Sốt xuất huyết: Càng ngày càng nguy hiểm
Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc trẻ mắc sốt xuất huyết | |
Quận Thanh Xuân chủ động ngăn chặn dịch sốt xuất huyết | |
Đuổi muỗi với 5 mẹo đơn giản |
Khi nữ sinh viên đại học tử vong
Tháng 5.2017, phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội có ổ dịch SXH nhỏ với 11 người mắc bệnh, nhưng trong đó có một nữ sinh viên Đại học Ngân hàng trọ ở địa bàn này tử vong ngày 22.5. Mẫu máu của sinh viên này được BV Bệnh Nhiệt đới TƯ xác định dương tính với virus SXH type 1 (virus gây SXH có 4 type). Bệnh nhân tử vong do sốc SXH (sốc Dengue) do cô đặc máu - một biến chứng ác tính của bệnh…
Muỗi vằn - vật chủ trung gian của virus Sốt xuất huyết và Zika |
Khi sốt đến ngày thứ 3, đau đầu nhiều, cô đi khám ở BV Đại học Y Hà Nội, được chẩn đoán SXH, cho điều trị ngoại trú. Do có quen biết, bệnh nhân vào nằm Viện Lão khoa... Khi bệnh chuyển nặng, cô đi ngoài phân lỏng, nói nhảm, huyết áp tụt... được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới TƯ tối 14.5.
Vào viện 10 phút, bệnh nhân có biểu hiện ngừng tim, được cấp cứu tích cực nhưng không qua khỏi. Đây là ca tử vong đầu tiên năm 2017 ở Hà Nội do SXH. Đến 10.6, Hà Nội có 1.281 ca bệnh SXH, gần gấp 3 lần cùng kỳ 2016.
Trước đó, bé N, 9 tháng tuổi, ở phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TPHCM, sốt liên tục trước khi vào BV Nhi đồng 2, nhiệt độ tới 39,5°C. Tuy nhiên, khi đến viện bé vẫn tỉnh, môi hồng, chi ấm, mạch rõ, tim đều rõ, phổi không rãn, họng sạch, không có dấu hiệu thần kinh khu trú. BV chưa thấy bất thường nên cho bé xuất viện với chẩn đoán nhiễm siêu vi.
Về nhà, bé vẫn liên tục sốt cao 39°C - 40°C, tiêu lỏng ngày sáu lần, ói ra sữa, tiểu ít. Khi nhập lại BV Nhi đồng 2, bác sĩ chẩn đoán bé bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa, theo dõi sốc SXH nhũ nhi và suy đa tạng.
Ngày 4.3, bệnh tình xấu hơn, ngoài sốc nặng còn thêm xuất huyết não vùng thái dương phải, không đáp ứng truyền máu và tiểu cầu, bé đã tử vong... Dù không phải lúc cao điểm của mùa dịch nhưng từ đầu năm đến nay, TPHCM đã có 1 ca tử vong do SXH ở quận 5 và 2 ca ở quận 12. Trung tâm y tế dự phòng cho biết, tuần đầu tháng 6.2017, TP có 223 người mắc SXH; từ đầu năm đến nay đã có gần 8.800 ca bệnh…
Ngày 10.6, cháu Phạm Như Quỳnh, ở thị trấn La Kha, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nhập viện và được xác định bị SXH nhẹ. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhi tử vong tại BV Đại học Y dược Hoàng Anh Gia Lai...
Trung tâm y tế dự phòng Cần Thơ cho biết, đến ngày 8.6, Cần Thơ có 590 ca bệnh SXH. Gần 6 tháng qua, BV Nhi đồng Cần Thơ điều trị nội trú 853 ca bệnh (điều trị ngoại trú khoảng 2.600 ca) SXH đến từ Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Vĩnh Long, An Giang... (Cần Thơ nhiều nhất với 429 ca), tăng 10% so với cùng kỳ năm 2016, bệnh nhi dưới 15 tuổi chiếm gần 84%…
Từ đầu năm đến nay, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai có đến 42 ổ dịch SXH nhỏ với gần 450 ca bệnh (tăng 77% so với cùng kỳ năm trước, bằng 32% số ca bệnh cả tỉnh, tỉ lệ 200 ca bệnh/100.000 dân, gấp 5 lần tỉ lệ chung của tỉnh).
