Yêu lắm, Tây Nguyên ơi!
Những món ngon độc đáo từ đặc sản lá bép đại ngàn Tây Nguyên | |
Buôn Đôn đến một lần và nhớ mãi… |
Với những câu thơ này, hẳn nhà thơ đã nói hết được những vất vả, khó khăn mà cũng rất thơ mộng về cuộc sống của các chiến sĩ biên phòng. Chúng tôi may mắn hơn ông, không chỉ là “cho lòng theo” mà được tận mắt ngắm nhìn những cánh rừng lau trải dài như một thảm lụa, được nắm những bàn tay rắn chắc của các chiến sĩ biên phòng, ngay tại vùng biên cương Tây Nguyên, “có cái nắng, có cái gió…” như trong một bài hát rất nổi tiếng về Tây Nguyên.
Ta yêu nhau thì về Buôn Ma Thuột...
Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi trong chuyến công tác Tây Nguyên là Đắc Lắc. Tại Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng (BĐBP) tỉnh Đăk Lăk, Đại tá Lê Xuân Đáng - Phó chính ủy Bộ chỉ huy, người đã từng có mặt tại Đồn biên phòng Đá Bằng đi vào lịch sử trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1979, phác thảo những nét cơ bản: BĐBP tỉnh Đắc Lắc quản lý bảo vệ đoạn biên cương dài 73 km, tiếp giáp với tỉnh Mun-đun-ki-ri (Cam-puchia). Địa bàn khu vực biên giới gồm 4 xã: Krong Na (huyện Buôn Đôn); Ea Bung, Ia Rve và Ia Lốp (huyện Ea Súp).
Đại tá Lê Xuân Đáng hồi tưởng lại với tác giả về trận chiến tại Đồn biên phòng Đá Bằng năm 1979. |
Tại đây, hệ thống giao thông tuy đã được đầu tư xây dựng, song việc đi lại còn gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa lũ. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân các xã biên giới còn nhiều thiếu thốn, tỉ lệ hộ nghèo cao. Để phong trào xây dựng nông thôn mới đạt các tiêu chí và đi vào cuộc sống, Bộ chỉ huy BĐBP Đắc Lắc đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới, bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực giúp dân xóa đói, giảm nghèo, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng khu vực biên giới ngày càng ổn định và phát triển.
Chỉ đôi lời ngắn gọn, đơn giản như vậy, song chúng tôi hiểu, để thực hiện được những việc mà đại tá Lê Xuân Đáng nói, các chiến sĩ biên phòng ở đây đã thực sự coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt”. Và hơn ai hết, các anh càng thấm thía lời bài hát “Ta yêu nhau thì về Buôn Mê Thuột”. Phải yêu lắm, tâm huyết lắm mới có thể vượt qua được những khó khăn để cùng bà con giữ yên biên cương, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Như để minh chứng cho tấm lòng của BĐBP, đại tá Nguyễn Lương Hòa - Chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP Đắc Lắc, một người con của Hà Nội, đã có mấy chục năm gắn bó với Tây Nguyên, tóm tắt: Chỉ trong mấy năm gần đây BĐBP Đắc Lắc đã tổ chức hàng chục lớp xóa mù chữ cho bà con vùng biên; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho trên 10 ngàn lượt người; xây dựng hàng chục công trình dân sinh và trao tặng hàng trăm căn nhà cho các gia đình khó khăn ở các xã biên giới.
Chuyện ở xã có 22 dân tộc chung sống
Trong câu chuyện vui với chúng tôi, đại tá Lê Xuân Đáng ví xã Ia Rvê to gần bằng tỉnh Thái Bình. Dẫu biết mọi sự so sánh chỉ mang tính ước lệ, song quả thật, trên đường đến xã Ia Rvê, huyện Ea Súp, từ thành phố Buôn Mê Thuật, gần 100km đường rừng, với bạt ngàn lau, khộp, chúng tôi mới cảm nhận được sự mông mênh bát ngát của núi rừng Tây Nguyên. Bỗng ai đó ngâm nga câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Ở rừng, chỉ gặp rừng thôi!Cây le cành khộp, đội trời nắng hanh”. Dẫn đường cho chúng tôi thiếu tá Đỗ Văn Nhương - cán bộ tuyên truyền, phòng chính trị Bộ chỉ huy BĐBP Đắk Lắk, vốn là một người viết báo và yêu văn chương, như hiểu được tâm trạng của chúng tôi, anh góp vui: “Giữa rừng vẫn tiếng cười ran/Giữa nơi nước thiếu, chứa chan tiếng cười”. Bằng những câu thơ hay về bộ đội với rừng như thế, chúng tôi quên đi những mệt nhọc của cung đường còn nhiều “khiếm khuyết” và giật mình trước câu nói “đến rồi” của thiếu tá Đỗ Văn Nhương.
