Có ngăn chặn được ngộ độc cồn công nghiệp?
Chết và tàn phế nặng nhãn tiền
Trong 1 tháng qua, Khoa Hồi sức tích cực BV. E, Hà Nội tiếp nhận 3 ca ngộ độc methanol cấp rất nặng, trong đó một ca đã tử vong, một ca gia đình xin về khi khoa thông báo tiên lượng tử vong, bệnh nhân nhẹ nhất ra viện trong tình trạng mù hoàn toàn và di chứng thần kinh nặng...
Bệnh nhân xin về là Nguyễn Văn V, 48 tuổi, ở Kim Nỗ, huyện Đông Anh, Hà nội vào BV E cấp cứu khoảng 21h 14.7, trong tình trạng đau căng đầu, mờ mắt. Người nhà cho biết, bệnh nhân nghiện rượu nhiều năm, hay uống rượu ở quán gần nhà. Lần này, sau khi uống rượu 1 ngày, kêu rất đau đầu, nhìn mờ nặng dần. Bác sĩ trực khoa Cấp cứu khám thấy đau đầu vật vã, thị lực giảm trầm trọng, hai đồng tử giãn to…
Bệnh nhân được chuyển sang khoa Hồi sức tích cực trong tình trạng hôn mê sâu; suy hô hấp, tuần hoàn nặng. Ngay lập tức, phải thở máy, lọc máu cấp cứu, dùng thuốc giải độc nhưng vẫn hôn mê sâu, suy đa tạng. Xét nghiệm máu thấy nồng độ methanol 229,2 mg/dL (trên 20 mg/dL là ngộ độc, trên 40 mg/dL là ngộ độc rất nặng, nguy cơ tử vong). 16h ngày 17.7, gia đình xin đưa bệnh nhân về trước sự bất lực của các bác sĩ. Trước khi về, vợ bệnh nhân khóc không ngớt, với câu nói nhói lòng: “Bác sĩ ơi! Giờ chỉ còn cách đưa chồng tôi về nhà chờ chết thôi à”!...
Từ đầu năm đến nay đã có hàng chục ca ngộ độc methanol ở các địa bàn Hà Nội, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Bắc Ninh... PGĐ Sở Y tế Hà Nội, Hoàng Đức Hạnh cho biết, trong tháng 2 và đầu tháng 3.2017, TP có 28 ca ngộ độc methanol, trong đó 4 ca tử vong. Trừ ba người ngoại tỉnh và một người nước ngoài đang làm việc ở Hà Nội, còn lại cư trú ở quận Đống Đa, Hoàng Mai, Ba Đình, Thanh Xuân và huyện Phúc Thọ, Đông Anh. Những nạn nhân này đều mua rượu quán trên địa bàn TP... Từ đầu năm đến nay, riêng Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai tiếp nhận 34 ca ngộ độc methanol, gồm những bệnh nhân vụ ngộ độc ở Phong Thổ, Lai Châu và 12 sinh viên ngộ độc tập thể sau liên hoan 8.3; các ca lẻ tẻ; có 1 người nước ngoài và trong đó 9 ca tử vong, một ca xin về..., còn lại đa phần là các ca rất nguy kịch…
Bệnh nhân H.V.Q, 40 tuổi, ở Đông Triều, Quảng Ninh, uống rượu không rõ nguồn gốc trên địa bàn quận Cầu Giấy. Đến Trung tâm chống độc ngày 6.3 khi hôn mê, toan chuyển hóa nặng, phải đặt nội khí quản, thở máy, lọc máu... Xquang thấy não bị tổn thương nặng và chảy máu 2 bán cầu. Chiều 9.3, gia đình xin về sau khi biết tiên lượng rất xấu... Bệnh nhân L.V.M, 40 tuổi, ở Thuận Châu, Sơn La, đau đầu, mờ mắt, ngừng tuần hoàn sau uống rượu 18 giờ, hôn mê sâu, toan chuyển hóa.
