Về nơi “ngẩng mặt đụng trời”
Hà Giang yêu thương! | |
Hà Giang tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch |
Khi chúng tôi chạm chân đến Hà Giang cũng là lúc tiếng gà trong bản xa cất tiếng gáy ngân nga, chào ngày mới. Dừng chân ăn sáng ở quán phở nổi tiếng của thành phố Hà Giang, cạnh quảng trường 26/3, chúng tôi cảm nhận được sự chân chất của người dân nơi đây. Bà chủ quán phở tay thoắn thoắt thái thịt gà, miệng vừa hỏi: “Đi chơi hoa tam giác mạch hả? Vừa lễ hội xong rồi, hoa sẽ kém sắc hơn đấy?”. Chưa kịp trả lời thì có đoàn khách khác lại tới. Tiếng nói cười ồn ã, phá tan cái tĩnh mịch, mờ sương rạng sáng.
Thành phố Hà Giang mới chỉ là điểm đầu, bởi nơi chúng tôi muốn chinh phục là cổng trời Quản Bạ, đèo Mã Pì Lèng, cột cờ Lũng Cú,… Đường tới những nơi này dù được trải nhựa nhưng lại quanh co, gấp khúc qua các sườn núi đá, càng lên cao càng ngoằn ngoèo, khúc khuỷu. Có những lúc xòe tay ra khỏi xe, chúng tôi như chạm vào mây. Còn phía dưới những con đường như sợi chỉ vắt trên núi là vời vợi, thăm thẳm vực sâu. Có những đoạn cong vòng một đường tròn, để rồi mở ra trước mắt là khung cảnh vô cùng hùng vĩ của núi non.
Nơi đây, ở khắp mọi nơi, những dãy núi đá nhọn đâm tua tủa với màu đen bóng bẩy. Đá làm nhà, đá làm hàng rào, người Hà Giang sống chung với đá tai mèo. Giữa những kẽ đá ấy, người ta gùi đất nhét vào từng kẽ đá, rồi vùi từng hạt ngô trong đá, tưới từng gáo nước cho cây. Giữa đá tai mèo là sắc ngô xanh rì. Giữa ngô và đá tai mèo là những bước chân thoăn thoắt của những chiếc váy Mông xanh, đỏ, ngày ngày đưa nước lên chăm cho ngô. Ngô làm rượu, làm bánh ngô. Ngô khi đồ lên được gọi là mèn mén, là món ăn hằng ngày của người dân nơi vùng cao này.
Đèo Mã Pì Lèng hay Sống mũi ngựa nằm trên con đường Hạnh Phúc, dài khoảng 20 km, nối địa phận hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Dù đoạn đèo không dài, nhưng xe nào cũng phải hai giờ đồng hồ mới qua hết. Rồi tiếp là những khúc cua quanh co, khiến ai cũng phải thót tim, bởi một bên là dốc đá sừng sững, bên kia là vực sâu thăm thẳm với dòng sông Nho Quế tựa dải khăn mềm mại vắt ngang núi, ngang trời. Đứng ở đây sẽ thấy con đường dài phía bên như một con rắn trườn mình, vắt từ núi này sang núi khác. Đèo Mã Pì Lèng là điểm đến rất hiếm người đến Hà Giang bỏ qua, thế nhưng người dân sống ở đây lại không chớp cơ hội kinh doanh hay buôn bán phục vụ khách du lịch mà vẫn cần mẫn với đồi ngô, con lợn, con gà.
Chị Nhinh - người bán bột nghệ ở đèo Mã Pì Lèng - tỏ ra là người rất hiểu chuyện. Chị cho biết, ngoài công ty du lịch ở dưới thành phố mở nhà hàng kinh doanh trên đỉnh đèo này, những người bán hàng ở đây đều là người Nho Quế sang cả. “Chúng tôi bán bột nghệ thôi, nghệ mình làm mà. Mỗi ngày cũng được 300 - 400 ngàn đồng, đủ nuôi các con. Nhưng vất vả lắm, ngày nào cũng phải dậy sớm, đi bộ vài tiếng mới đến nơi. Người dân ở quanh đèo chủ yếu trồng ngô thôi, sẩm tối rồi mới về nhà đấy” - chị Nhinh vừa nói, vừa chỉ tay về phía hai, ba người phụ nữ đang gùi cây ngô leo dốc.
