Những người “giữ hồn” phố cổ
Hơn 60 năm nặng lòng với người dân phố cổ |
Kiên trì với khuôn gỗ truyền thống
Ông Phạm Văn Quang ở khu vực phố Hàng Quạt có lẽ là người duy nhất ở phố cổ vẫn còn làm những chiếc khuôn bánh trung thu, khuôn xôi, oản… bằng gỗ truyền thống. Cửa tiệm chỉ rộng chừng chục mét vuông nhưng có hàng trăm loại khuôn bánh, khuôn xôi với hoa văn, họa tiết bắt mắt như hoa cúc, hoa sen, cá chép, chữ Phúc, Lộc… luôn được xếp gọn gàng và trang trọng. Ông Quang cho biết, những chiếc khuôn đó là để bán cho các chủ hàng lớn ở khắp nẻo Bắc – Trung – Nam.
Đặc thù sản phẩm khuôn bánh, khuôn xôi oản không thể bán buôn số lượng lớn hay cho ra những lợi nhuận khổng lồ nên ngay từ xưa ở phố Hàng Quạt cũng chỉ có một số nhà làm nghề này. Thời đồ ăn nhanh lên ngôi, số lượng cửa hàng chỉ còn lại khoảng 2-3, chủ yếu bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Giữ được nghề làm khuôn, sửa khuôn theo đúng yêu cầu cho các nhà hàng, thợ làm bánh như hiện nay chắc chỉ còn lại cửa hàng của ông Quang.
Ông Quang chia sẻ, đã từng có thời gian gia đình ông chuyển về quê ở vùng ngoại thành nhưng nghề thì phải bám phố, ở phố mới có nhu cầu mua sản phẩm nên rồi ông nội ông lại mang nghề tiện gỗ lên Hàng Quạt. Tiếp đó, cha ông rồi đến giờ là ông vẫn gắn bó với nghề này. Khi xưa, phố Hàng Quạt lúc nào cũng rộn ràng tiếng cưa, tiếng đục…
Ông Phạm Văn Quang vẫn hàng ngày gắn bó với những chiếc khuôn gỗ truyền thống trong phố cổ. |
Những người thợ làm quanh năm không hết việc. Tuy nhiên, với công nghệ ngày càng phát triển, máy móc thay thế dần sức người. Những người thợ sản xuất khuôn bánh theo lối thủ công xưa cũng dần mai một. Người bỏ nghề, người chuyển sang khắc con dấu, làm mộc đóng bàn, ghế, giường, tủ…Con phố xưa vốn nổi tiếng với nghề làm quạt nay trở thành một trung tâm chuyên doanh các loại bàn thờ lớn nhỏ, các loại đối trướng kiểu cũ và các loại cờ trướng khen thưởng thi đua hiện đại. Ông Quang cũng nương theo đó mà vận dụng nghề mộc của mình làm hoành phi, câu đối, bàn thờ, đồ thờ để chiều lòng khách. Ông Quang bảo làm nghề mộc như ông không khó, bao nhiêu năm làm rồi kinh nghiệm cũng sẽ cho người ta những khuôn mộc vừa ý mình, vừa ý khách.
Nhưng đấy mới chỉ là làm thợ. Phố cổ không phải là nơi mở xưởng để đưa máy móc cơ khí lên làm việc. Khâu khắc thô hay sơ chế, ông chuyển yêu cầu về xưởng mộc ở Thường Tín để thợ làm. Xưởng hiện có 4 - 5 thợ làm mộc đều là họ hàng thân thuộc, hoàn toàn có thể thực hiện đẽo gọt đến thành phẩm các khuôn thậm chí rất phức tạp theo yêu cầu của ông. Nhưng có thể hiểu được ý khách hàng, đọc được những gì ở khách hàng kỹ tính hay sửa được khuôn bánh theo họa tiết cổ cầu kỳ thì đó mới là công việc quan trọng nhất của người thợ ngay giữa phố cổ này.
Nhiều năm với kinh nghiệm làm khuôn bánh bằng gỗ, ông Quang cho biết, tâm lý và trình độ của người đục đẽo ra chiếc khuôn ảnh hưởng lớn đến chất lượng của chiếc khuôn. Theo ông Quang, nếu làm khuôn không với cái tâm trong sáng, nóng nảy, không tỉ mỉ, chẳng bao giờ tạo ra được những chiếc khuôn bánh tinh tế được. Với mong muốn nối nghề của ông cha, ông Quang vẫn hàng ngày gắn bó với phố cổ, với dùi, với đục, với các loại khuôn bánh. Mặc dù, hiện tại khách không còn đông như xưa vì sự ra đời của các loại khuôn nhựa trên thị trường rất đa dạng. Tuy nhiên, khách đến cửa tiệm vẫn khá ổn định vì họ đều là những người yêu giá trị truyền thống, vẫn thích sử dụng khuôn gỗ.
Một gia đình năm thế hệ chế tác kim hoàn
Ngôi nhà của cụ bà Hoàng Thị Khuê nằm sâu trong con ngõ nhỏ trên phố Hàng Bạc luôn có nhiều người tìm tới mỗi khi có nhu cầu mua đồ bạc. Cụ Khuê là một trong những nghệ nhân am hiểu nghề chế tác kim hoàn hiếm hoi của phố nghề Hàng Bạc hiện nay. Sinh năm 1935, là con gái một chủ hiệu tơ lụa ở phố Hàng Đào, 19 tuổi, cụ về làm dâu gia đình chủ hiệu vàng Nghĩa Lợi ở phố Hàng Bạc. Ngày đó, việc chế tác kim hoàn và bán đồ mỹ nghệ vàng bạc của gia đình chồng cụ rất tấp nập.
