Chuyện về những người con của Thủ đô ở Trường Sa
Nhớ Trường Sa 41 năm trước | |
VietinBank ủng hộ Quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” 5 tỷ đồng |
Song, điều khiến những chàng trai của Thủ đô Hà Nội linh thiêng và hào hoa luôn thấy tự hào là thời tuổi trẻ đẹp nhất đã được cống hiến cho Tổ quốc, được tôi luyện, thử thách ở nơi khắc nghiệt và gian khổ nhất. Môi trường đó đã giúp những người con của Thủ đô rắn rỏi và trưởng thành hơn rất nhiều.
Xúc động giây phút gặp “quê” ở Trường Sa
Tôi gặp Trung úy Nguyễn Viết Tưởng (người gốc ở xã Thủy Xuân Tiên, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) lần đầu vào năm 2015 khi có dịp ra thăm, chúc Tết quân và dân Trường Sa. Khi đó, anh đang công tác ở đảo Thuyền Chài. Đó là điểm đảo thứ 6 mà chàng trai trẻ Hà Nội đóng quân trong thâm niên 13 năm công tác ở Trường Sa. Còn hiện nay, Trung úy Tưởng đang đóng quân ở đảo Đá Lớn.
Vừa là rủi, nhưng cũng là dịp may khi bữa đó, cả đoàn công tác của tôi phải nghỉ lại ở đảo Thuyền Chài do kẹt con nước, không kịp về nơi tàu đang neo đậu. Nhưng cũng nhờ vậy mà tôi có cơ hội hiểu thêm về cuộc sống của những người lính hải quân trên đảo chìm và được nghe Tưởng kể câu chuyện xúc động về “lá đơn tình nguyện đi đảo” và giây phút xúc động được gặp “quê” trên đảo Thuyền Chài.
Trung úy Nguyễn Viết Tưởng (thứ ba từ phải sang) chụp cùng đoàn công tác của Thủ đô Hà Nội năm 2014. |
Tưởng kể: Hồi đó (năm 2002), em 19 tuổi, em đã viết thư tình nguyện xin vào hải quân gửi Ban Chỉ huy quân sự huyện, nhưng năm đó cả huyện Chương Mỹ chỉ có mình em đăng ký nên không được xét.
Năm sau, em lại kiên trì lên huyện đội đề nghị và may mắn đến tháng 7.2003 em được ra đảo. 13 năm, cứ đi – về, rồi lại đi, đến nay Tưởng đã đi qua 7 điểm đảo. Thời gian bên gia đình, vợ con, Tưởng nhẩm tính được khoảng hơn 3 tháng và 2 cái Tết sum vầy bên gia đình.
Vợ Trung úy Tưởng là cô giáo Đỗ Thị Thơm, hiện công tác tại Trường Mầm non xã Đông Sơn, huyện Chương Mỹ. Lấy vợ được 20 ngày, Tưởng nhận nhiệm vụ đi đảo. Đến khi cậu con trai cả Nguyễn Viết Khôi Nguyên được hơn 1 tuổi, Tưởng mới được về phép.
Trung úy Nguyễn Viết Tưởng (thứ hai từ phải sang) chụp cùng đoàn công tác của BV Bạch Mai vừa ra thăm đảo tháng 4.2016. ảnh: V.Q.T |
“Cảm giác được làm cha lần đầu khiến em nhớ mãi” - Tưởng nhớ lại: “Về đến nhà, điều đầu tiên em muốn thực hiện là ôm con trai bé bỏng vào lòng, nhưng đáp lại thái độ vồ vập của em, Khôi Nguyên khóc thét, không chịu theo em, mặc cho ông bà và mẹ ra sức dỗ dành. Rồi những ngày sau đó, ông bà và mẹ phải cố tình trốn đi để hai bố con làm quen với nhau.
Phải mất gần một tuần, Khôi Nguyên mới quen cha thì chỉ hơn 3 tuần sau, em lại phải quay vào đơn vị. Đến nay, vợ em sinh con thứ hai được 7 tháng, nhưng em cũng chưa có cơ hội biết mặt con”.
13 năm ở đảo, ấn tượng khó phai nhạt nhất của Tưởng khi nhớ về Thủ đô yêu dấu là giây phút được gặp những người đồng hương mà anh em ở đảo hay gọi với cái tên gần gũi “quê” vào năm 2014.
“Khi đó, em đang ở đảo Thuyền Chài. Đoàn công tác của TP.Hà Nội do Phó Chủ tịch UBND Thành phố Vũ Hồng Khanh dẫn đầu cùng nhiều cô, chú lãnh đạo thành phố lên thăm đảo. Các cô chú ấy đã chủ động tìm gặp em.
Cuộc gặp diễn ra chớp nhoáng, nhưng em còn nhớ như in những cái bắt tay rất chặt, ánh mắt thân thương, những lời thăm hỏi, sự quan tâm ân cần của chú Khanh, cô Phạm Thị Hồng Nga – Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội và nhiều cô, chú đến em và gia đình ở quê.