Ngày 7.4, Trung tâm Y tế Dự phòng Đồng Nai cho biết trong tháng 3.2017, tỉnh có 233 ca bệnh, trong đó có 1 ca tử vong. Bệnh nhân là anh Vũ Đức T, 34 tuổi, ở xã Bắc Sơn, huyện Trảng Bom, tử vong do sốc SXH, suy đa tạng, chảy máu tiêu hóa. Tiền Giang cũng đã có một ca tử vong.
Nguy hiểm tăng cao
Từ những năm 1778 - 1780, đã xuất hiện những vụ dịch SXH (gọi là sốt Dengue) đầu tiên ở Châu Phi, Bắc Mỹ và Châu Á nhưng bệnh chỉ là sốt nhẹ, chảy máu dạng chấm dưới da và không hề có tử vong. Năm 1950, bệnh xuất hiện ở Philippine) và từ Đông Nam Á, một đại dịch lan rộng toàn cầu... Từ 1970 đã có những trẻ em tử vong vì bệnh này ở Đông Nam Á... Những năm 80 của thế kỷ trước nước ta đã có lác đác những ca tử vong do SXH...
Hiện bệnh SXH là loại dịch tản phát (không tập trung ở một khu vực, có mùa chính nhưng vẫn xảy ra quanh năm, số người mắc không cao lắm) nhưng luôn có xu hướng lây lan nhanh. Trước năm 1970, 9 nước có dịch lưu hành (thường xuyên có dịch hàng năm) thì năm 1995 là 36 nước.
Hiện nay, SXH lưu hành ở hơn 100 nước Châu Phi, Châu Mỹ, phía đông Địa Trung Hải, Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương, trong đó Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương nặng nề nhất. Thế giới có khoảng 2,5 tỉ người sống trong vùng có dịch, trong đó Châu Á - Thái Bình Dương khoảng 1,8 tỉ người.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mỗi năm có khoảng 400 triệu người mắc bệnh; khoảng 2 triệu ca bệnh nặng với phần lớn là trẻ em, khoảng 25.000 ca tử vong/năm. Tỉ lệ tử vong trung bình khoảng 2,5%; nếu không điều trị, tỉ lệ này có thể vượt 20%; điều trị tích cực hiện đại, tử vong có thể dưới 1%.
Cổ điển, thường mắc SXH vào mùa đông xuân, ở trẻ em, chỉ sốt và xuất huyết dưới da không nguy hiểm; nay bệnh xuất hiện nhiều trong mùa hè nóng nực; ngày càng nhiều ca bệnh ác tính như cô đặc máu (do tăng tính thấm thành mạch máu, dịch thoát ra ngoài mạch, giảm khối lượng máu), chảy máu nội tạng trầm trọng, suy tạng, chảy máu não (do giảm trầm trọng số lượng tiểu cầu), viêm não gây tử vong hoặc làm tàn phế.
Trước đây chỉ có trẻ em tử vong, nay chết cả người lớn (như nữ sinh đại học ngân hàng nói trên hay 1 ca ở TPHCM, 1 ca ở Đồng Nai, 1 ca ở Đồng Tháp trong đầu năm nay). WHO thông báo trong hơn 50 năm gần đây, những ca bệnh nặng tăng hơn 30%... Nếu mắc bệnh do một trong 4 type virus thì chỉ có miễn dịch bền vững với type đó mà không có miễn dịch với các type khác.
Có nghịch lý: SXH thể nhẹ xảy ra ở người lần đầu mắc bệnh, nhưng những ca nặng lại thường xảy ra ở lần mắc sau và thường thấy ở cư dân vùng có dịch lưu hành, trong khi cùng một bệnh nhiễm trùng mắc lần sau thường nhẹ hơn lần đầu!?
