Tinh khôi hương sen ngày hạ
“Chúng tôi hướng đến dịch vụ hoàn hảo" | |
Doanh nghiệp và báo chí: Đồng hành cùng phát triển |
1. Làng tôi nằm mãi tận nơi đồng trũng Ứng Hòa, ngoại thành Hà Nội, bẵng đi nhiều năm làng đã lên phố. Bê tông, đường nhựa trải thảm, phẳng lì và hút mắt. Khang trang, hiện đại nhưng làng khác quá thành ra tôi thấy lạ. Vì sao lại như vậy, kỳ thực bản thân tôi cũng chẳng rõ, chỉ là tâm hồn có nét thoáng man mác buồn.
Đến mùa hoa sen nở thì xã An Phú (huyện Mỹ Đức) trở thành “thiên đường” dành cho ai đeo đuổi sự thanh khiết, thỏa thuê chụp ảnh, hít hà mùi hương của đất trời. |
Chẳng thế mà mỗi đận về quê, ngang qua những đầm sen ngút mắt tôi lại dừng xe cả non giờ đồng hồ chỉ để hít hà cho thỏa. Phần vì cái không khí thoáng đãng trong lành, lẽ khác là bởi tôi muốn ôm trọn một góc nỗi nhớ.
Đó là những ngày hè oi ả cùng đám bạn thả trâu vầy mình trong làn nước mát lạnh của những đầm sen, là những ngày trốn giấc ngủ trưa để đi trộm dăm bông sen còn đang e ấp, là những túi treo lủng lẳng đầy gương sen ngọt lịm khoe với cánh con gái sau những giờ trốn tiết học…
Thiếu nữ Hà Thành ghi lại khoảnh khắc đẹp bên sen. Ảnh: Đinh Luyện |
Lại nữa, trong đận đi tìm tinh hoa của nghệ thuật ướp trà sen trên đất Quảng An (quận Tây Hồ), tôi tình cờ được chỉ dẫn đến gặp nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, sinh năm 1948. Nhắc đến sen, trong tâm tưởng của người nghệ nhân già lại thoáng chút buồn. Hỏi thì ông bảo, sen trong ông cũng là cả một trời ắp đầy ký ức. Thế nhưng miền nhớ ấy nay chẳng còn lại bao nhiêu trước cơn lốc đô thị hóa. Trong tôi trào dâng sự đồng điệu về cảm xúc, người nghệ nhân già thấy vậy đã dành trọn cho tôi cả buổi sáng để trút nỗi hoài niệm.
Nghe thuật lại, từ xưa Hồ Tây là danh thắng bậc nhất của thủ đô, một phần nhờ có những đầm sen lớn ven hồ. Chẳng thế mà, người xưa đã tự hào đặt câu ca rằng: “Đấy vàng đây cũng đồng đen/ Đấy hoa thiên lý, đây sen Tây Hồ”. Sen Tây Hồ thường được gọi nôm là “bách diệp”, tức bông hoa có trăm cánh.
Thứ hoa thanh khiết này đã được danh nhân của đất Thăng Long Nguyễn Quý Đức (1648 - 1720) vận vào những câu thơ trác tuyệt như: “Thuyền chứa nguyệt đài ngần ánh tuyết/ Viện lồng hoa diệp biếc đầm sương/ Sen xanh ấn trúc lung lay nguyệt/ Vừng biếc hoa mai phảng phất hương...”. Nổi tiếng, thanh cao và rất mực đẹp đẽ là vậy nhưng nay, do tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, diện tích trồng sen ở Hồ Tây lại ngày càng bị thu hẹp. Hệ lụy nhãn tiền là, loại đặc sản trà sen Quảng An nay chẳng mấy người còn lưu giữ.
2. Là người Việt Nam hẳn chẳng mấy ai không thuộc bài ca dao “trong đầm gì đẹp bằng sen”. Cũng lạ, nếu để ý đôi chút có thể dễ dàng thấy sự thanh khiến rất mực của loài hoa này. Từ dưới bùn nhô lên sen vẫn sạch sẽ, lá trơn tuột không dính nước bùn dơ. Lá hoa màu sắc hài hoà, hương thơm dìu dịu mà không quyến rũ ong bướm.