Để giúp chúng tôi hiểu thêm về những đóng góp của BĐBP trong việc phát triển xã vùng biên, thiếu tá Đỗ Văn Nhương dẫn chúng tôi vào UBND xã Ia Rvê. Tạm ngừng cuộc họp với công an, kiểm lâm và BĐBP, Phó chủ tịch xã Nguyễn Đức Tuấn (quê Thái Bình, vào đây từ năm 2004), cho chúng tôi biết: Ia Rvê là một xã giáp ranh với nước bạn Campuchia, có diện tích rộng hơn 22 ngàn ha, với 1.886 hộ dân, gần 7.000 nhân khẩu, trong đó có hơn 1.000 hộ nghèo (chiếm 74,4%); có 22 dân tộc cùng sinh sống, theo nhiều tôn giáo khác nhau. Từ khi có phong trào “Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới”, những việc làm của BĐBP đã đem lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể BĐBP đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; giúp nhân dân xây dựng mô hình phát triển kinh tế, như trồng ca cao, cao lương thay cho trồng điều, keo không còn phù hợp; huy động các nguồn lực xóa nhà tạm; xây dựng công trình dân sinh, như trường học, cấp nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ cây, con giống cho hộ nghèo; nhận đỡ đầu cho các cháu học sinh nghèo vượt khó; huy động hàng nghìn ngày công sửa chữa đường giao thông… Nhờ sự chung sức của BĐBP, xã Ia Rvê đã từng bước mang diện mạo của nông thôn mới và ổn định an ninh, quốc phòng.
Cái bộ đội tốt lắm
Dường như không muốn BĐBP nói về mình, thiếu tá Nhương dẫn chúng tôi đến trạm quân dân y kết hợp đặt tại tổ công tác biên phòng của đồn biên phòng Ia Rvê - một mô hình đậm nghĩa tình quân dân, mang dấu ấn đặc biệt của “bộ đội quân hàm xanh”. Tại đây, chúng tôi được gặp gỡ rất nhiều bà con đến thăm, khám bệnh. Y sĩ, đại úy Đỗ Văn Diện đang kê đơn phát thuốc cho cụ Đinh Thị Ken, 79 tuổi, dân tộc Dao từ Cao bằng vào đây năm 1993. Vui vì đại úy Diện đã tìm được căn bệnh đau đầu của mình, lại cấp cho “một đống” thuốc để điều trị, cụ Ken hồ hởi: “Cái bộ đội nó tốt lắm, nhờ nó mà bà còn khỏe ra đấy.
Y sĩ, Đại úy Đỗ Văn Diện khám và kê đơn phát thuốc cho cụ Đinh Thị Ken (79 tuổi, dân tộc Dao), quê Cao Bằng. |
Trước đau cái đầu mà phải lên trạm y tế xã xa ngại lắm nên cứ chịu đau thôi, giờ có cái bộ đội này hay lắm, vừa khỏe vừa vui…”. Cụ Nguyễn Thị Chành, 79 tuổi, dân tộc Tày từ Cao Bằng cùng con cháu về đây sinh sống, lập nghiệp, lại mắc chứng đau dạ dày đã lâu. Hằng ngày cụ vẫn lên rừng mót măng, kiếm củi bán lấy tiền phụ giúp con cháu, mỗi khi cơn đau lắng xuống. Cụ nói, căn bệnh dạ dày của cụ đã được các thầy mo, thầy cúng chữa nhiều lần mà không khỏi. Từ khi cán bộ biên phòng giải thích, vận động ra trạm quân y kết hợp khám bệnh, rồi được hướng dẫn, được cho thuốc, bệnh đã giảm hẳn. Cụ bảo: “Tiền tao kiếm được từ mót măng, kiếm củi có công lớn lắm của cái bộ đội, cả nhà tao ơn bộ đội lắm”.