Do khi khởi bệnh, các triệu chứng giống như viêm đường hô hấp trên như ho, sổ mũi, hắt hơi dễ nhầm lẫn với cúm, sốt phát ban, bệnh tay chân miệng hay sốt do nhiễm virus nói chung; tiêu chảy, nôn ói dễ nhầm với bệnh lý đường ruột ở trẻ em; người lớn lại thường chủ quan cho rằng cảm sốt thông thường... vì thế, nếu sốt cao nên đi khám ngay. Không tự điều trị SXH ở nhà, đặc biệt có dấu hiệu nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu mũi, chân răng, tay chân lạnh, ói ra máu... thì phải nhập viện ngay. Nếu để chậm có thể sốc, dẫn đến tử vong. Trẻ càng nhỏ càng cần đề phòng co giật do sốt cao.
Không cạo gió, cắt lể vì cho rằng trúng gió (để lấy bớt máu độc), dẫn đến chảy máu không cầm; không tự ý dùng thuốc hạ sốt, có gia đình cho trẻ uống thuốc hạ sốt có Paracetamol 4 - 5 lần/ngày, làm tổn thương gan nặng và xuất huyết tiêu hóa..., có người lớn uống Aspirin, Ibuprofen... bị biến chứng chảy máu rất nguy hiểm; thấy trẻ rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục lại không cho ăn, uống dẫn đến hạ đường huyết, thiếu hụt điện giải và dinh dưỡng làm giảm thiểu sức đề kháng, trong khi SXH “tiêu diệt” mạnh nhất sức đề kháng của cơ thể, bằng chứng là xét nghiệm máu thấy giảm mạnh bạch cầu và khi khỏi bệnh cơ thể rất mệt mỏi nhiều ngày; không mất cảnh giác khi trẻ hết sốt vì trẻ có thể sốt lại và diễn biến xấu, nếu trẻ hết sốt nhưng tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói thì phải nhập viện...
Nguy hiểm cho cả mẹ và thai
Do nhiều người lớn mắc SXH nên các bà bầu cũng không ngoại lệ. Chị P.T.M.H, 31 tuổi, ở Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, thai đôi, sốt cao 39,5 độ C, có các mảng xuất huyết dưới da, ra máu âm đạo, khó thở, phù to toàn thân... Khi vào BV Bạch Mai khám, xét nghiệm thấy dương tính với SXH, tiểu cầu thấp trầm trọng còn 24 G/L (Giga/lit, bình thường 150 - 300 G/L). Sau 1 tuần điều trị tích cực mới qua được nguy kịch, không còn ra máu âm đạo, giảm phù, tiểu cầu tăng lên 169 G/L…
Chị N.T.H, 34 tuổi, ở tập thể Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, bị SXH khi thai 12 tuần. Ngày thứ 4 sau sốt, tiểu cầu hạ đến 7 G/L, cực kỳ nguy hiểm. Sau 5 ngày điều trị sát sao mới thoát khỏi tình trạng nguy hiểm cho cả mẹ và thai.
Những tuần gần đây các BV TPHCM phải cấp cứu nhiều thai phụ mắc SXH. Mới đây, một sản phụ chuyển dạ trong khi đang bị SXH nặng nên BV Nhân dân Gia Định phải hội chẩn liên viện ngay trên bàn mổ lấy thai. Do mẹ có khả năng băng huyết và nguy cơ xấu cho thai rất cao, lại thêm đường xổ thai của mẹ hẹp (một nguyên nhân gây đẻ khó) nên các bác sĩ phải truyền tiểu cầu và hồng cầu lắng... chủ động đề phòng băng huyết, giúp cuộc vượt cạn mẹ tròn con vuông.
BV Hùng Vương chật vật với một thai phụ chuyển dạ khi SXH ngày thứ 6, sinh bé trai 3,7 kg. Cùng lúc, BV này đang phải theo dõi chặt chẽ một sản phụ SXH ở giai đoạn cuối thai kỳ…
SXH mắc trong thai kỳ, có thể gây sẩy thai, sinh non, thai nhẹ cân, số ít trường hợp thai nhiễm virus do mẹ truyền. Sản phụ có thể xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu đường tiêu hoá do giảm tiểu cầu. Nặng hơn, mẹ có thể bị tăng men gan, tràn dịch ổ bụng hay màng phổi, màng tim hoặc sốc giảm thể tích máu, dẫn đến nhau bong non, thai chết lưu thậm chí tử vong cả mẹ. Khi sinh rất dễ băng huyết do máu chảy không cầm.