Nhắc chuyện sen, nhà văn Nguyễn Văn Học – hiện đang công tác tại báo Nhân Dân bảo với tôi rằng, đó là nhân quả đồng hiện. Vì sao ư? Bởi ngoài điều kỳ diệu của sen là cải tạo môi trường làm cho xung quanh trở nên thanh tịnh thì việc hoa sen vừa trổ ra đã có gương, có hột, tựa như những hạt giống bồ đề, tâm bất thối chuyển.
Nhắc lại câu chuyện dang dở với nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, hỏi về cái thú lưu giữ tinh hoa của sen trên đất Quảng An sao nay quá ít người còn giữ? Chẳng cho một câu trả lời chính diện, thong thả nâng bàn tay nhâm nhi chén trà nóng đang tỏa hương sen thơm ngát, ông Xiêm hững hờ bảo: Ướp hương sen rất kén người làm. Người nóng tính, người sồn sồn, người vội vàng hấp tấp không thể làm được chè ướp hương sen. Nói cách khác, chỉ những người kiên nhẫn, tỉ mỉ và rất mực cầu kỳ mới có thể làm nghề.
Chẳng thế mà, trà sen kén người làm và cũng kén cả… người uống. Những người tính khí nóng vội rất khó để uống vì chén trà sen chỉ nhỏ như hạt mít. Những người quen uống trà mạn đặc, kiểu như trà cắm tăm cũng khó mà uống được trà sen bởi uống đặc quá thì hương sen không chỉ nồng mà ấm trà còn bị chuyển vị, trở nên chát đắng.
Theo nghệ nhân Ngô Văn Xiêm, để pha được ấm trà sen ngon thì phải chế vào ấm đất, da lươn, nhỏ bằng nắm đấm tay. Khi pha cho một lượng trà vừa phải bằng cách chia một lạng trà pha ra được 14 ấm. Cứ như vậy sẽ có một tỷ lệ trà pha chế hợp lý.
Thứ nữa, trà sau khi vào ấm thì phải đặt ấm bên trong một chiếc bát, sau đó đổ tràn nước sôi lên nắp để giữ nhiệt. Với trà sen, yêu cầu quan trọng nhất là nước phải sôi sùng sục. Nước càng nóng già thì hương sen càng lên đượm.
Một ấm trà sen đạt chuẩn là khi uống đến nước thứ 4 hay nước thứ 5 vẫn còn mùi hương sen phảng phất. Thấy tôi bâng khuâng khi thưởng thức chén trà, ông Xiêm rỉ rả: “Không phải ai cũng có điều kiện và có trình độ thưởng trà sen. Những vị khách sành trà bảo rằng, mỗi lúc dâng chén trà sen gần miệng, người ta không chỉ thấy hương trà, hương sen, dường như còn thấy cả hương của đất, của trời Tây Hồ phảng phất”…
3. Mùa sen ở Hà Nội chỉ kéo dài từ cuối tháng 5 đến đầu tháng 9. Những bông sen hồng tuy mộc mạc nhưng hương thơm lại tươi mát, thơm ngát và dịu dàng đến say đắm lòng người. Sen ở phố là vậy, nhưng hẳn ít ai biết rằng ở những miền quê vùng chiêm trũng ngoại thành thì chuyện thoát nghèo từ... sen cũng chẳng hiếm lạ.
Mới đây thôi, khi được phân công viết về sự đổi thay của các xã nghèo sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô tôi cứ băn khoăn mãi. May thay, như một cơ duyên định mệnh, chiếc hon đa cũ cứ thong dong đưa tôi lạc về miền sen An Phú (huyện Mỹ Đức). Nói như vậy cũng chẳng ngoa bởi gần nơi đây có tận gần… 200ha chuyên trồng sen. Sen mênh mông, bạt ngàn, cứ đến mùa hoa sen nở thì An Phú trở thành “thiên đường” dành cho ai đeo đuổi sự thanh khiết, thỏa thuê chụp ảnh, hít hà mùi hương của đất trời.