Nghe các cụ thật thà tâm sự, chúng tôi nghĩ đến lời nói của Phó chủ tịch xã Nguyễn Đức Tuấn, đồng bào ở cái xã Ia Rvê này có tới 22 dân tộc cùng chung sống, mỗi dân tộc lại có một phong tục tập quán riêng, để hiểu được đồng bào, biết được tiếng các dân tộc, vận động, giúp họ xây dựng đời sống văn hóa chung, hòa đồng trong sinh hoạt và làm ăn kinh tế, đâu phải chuyện đơn giản. Vì thế, chúng chúng tôi dám chắc rằng, cùng với chính quyền xã, BĐBP đã phải cố gắng rất nhiều, yêu đồng bào rất nhiều mới có thể được dân tin yêu như vậy.
Trao đổi với chúng tôi, đại úy Đỗ Văn Diện cho biết: “Để gần gũi với người dân hơn, đồn biên phòng Ia Rvê đã cho lập trạm này, trạm có 4 người do đại úy Bùi Thanh Liêm, đội trưởng đội vận động quần chúng phụ trách. Riêng tại khu vực này đã có hơn 1.000 hộ dân với 4.000 khẩu, vì thế công việc của trạm rất vất vả. Ngoài việc giúp đỡ bà con phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa, cán bộ, chiến sĩ của đồn đã quyết định bớt một phần thuốc men ít ỏi được Bộ Tư lệnh cấp hằng năm để chăm sóc sức khỏe cho bà con. Mỗi ngày, trung bình trạm khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc cho từ 5 – 10 người. Nhờ đó, tình cảm giữa bộ đội với người dân rất gần gũi, như gia đình vậy. Vất vả thật, nhưng được bà con tin yêu, đồng lòng chung sức xây dựng và bảo vệ biên cương, thì vất vả nữa vẫn vui”. Chúng tôi hiểu tâm niệm của đại úy Diện cũng là tâm niệm chung của tất cả các chiến sĩ nơi biên cương của Tổ quốc.
Ăn tết hai lần
Tiếp chúng tôi tại “đại bản doanh” đồn biên phòng Ia Rvê, thượng tá Trần Quốc Oai, Chính trị viên, vui vẻ: “Chắc các nhà báo đã nắm được những hoạt động của đồn rồi, anh em ở đây phải cái làm được, nhưng nói thì khó lắm. BĐBP ở đâu cũng thế cả. Luôn coi “đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào là anh em ruột thịt”. Đúng là phải đến, gặp và chứng kiến những việc các anh đã làm mới thấy cảm phục và thấm thía câu nói rất quen thuộc, gỡ như đơn giản của thượng tá Trần Quốc Oai. Tiếp lời thượng tá Trần Quốc Oai, đại úy Trương Văn Hoành, Chính trị viên phó, cho biết: Đơn vị xác định việc nâng cao nhận thức cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu góp phần giữ gìn ổn định, phát triển vùng biên giới.
Thượng tá Trần Quốc Oai, Chính trị viên Đồn biên phòng Ia Rvê |
Với việc mở nhiều lớp xóa mù chữ, giúp đỡ bà con từ những việc nhỏ nhất hàng ngày; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương khảo sát và xây dựng các mô hình giúp dân phát triển kinh tế trong chăn nuôi, trồng trọt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng; thường xuyên thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, các hộ nghèo…góp phần giúp người dân yên tâm lao động sản xuất, bảo vệ biên giới. Từ những việc làm này, BĐBP đã nhận được sự tin yêu, gắn bó của người dân, nhờ vậy tuyến biên giới Ia Rvê không xảy ra tình trạng xâm nhập, vượt biên trái phép, góp phần xây dựng thế trận biên phòng ngày càng vững mạnh.
Trong bữa cơm thân mật với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng Ia Rvê, với những món ăn thật ngon do chính các anh tạo ra từ việc chăn nuôi, trồng trọt, lại được bàn tay người lính sắp "cũng rất ngon", chúng tôi được nghe rất nhiều câu chuyện vui, tưởng như bình thường, nhưng mang lại ý nghĩa rất sâu sắc. Đó là chuyện CBCS thường được ăn tết hai lần, không phải ăn tết lại như nghĩa sĩ Quang Trung đâu nhé, mà vì trước Tết cả tháng CBCS đã được ăn Tết, bởi đồn nhận được rất nhiều quà từ chính quyền địa phương, các doanh nghiệp và đồng bào thôn bản.
