Ai là tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam?
Như đã thông tin, ngày 17/9, Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) đã công bố báo cáo “Billionaire Census 2014”. Trong đó, Việt Nam có 2 tỷ phú với tổng tài sản khoảng 3 tỷ USD. Một trong hai cái tên được xác định chắc chắn là ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup - người đã có 2 năm liên tiếp lọt vào bảng xếp hạng tỷ phú thế giới của Forbes, với tài sản được ước tính vào khoảng 1,6 tỷ USD (công bố tháng 3.2014).
Tuy nhiên, cái tên còn lại vẫn còn là ẩn số, khi các con số thống kê chính thức trên sàn chứng khoán Việt Nam cho thấy chưa có doanh nhân nào đứng tên trực tiếp lượng cổ phiếu trị giá tương đương 1 tỷ USD. Và những gương mặt dưới đây được cho là những ứng cử viên sáng giá trở thành tỷ phú USD thứ hai của Việt Nam.
Ông Hà Văn Thắm: Ông chủ mới của Kem Tràng Tiền
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group), người nằm trong top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã trở thành cái tên không còn xa lạ với giới tài chính. Dù ông Thắm chỉ trực tiếp đứng tên sở hữu 1,11% ở Tập đoàn Đại Dương nhưng tỷ lệ sở hữu gián tiếp qua các công ty con của ông lại khá lớn, đặc biệt là tại doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (đang nắm giữ 44,37% Ocean Group) mà ông Thắm là chủ sở hữu.
Ông Hà Văn Thắm, Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương (Ocean Group) theo dự đoán có thể là người giàu thứ 2 sau Phạm Nhật Vượng.
Sau 6 năm thành lập đến nay, Ocean Group đã có vốn điều lệ 3000 tỷ đồng, tăng gấp 300 lần so với hồi đầu thành lập. Với hàng loạt các cuộc mua bán sáp nhập (M&A) đình đám đã giúp Ocean Group nhanh chóng vượt lên là tập đoàn đa ngành hàng đầu.
Và sẽ không có gì đáng ngạc nhiên khi giới tài chính nhận định: Ông chủ mới của Kem Tràng Tiền này có thể là tỷ phú USD thứ 2 của Việt Nam trong bảng xếp hạng những người siêu giàu do Wealth-X và UBS (ngân hàng Thụy Sĩ) bình chọn.
Ngoài làm Chủ tịch tập đoàn Đại Dương, ông Thắm còn là Chủ tịch Ngân hàng Ocean Bank, Chủ tịch Ocean Hospitality, Chủ tịch Công ty cổ phần Bán lẻ và quản lý bất động sản Đại Dương (Ocean Retail), từng là thành viên HĐQT Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), thành viên HĐQT Công ty cổ phần VS Industry Việt Nam…
Hiện tại, tập đoàn Đại Dương do ông Thắm làm Chủ tịch kinh doanh khá đa dạng các lĩnh vực từ: bất động sản, khách sạn, tài chính, truyền thông. Trong đó, bất động sản được xác định là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của tập đoàn với các dự án đầu tư lớn ở nhiều thành phố như: Hà Nội, TP HCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Vinh, Quảng Ninh. Một số dự án nổi tiếng như: VNT Tower Nguyễn Trãi, StarCity Lê Văn Lương, StarCity Center...
Trong lĩnh vực kinh doanh khách sạn, công ty con Ocean Hospitality (vốn điều lệ 1000 tỷ đồng) thực hiện đầu tư và quản lý chuỗi khách sạn, khu nghỉ dưỡng với thương StarCity tiêu chuẩn 4 sao quốc tế và Sunrise tiêu chuẩn 5 sao quốc tế.
Trong lĩnh vực tài chính, tập đoàn có Công ty cổ phần Chứng khoán Đại Dương (Ocean Securities) có vốn điều lệ 300 tỷ đồng và ngân hàng Ocean Bank. Trong lĩnh vực truyền thông, tập đoàn có Ocean Media là công ty quản lý kênh truyền hình InfoTV.
Hiện tại, tập đoàn nắm 20% cổ phần của Ocean Bank, 75% cổ phần của Ocean Hospitality, 75% cổ phần của Ocean Securities và 50% cổ phần của Ocean Media.
Về phần công ty Ocean Hospitality, công ty đang sở hữu 96,92% vốn tại Công ty cổ phần Sài Gòn Givral (Saigon Givral), 74% cổ phần của Công ty cổ phần Dịch vụ hỗ trợ và Phát triển đầu tư (IOC), 62% cổ phần Công ty cổ phần Tân Việt, 83% cổ phần của Công ty cổ phần Du lịch Khách sạn Suối Mơ và sở hữu Kem Tràng Tiền.