Trong nhà có khoảng 3 đến 4 thợ chế tác chính cùng hàng chục thợ khác tại các xưởng. Đây là nghề gia truyền của gia đình, tính đến đời cụ Khuê là 4 thế hệ. Chính cụ Khuê cũng được mẹ chồng dạy nghề, sau đó cùng chồng tiếp quản cửa hiệu Nghĩa Lợi. Các anh em chồng của cụ thời đó đều có cửa hàng bán đồ mỹ nghệ riêng trên phố Hàng Bạc.
Khoảng những năm đầu 60 của thế kỷ trước, gia đình cụ Khuê tạm dừng nghề gia truyền. Cụ Khuê đi làm tại xí nghiệp dệt hơn 20 năm, cho tới khi về hưu được mấy năm, cụ quyết định tìm về với nghề xưa. Đó cũng là giai đoạn đất nước mở cửa, người dân đã có của ăn của để nên có điều kiện nghĩ tới việc mua trang sức làm đẹp cho mình hoặc để tích trữ. Cửa hàng mặt phố không còn, cụ Khuê đặt một chiếc tủ kính nhỏ ở đầu con ngõ 114 Hàng Bạc, bày bán chuyên về các đồ trang sức bằng bạc do gia đình cụ tự làm.
Dọc con phố có nhiều cửa hàng chế tác kim hoàn khá lộng lẫy, bắt mắt nhưng tủ đồ trang sức bạc của cụ Khuê vẫn có sức hấp dẫn riêng, là nơi tìm đến của nhiều người gắn bó lâu năm với Hà Nội. “Đồ trang sức của nhà tôi chủ yếu được làm từ bạc nguyên chất, tuyệt đối không trà trộn bạc kém chất lượng, không nguồn gốc”, cụ Khuê khẳng định. Không chỉ thế, cách bán hàng của cụ Khuê và con cháu cũng toát lên nét thanh lịch của người Hà Nội. Khách chỉ đến xem hàng mà không mua vẫn được gia chủ đón tiếp vui vẻ.
Ngoài các loại trang sức bạc truyền thống như bộ kiềng, vòng, nhẫn, hoa tai… để bắt kịp thị hiếu khách hàng, mỗi năm, cụ Khuê lại sáng tạo, cho ra mắt thêm nhiều sản phẩm bạc mới với mẫu mã, hoa văn cũng hiện đại hơn. Đó có thể là đồ lưu niệm mang bản sắc Việt Nam như chiếc nón lá, bát, đũa, hộp đựng trầu in hình hoa sen… phục vụ du khách ngoại quốc mua về trưng bày, hay sợi dây chuyền có hình hoa sen, hoa cúc… đậm chất Hà Nội. Ngoài ra, nhiều du khách còn tìm đến tận nhà đặt cụ làm theo mẫu riêng, hoặc đưa ra ý tưởng rồi sau đó cụ sẽ giúp họ chế tác ra sản phẩm ưng ý.
Cụ Khuê cho biết, hiện, máy móc đã giúp người thợ làm bạc giải phóng được sức lao động. Tuy nhiên, đồ bạc muốn đẹp vẫn phải được chế tác bằng tay. Người thợ thủ công phải cực kỳ tỉ mỉ, khéo léo, bỏ nhiều công sức chạm, đục từng nét hoa văn trên sản phẩm, hay có những sợi dây chuyền, phải tỉ mỉ se từng sợi bạc nhỏ mới thành. Hiểu và yêu nghề như vậy, nên chỉ cần lướt qua một sản phẩm bạc, cụ Khuê có thể biết sản phẩm đó được làm ra như thế nào, bằng tay hay bằng máy, có sự dụng công của người thợ không, chất lượng tốt hay xấu. Ở tuổi ngoài 80 nhưng những đam mê với nghề làm bạc dường như chưa bao giờ phai nhạt trong người phụ nữ này.
Giữa tấp nập của phố cổ hôm nay, những nghệ nhân như ông Quang hay cụ Khuê vẫn nhẩn nha giữ nghề truyền thống. Dường như với họ, nhiệm vụ quan trọng nhất ở đây là “giữ hồn” phố cổ chứ không phải để làm giàu.
Hà Phong
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Phổ biến pháp luật cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài
Bình Dương: Điều động, bổ nhiệm nhiều cán bộ chủ chốt
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Lĩnh 19 năm tù vì tưới xăng đốt nhà hàng xóm
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Tin khác
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00
Để xứng đáng với “nghề cao quý dưới ánh mặt trời”
Gương sáng 17/11/2024 14:57
Người quản đốc yêu nghề, không ngừng sáng tạo
Gương sáng 15/11/2024 15:05
Cô giáo hết lòng vì học sinh thân yêu
Gương sáng 10/11/2024 20:28
Tiếp thêm niềm tin cho người khuyết tật
Gương sáng 08/11/2024 18:25
Thầy hiệu trưởng tâm huyết, sáng tạo
Gương sáng 06/11/2024 19:04
Bí thư chi bộ hết mình với công việc
Gương sáng 06/11/2024 16:12
Nữ nông dân thành công từ mô hình nuôi bò sữa
Gương sáng 03/11/2024 09:10