Có thể nói, nhà trường không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là xã hội thu nhỏ. Nơi đây, học sinh được thầy cô rèn luyện nhiều kỹ năng sống, chuẩn bị hành trang tốt nhất sẵn sàng bước vào cuộc sống. Để môi trường học đường thực sự trở thành “ngôi nhà chung” lành mạnh, việc trang bị cho các em những kiến thức cơ bản về pháp luật là cần thiết. Thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các em học sinh. Việc học sinh được trang bị kiến thức và tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ góp phần kiến tạo môi trường học đường lành mạnh. |
Ở lứa tuổi học sinh, việc trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về phòng cháy chữa cháy và sử dụng điện an toàn là vô cùng cần thiết. Cuối tháng 11 vừa qua, Trường Tiểu học Lý Nam Đế (huyện Hoài Đức, Hà Nội) đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Công an huyện và Công ty Điện lực Hoài Đức tổ chức tập huấn tuyên truyền sử dụng điện an toàn - hiệu quả, phòng ngừa tai nạn về điện và đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy tới toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên cùng hơn 800 học sinh của trường. Ông Ngô Xuân Giáp đến từ Công ty Điện lực Hoài Đức nhấn mạnh, an toàn điện là một vấn đề vô cùng quan trọng, nhất là với trẻ em. Học sinh cần hiểu rằng điện có thể gây ra điện giật, cháy nổ nếu không sử dụng đúng cách. Do đó, các em phải nhận thức được sự nguy hiểm của điện để biết cách sử dụng điện an toàn tại gia đình, trường học. |
Để phòng tránh các tai nạn về điện, học sinh tuyệt đối không được thò tay hay các vật dụng làm bằng kim loại vào ổ cắm điện. Chỉ người lớn mới được phép rút phích cắm các thiết bị điện. Trẻ em không nên chơi đùa gần các thiết bị điện như quạt điện, đèn chiếu sáng, tivi... Nếu phát hiện dây điện bị hở phải báo ngay cho người lớn. “Nước là chất dẫn điện rất tốt, vì vậy các em tuyệt đối không được chạm vào bất kỳ thiết bị điện nào khi tay còn ướt; không chạm tay vào chỗ hở của đường dây hoặc các bộ phận kim loại nghi là có điện. Việc sửa chữa các thiết bị điện phải do người có chuyên môn thực hiện”, ông Ngô Xuân Giáp khuyến cáo tới học sinh. Tại chương trình, toàn thể học sinh, giáo viên nhà trường đã được phổ biến những kiến thức cơ bản về tiết kiệm, an toàn điện trong trường học, gia đình. Các em nắm được kỹ năng sử dụng điện ngay tại phòng học như: Chỉ bật đèn điện khi lớp học thiếu ánh sáng, tắt điện khi không cần thiết và sau khi tan lớp. Khi phát hiện sự cố về điện, học sinh cần bình tĩnh, tắt cầu dao để ngắt nguồn điện rồi báo cho người lớn hoặc gọi theo số điện thoại của cơ quan điện lực. Tuyệt đối không được tự ý xử lý các sự cố điện nếu không có kinh nghiệm để đảm bảo an toàn cho bản thân. |
Tiếp nối nội dung trên, Trung úy Phan Mạnh Thanh - Cán bộ Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Hoài Đức phân tích thêm với học sinh: Một khi sử dụng điện sai cách sẽ rất dễ dẫn đến sự cố cháy nổ gây mất an toàn tới tính mạng con người cũng như tài sản. Do đó, học sinh phải được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản về an toàn phòng cháy. Một trong các kỹ năng quan trọng đó là học sinh biết cách sử dụng bình chữa cháy cầm tay cũng như cách xử lý, thoát nạn khi xảy ra cháy nổ. Tại đây, các cán bộ chiến sĩ đã hướng dẫn cho từng thầy cô giáo, học sinh cách dùng bình chữa cháy để dập tắt đám cháy nhỏ. Đồng thời học cách di chuyển thấp người, lấy khăn ướt che mũi miệng và di chuyển ra khỏi khu vực xảy ra cháy... |
