Kỳ cuối: Xây dựng môi trường học tập an toàn, trường học hạnh phúc
Kỳ 2: Mấu chốt nằm ở khâu thực thi pháp luật | |
Kỳ 1: Phòng ngừa xâm hại tình dục học đường: Đừng để mất bò mới lo làm chuồng |
Lấy học sinh làm trung tâm
Nhắc đến môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, không ít chuyên gia cho rằng, đó phải xuất phát từ yếu tố tích cực. Sự tích cực này không chỉ giúp học sinh phát huy tiềm năng mà còn khơi dậy sự sáng tạo và lối sống tốt đẹp. Chính vì vậy, việc xây dựng bầu không khí học tập thân thiện, cởi mở, lấy học sinh làm trung tâm đã và đang được nhiều nhà trường, thầy cô áp dụng để mang lại hiệu quả giáo dục tốt nhất.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo nhằm bảo đảm môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện và phòng chống các vấn nạn học đường rất đầy đủ. Tuy nhiên, trong thực tế công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng còn thiếu hướng dẫn ứng xử trong những tình huống cụ thể, thiếu các điều kiện cần thiết để triển khai. Ngoài ra, sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội chưa chặt chẽ và chưa thực sự hiệu quả.
Chỉ khi có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội mới có thể hình thành môi trường văn hóa học đường bền vững, an toàn. Ảnh minh họa: P.T |
Theo Thạc sĩ Tâm lý Đinh Đoàn, các vấn nạn học đường trong đó có xâm hại tình dục và bạo lực luôn để lại những di chứng nặng nề, gây tổn thương dài lâu tới nạn nhân. Có một điểm đáng lưu ý là hiện học sinh ở các cấp học, do còn non nớt, thiếu khả năng bộc lộ ý chí đúng đắn, thiếu kỹ năng tự bảo vệ mình, lại trong quan hệ phụ thuộc, tâm lý e sợ thầy cô giáo… thường dễ trở thành mục tiêu tấn công của tội phạm. Chính vì thế, với những nguy cơ này cần ngành giáo dục nhận diện và tìm giải pháp ứng phó.
Ghi nhận thực tế quanh vấn đề xây dựng môi trường học tập an toàn, cá nhân người viết đã gặp và tiếp xúc với không ít những điển hình tích cực đang ngày đêm cống hiến, tô đẹp cho ngành giáo dục. Còn nhớ khoảng cuối tháng 1/2019, trong dịp theo chân đoàn công tác của Vùng 1 Hải quân ra những hòn đảo vùng địa đầu Đông Bắc Tổ quốc như tuyến đảo Trần (xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh) và đảo Trà Bản (xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), người viết đã gặp cô giáo Nguyễn Thị Hợi (sinh năm 1966).
Tính đến nay cô Hợi đã có 30 năm công tác ngoài xã đảo. Hiện cô đang là giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Bản Sen. Theo cô Hợi, việc lấy học sinh làm trung tâm không có nghĩa chỉ giáo viên chủ nhiệm chịu trách nhiệm, quan tâm sát sao tới chất lượng học sinh mà Ban Giám hiệu cũng phải theo dõi sự tiến bộ của từng học sinh. Khi học sinh được đặt vào vị trí trung tâm sẽ tạo ra những động lực để toàn thể nhà trường và phụ huynh cùng tham gia vào quá trình hoạt động giáo dục, giúp giáo dục thêm hiệu quả, trúng đích.
Hay như quan điểm của thầy giáo Nguyễn Văn Nghiệp (Hiệu trưởng kiêm Bí thư Chi bộ Trường THCS Phú Châu, huyện Ba Vì) - người thường được nhắc tới với thành tựu “Tiếng trống học bài”, bên cạnh việc truyền thụ kiến thức thì trong mỗi tiết học giáo viên cần biết cách khuyến khích, tạo điều kiện để học sinh được nói lên tiếng nói của chính mình. Học sinh có thể trao đổi thẳng thắn về một vấn đề mà mình còn vướng mắc, được quyền nói ra suy nghĩ trái chiều để trao đổi cùng giáo viên… Những trao đổi hai chiều ấy sẽ giúp người thầy hiểu hơn về tính cách, khả năng tiếp nhận bài, khả năng tư duy, suy nghĩ hành động của mỗi học trò. Từ đó sẽ tìm ra cách giáo dục phù hợp.
Dù góc nhìn nhận, phương cách triển khai có khác nhau nhưng ở hai nhà giáo trên đều có chung một điểm là làm sao để giúp học sinh cảm nhận được tình yêu thương, sự tôn trọng và an toàn trong môi trường học đường. Và với việc tạo nên bầu không khí thoải mái, chủ động tương tác với bài học đã trực tiếp góp phần phát huy đa dạng các giá trị tích cực.
Không chỉ là khẩu hiệu
Theo ghi nhận, hiện nay đã có khá đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về môi trường giáo dục an toàn và phòng, chống bạo lực học đường nói chung và các hành vi vi phạm pháp luật nói riêng như: Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012; Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017): Tội cố ý gây thương tích (Điều 134, được sửa đổi, bổ sung tại khoản 22 của Luật sửa đổi, bổ sung năm 2017); Tội làm nhục người khác (Điều 155).