Thâu tóm Kem Tràng Tiền với giá 500 tỷ đồng có thể coi là một trong các thương vụ thâu tóm để đời của Chủ tịch Ocean Group Hà Văn Thắm. Một thương hiệu thực phẩm khác cũng được mua về là Givral, thương hiệu bánh lâu năm tại Sài Gòn. Givral sở hữu khu đất 144 Nguyễn Văn Trỗi, Quận Phú Nhuận mà ngay nay là Khách sạn StarCity Sài Gòn.
Sở hữu khối tài sản lớn tại OceanBank, Ocean Hospitality (OCH), Ocean Sercurities (OCS),… thêm vào đó còn sở hữu tài sản của doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo, Công ty TNHH VNT, Đại Dương Thăng Long, hay Ocean Mark,… nếu cân đo đong đếm chính xác, ông Hà Văn Thắm rất có thể là tỷ phú USD của Việt Nam sau ông Phạm Nhật Vượng.
Nữ doanh nhân quyền lực châu Á Nguyễn Thị Nga
Chia sẻ với báo giới hồi đầu năm 2014, TS. Alan Phan từng nhận định rằng: Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) sẽ trở thành tỷ phú USD tiếp theo nếu như bà công khai tài sản và cổ phiếu hiện có.
Theo TS.Alan Phan, bà Nguyễn Thị Nga (Seabank) là tỷ phú USD tiếp theo của Việt Nam.
Và mới đây, một số doanh nhân, chuyên gia tài chính khác cũng đồng tình với quan điểm này. “Người ta đã điểm danh ra hàng loạt các đại gia nổi tiếng để dự đoán cho tên tuổi của 2 tỷ phú USD được ngân hàng Thụy Sỹ nhắc tới, nào là ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch Masan, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai, bà Trần Thị Hường – Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Tập đoàn Him Lam,… Bản thân tôi cũng không biết đích xác ai là 2 tỷ phú USD đó nhưng nếu cho tôi chọn, tôi nghĩ một trong 2 người đó là bà Nga SeaBank” – một Việt kiều, quốc tịch Mỹ, chuyên gia ngân hàng cho biết.
Trong danh sách “Những nữ doanh nhân quyền lực của khu vực châu Á năm 2014” của Tạp chí Forbes, bà Nga đứng vị trí số 29, và là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam với số cổ phần lớn trong ngân hàng – Bất động sản – Khu du lịch nghỉ dưỡng – Bán lẻ.
Được “đồn thổi” là một trong những nữ doanh nhân giàu nhất Việt Nam, hiện bà là Chủ tịch của SeABank, ngân hàng thương mại có tài sản 3,6 tỷ USD, trong đó ngân hàng Pháp Societe Generale có 20% cổ phần.
Bà Nga còn làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty TNHH Thung lũng Vua. Đây chính là nền tảng để bà xây dựng Tập đoàn BRG – hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bất động sản.
Tập đoàn BRG do bà Nguyễn Thị Nga đứng đầu bao gồm các thành viên: SeABank, sân Golf quốc tế Đảo Vua – Kings’ Island Golf Resort (Sơn Tây, Hà Nội); khu nghỉ dưỡng ven biển và sân Golf Quốc tế Đồ Sơn Seaside Golf Resort (Hải Phòng); khu vui chơi giải trí thể thao và sân Golf quốc tê Legend Hill - Legend Hill Golf Resort (Sóc Sơn, Hà Nội); khách sạn Hilton Hanoi Opera, khách sạn Hilton Garden Inn... Không dừng lại ở đó, người phụ nữ quyền lực này còn là Chủ tịch CTCP Intimex Việt Nam từ năm 2009 .
Năm 2013 những doanh nghiệp đó đã mang về cho bà Nga số tài sản khổng lồ lên tới 435 triệu USD.
Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang
Ông Nguyễn Đăng Quang được coi là ứng cử viên sáng giá cho danh hiệu tỷ phú USD thứ hai chưa lộ diện của Việt Nam. Mặc dù vị Chủ tịch của công ty chuyên về hàng tiêu dùng này chỉ đứng tên số cổ phiếu vỏn vẹn 10 đơn vị (với thị giá khoảng 830.000 đồng - tính đến ngày 16.9) nhưng tổng giá trị khối lượng cổ phiếu do các công ty mà vị này sở hữu và tài sản trên sàn của gia đình ông đã vượt qua con số 1 tỷ USD.
