Ấm áp nghĩa tình biên phòng
Nâng bước em đến trường
Bất kể đến đồn biên phòng nào, sau khi nghe về những khó khăn, vất vả với nhiều chiến công của các anh để giữ yên biên giới và chống buôn lậu, chúng tôi đều được chứng kiến những việc làm đầy nghĩa tình của BĐBP đối với nhân dân và đồng đội. Một trong những việc làm tình nghĩa ấy là các anh đã góp phần cùng địa phương phổ cập tiểu học qua chương trình nâng bước em đến trường.
58679
58678
Tại đồn biên phòng Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, trung tá Phạm Quảng Ngãi, chính trị viên không nói nhiều về những gì mà các chiến sĩ ở đây đã làm được, mặc dù chúng tôi biết với đặc thù là một đồn cửa khẩu có 25 km bờ biển, việc hoàn thành nhiệm vụ chính trị bảo vệ biên giới và chống buôn lậu đối với các anh là cả sự nỗ lực lớn. Tên là Quảng Ngãi nhưng quê anh lại ở Hải Phòng, được điều động vào cửa khẩu Hà Tiên từ năm 1993. Hà Tiên đối với anh đã thực sự là quê hương thứ hai với bao nhiêu tình cảm thân thương. Anh cho biết, hiện đồn đang nuôi dưỡng 2 cụ già và nâng bước cho 5 cháu đến trường. Đặc biệt trong đó có 2 cháu được các anh nuôi ăn học và ở cùng trong đơn vị. Tất cả tiền chi phí cho 2 cụ và 5 cháu đều là tiền đóng góp hằng tháng của cán bộ, chiến sĩ. Ngoài ra với tư cách là Phó ban chỉ đạo phổ cập giáo dục tiểu học, trung học của thị xã Hà Tiên, anh Ngãi còn cùng đồng đội thường xuyên tuyên truyền, động viên các gia đình cho con em đi học; xin việc làm cho cha mẹ các cháu, nhằm có thêm thu nhập cho các cháu đến trường, không để cháu nào tự ý bỏ học.
58679
Hỏi chuyện về 2 cháu được nuôi dưỡng ngay trong đơn vị, chúng tôi được biết Nguyễn Văn Lập (lớp 8) và Nguyễn Văn Nghiệp (lớp 7) là hai anh em ruột không có nhà cửa, bố mất sớm, mẹ bỏ đi, hai cháu ở với bà nội nhưng bà già yếu không nuôi được nên các cháu thường lang thang lêu lổng dở dang học hành. Cách đây 3 năm, thấy hoàn cảnh các cháu như vậy, đồn đã quyết định đưa hai cháu về nuôi dưỡng và tu sửa căn nhà cho bà nội các cháu ở. Lập và Nghiệp được bố trí ở cùng thượng úy Danh Xinh để anh vừa chăm sóc vừa kèm các cháu học hàng ngày. Thăm phòng ở của hai cháu, chúng tôi thực sự cảm động khi chứng kiến hình ảnh thượng úy Danh Xinh đang hướng dẫn các cháu làm bài tập như một người thầy thực thụ. Bên góc phòng là hai chiếc xe đạp các chiến sĩ mua cho các cháu dùng để đi học; giường chiếu chăn màn gọn gàng đúng tác phong quân đội. Từ hai đứa trẻ lang thang, Lập và Nghiệp đã có một mái ấm lớn, không chỉ được học chữ mà còn được học làm người.Tâm sự với chúng tôi, Lập và Nghiệp đều có chung mơ ước được trở thành chiến sĩ biên phòng.