Trung tâm phải chỉ định thở máy, lọc máu để thải trừ methanol… nhưng do ngộ độc rất nặng nên vẫn đang hôn mê sâu, phải duy trì thuốc vận mạch, tiên lượng rất xấu… Anh M, 35 tuổi, người Bỉ, giáo viên tiếng Anh, vợ người Việt, tối 3.3, trong bữa cơm có uống chút rượu trắng mua ở phố Pháo Đài Láng. Ngày 5.3 thấy mắt hơi mờ và khó chịu… Xét nghiệm tại BV Bạch Mai thấy nồng độ methanol 77g/dL và hiện thị lực giảm trầm trọng… Tính cả 50 người ngộ độc, trong đó 9 người tử vong ở Phong Thổ, Lai Châu dịp tết Đinh Dậu thì từ đầu năm đến nay cả nước đã có cả trăm ca ngộ độc và khoảng ba chục ca chết vì methanol…
“Trước đây, hôn mê, suy đa tạng do ngộ độc rượu độc chỉ có rải rác trong năm thì gần đây, hầu như tháng nào cũng có 2 - 3 ca nhập viện”, GS.TS Nguyễn Gia Bình, Trưởng Khoa điều trị tích cực, BV Bạch Mai nhận xét.
Methanol rất độc vì biến thành chất “ướp xác” trong cơ thể
Hàng năm Việt Nam có khoảng trên 1.000 ca ngộ độc methanol và trên 20 người tử vong (thống kê của Bộ Y tế). Nguyên nhân do nhầm lẫn, bởi không thể phân biệt được rượu truyền thống nấu từ gạo nếp, gạo tẻ, gần đây là ngô (ethylic, uống được) với methanol (không được uống) bằng nhìn ngửi, nếm, vì giống nhau “như đúc” là không màu, mùi hắc, vị cay hoặc uống phải rượu ethylic có lẫn methanol hay tự sát khi uống những chất dùng dung môi là methanol như dung dịch làm sơn, tẩy rửa (lau rửa máy photocopy, kính ôtô), dung môi làm sạch gỗ, chất chống đông lạnh, nước hoa, vecni đánh gỗ...
Ngộ độc methanol cấp do chế “rượu” trực tiếp từ methanol hoặc pha nồng độ cao methanol vào rượu truyền thống có tỉ lệ tử vong cao và nhanh chóng. Ví dụ năm 2005, ở An Giang, 9 người uống rượu độc, thì 6 người chết trước khi vào viện, 2 người chết tại BVĐK tỉnh, duy nhất 1 người được cứu sống - tất cả xảy ra trong vòng 24 giờ kể từ khi uống rượu.
Tháng 10/2008, BV Chợ Rẫy, TPHCM cấp cứu 31 ca ngộ độc methanol thì 11 ca tử vong. Kiểm nghiệm “Rượu nếp 29 Hà Nội” làm chết 6 người năm 2014, thấy hàm lượng methanol gấp 2.000 lần mức cho phép. Nguyễn Duy Vường, Giám đốc công ty CP xuất nhập khẩu 29 Hà Nội khai đã dùng 15.300 lít trong số 18.000 lít cồn mua của một Công ty TNHH hoá chất khác qua môi giới của Lưu Thị Thu Hà ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, để chế thành “Rượu nếp 29 Hà Nội”. Lô rượu này có methanol là do “nhầm” cồn công nghiệp với cồn thực phẩm do không kiểm soát quá trình nhập và không kiểm nghiệm cồn trước khi đóng rượu vào chai. Đây là một vụ điển hình về coi mạng sống con người “nhẹ như tơ hồng”...
Nói methanol (CH3OH) là cồn công nghiệp vì thường được dùng làm dung môi trong công nghiệp, tuy nhiên còn dùng cả ethanol (C2H5OH) cho mục đích này, nên nói “cồn công nghiệp” còn được hiểu là cả ethanol không tinh khiết do có lẫn các tạp chất (thường là độc) như các aldehyt, furfural, methanol, rượu bậc cao... Giống như ethanol, methanol hấp thu 100% vào máu và chuyển hóa, đào thải theo ba dạng: Thủy phân thành cacbonic (CO2) và nước; một phần đào thải nguyên dạng theo đường thở và tiết niệu; nhưng nguy hiểm nhất là oxy hóa thành formaldehyte (formol) - chất ướp xác kịch độc, chất này tiếp tục oxy hóa để thành axít formic làm máu bị axít hóa (bình thường pH máu 7,34 - 7,4), gọi là toan chuyển hóa.