Cụ thể, ngoài 10 cổ phiếu Masan (MSN), ông Nguyễn Đăng Quang còn nắm trong tay 23.000 cổ phần Masan Consumer (MSF) và 2,855 triệu cổ phần ngân hàng Techcombank (TCB). Giá cổ phiếu của TCB trên sàn OTC trong tuần qua dao động quanh mốc 9.500 đồng/đơn vị, của MSF là trên 60.000 đồng/đơn vị. Như vậy, tổng giá trị cổ phần trên sàn của ông Quang tính đến ngày 16.9 là 27,26 tỷ đồng. Riêng số cổ phiếu trên sàn chứng khoán và OTC của vợ và mẹ ông Quang có trị giá khoảng 1.991,6 tỷ đồng.
Đáng chú ý nhất, trong số các cổ đông hiện tại của MSN, có một công ty do ông Quang làm Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc đang sở hữu tới 34,03% cổ phần của Masan. Nếu tính cả số cổ phiếu sở hữu gián tiếp này, doanh nhân Nguyễn Đăng Quang và gia đình đang nắm lượng chứng khoán có giá trị tương đương 22.803,8 tỷ đồng, tương ứng khoảng 1,1 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đăng Quang sinh ngày 28.3 tại Hà Nội, từng đạt học vị tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Liên Xô. Khi quay trở lại Nga sau hai năm sống tại Việt Nam với mức lương không đủ nuôi gia đình, ông mở công ty chuyên sản xuất mì gói và tương ớt nổi tiếng tại quốc gia Đông Âu này. Năm 2001, ông đưa công ty về Việt Nam, và hiện là Chủ tịch kiêm CEO của Masan Group, công ty có thị giá tính đến năm 2013 là hơn 3 tỷ USD.
Chủ tịch tập đoàn Hoàn Cầu Trần Thị Hường
Bà Trần Thị Hường sinh ra tại Hoài Nhơn, Bình Định, được xem là một trong những nữ doanh nhân giàu có và dẻo dai nhất của Việt Nam. Ở tuổi gần bát thập, bà vẫn nắm giữ vị trí cao nhất tại một tập đoàn có tới hàng chục công ty con và đối tác đầu tư. Bà cũng đồng thời là cố vấn tại ngân hàng Nam Á, nơi ba người con thay nhau giữ chức vụ cao nhất trong HĐQT. Mặc dù khối tài sản của bà Hường chưa từng được thống kê, nhưng giới doanh nhân vẫn ngầm hiểu về sự thành đạt của người phụ nữ 78 tuổi này từ chính những thương vụ đầu tư trị giá hàng chục triệu USD.
Xuất thân từ một gia đình thất bát, từng làm thợ may, lấy chồng, rồi chuyển sang kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp (trong 5 năm), bà Hường nhanh chóng giàu lên nhờ vào ngành bất động sản. Năm 1993, bà thành lập công ty TNHH Hoàn Cầu, chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp này có 10 công ty thành viên, tổng vốn điều lệ (tính đến năm 2010) khoảng gần 6.000 tỷ đồng. Năm 2008, để đăng cai tổ chức cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ thế giới, bà Hường đã bỏ ra khoảng 65 triệu USD đầu tư vào khu nghỉ dưỡng Diamond Bay và các sự kiện quanh cuộc thi này.
Trước đó, trong những năm 90, bà Hường nổi tiếng nhờ hai thương vụ trong ngành kinh doanh đồ uống, bao gồm việc đầu tư 15 triệu USD để xây dựng nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho San Miguel giá 25 triệu USD. Sau đó, bà Tư Hường bỏ ra 5 triệu USD để xây dựng nhà máy nước giải khát rồi tiếp tục bán lại cho Lipovital với giá 17 triệu USD.
Nếu tính số tài sản trên sàn, bà Hường hiện giữ khoảng 4,19% cổ phần tại công ty Đầu tư Xây dựng và Khai thác Công trình Giao thông 584, với giá trị tương đương 7 tỷ đồng. Ngoài ra, bà và 5 thành viên khác trong gia đình đang nắm khoảng 11,63% cổ phần tại ngân hàng Nam Á, với giá trị tương đương 348 tỷ đồng, trong đó người con trai Nguyễn Quốc Toàn đang nắm giữ chức vụ Chủ tịch (theo báo cáo thường niên tháng 6/2014 của Nam Á).
Chủ tịch tập đoàn Him Lam Dương Công Minh
Ông Dương Công Minh được biết đến với vai trò là ông chủ của công ty cổ phần Tập đoàn Him Lam - một công ty bất động sản lớn tại Việt Nam và Chủ tịch của Ngân hàng Bưu điện Liên Việt, cũng như chứng khoán Liên Việt. Là một người khá kín tiếng, ít xuất hiện trước báo chí, giá trị của khối tài sản của ông Minh hiện vẫn còn là một ẩn số. Thế nhưng, từ lời khẳng định của của người từng giữ danh hiệu giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam - đại gia Đặng Thành Tâm - rằng: "Nếu công ty anh ấy (ông Dương Công Minh) niêm yết, chắc khó có người nào vượt qua", người ta cũng có thể ngầm đoán ra gia tài đồ sộ của doanh nhân gốc Bắc Ninh này.
