Hối hả trở lại nhịp mưu sinh
Quyết tâm vượt khó...
Trở lại Thủ đô sau cả ngày chen chúc trên chuyến xe khách liên tỉnh nhưng Nguyễn Thị Chinh ( quê Phú Thọ, công nhân may trong khu Công nghiêp Vĩnh Tuy) vẫn không tỏ ra mệt nhọc. Gặp tôi, Chinh hớn hở: “Sau 3 năm ra Hà Nội làm việc, Tết này em mới thật sự yên tâm, phấn khởi. Năm vừa rồi, dù tình hình khó khăn, bạn bè có rất nhiều người bị mất việc hoặc phải làm việc cầm chừng, nhưng nhờ chăm chỉ, cần mẫn làm việc và chịu khó học hỏi để nâng cao tay nghề nên em đã trụ vững. Ngoài ra, em còn chịu khó làm thêm và chắt chiu dành dụm nên khi về ăn Tết cũng để ra được một khoản nho nhỏ mừng tuổi bố mẹ, các em và còn mua được chiếc ti vi mới cho gia đình. Vậy là từ đây, mọi người có thể xem phim, xem thời sự tại nhà. Trước đây, bố mẹ và các em của em cứ phải đi sang hàng xóm xem nhờ, bất tiện lắm”. Niềm vui làm cô công nhân 20 tuổi vốn tính e ấp, ngại ngùng nói nhiều hơn bình thường. “Năm nay, em sẽ tiếp tục làm việc cần mẫn hơn, chăm chỉ hơn để giữ vững công việc, nâng cao thu nhập. Ngoài ra, một người quen của em làm chủ một xưởng may tư nhân cũng tin tưởng tay nghề và ngỏ ý muốn mời em làm thêm vào ngày nghỉ, ngoài giờ. Hy vọng là trong năm mới thu nhập sẽ sáng sủa hơn”- Chinh thổ lộ.
Người lao động tự do hối hả trở lại nhịp mưu sinh
Giống như Chinh, cặp vợ chồng Hùng- Thắm (quê Hải Phòng, công nhân KCN Sài Đồng, quận Long Biên) cũng sớm trở lại phòng trọ với tất cả sự hối hả, hào hứng sẵn sàng bước vào guồng quay công việc của năm mới. Thắm chia sẻ, Tết Giáp Ngọ vừa rồi cũng là Tết vui đối với vợ chồng cô khi họ đã làm được điều ấp ủ trong suốt cả năm. Cưới nhau hồi tháng 3 và bắt đầu cuộc sống hôn nhân với hai bàn tay trắng, hai vợ chồng đặt mục tiêu đầu tiên là mua được một chiếc xe máy để tiện cho việc đi lại, làm thêm. Vậy là dù việc làm của hai vợ chồng khó khăn, phải luân phiên nghỉ việc, nhưng Hùng tranh thủ xin làm trông xe kiêm bảo vệ cho một cửa hàng thuốc Tây, còn Thắm nhận làm thêm giúp việc theo giờ nhờ vậy mà ngoài việc trang trải chi tiêu hàng ngày, vợ chồng cũng dành dụm được chút ít để thực hiện kế hoạch mua xe. Tết vừa rồi, dự định của hai vợ chồng đã thành hiện thực khi họ tậu được chiếc xe máy đã qua sử dụng nhưng còn mới và tốt, và con đường từ Hà Nội về Hải Phòng như ngắn lại khi đôi vợ chồng được chở nhau về quê bằng xe máy chứ không phải chen chúc trên xe khách đường dài. “Thắm mới có bầu, năm tới nhà em sẽ có niềm vui đón con đầu lòng. Thêm một đứa trẻ, sẽ thêm nhiều khó khăn vất vả nhưng chúng em sẽ tiếp tục đồng lòng cố gắng. Ngoài làm chính, em sẽ tiếp tục làm thêm, hoặc chạy xe ôm, vì bây giờ có xe máy rồi... bất cứ việc gì có thể để tăng thêm thu nhập.Có kế hoạch, có quyết tâm thì mọi khó khăn đều có thể vượt qua ”- Hùng tự tin khẳng định.
Sẽ miệt mài hơn
Không chỉ có CNLĐ, ngay sau Tết, những người lao động tự do cũng trở lại Thủ đô khá đông để bắt đầu guồng mưu sinh mới của mình. Vừa nhanh nhẹn chan nước vào bát bún riêu nóng hổi cho khách, bà Hạnh 52 tuổi (bán bún riêu ở chợ Quỳnh Mai) vừa kể: “Tôi về quê ở Hải Dương hôm 30 Tết, chiều mùng 2 đã đi xe khách ra Hà Nội để bán hàng. Con cái cứ bảo đi làm cả năm, có vài ngày Tết thì cứ nghỉ ngơi cho trọn vẹn. Nhưng mặt hàng này (bún riêu ốc) lại bán chạy nhất vào mấy ngày Tết, vì ngày Tết ai cũng ngán thịt thà, thèm cua ốc. Nhiều người bình thường không làm hàng ăn, Tết cũng tranh thủ bán để kiếm tiền, mà mình đang sẵn nghề lại không làm thì đúng là “hâm”- Bà Hạnh cười nói. Bà Hạnh cũng cho biết, bà ra Hà Nội thuê trọ trong khu tập thể Quỳnh Mai, bán bún riêu đã hơn 3 năm nay. Khu vực này đông dân cư, chợ búa sầm uất nên việc buôn bán cũng dễ dàng. Từ gánh bún này, bà đã xây được nhà cao cửa rộng ở quê và nuôi một cậu con trai tốt nghiệp đại học, một cô con gái đang học đại học năm thứ nhất. “Cậu cả cũng bảo, mẹ tạm nghỉ ngơi được rồi, nhưng tôi còn sức khỏe và còn cơ hội kiếm tiền thì phải cố gắng thôi. Tôi sẽ tiếp tục thức khuya, dậy sớm làm lụng để nuôi nốt cô con gái thành tài, rồi sẽ nghỉ ngơi. Tôi mong sao năm mới, sức khỏe vẫn ổn định, việc làm ăn suôn sẻ ”- bà Hạnh tâm sự.