Giữa tháng 10 vừa qua, Trường Trung học cơ sở (THCS) và Trung học phổ thông (THPT) Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) tổ chức tuyên truyền về phòng chống tác hại của thuốc lá, thuốc lá điện tử và các tệ nạn xã hội cho học sinh toàn trường. Cô Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, tuyên truyền phòng chống ma túy học đường có ý nghĩa quan trọng trong việc bảo vệ học sinh, tạo môi trường học tập lành mạnh và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ma túy. Đồng thời giúp học sinh hiểu rõ về tác hại của ma túy đối với sức khỏe, từ đó có ý thức tránh xa và phòng ngừa. Do đó, công tác tuyên truyền về phòng chống tác hại thuốc lá nhằm hướng đến mục tiêu giảm dần tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử, phòng chống bệnh không lây nhiễm, tệ nạn xã hội cũng như xây dựng “Trường học không khói thuốc lá”. Đây cũng là hoạt động nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường trong nhiều năm qua. |
Cũng theo cô Liên Na, khi trường học không có sự xuất hiện của ma túy, học sinh sẽ có môi trường an toàn hơn để phát triển toàn diện về thể chất và trí tuệ. Thông qua các chương trình tuyên truyền, học sinh được trang bị kỹ năng từ chối, giải quyết tình huống và nhận biết các nguy cơ liên quan đến ma túy. Không chỉ là trách nhiệm của nhà trường, tuyên truyền còn hướng đến sự tham gia của gia đình, xã hội trong việc đồng hành cùng học sinh phòng chống tệ nạn này. Trung tá Trần Thị Thu Hà - Cán bộ thuộc Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) cho biết, gần đây trào lưu hút thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử đang ngày càng xâm nhập vào môi trường học đường và gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của học sinh tuổi vị thành niên - lứa tuổi hiếu kỳ, thích thể hiện và khám phá bản thân. |
Vị chuyên gia phân tích, thuốc lá điện tử là một thiết bị cho phép hít khí nicotine ở dạng hơi chứ không phải khói. Thuốc lá điện tử mô phỏng hình dạng và chức năng của thuốc lá thông thường. Khác với thuốc lá thường, thuốc lá điện tử không tạo khói mà tạo ra luồng hơi có mùi vị và cảm giác giống như thuốc lá thật. |
Vào đầu tháng 10, Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội - Công an huyện Hoài Đức đã phối hợp cùng Ban Giám hiệu Trường THPT Hoài Đức C (huyện Hoài Đức, Hà Nội) tổ chức chuyên đề “Tuyên truyền Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ” tới toàn thể cán bộ, giáo viên và hơn 1.400 học sinh của trường. Tại đây, Thiếu tá Đỗ Minh Dương đã giới thiệu tới các em học sinh một số điểm đáng chú ý trong Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 29/6/2024, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Với lứa tuổi học sinh trung học, các em cần nhận thức rõ ràng về các loại vũ khí, vật liệu nổ cơ bản, khái niệm về các công cụ hỗ trợ; những tổ chức, cá nhân nào được phép sử dụng các loại vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ này theo quy định. |
Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định nhiều điểm mới. Trong đó, bổ sung khái niệm vũ khí quân dụng gồm: Các loại súng bắn đạn ghém, súng nén khí, súng nén hơi và đạn sử dụng cho các loại súng này vào nhóm vũ khí quân dụng; các loại vũ khí thể thao, súng săn, vũ khí thô sơ thuộc danh mục do Bộ trưởng Bộ Công an ban hành và dao có tính sát thương cao được sử dụng với mục đích để xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật… Là học sinh, chúng ta cần nhận thức dao có tính sát thương cao là phương tiện có tính chất lưỡng dụng. Nó sẽ bị coi là vũ khí thô sơ khi sử dụng với mục đích để thực hiện hành vi phạm tội, gây rối, làm mất trật tự công cộng hoặc chống đối cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ, người thi hành công vụ; hoặc sẽ bị coi là vũ khí quân dụng nếu sử dụng vào mục đích xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người trái pháp luật. Các hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ là vi phạm pháp luật và bị xử lý nghiêm. Nếu phát hiện tổ chức, cá nhân vi phạm, tàng trữ, sử dụng trái phép phải tuyên truyền, vận động giao nộp các loại vũ khí này cho cơ quan Công an theo quy định. |