Nồng độ cao axít formic làm suy gan, thận, tổn thương dây thần kinh thị giác (đôi dây thần kinh sọ não số 2) và võng mạc mắt, vì thế nếu thoát chết thì thị lực thường suy giảm trầm trọng hoặc mù hoàn toàn, dù nguyên thủy methanol có độc tính thấp. Liều độc với người lớn từ 0,12 % - 0,15% (uống 30 - 100ml loại 40%), uống 5 - 10ml đã ngộ độc, ngưỡng 0,05% đã có thể làm mù. Methanol vào máu nhanh hơn ethanol, nhưng lại đào thải chậm hơn 5 - 7 lần (do oxy hóa chậm) vì thế càng nguy hiểm hơn.
Ngộ độc biểu hiện bằng đau đầu, chóng mặt, giảm trương lực cơ (cơ mềm nhũn) và giảm cơ lực (giảm, mất khả năng xách, mang, vác...); đau bụng, nôn mửa; nhìn mờ, rối loạn phân biệt màu sắc; khó thở, tím tái; co giật hoặc ngủ mê mệt, không đáp ứng các kích thích; hôn mê, giãn đồng tử; rối loạn điện giải; chết sau 6 - 12 giờ hoặc sau vài ngày do toan chuyển hóa gây suy gan, suy thận, nhiễm độc, trụy tim mạch.
Tuy nhiên, chẩn đoán ngộ độc methanol không dễ vì các triệu chứng giống như ngộ độc ethanol như cồn cào dạ dày, ruột; nôn, buồn nôn; đau đầu; thở nhanh; mệt mỏi; giãn đồng tử (gây nhìn mờ). Người nghiện rượu ethylic mãn tính bị ngộ độc methylic càng dễ nhầm lẫn cho cả người nhà và thầy thuốc, vì các triệu chứng ngộ độc methanol bị biểu hiện say rượu (diễn ra hàng ngày) che lấp.
Người nhà có thể phát hiện ngộ độc methanol nếu bệnh nhân nhìn thấy các chấm sáng nhảy hay thấy toàn màu trắng, mất phản xạ với ánh sáng (chiếu và tắt nguồn sáng đèn pin điện thoại vào mắt, đồng tử không co, giãn)... Chẩn đoán xác định ngộ độc bằng định lượng formate (axit formic) máu. Chụp cắt lớp sọ não và cộng hưởng từ (MRI) có thể phát hiện phù và hoại tử các vùng chất xám của não, trong đó có một nhân xám gọi là nhân bèo, có giá trị tiên lượng.
Những tổn thương này giải thích các di chứng ngộ độc methanol (nếu thoát chết) như hội chứng Parkinson; vận động chậm; đờ đẫn hay mất trí... do không thể phục hồi vùng mô não đã chết vì methanol!? Việc điều trị rất khó khăn, rất tốn kém, vì ngoài các thuốc giải độc làm biến đổi các chất độc thành không độc thì lọc máu là phương pháp tăng đào thải methanol, formol và formic, thường phải sử dụng kể cả khi bệnh nhân nguy kịch (có rối loạn thị giác, suy thận, toan chuyển hoá...).
Nhiều năm gần đây, có thủ đoạn pha thêm vào rượu truyền thống một lượng nhỏ methanol để tăng độ “phê” nhưng giảm được giá thành gốc. Bằng chứng là gần đây trong một đợt kiểm tra thị trường, TP Hà Nội đã kiểm nghiệm 43 mẫu rượu, phát hiện 5 mẫu có hàm lượng methanol vượt ngưỡng cho phép nhiều lần, gồm 1 mẫu thu tại gia đình bệnh nhân Nguyễn Đình Chính ở số 59, tổ 24, phường Khương Đình, Thanh Xuân; 1 mẫu ở quán cơm số 1, Trung Liệt, Đống Đa; 1 mẫu ở quán cơm Vĩnh Thành, số 95, khu giãn dân Mỗ Lao, Hà Đông và 2 mẫu ở quán cơm 38, Chùa Láng, Đống Đa.
Thủ đoạn này tạo ra nguồn nhiễm độc tiềm tàng rất nguy hiểm, nạn nhân không ngộ độc cấp nhưng nội tạng bị tàn phá trong một thời gian ngắn... Với loại này, các triệu chứng ngộ độc xuất hiện càng muộn, càng thêm khó khăn cho chẩn đoán.
Sau hàng loạt vụ ngộ độc methanol, nhiều người e ngại rượu truyền thống, thì lập tức có dịch vụ ăn theo. Người ta bán máy lọc độc tố trong rượu giá từ trên 10 triệu đến vài chục triệu với những quảng cáo có cánh, nhưng thực chất công dụng thì rất mơ hồ. Những cơ sở bán máy này không có giấy chứng nhận kiểm định của cơ quan chức năng...