Không lặng thầm như người dân ở đèo Mã Pì Lèng, người dân ở thị trấn Đồng Văn, hay người dân ở chân cột cờ Lũng Cú dạn dày hơn. Cô Thư - chủ cửa hàng lưu niệm lẫn đồ gỗ ở phố cổ Đồng Văn - hồ hởi chào chúng tôi như khách quen lâu ngày gặp lại. Cô bảo, nhà cô ở đây đã 5 - 6 đời rồi, Đồng Văn nay khác với Đồng Văn cách đây 20 năm nhiều lắm. Đời sống đã khá lên nhiều. Con cái cũng được gia đình cho học hành đến nơi đến chốn. Cả phố cổ này, nhiều người cũng có điều kiện xây nhà mới vài tầng, nhưng là phố cổ nên chỉ được tu sửa, bảo tồn theo quy định của Nhà nước. Cô Thư cho biết, sản phẩm thực chất của Hà Giang tiêu biểu là lạp sườn gác bếp, rượu ngô, bánh tam giác mạch,… còn đa phần là hàng Trung Quốc. “Lấy hàng bên Trung Quốc gần hơn mà”- cô Thư phân trần.
Còn anh Vàng Việt Quang - xe ôm ở dưới chân khu vực cột cờ Lũng Cú - cho biết, vào những ngày cuối tuần khách đến đây đông hơn. Vì thế, nhiều người dân ở đây tranh thủ làm xe ôm để đưa những du khách không quen leo bậc sau một chặng đường dài, lên thăm cột cờ. Trong số đó, có khoảng 5- 6 cô giáo cũng tham gia. “Lương giáo viên ít ỏi, trong khi đó gánh nặng gia đình lớn, nên các cô giáo cũng chẳng nề hà gì. Làm xe ôm, tháng cũng kiếm được gần đôi triệu, chỉ vào ngày nghỉ cuối tuần, thu nhập hơn cả lương ấy chứ”- anh Quang chia sẻ.
Anh Quang bảo, anh là người Lô Lô. Dân tộc anh có phong tục Tết rất đặc biệt. Chiều 30 Tết, thường tổ chức bữa cơm sum họp cả nhà. Mọi thành viên trong gia đình đều được gia chủ cúng sức khỏe, gọi hồn (hồn sống) về với ông, bà, cha mẹ, vợ con, anh em sum họp đầy đủ để đón mừng năm mới. Đàn ông, con trai được cúng bằng gà mái, đàn bà, con gái được cúng bằng gà trống. Chiều 30 Tết là ngày "niêm phong" cho tất cả những gì thuộc về gia đình. Từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái rựa, cái cày, cái bừa, cây cối quanh nhà, chuồng trại... đều được dán giấy quét màu vàng hay màu bạc để các vật này được "nghỉ Tết" và con người không được chạm đến hay di chuyển đi nơi khác. Đêm đón giao thừa là đêm nhộn nhịp nhất trong năm, cả bản đều thức. Các cụ bà cùng các cháu bé bên bếp lửa hồng với nồi bánh chưng và kể chuyện cổ tích râm ran. Các cụ ông thì nhâm nhi chén rượu. Thanh niên, thiếu nữ thì đi qua các nhà để xin lộc bằng cách "lấy trộm" vài thanh củi, mấy ngọn rau hay vài cành ngô khô đem về nhà. Khắp nơi hương khói, trong nhà đèn sáng tỏ, ngoài đường rực sáng những ngọn đuốc. Thanh niên và trẻ con đổ ra các ngả đường và tập trung ở các sân chơi để chờ gà gáy sáng.
“Người Lô Lô đón giao thừa từ tiếng gà gáy đầu tiên trong bản. Bất kể là gà nhà ai, miễn là ở trong làng có một con gà cất tiếng gáy đầu tiên là chủ gia đình gọi mọi người mừng năm mới. Chủ nhà thắp hương lên bàn thờ, quỳ khấn tổ tiên, mời các cụ trong dòng họ qua các đời về với con cháu ăn Tết. Trong gia đình cử người đi gánh nước, người thì cho lợn ăn, khua hết các con vật dậy. Tiếng lợn kêu, chó sủa, ngựa hí làm náo nhiệt cả làng. Người Lô Lô có câu: "Sống nhớ về tổ tiên, mồ mả, chứ không phải sống vì món ăn", cho nên, ngoài quan niệm vật chất còn có phần tâm linh, đó là mồ mả, bát hương thờ cúng ông bà, cha mẹ. Các anh chị lên chơi dịp xuân với người Lô Lô chúng em, vui lắm” – Vàng Việt Quang hồ hởi kể.
