tài tình của người Rơ Mâm lại tốt như thế.
A Ren thì chỉ giải thích một cách chung chung rằng do dân số ít, để tồn tại giữa vùng rừng núi này để trao đổi hàng hóa, người Rơ Mâm phải quan hệ với các dân tộc khác, nên người Rơ Mâm phải biết rất nhiều “ngoại ngữ”.
Họ có thể nói tiếng dân tộc Hà Lăng, JRai, B’râu và thạo cả tiếng Lào như người bên tỉnh Atơpư của Lào chính hiệu. Ngoài săn bắt, hái lượm và trỉa lúa, người Rơ Mâm ở làng Le rất giỏi đánh cá bằng lưới. Bởi hàng trăm năm sống bên dòng sông Sa Thầy, họ đã nhanh chóng tiếp thu cách đánh lưới của các bộ tộc Lào ở bên kia biên giới. Chính vì có khả năng đặc biệt đó, nên mỗi khi người Rơ Mâm ở làng Le đi đến các làng khác, dùng chính ngôn ngữ của người làng đó để trò chuyện khiến ai cũng phải phục, và chính nhờ thế họ rất được quý mến. “Vì mình nói được tiếng của họ, cũng hiểu được văn hóa của họ nên họ tôn trọng lắm! Thế nên khi mình trao đổi hàng hóa đều có lợi hơn!” trưởng thôn A Ren tự hào.
Chính vì biết được nhiều thứ tiếng của các dân tộc anh em ở vùng này, nên mỗi khi có đoàn cán bộ huyện đi xuống cơ sở để tuyên truyền, trưởng thôn A Ren lại được đưa đi để làm thông dịch viên.
Nhiều khi đến các làng khác, người làng ấy buột miệng hỏi: “Mày là người Rơ Mâm mà sao biết nói tiếng của làng ta!?”, trưởng thông A Ren cười trả lời: “Vì tao trọng văn hóa của làng mày, nên học nói tiếng của mày. Có thế mình mới hiểu nhau được!”. Thế là sau buổi nói chuyện, nhiều lần A Ren được người làng khác kết nghĩa làm anh em.
Anh A Ren còn cho biết thêm: “Chúng tôi cũng không thể lý giải được khả năng học “ngoại ngữ” rất nhanh của người Rơ Mâm. Chỉ biết rằng, đó là một năng khiếu đặc biệt, mà bất kể người dân nào nơi đây cũng có được từ lúc còn rất bé!”.
Theo lời trưởng thôn A Ren, những người Rơ Mâm muốn học một ngôn ngữ của dân tộc nào, chỉ cần tiếp xúc với họ một thời gian ngắn là có thể giao tiếp được khoảng 80 - 90% như người gốc vậy. “Đấy là cái tài của Yàng cho người Rơ Mâm chúng tôi đấy!” già A H’lới cười nắc nỏm tự hào khi nói thế.
Trưởng thôn A Ren kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện khá vui và thú vị. Những đứa trẻ người Rơ Mâm khi bắt đầu đi học, thường học chung với nhiều đứa trẻ dân tộc khác như: Kinh, Ba Na, Xê Đăng, Jrai…
Chỉ sau một thời gian ngắn tiếp xúc, những đứa trẻ người Rơ Mâm có thể dễ dàng nói chuyện được với những đứa trẻ dân tộc khác bằng tiếng của người dân tộc mà chúng giao tiếp. Nhưng ngược lại, nếu chúng nói tiếng Rơ Mâm thì những đứa trẻ kia sẽ không hiểu gì. Lên lớp cao hơn chút nữa, những đứa trẻ còn được học tiếng Anh, và bao giờ những đứa trẻ Rơ Mâm cũng có khả năng học và nói tiếng Anh tốt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác.
Cô giáo Đinh Hồng Thương, giáo viên trường tiểu học của xã nhận xét: “Các môn tự nhiên thì những học sinh này học vẫn bình thường, chỉ riêng môn ngoại ngữ thì các em học rất tốt, nhiều khi các em chỉ cần nghe nói là hiểu chứ không cần ghi chép như những học sinh khác. Điều đặc biệt là các em rất thích học ngoại ngữ!”.
Được biết, thời gian qua đã có 2 em học sinh người Rơ Mâm thi đậu vào ngành ngoại ngữ của trường Cao đẳng sư phạm Kon Tum.
Không chỉ già H’lới tự hào, mà nhiều người Rơ Mâm ở làng Le cũng bảo biết nhiều thứ tiếng là văn hóa bao đời của người Rơ Mâm, đó là điều mà người già truyền lại cho lớp trẻ, hết lớp này đến lớp khác để gìn giữ văn hóa của mình. Điều đó vô cùng đặc biệt trong thời buổi hiện nay.
Theo An ninh thủ đô
Nên xem
LĐLĐ quận Hoàn Kiếm bàn giao Công đoàn cơ sở
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Gần 300 đoàn viên, người lao động ngành NN&PTNT dự hội thao ở Đắk Lắk
Những điều người dân cần lưu ý trước khi mua nhà đất
Bầu cử Tổng thống Mỹ tác động như thế nào đến tỷ giá, lãi suất?
Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Tin khác
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hội đàm cấp cao với Trung tâm Những người lao động Brazil
Tin mới 05/11/2024 20:56
Khi nào có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024?
Quốc tế 05/11/2024 19:30
Để giá nhà chung cư không “nóng”
Bình luận 05/11/2024 18:28
Tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan là phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội
Sự kiện 05/11/2024 17:12
Ngày Pháp luật Việt Nam 2024: Đổi mới tư duy trong xây dựng, thi hành pháp luật
Sự kiện 05/11/2024 16:19
Sơn Tây: Thông tin về vụ sập nhà ở phường Quang Trung
Tin mới 05/11/2024 14:50
Đại biểu đề nghị giám sát các quỹ để quản lý, sử dụng hiệu quả
Sự kiện 05/11/2024 11:44
Năm 2024 cả nước tiết kiệm được khoảng 7.000 tỷ đồng chi thường xuyên
Sự kiện 05/11/2024 11:30
Đại biểu Quốc hội: Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng “tắc” do nguyên vật liệu
Sự kiện 05/11/2024 11:29
Đại biểu đề nghị tăng chi đầu tư phát triển cho y tế và giáo dục
Sự kiện 05/11/2024 10:42