Luật Trẻ em năm 2016 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành và các Nghị định hướng dẫn… Chưa hết, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành nhiều Chương trình, Đề án về phổ biến giáo dục pháp luật với một số đối tượng thanh, thiếu niên như: Đề án “Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường” giai đoạn 2009-2012; Đề án “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh, thiếu niên giai đoạn 2011-2015” và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý gia hạn Đề án đến năm 2020…
Hành lang pháp lý là vậy song trên thực tế, đặc biệt là qua một số các quy định của pháp luật về phòng, chống bạo lực học đường nói riêng và bảo vệ trẻ em nói chung gắn với xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện theo Nghị định số 80/2017/NĐ-CP của Chính phủ cũng cho thấy, đã và đang có một số hành vi chưa có quy định pháp luật điều chỉnh; mức phạt tiền đối với một số hành vi bạo lực học đường còn thấp chưa có sức răn đe, giáo dục...
Ví dụ, thực hiện Nghị định 80/2017/NĐ-CP, Bộ Giáo dục và Đào tạo có 2 Thông tư hướng dẫn thực hiện công tác tư vấn tâm lý cho học sinh và hướng dẫn công tác xã hội trong trường học. Theo đó, tất cả các trường phổ thông đều thành lập tổ tư vấn tâm lý, tổ chức giáo dục kỹ năng sống, tiếp nhận các tâm tư, vướng mắc của học sinh để tư vấn; rà soát, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn, yếu thế... để có thể học tập tốt như các bạn có điều kiện gia đình bình thường. Tuy nhiên, phải nói rằng việc cập nhật các chính sách, quy định của ngành đối với từng cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh còn bất cập. Vẫn còn có địa phương, nhà trường chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa nghiêm túc các chỉ đạo này.
Theo PGS.TS Trần Thành Nam (Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội), việc làm thế nào để có môi trường học tập an toàn, xây dựng trường học hạnh phúc… nên được xem như một vấn đề khoa học nghiêm túc, cần dựa trên khung lý thuyết với các chỉ báo cụ thể có thể đo lường được ở các chủ thể trong trường; những chính sách đưa ra cần dựa trên bằng chứng thực nghiệm cụ thể…
Còn Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm (Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội) cho rằng, điều kiện tiên quyết, cần triển khai sớm là cần tập trung và làm đồng bộ nâng cao nhận thức về pháp luật, nâng cao nhận thức về trách nhiệm của tất cả các tổ chức bảo về trẻ em. Nói cách khác, bảo vệ trẻ không những chú trọng đến nhà trường mà phải chú trọng đến gia đình và cả địa phương. Riêng về phương diện nhà quản lý giáo dục thì nội dung và phương pháp giáo dục phải làm sao cho có hiệu quả hơn, đến được với học sinh. Cùng với đó, cần nâng cao nhận thức cho học sinh thông qua các khóa học giá trị sống, kỹ năng sống.
Rõ ràng, “chân kiềng” giáo dục là gia đình - nhà trường - xã hội luôn là nguyên tắc bảo đảm cho mọi hoạt động giáo dục đạt hiệu quả. Và công tác xây dựng môi trường giáo dục thân thiện và có văn hóa, ngoài việc xây dựng các quy tắc rõ ràng, đo đếm được và khả thi thì cần có chế tài, trách nhiệm cụ thể của mỗi cấp quản lý, của nhà giáo, học sinh trong việc thực thi và giám sát. Phụ huynh học sinh cũng cần cộng đồng trách nhiệm, nghiêm túc tham gia việc thực thi và giám sát để việc xây dựng trường học văn hóa trở thành nhu cầu của chính mỗi đơn vị. Đây cũng chính là giải pháp tích cực để chủ động ngăn ngừa những hành vi tiêu cực trong môi trường học đường hiện nay.
Phạm Thảo - Giang Nam
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Lịch thi đánh giá năng lực năm 2025 của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Giáo dục 22/11/2024 19:28
Trao giải cuộc thi viết “Những kỷ niệm sâu sắc về thầy cô và mái trường” năm 2024
Giáo dục 22/11/2024 19:01
Cô giáo mầm non với nỗ lực giữ gìn nét đẹp dòng tranh dân gian Hàng Trống
Giáo dục 22/11/2024 06:05
Chung tay nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô
Giáo dục 21/11/2024 07:42
Nền tảng góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Giáo dục 20/11/2024 16:21
Lớp học tiếng Anh miễn phí dành cho các học viên khiếm thị
Xã hội 20/11/2024 14:20
Lời tri ân gửi đến những người “lái đò” thầm lặng
Giáo dục 20/11/2024 06:36
Hà Nội: Biểu dương nhiều nhà giáo lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp
Giáo dục 19/11/2024 22:02
Ba Đình: Tuyên dương điển hình tiên tiến, nhà giáo tiêu biểu năm 2024
Giáo dục 19/11/2024 18:50
“Người lái đò” tận tâm và nhân hậu
Giáo dục 19/11/2024 16:40