Thiếu tá Đỗ Minh Dương đề nghị, các em học sinh có thể là những tuyên truyền viên pháp luật tới gia đình, người thân, thôn xóm nơi sinh sống để vận động họ tự giác chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Cô Nguyễn Thị Huyền - Hiệu trưởng Trường THPT Hoài Đức C cho biết, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giáo dục của nhà trường nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. Từ những phân tích của chuyên gia, các em biết chủ động tuyên truyền tới người thân, bạn bè chấp hành pháp luật và tự giác giao nộp các vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ nếu có. |
Giải pháp được các nhà trường áp dụng là tổ chức các chuyên đề ngoại khóa lồng ghép nhiều nội dung giáo dục gắn với phổ biến kiến thức pháp luật. Phát huy vai trò phối hợp giữa các đoàn thể trong nhà trường, câu lạc bộ với cơ quan pháp luật để tuyên truyền những quy định liên quan đến học đường mà học sinh hay mắc phải. Các nhà trường đã mời chuyên gia tuyên truyền về phòng chống ma túy, thuốc lá, bạo lực học đường và quản lý vũ khí, vật liệu nổ. Các em tiếp thu được kiến thức hữu ích, nâng cao hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật, tích cực rèn luyện đạo đức, trau dồi kỹ năng, ứng xử văn minh trên môi trường mạng, biết bảo vệ mình trước các hành vi bạo lực, tránh xa các tệ nạn xã hội. Tại Trường THPT Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), thầy Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi thông tin, ngoài mời chuyên gia về tuyên truyền dưới sân trường các nội dung pháp luật, nhà trường cũng tích cực phối hợp cùng phụ huynh nhắc nhở, giáo dục ý thức tự giác chấp hành pháp luật, nhất là về an toàn giao thông, phòng chống ma túy, bạo lực học đường, thuốc lá điện tử… |
Ngoài ra, trong mỗi bài giảng của thầy cô bộ môn trên lớp, những nội dung này tiếp tục được lồng ghép, tích hợp để tăng hiệu ứng lan tỏa, giúp học trò khắc sâu hơn ý nghĩa việc xây dựng môi trường học đường lành mạnh. Ban giám hiệu cũng như Đoàn Thanh niên tích cực tạo thêm nhiều sân chơi bổ ích để các em có thể tham gia chơi thể thao, văn hóa văn nghệ thay vì game online và được phụ huynh ủng hộ, đồng hành. “Nhờ phối hợp tốt giữa các bên liên quan, nhà trường đã và đang triển khai tích cực nhiều giải pháp để giúp nâng cao kiến thức pháp luật cho học sinh. Từ đó, các em biết tránh xa những thói hư tật xấu, ứng xử chan hòa với mọi người và tăng cường ý thức tu dưỡng, rèn luyện bản thân, chấp hành nghiêm quy định pháp luật về an toàn giao thông, phòng chống bạo lực học đường và các tệ nạn xã hội khác”, thầy Nguyễn Minh Phi chia sẻ thêm. |
Thiếu tá Sái Văn Thành - Đội trưởng Đội Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) cho hay, thời gian qua, đơn vị đã tổ chức tuyên truyền về Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ cho hơn 28.000 học sinh của 29 trường THCS, THPT trên địa bàn. Điều này góp phần phòng ngừa các vi phạm về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ. “Muốn xây dựng môi trường học đường lành mạnh và không có bạo lực học đường, mỗi nhà trường cần có các giải pháp để tạo ra những sân chơi thú vị, bổ ích cho học sinh. Ngoài tuyên truyền pháp luật, trong năm học nhà trường tổ chức nhiều giải thể thao như bóng đá, bóng rổ; khuyến khích các em chơi trò chơi dân gian vào giờ ra chơi như nhảy dây, ô ăn quan, cờ cá ngựa, bịt mắt đánh trống để rèn sự bền bỉ, tăng cường đoàn kết”, cô Hoàng Thanh Thủy (Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trường Tộ, Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh. |
----------------------------------------- Nội dung: Đình Tuệ; Thiết kế: P.Thắng |