Đi chợ đeo khẩu trang ở Hà Nội
Tấp nập kẻ bán người mua
Theo lời giới thiệu của một anh bạn đồng nghiệp về phiên chợ có một không hai này, tôi bán tin bán nghi nên nhất quyết đi xem cho bằng được. Lần theo sự chỉ dẫn của người bạn, tôi tìm gặp anh Nguyễn Phan Tửu là Chủ tịch Hội Nông dân xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm, TP.Hà Nội.
Khi được hỏi về phiên chợ phân trên địa bàn xã, anh Tửu hào hứng chia sẻ: Tây Tựu là một vùng đất rất nổi tiếng với hình ảnh “làng lúa, làng hoa”. Mà hoa là một loại cây trồng rất khó tính, muốn chăm sóc nó không thể thiếu được phân chuồng.
Khoảng hơn 10 năm về trước, những phiên chợ phân rất tấp nập, cứ tầm 3 - 4h sáng, là người dân ở nhiều nơi khác lại quẩy quang gánh hoặc xe đạp chở 2 sọt phân đi bán khắp nơi trong xã. Khi đó, họ bán rất nhiều loại phân chuồng như phân lợn, phân gà thậm chí là cả phân người.
Quang cảnh phiên chợ phân lúc sáng sớm. |
Nhưng những năm trở lại đây, mặt hàng này ngày càng khan hiếm, giờ đây người dân chỉ có một loại phân duy nhất để mua bán, đó là phân chim cút. Muốn tìm hiểu về phiên chợ này, phải đến từ 5h sáng và chỉ đến một nơi duy nhất là ngã tư Đăm (xóm 3, xã Tây Tựu).
Trong vai một người nông dân, tôi chọn cho mình một bộ quần áo cũ lấm tấm bùn đất, đeo khẩu trang, chân đi ủng để đến với phiên chợ đặc biệt này. 5h sáng, theo đường quốc lộ 32, tôi đến được nơi cần tìm. Hiện ra trước mắt tôi là ngã tư Đăm rộng thênh thang, tứ bề là muôn loại hoa như hồng, cúc, ly… đang bắt đầu hé nụ. Trên mặt đường có hơn 20 chiếc xe máy chở theo những chiếc bao tải được chằng buộc gọn gàng. Nhìn thấy “anh nông dân” là tôi, hàng chục người vẫy tay mời chào: “Mua phân đi anh ơi”.
Tôi càng tiến lại gần thì tiếng mời gọi càng thúc giục. Phải thú thật là mùi từ các bao tải trên xe máy bốc ra rất nồng nặc và khó chịu, nhưng điều đó càng thôi thúc tôi tìm hiểu về công việc vất vả của những người dân lam lũ này. Tôi lại gần hỏi một chị bán hàng: “Phân này bán thế nào?”, chị trả lời: “Bao của em to nhất ở đây nên giá đắt hơn đôi chút, 40 nghìn đồng/1 bao. Ruộng nhà anh ở đâu để em chở tới cho”.
Tôi hỏi thêm: “Phân có tốt thật không đấy?”, chị trả lời: “Hàng của nhà em “xịn” thật mà, em mới gom 2h sáng nay đấy”. Trò chuyện một lúc, chị giới thiệu tôi với anh Lê Quang Sự, người bán hàng lâu nhất ở chợ này. Anh Sự cho biết, những người bán hàng ở đây hầu như đều cùng xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Xã của anh là nơi chăn nuôi rất nhiều chim cút. Mỗi chuồng có khoảng 5.000 – 10.000 con. Ngoài việc bán trứng, bán thịt, gần đây, người dân còn tận thu phân chim cút để bán cho những cánh đồng hoa ở Tây Tựu.
Riêng nhà anh hiện có khoảng 8.000 con chim cút. Với số lượng này, 1 tuần anh tận thu được khoảng 20 bao phân. Mặc dù gần 50% số hộ trong xã nuôi chim cút, nhưng chỉ có khoảng hơn 20 người đi bán phân. Những người này đi tận thu từ các chuồng khác trong xã, rồi mang tới xã Tây Tựu để bán.
Nhiều khi không đáp ứng đủ nhu cầu, họ còn sang các vùng nuôi chim khác như Yên Phong (Bắc Ninh), Mê Linh (Hà Nội) để đóng hàng. Công việc thu gom thường diễn ra khoảng từ 2 – 3h đêm, đóng hàng đến khoảng 4h sáng thì chở sang Tây Tựu. Người bán hàng sẽ tập trung tại ngã tư Đăm, ai mua lẻ vài ba bao thì tự chở, ai mua nhiều, họ sẽ chở đến tận ruộng cho người mua.
Chợ phân thời hiện đại
Khi tôi đang trò chuyện, thì anh Sự có khách gọi mua hàng qua điện thoại. Theo chân anh, chúng tôi tới ruộng nhà ông Mão, thôn Đức Diễn (xã Minh Khai, huyện Từ Liêm) để đổ hàng. Sau khi khuân khoảng 20 bao phân xuống ruộng, anh ngừng tay quệt những giọt mồ hôi đang không ngừng tuôn ra rồi nở một nụ cười: “Thế là công việc hôm nay xong rồi đấy. Giờ chúng ta có thể nói tiếp chuyện”.