Chị Thanh Huyền, quê Hưng Yên, cũng có mặt tại phòng trọ ở phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai từ sáng mùng 4 Tết và lập tức "khai trương" cửa hàng rau di động trên chiếc xe đạp quen thuộc, đạp đến từng ngõ nhỏ bán hàng. “Thường thì đầu xuân năm mới, rau bán chạy, là cơ hội làm ăn tốt của những người như chúng tôi nên tôi không thể bỏ lỡ. Nhiều người lợi dụng thời điểm khan hàng này để tăng giá, nhưng tôi thì không, tôi vẫn bán giá như ngày thường bởi khách hàng đa số là người quen”- chị Huyền cho biết. Nhiều người khách mua rau của chị cũng thổ lộ, họ tín nhiệm chị bởi biết nguồn gốc đó là rau sạch, chị lại sởi lởi hay khuyến mại vài cọng hành, quả chanh, quả ớt. Mấy con ngõ nhỏ trên phố Vĩnh Hưng dường như thiêu thiếu một cái gì đó khi ba ngày Tết im vắng tiếng rao hàng của chị, và bây giờ, cái tiếng lảnh lót “Ai mua rau không” của chị Huyền như làm bừng lên con ngõ nhỏ. “Đi làm vất vả lắm, vì sáng sớm tinh mơ đã phải dậy đến chợ đầu mối lấy hàng, rồi đạp xe khắp các ngõ phố, nhưng mà số tôi dường như quen với vất vả rồi, nhàn hạ không chịu được. Mấy ngày Tết ở nhà cứ thấy bứt rứt, bồn chồn”. Cũng như mọi người lao động tự do khác, chị Huyền mong trong năm mới sức khỏe được dồi dào để chị có thể làm việc, kiếm tiền thuận lợi hơn.
Thủ đô Hà Nội- miền đất hứa cho những lao động nghèo ngoại tỉnh đổ về làm việc mưu sinh. Dù còn nhiều vấn đề phải bàn từ đội ngũ những người bán hàng rong ấy nhưng chính họ, những bà bán bún,những chị bán rau... cũng đã góp phần tạo nên nhịp sống, làm nên một nét sinh hoạt hết sức quen thuộc của thành phố. Chính vì vậy, trong những ngày Tết vừa qua, khi thiếu vắng họ, người dân thành phố như thiếu vắng một thứ gì đó rất gần gụi, thân thuộc và ngay sau Tết, thành phố lại dang rộng vòng tay đón họ trở lại như đón chào một phần không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày... Về phía những người lao động, dù biết trước mắt mình lại là một guồng quay mới của sự nhọc nhằn, vất vả, nhưng họ vẫn hào hứng đón nhận với những kế hoạch, dự định, mơ ước, quyết tâm. Cầu chúc cho mọi dự định, kế hoạch ước mơ bắt nguồn từ sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó của những người lao động nghèo ấy sẽ trở thành hiện thực. Đó chính là những món quà ý nghĩa nhất mà mỗi người có thể tặng cho chính mình cũng như gia đình, người thân khi Tết đến, xuân về.
Tú Anh
Nên xem
Từ 25/12: Phụ huynh bắt buộc quản lý hoạt động mạng xã hội của trẻ em dưới 16 tuổi
Từ 1/1/2025, ứng dụng ngân hàng không được ghi nhớ mật khẩu đăng nhập
Bắt đầu chiến dịch kiểm tra vận tải hành khách cuối năm
Tỷ giá USD hôm nay 23/11: Giá USD trên thị trường tự do giảm sâu
Giá xăng dầu hôm nay (23/11): Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong hai tuần
Giá vàng hôm nay 23/11: Giá vàng miếng SJC, vàng nhẫn đồng loạt tăng cao
Dự báo thời tiết Hà Nội ngày 23/11: Trời nhiều mây, trưa chiều giảm mây trời nắng
Tin khác
Với đồ uống này, stress, áp lực công việc không làm khó được người trẻ
Việc làm 22/11/2024 21:29
Đề xuất, khuyến nghị Chính phủ phương án lương tối thiểu vùng phù hợp
Đời sống 22/11/2024 06:02
Cơ hội việc làm hấp dẫn cho cộng đồng người khuyết tật
Việc làm 21/11/2024 15:49
Xây trường mầm non tại các KCN và đối tượng thụ hưởng: Cần tiếp tục hoàn thiện chính sách
Chính sách 21/11/2024 07:42
Lấy an toàn lao động là tiêu chí hàng đầu
Lợi quyền lao động 21/11/2024 07:41
Ngày 21/11 diễn ra Phiên giao dịch việc làm tuyển dụng lao động là người khuyết tật
Việc làm 20/11/2024 22:37
Tấm gương tiêu biểu trong hoạt động từ thiện, nhân đạo
Gương sáng 20/11/2024 14:07
Đề xuất điều chỉnh tăng mức trợ cấp thất nghiệp
Chính sách 19/11/2024 09:07
Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn giỏi việc nước, đảm việc nhà
Gương sáng 18/11/2024 09:37
Chủ tịch Công đoàn năng động, nhiệt huyết, trách nhiệm
Gương sáng 17/11/2024 21:00