Xuất thân từ một doanh nhân mặc áo lính, rồi ra kinh doanh riêng, nghiệp kinh doanh của ông Minh phất lên nhờ sở hữu một công ty chuyên làm dịch vụ hợp thức hóa nhà đất, rồi thành lập tập đoàn chuyên về địa ốc Him Lam. Theo các báo cáo năm 2009, Him Lam có vốn điều lệ khoảng 6.500 tỷ đồng. Trong đó, Chủ tịch Dương Công Minh sở hữu tới 99% cổ phần, tương đương khoảng 6.000 tỷ đồng.
|
Ông Dương Công Minh (người bên trái) nổi tiếng với nghiệp kinh doanh trải dài từ ngân hàng, chứng khoán đến bất động sản. |
Ngoài chức vụ Chủ tịch tại Him Lam, ông còn là Chủ tịch của công ty chứng khoán Liên Việt (LVS), ngân hàng Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và công ty Liên Việt Holding. Tại Liên Việt Holding, ông Minh nắm khoảng 31,3 triệu cổ phần, trong khi tại LienVietPostBank, ông đứng tên cho khoảng 80,4 triệu cổ phần thông qua tập đoàn Him Lam, tương ứng 12,5% vốn. Theo báo cáo thường niên của LienVietPostBank, ngân hàng này hiện có vốn điều lệ 6.460 tỷ đồng.
Nổi tiếng trên thương trường với nghiệp kinh doanh trải dài từ ngân hàng, chứng khoán đến bất động sản, nhưng điều làm nên sự khác biệt của ông chủ Him Lam là những công trình từ thiện mà ông xây dựng trên khắp Việt Nam. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, ông Minh và các công ty mà đại gia này làm chủ đã bỏ ra cả nghìn tỷ đồng để thực hiện các hoạt động từ thiện, xã hội trên khắp Việt Nam mà xây trường học ở khắp các tỉnh thành là một hoạt động nổi bật. Theo dự kiến, đến năm 2020, Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh sẽ tặng mỗi tỉnh thành trên toàn quốc một trường học mà số tiền bỏ ra ở mỗi điểm đều lên tới hàng chục tỷ, có nơi xấp xỉ 100 tỷ đồng.
Theo Dân Việt
Nên xem
Luật Thủ đô năm 2024: Những đột phá trong phát triển văn hóa, thể thao và du lịch
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Việt Nam phấn đấu top 3 ASEAN về đổi mới sáng tạo toàn cầu
Nhiều hoạt động hấp dẫn tại Lễ hội văn hóa ẩm thực Hà Nội 2024
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói về việc học sinh thi vào lớp 10
Lương khởi điểm của công chức chỉ đủ thuê nhà bình dân và chi tiêu tằn tiện
Hơn 1 triệu người đăng ký tài khoản “Công dân Thủ đô số” - iHanoi”
Đưa kiến thức pháp luật đến với học sinh Thủ đô
Tin khác
Giá xăng dầu hôm nay (4/11): Giá dầu thế giới tiếp tục tăng
Thị trường 04/11/2024 07:33
Tỷ giá USD hôm nay (4/11): Thị trường tự do tiếp tục tăng
Thị trường 04/11/2024 07:30
Giá vàng hôm nay (4/11): Vàng miếng và vàng nhẫn giữ ổn định
Thị trường 04/11/2024 07:19
Siết chặt quản lý thuế các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới
Tài chính 04/11/2024 06:35
Hà Nội: Thu ngân sách 10 tháng năm 2024 đạt 425,2 nghìn tỷ đồng
Infographic 03/11/2024 16:37
Giá xăng dầu hôm nay (3/11): Giá dầu cuối tuần giảm nhiệt sau đà tăng mạnh
Thị trường 03/11/2024 07:28
Tỷ giá USD hôm nay (3/11): Đồng USD một tuần biến động, thị trường tự do tăng cao
Thị trường 03/11/2024 07:12
Nhu cầu vàng lên mức kỷ lục trong quý 3/2024
Thị trường 03/11/2024 06:52
Giá vàng hôm nay (3/11): Vàng thế giới và vàng nhẫn giảm nhẹ
Thị trường 03/11/2024 06:13
Giá xăng dầu hôm nay (2/11): Dầu thô giảm trong tuần qua
Thị trường 02/11/2024 09:36