Anh Sự cho biết, anh bắt đầu làm nghề buôn phân chim cút được gần 10 năm. Hồi trước còn khó khăn, anh phải chở bằng xe đạp thồ, mỗi xe chở nhiều nhất khoảng 10 bao phân. Nhưng nay hầu như mọi người đều đã sắm được xe máy để chở hàng. Hiện, mỗi chuyến anh chở được khoảng 20 bao phân.
“Bây giờ hiện đại lắm, buôn bán chủ yếu qua điện thoại. Mỗi người bán hàng đều có khoảng 20 số điện thoại của những hộ dân làm nông nghiệp ở đây. Muốn mua phân, họ chỉ cần alô là mình sẽ thu gom rồi chở hàng đến tận ruộng. Làm ăn uy tín, người mua lại giới thiệu thêm khách cho mình. Công việc nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều, chỉ một buổi sáng là hầu như xong hết. Tầm 10h sáng là có thể trở về nhà để làm việc khác được rồi. Chỉ đôi khi đang chở phân gặp trời mưa bão là phải chở về nhà, đợi mấy hôm mới bán tiếp được”, anh Sự thật thà kể.
Để buôn bán mặt hàng đặc biệt này, những người như anh Sự không chỉ biết nơi thu gom phân chim cút mà còn phải thấu hiểu được quy luật hoạt động của các loạt cây để “chăm sóc khách hàng” cho chu đáo. Theo anh Sự, loại phân chim cút này có thể dùng cho nhiều loại cây khác nhau như hoa, rau, cây ăn quả...
Đối với hoa, cứ khoảng 5 - 6 tháng phải bón phân chim cút 1 lần. Khi bón, người ta sẽ vãi phân dọc theo các luống hoa. Còn đối với rau thì cứ 2 lứa rau phải bón phân cho lại đất, thường phân sẽ được chàm với gio trước khi rắc xuống. Với cây ăn quả, người trồng thường bón 1 năm/1 lần. Người ta sẽ không bón trực tiếp vào gốc cây mà sẽ rải xung quanh gốc, bán kính khoảng 1m tùy thuộc vào loại cây, ở giữa có thể bón các loại phân đạm công nghiệp khác. Phải nắm rõ quy trình bón phân như vậy, vì khi cần người bán hàng sẽ trực tiếp làm công việc bón ruộng cho khách.
Sau khi tìm hiểu về chợ phân, tôi tò mò hỏi anh Sự: “Làm nghề này thu nhập khá không?”. Anh Sự cho biết, tuy vất vả, nhưng công việc này đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt.
Theo anh, một con chim cút giống hiện nay giá khoảng 8.000 đồng. Nuôi 1 tháng là có trứng để bán, nuôi 2 tháng là có thể bán thịt. Giá trứng hiện nay khoảng 3.500 đồng/1 chục; giá thịt chim khoảng 12.000 đồng/1 con. Nhưng chi phí bỏ ra để chăn nuôi là rất đắt. Với 1 vạn con, một ngày phải bỏ ra gần 3 triệu đồng chi phí (gồm thức ăn, thuốc phòng chữa bệnh, điện thắp sáng…), nên gần như tiền lãi từ trứng và thịt không đáng kể, vì thế phân chim cút đã bù lãi được khá nhiều cho người nông dân.
Thị trường cho mặt hàng này cũng đang được mở rộng. Khoảng 1 sào ruộng, người dân bón 1 xe phân chim cút (tầm 20 bao tải). Chỉ tính riêng ở Tây Tựu, diện tích trồng hoa đã lên tới 600ha. Thậm chí, người dân xã Tây Tựu còn đi thuê đất ở các nơi khác như Hoài Đức, Đan Phượng, Thạch Thất để mở rộng, nên nhu cầu phân chim cút là rất lớn. Tôi hỏi đùa: “Thu nhập tốt thế này, có khi sắp tới anh phải mua ôtô đi chở phân”. Anh Sự thật thà đáp: “Mua thì được ngay, chỉ tại đường tới ruộng nhỏ quá, ôtô không vào được thôi”.
Theo Lao Động
Nên xem
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Hà Nội ghi nhận thêm 258 trường hợp mắc sốt xuất huyết
Tin khác
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành khu tái thiết Làng Nủ
Tin mới 22/12/2024 16:11
Chính thức vận hành tuyến metro số 1
Tin mới 22/12/2024 11:48
Bảo đảm an toàn giao thông cho chuỗi sự kiện kỷ niệm lớn
Sự kiện 22/12/2024 10:22
Phải xây dựng được mô hình bộ máy tinh gọn, khoa học hiệu quả
Sự kiện 21/12/2024 18:22
Tết Dương lịch 2025: Hà Nội bắn pháo hoa tại những điểm nào?
Tin mới 21/12/2024 09:54
TP.HCM: Cháy nhà trọ cho thuê, 16 người thương vong
Tin mới 20/12/2024 15:12
Công ty Điện lực Thường Tín tổ chức hội nghị tri ân khách hàng năm 2024
Sự kiện 20/12/2024 12:18
Chủ tịch HĐND Thành phố chỉ đạo khắc phục vụ cháy tại quán cà phê đường Phạm Văn Đồng
Tin mới 19/12/2024 18:16
Trả gộp 2 tháng lương hưu, trợ cấp dịp Tết Nguyên đán
Tin mới 19/12/2024 17:16
Hưng Yên cơ bản hoàn thành GPMB dự án đường Vành đai 4- Vùng Thủ đô
Tin mới 19/12/2024 17:15