Các bác sĩ khoa Sản, BV Hùng Vương trải lòng: Thai phụ bị SXH mà chuyển dạ từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5 kể từ khi bắt đầu sốt thì thật là một thảm họa, vì phải đối đầu với nguy cơ băng huyết và tử vong mẹ.… Thường thì SXH giảm hoặc hết sốt sau 3 - 5 ngày, nhưng lại là khởi đầu cho giai đoạn những biến chứng ác tính. Gần đây, thai phụ SXH ngày một nhiều, tuy nhiên lại khó chẩn đoán hơn người bình thường do tình trạng pha loãng máu lúc mang thai làm che lấp tình trạng cô đặc máu.
Mặt khác, triệu chứng giảm tiểu cầu, men gan tăng và xuất huyết dưới da đôi khi làm bác sĩ nhầm lẫn với một hội chứng tiền sản giật (hội chứng Hellp gồm tan máu, men gan cao, tiểu cầu giảm). Hai bệnh cảnh này rất giống nhau nhưng SXH có sốt, còn Hellp không sốt và cao huyết áp.
Phòng và xóa bỏ SXH có dễ?
WHO dự báo năm 2080, thế giới có khoảng 1,5 - 3,5 tỉ người mắc SXH... Những biện pháp nhằm loại trừ SXH đang sử dụng tỏ ra không mấy hiệu quả... Diệt muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn - vật chủ trung gian của virus SXH và Zika) bằng hóa chất thực sự đã tạo ra loại muỗi kháng thuốc (như ở miền Trung và Tây nguyên nước ta); thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia - loại vi khuẩn diệt muỗi vằn - để vi khuẩn này lây lan diệt muỗi độc chưa đem lại kết quả.
Vacxin phòng SXH Dengvaxia - vacxin thành công đầu tiên - do Công ty Sanofi - Pasteur (Pháp) sản xuất, giảm được 6 - 25% số người mắc SXH nhưng đã phát hiện nhiều người tiêm vacxin bị bệnh nặng khi lần đầu mắc SXH nên đang gây tranh cãi, vì vậy hiện mới chỉ được một vài nước Mỹ Latinh sử dụng...
Nằm màn (muỗi vằn hoạt động ban ngày và rất ít về đêm nếu có điện sáng), xóa nơi đẻ trứng (muỗi vằn chỉ đẻ nơi nước trong) của muỗi, diệt bọ gậy là cách phòng SXH tốt nhất, tuy nhiên đa số người dân còn chưa thấy biện pháp thô sơ này lại có hiệu quả cao nhất nên còn thờ ơ!?
Theo BS Văn Bình/ laodong.com.vn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
"Quả ngọt" sau hành trình 11 năm mòn mỏi mong con
Y tế 22/12/2024 06:02
Hoàn thiện Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 trong năm 2025
Y tế 20/12/2024 20:37
Trang bị kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên, thanh niên
Xã hội 20/12/2024 09:58
Hạnh phúc của những cặp vợ chồng quân nhân hiếm muộn
Y tế 19/12/2024 17:38
Tình trạng các nạn nhân vụ cháy trên đường Phạm Văn Đồng đang điều trị tại Bệnh viện E
Y tế 19/12/2024 16:43
Sôi nổi Hội thi Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về sức khỏe sinh sản vị thành niên
Y tế 17/12/2024 20:52
Thời tiết chuyển lạnh, nhiều người nhập viện vì mắc sởi
Y tế 17/12/2024 08:06
Nhiều người cần tham vấn tâm lý trong điều trị bệnh “khó nói”
Y tế 17/12/2024 06:39
Duy trì mức sinh thay thế, nâng cao chất lượng dân số
Xã hội 13/12/2024 11:46
Chủ quan không tiêm chủng, nhiều trẻ nhập viện vì mắc sởi
Y tế 12/12/2024 17:09