Chắc hẳn nhiều người vẫn còn nhớ một An Phú thuộc diện xã nghèo nhất của Thủ đô với muôn vàn khó khăn. Là xã miền núi của huyện Mỹ Đức với gần 70% số dân là đồng bào dân tộc Mường. Do địa hình lòng chảo nên việc sản xuất nông nghiệp của người dân gặp rất nhiều khó khăn, thường xuyên bị mất mùa do úng ngập, nhất là khi lũ rừng đổ về. Vào mùa mưa, cả xã như một ốc đảo, trắng xóa nước, nửa năm người dân phải chèo thuyền mà đi lại.
Vậy nhưng, giờ An Phú không chỉ thoát nghèo mà nông dân ở đây còn biết tận dụng lợi thế địa phương phát triển du lịch, nâng cao đời sống… Họ tận dụng lợi thế đồng trũng, chuyển sang trồng sen, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Chính quyền địa phương cũng rất nhanh nhạy khi định hướng người dân sang trồng sen.
Vừa có thu nhập vừa không lo ngập úng mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách tới tham quan. Sen chính là cây giảm nghèo, vươn lên khá giả và quan trọng hơn, cây sen đã mang đến cơ hội lớn cho xã An Phú về phát triển kinh tế du lịch xanh.
Tạm gác lại chuyện làm kinh tế, hẳn giữa bộn bề lo toan cuộc sống chốn thị thành, không ít người đôi lúc sẽ trào dâng cảm xúc chán chường, bế tắc. Chắc hẳn những nỗi niềm ấy sẽ ít nhiều được xoa dịu với sen. Có lẽ vì lý do đó mà cứ mỗi mùa sen về, xung quanh Hồ Tây có hàng nghìn người tìm đến. Suốt từ tờ mờ sáng, người ta đã nô nức kéo nhau lên Hồ Tây thưởng thức hoa Sen.
Người chụp ảnh, người thể dục, đôi khi có người tìm đến chỉ vì đơn thuần muốn hít hà cho thỏa thứ hương thơm của đất trời. Rồi tất thảy họ đều đúc rút ra rằng, thời gian ngắm sen lý tưởng nhất là vào buổi sáng, từ 7h đến 8h. Đây là lúc những đóa hoa sen nở đẹp nhất trong ngày. Ngắm sen vào lúc này cũng thú vị hơn bởi không khí buổi sáng trong lành, mát mẻ hòa quyện với hương sen ngọt mát, dìu dịu, tinh khiết... Cứ như thế, mỗi mùa sen qua đi, người ta lại chờ đợi một mùa sen mới về ngọt ngào trong ký ức và cảm xúc.
Đinh Luyện
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Liên thông kết quả khám để phục vụ người bệnh tốt hơn
Giúp người thu nhập thấp tiếp cận tài chính số
Phối hợp nâng cao chất lượng hoạt động Công đoàn khối Giáo dục
Cần quyết liệt xử lý nạn “quái xế”
Bông mua tím
Sức khỏe người lao động là “vốn quý” của doanh nghiệp
Giữ gìn giá trị truyền thống từ phong trào xây dựng gia đình văn hóa
Tin khác
Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam trưng bày 4 bảo vật quốc gia
Du lịch 03/11/2024 16:46
Lào Cai khởi động chương trình kích cầu du lịch lớn nhất năm 2024
Du lịch 30/10/2024 18:42
Góc nhìn chuyên gia trong ứng dụng công nghệ số vào du lịch
Du lịch 29/10/2024 20:38
Cửa Lò đón hơn 5 triệu lượt khách trong mùa du lịch năm 2024
Du lịch 24/10/2024 21:22
Hơn 2.000 du khách quốc tế đến Khánh Hòa bằng du thuyền
Du lịch 23/10/2024 11:22
Kích cầu du lịch “Nha Trang - Khánh Hòa, đến để yêu”
Du lịch 14/10/2024 13:04
Thiết kế “tour sáng tạo” thăm các công trình lịch sử tinh hoa của Hà Nội
Du lịch 11/10/2024 13:39
Hôm nay 10/10, xe buýt 2 tầng phục vụ miễn phí du khách tham quan Hà Nội
Du lịch 10/10/2024 10:47
Lễ hội Áo dài Du lịch Hà Nội 2024 khép lại thành công rực rỡ
Du lịch 06/10/2024 22:46
Du lịch Khánh Hòa phấn đấu đạt hơn 10 triệu lượt khách trong năm 2024
Du lịch 05/10/2024 06:37