Đó là chuyện thượng tá Oai cùng đồng đội đang thử nghiệm mô hình nuôi vịt trời để nhân rộng ra các hộ dân. (Giờ tôi mới hiểu vì sao trong mâm cơm giữa chốn biên cương này lại có món vịt trời). Đó là chuyện về “chiến sĩ xóa mù”, trung úy Hoàng Văn Thọ, nhiều năm nay gắn bó với thôn, bản đưa cái chữ đến với đồng bào. Thọ kể rằng, nhiều lớp học “xóa mù” có cả gia đình với 3 thế hệ cùng đi học; có cô gái sau khi được xóa mù đã mạnh dạn mở quán tạp hóa phục vụ bà con quanh vùng. Rồi chuyện cán bộ, chiến sĩ của đồn nhận phụng dưỡng mẹ VNAH Nguyễn Thị Xuân, quê Bến Tre; nhận đỡ đầu 2 học sinh Bùi Anh Thơ và Võ Kim Ngọc, của trường THCS Nguyễn Đình Chiểu… Có lẽ từ tất cả những việc làm như thế đã tạo nên một đồn biên phòng Ia Rvê liên tục nhiều năm đạt danh hiệu quyết thắng.
Vĩ Thanh
Nói đến BĐBP không thể không nhắc tới cột mốc biên cương. Trong những chuyến công tác với BĐBP, chúng tôi đã được đặt chân đến rất nhiều cột mốc. Lần này cũng vậy, tại những cột mốc phân định ranh giới giữa nước ta với nước bạn Lào, Campuchia trên dải biên giới Tây Nguyên này, chúng tôi lại được nghe các anh giới thiệu, được chứng kiến các anh đang vững tay súng ngày đêm bảo vệ cột mốc chủ quyền, trong chúng tôi lại trào dâng một cảm xúc tự hào về các anh. Tôi bỗng nhớ đến câu thơ của Nguyễn Đình Chiến, trong bài thơ “Mùa Xuân nơi hẹn gặp”: “Biên cương ơi ký thác của bao đời/ Người sống để cháu con về hái lộc/ Thơ đã viết đầm đìa trên cột mốc/ Câu thơ nào tâm huyết của riêng tôi…”.
“Mùa Xuân nơi hẹn gặp”, tôi cứ trăn trở mãi với tứ của bài thơ và lại nhớ đến lời thượng tá Trần Quốc Oai về câu chuyện “ăn tết hai lần”, lòng bỗng thấy nhẹ nhõm trước sự lạc quan của các anh. Phải yêu Tổ quốc lắm, yêu nhân dân lắm mới có thể lạc quan như thế, và bên các anh luôn có sự yêu thương, đùm bọc của nhân dân địa phương, và một khi tình quân dân đã hòa quyện thì mùa Xuân luôn ở bên các anh, đó là niềm vui, là sức mạnh giúp các anh vượt qua mọi khó khăn vất vả hoàn thành sứ mệnh cao quý của “Anh bộ đội Cụ Hồ”. Tôi nghĩ đó chính là câu thơ tâm huyết nhất của các anh.
Gần dân, gắn bó với dân, giúp dân bằng những việc làm cụ thể, những chiến sĩ quân hàm xanh luôn được nhân dân yêu quý. Những việc làm của các anh không chỉ xuất phát từ tình cảm quân dân, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm cao cả của người lính biên phòng, bên cạnh nhiệm vụ thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn vùng biên cương của Tổ quốc. Cảm ơn các anh, qua các anh, chúng tôi càng: Yêu lắm, Tây Nguyên ơi!
Ghi chép của Nguyễn Mẫn Nhuệ
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Tạo điều kiện để trẻ em khiếm thị tiếp cận công nghệ
Cộng đồng 22/12/2024 06:53
Nhân lên niềm tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng
Cộng đồng 21/12/2024 11:47
Quận Thanh Xuân biểu dương cán bộ làm công tác dân số
Xã hội 21/12/2024 10:19
Ra mắt tính năng nhận diện “Ứng dụng chính thức của Chính phủ” trên Google Play
Xã hội 20/12/2024 12:24
Tập huấn kỹ năng truyền thông về sàng lọc trước sinh, sơ sinh cho cộng tác viên dân số
Xã hội 20/12/2024 06:53
Tiếp nhận hơn 107 tỷ đồng dành cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trong năm 2025
Cộng đồng 19/12/2024 23:11
Quận Thanh Xuân hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về dân số
Xã hội 19/12/2024 20:52
Xuân đẹp nhất khi còn bên bố mẹ
Cộng đồng 19/12/2024 17:42
Độc đáo nghề làm hoa tre
Cộng đồng 19/12/2024 16:30
Phát động chiến dịch “Những mùa xuân nguyên vẹn”
Cộng đồng 19/12/2024 13:21