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, chưa thể khẳng định máy này có loại bỏ được chất độc hay không nên người mua cần thận trọng... Liệu máy có đảm bảo lọc rượu truyền thống chứa nhiều tạp chất độc (như rượu nấu từ sắn hay mía) thành đồ uống có cồn (cồn thực phẩm) tiêu chuẩn? Các chất độc hại có trong rượu truyền thống gồm methanol, các aldehyt, axit cố định và bay hơi, các chất este, rượu bậc cao, các chất cặn, các chất dễ bay hơi chứa nitơ mà với cồn thực phẩm chúng phải ở mức cho phép, ví dụ methanol không quá 0,5mg/L; đặc biệt chất furfurol (gây đột biến gen, ung thư gan, dạ dày) phải bằng 0. Còn với “rượu” pha chế bằng methanol thì chắc chắn máy vô dụng bởi bản chất “rượu” này là chất độc, khác với rượu truyền thống có nồng độ thấp các chất độc hại - thấp ở đây phải hiểu là trên mức quy định cồn thực phẩm...
Nói cho công bằng thì ngộ độc methanol là mối họa tiềm tàng của nhiều nước. Ấn Độ là nước có nhiều nhất những ca tử vong do methanol. Năm 1991, ở New Delhi có trên 200 người tử vong do thuốc chữa tiêu chảy có lẫn methanol; năm 1992, ở huyện Cuttack có 162 người chết do uống rượu có methanol; năm 2009, ít nhất 30 người ở bang Uttar Pradesh và hơn 100 người ở bang Gujarat chết do rượu độc; năm 2011, gần 170 người ở bang Tây Bengal tử vong cùng nguyên nhân; tháng 1.2016, ít nhất 29 người ở bang Uttar Pradesh thiệt mạng vì rượu độc thì tháng 7.2016 bang này lại có 21 người chết, 6 người bị mù vì methylic, trong khi nhiều người khác đang phải nằm viện.
Cảnh sát đã bắt giữ chủ tiệm rượu và một số công chức có liên quan... Năm 1998, Campuchia có trên 60 người chết do rượu có methanol. BV Christchurch ở New Zealand năm 2000 ghi nhận 26 ca ngộ độc methanol, 4 người chết trước khi vào viện, 4 người chết ở các giai đoạn hồi sức, điều trị tích cực và chăm sóc đặc biệt. Ở Na Uy, 4 tháng năm 2002, có 33 người nhập viện vì methanol, 5 người tử vong. Tuy nhiên, với quyết tâm “nói không với thực phẩm bẩn” chúng ta phải loại “rượu bẩn” ra khỏi đời sống xã hội, vì đây là một thứ làm suy thoái giống nòi.
Cả Thế giới đều phải tuân thủ theo quy trình: Cồn thực phẩm trộn hương liệu (bí quyết riêng) nhưng ở các nước nghèo hoặc đang phát triển rượu đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đắt so với túi tiền của những người thu nhập thấp nên tập quán uống rượu tự nấu, tự pha chế phổ biến. Để tránh tai họa, người dân tuyệt đối không uống rượu không rõ nguồn gốc.
Với xã hội không có cách nào khác là thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh tay hoặc truy tố theo luật. Đầu năm nay, Hà Nội đã tiêu hủy 1.870 lít rượu không có nguồn gốc, phạt tiền những người bán hơn 1,1 tỉ đồng. Đặc biệt, phải quyết tâm ngăn chặn nguồn nhập cồn công nghiệp bất hợp pháp và quản lý chặt chẽ nguồn nguyên liệu này.
Theo BS Văn Bình/Lao động
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Đặc sắc chương trình nghệ thuật “Tây Hồ toả sáng”
Thanh Trì: Triển khai cho vay ưu đãi gần 700 triệu đồng tháng 12
Lần đầu tiên ngành Thuế thu đạt 1,7 triệu tỷ đồng
Luật Thủ đô 2024: Cơ hội để Hà Nội phát triển thương mại văn hóa
Triển lãm “Thiên Quang”: Tôn vinh nghề thủ công truyền thống
Ăn thử xúc xích Cocktail của TH true FOOD: Tên nghe “wow”, còn hương vị thì sao?
Tin khác
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Hà Nội ghi nhận thêm 44 trường hợp mắc sởi
Y tế 17/12/2024 06:38
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46