Đó là lần đầu tiên em gặp “quê” trên đảo. Giây phút xúc động và bất ngờ đó khiến em còn bâng khuâng nhiều ngày sau đó và đến tận bây giờ vẫn còn như in cảm giác vừa gần gũi, thân thương”.
Trung úy Tưởng kể thêm, sau khi về đến Hà Nội, cô Nga – Phó Giám đốc Sở GDĐT còn cử cán bộ đến gia đình em thăm hỏi, tặng quà, động viên vợ con em.
“Sự quan tâm ân cần đó khiến gia đình em thực sự xúc động, tiếp thêm sức mạnh giúp mỗi thành viên trong gia đình vượt qua nỗi nhớ nhung xa cách riêng tư, khắc phục khó khăn, lo tròn nhiệm vụ chung. Đó thực sự là những sợi dây gắn kết tình cảm rất ý nghĩa từ đất liền mà gia đình em mãi mãi khắc ghi” - Tưởng bộc bạch.
7 điểm đảo Tưởng đã qua thì có tới 6 điểm là đảo chìm. So với các đảo nổi thì điều kiện sống, đặc biệt là rau xanh, nước ngọt ở đảo chìm khó khăn, thiếu thốn hơn rất nhiều. Tưởng kể: Năm nay ít mưa, không chỉ Đá Lớn mà nhiều đảo khác, anh em phải chia nhau từng ca nước ngọt, có khi 4-5 ngày mới được tắm một lần.
Nước tắm, sinh hoạt cũng phải rất tiết kiệm để còn tận dụng tưới rau nữa. Cuộc sống ở đảo tuy khắc nghiệt là vậy nhưng tình yêu thương, sự sẻ chia giữa những người lính luôn đầm ấm như trong gia đình và luôn động viên nhau hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Gặp chàng trai “có duyên” với Trường Sa
Cũng từng đi đảo từ năm 2003, Trung úy Đỗ Trọng Tiến (SN 1984) – Phân đội trưởng Phân đội 3, Cụm chiến đấu 2 của đảo Trường Sa Lớn, quê ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm (TP.Hà Nội), tự nhận mình “có duyên” với Trường Sa. Tiến là một trong số ít chiến sĩ của Thủ đô trưởng thành từ “thủ phủ” của Trường Sa và tiếp tục quay trở lại công tác, phục vụ tại Trường Sa.
Cái “duyên” cũng là cái nghiệp lính hải quân đến với Tiến từ cú thi “trượt” Học viện Hậu cần. “Không đỗ vào học viện, ngay năm đó, em xin với bố mẹ vào hải quân. Đảo đầu tiên em nhận nhiệm vụ là đảo Trường Sa Lớn” - Tiến kể.
Khỏi phải nói những bỡ ngỡ của chàng trai Thủ đô lần đầu ra đảo, nhưng Tiến thích nghi khá nhanh, phấn đấu rèn luyện không ngừng, được kết nạp Đảng ngay trên đảo. Sau những nỗ lực không mệt mỏi và những ngày tháng ôn luyện, trở về đất liền, Tiến thi đỗ Trường Sĩ quan Lục quân.
Với những thành tích đó, sau khi học xong, Tiến có nhiều cơ hội để phục vụ công tác trong đất liền, nhưng đúng là “cái duyên với Trường Sa”, Tiến tiếp tục trở lại đảo công tác và hiện đóng quân ở Trường Sa Lớn.
Tiến tâm sự: Những năm công tác ở đảo, em luôn tự hào vì mình đã được cống hiến sức trẻ, góp phần nhỏ vào giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Sự khắc nghiệt ở đảo cũng là môi trường rất tốt giúp lớp trẻ như em có cơ hội rèn luyện, thử thách để trưởng thành, nhưng cũng là nơi mỗi anh em cán bộ, chiến sĩ được sống gần gũi, ấm cúng và yêu thương nhau như trong một gia đình.
“Em nhớ trong bài hát “Tổ quốc gọi tên mình” có câu: “Sóng cuồn cuộn lên dáng hình đất nước. Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau”. Đã là người lính, đặc biệt là lính hải quân, dù ở đâu và trong bất kỳ hoàn cảnh nào, em cũng luôn xác định phải thực hiện tốt nhiệm vụ.
Mình còn trẻ, còn sức khỏe càng phải cống hiến hết mình, không phải mong được ghi nhận mà làm sao thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình. Chủ quyền biển đảo nói riêng và chủ quyền của Tổ quốc nói chung là thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Lớp trẻ chúng em nguyện phục vụ hết mình để giữ vẹn nguyên từng tấc biển của Tổ quốc, Thủ đô yêu dấu linh thiêng và hào hoa” - Tiến chia sẻ.
Bảo Duy
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Hà Nội thí điểm mô hình thu gom rác trực tiếp
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21