Chúng tôi chộn rộn bởi niềm vui xen lẫn tự hào của anh Quang về người Lô Lô. Và chúng tôi càng chộn rộn hơn, tim đập nhanh hơn, khi ngước nhìn lá cờ Tổ quốc trên cột cờ Lũng Cú vẫy gọi. Trải qua một chặng đường dài vất vả, cảm giác hồi hộp có chút thót tim vì độ cao, vì cái đánh lái của bác tài, hay sự “cựa mình” của hai xe ôtô tránh nhau,… bỗng bay đâu hết, còn lại trong chúng tôi là sự hồi hộp khi leo 389 bậc dẫn lên đỉnh núi nơi dựng cột cờ. Điều lạ là, khi chúng tôi tới chân cột cờ, trời vốn âm u bấy lâu lại bắt đầu tỏa nắng, xua tan màn sương mờ ảo giăng quanh, lá cờ đỏ sao vàng thiêng liêng có diện tích 54m2 - tượng trưng cho 54 dân tộc Việt Nam - được cắm trên cán cờ cao 13m tung bay trong gió thêm phần rực rỡ hơn.
Giây phút ấy, cả đoàn chúng tôi như ngập trong một trạng thái đặc biệt, cứ như cả Tổ quốc đang sừng sững trong tâm hồn mình.
Đứng dưới cột cờ Lũng Cú, chúng tôi nghe tổ quốc gọi tên mình |
Chúng tôi không ai bảo ai, đều đặt tay lên trái tim mình, xúc động nghẹn ngào và tràn đầy kiêu hãnh. Hình ảnh quốc kỳ ở nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc, với màu đỏ tươi ấy, cứ như len vào tim mình, âm vang đâu đây hồn thiêng sông núi, gợi lên cảm giác tự hào đầy niềm tin và hy vọng. Và ở nơi ấy, trên đỉnh núi Rồng (Long Sơn) dưới chân cột cờ Lũng Cú - điểm cao được ví là "nóc nhà nước Việt, nơi mà cúi mặt sát đất, ngẩng mặt đụng trời", chúng tôi đã nghe thấy Tổ quốc gọi tên mình.
Người ta bảo, Hà Giang vào mùa xuân là những vạt hoa tam giác mạch bồng bềnh. Vào mùa hè là những đồi ngô xanh biếc. Vào mùa thu là hoa cúc dại đắm say. Mùa nào trong năm đến với Hà Giang cũng mang đến cho mọi người cảm giác yêu thích. Đến một lần rồi lại muốn quay trở lại, để đắm mình trong những đám mây hoa, những phiên chợ rực rỡ sắc màu và khề khà trong men say của rượu ngô thắng cố những đêm muộn. Không những thế, Hà Giang lại có nhiều nơi để tới, để cảm nhận, rồi ngỡ ngàng. Đó là Cổng Trời, Núi Đôi "quang cảnh kỳ thú của tạo hóa" ở Quản Bạ, là đại ngàn thông reo ở Yên Minh, khu di tích Vua Mèo Vương Chí Sình ở Đồng Văn, nơi là trường quay của bộ phim nổi tiếng “Chuyện của Pao”,… Vì thế, tạm biệt Hà Giang, trong tôi cứ mãi lâng lâng với những niềm vấn vương khó tả…nhất định chúng tôi sẽ trở lại.
Thương Huế
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Tài xế sẽ phải kiểm tra lí thuyết, thực hành khi bị trừ hết điểm bằng lái
Hà Nội: Triệt phá đường dây nhập lậu hàng nghìn tấn “khí cười”
Festival Ninh Bình lần thứ III: Hé lộ sân khấu gây choáng ngợp
Nguồn sức mạnh nội sinh to lớn để phát triển Thủ đô Hà Nội
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Tỷ giá USD hôm nay 24/11: Đồng USD chốt tăng tuần 0,75%, đạt mức 107,49
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Tin khác
Man City 0-4 Tottenham: Thất bại thứ 5 liên tiếp của Man City
Thể thao 24/11/2024 08:15
Arsenal 3-0 Nottingham: Chấm dứt chuỗi 4 trận không biết mùi chiến thắng
Thể thao 24/11/2024 07:57
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
Thể thao 22/11/2024 23:26
Thái Lan công bố các môn thi đấu chính thức tại SEA Games 33
Thể thao 22/11/2024 16:56
Việt Nam vô địch tại giải Futsal nữ Đông Nam Á 2024
Thể thao 21/11/2024 22:17
Độc đạo tập cuối: Cái kết bi thương cho nhân vật Hồng
Điện ảnh 21/11/2024 14:16
HLV Pep Guardiola sẽ ở lại Man City đến năm 2027
Thể thao 21/11/2024 11:49
Ghi dấu ấn với những khoảnh khắc “Sống lại tiếng yêu đầu” với đêm nhạc Michael Learns To Rock
Âm nhạc 20/11/2024 16:20
Độc đạo tập 36: Cái kết liệu có trọn vẹn?
Điện ảnh 20/11/2024 11:25
Vòng loại World Cup 2026 khu vực Nam Mỹ: Messi kiến tạo để Martinez ghi bàn
Thể thao 20/11/2024 10:51