Nhớ lại năm 2012, cũng trong chuyến thực tế tại một số đồn biên phòng của tỉnh Khánh Hòa, chúng tôi đã được gặp thượng úy Nguyễn Văn Tưởng, quê ở Hà Nam, cán bộ vận động quần chúng của biên phòng Cầu Bóng, người được dân địa phương gọi là thầy giáo bởi Tưởng đã hơn 10 năm liên tục duy trì lớp học tình thương cho các cháu lang thang trên địa bàn. Lớp học của Tưởng gồm các cháu từ lớp 1 đến lớp 5, lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất 9 tuổi, hơn 10 năm vừa tổ chức lớp học vừa trực tiếp là thầy giáo, Tưởng không bỏ một buổi dạy nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Hỏi động cơ nào khiến Tưởng có một quyết tâm và nghị lực phi thường như thế, Tưởng cho biết: Qua những lần tuần tra tại địa bàn, thấy nhiều cháu lang thang có hoàn cảnh khó khăn, lại là nơi có nhiều tệ nạn, Tưởng đã xin phép chỉ huy mở lớp học cho các cháu, được chỉ huy đồng ý và lớp học ra đời, càng dạy càng thương, càng gần gũi các cháu hơn. Chính điều đó đã thôi thúc Tưởng gắn bó với lớp học.
Câu chuyện nuôi dưỡng các cháu ăn học ở đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và tâm sự của thượng úy Nguyễn Văn Tưởng, đồn biên phòng Cầu Bóng, Khánh Hòa chính là nét đặc trưng rất đỗi nhân văn mà chúng tôi đã được chứng kiến tại tất cả các đồn biên phòng trong đợt thực tế này. Nâng bước em đến trường chính là thương hiệu đậm nét nhân văn của BĐBP
Những mái ấm biên cương
Đại tá Nguyễn Trường Giang, Phó chính ủy Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Kiên Giang , cho biết “Mái ấm biên cương” là chủ trương mang đậm tình người của Bộ tư lệnh Biên phòng. Từ năm 2009 đến nay, BĐBP tỉnh Kiên Giang đã vận động cán bộ chiến sĩ và các nhà hảo tâm đóng góp công của xây dựng gần 100 mái ấm biên cương cho người dân nghèo nơi biên giới. Hỗ trợ xây dựng 20 căn nhà cho cán bộ, chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, mỗi căn trị giá 60 triệu đồng, phấn đấu đến hết năm 2015 hoàn thành và vượt chỉ tiêu hơn 30 “Mái ấm chiến sĩ nơi biên giới”, trị giá hơn 1,8 tỷ đồng.
Thượng tá Hoàng Minh Phụng, quê Quảng Trị, chính trị viên đồn biên phòng Gềnh Dầu (Phú Quốc – Kiên Giang) cho biết, thực hiện chủ trương của Bộ tư lệnh BĐBP, bên cạnh việc vận động cán bộ chiến sĩ quyên góp tiền lương mỗi tháng, anh em còn góp hàng trăm ngày công xây dựng mái ấm cho đồng bào và đồng đội có hoàn cảnh khó khăn; tham gia cứu nạn, cứu hộ nhiều trường hợp bà con ngư dân bị nạn, được nhân dân địa phương tin yêu, coi như người thân trong gia đình. Trong câu chuyện về tình quân dân, thượng úy Nguyễn Đình Thành, quê Nghệ An, đội trưởng đội vận động quần chúng, vốn có ước mơ học ngành báo chí, không giấu được niềm vui khi gặp đoàn nhà báo Hà Nội. Thành tâm sự: Đời sống của nhân dân trên biên giới còn gặp nhiều khó khăn, qua “mái ấm biên cương” cùng với việc giúp bà con làm mùa, làm đường giao thông, sửa chữa trường học… nhân dân đã tự nguyện ủng hộ bộ đội biên phòng bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, hưởng ứng nhiệt tình phong trào nhân dân tự bảo vệ đường biên giới cột mốc.
Bên cạnh việc xây dựng mái ấm biên cương, từ năm 2012 đồn biên phòng cửa cảng Dương Đông (Phú Quốc – Kiên Giang) đã thực hiện mô hình “Xây dựng ngư dân ra khơi đánh bắt an toàn” nhằm hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Đến nay đã có 100% phương tiện tham gia mô hình với tiêu chí: Ngư dân đăng ký, đăng kiểm khi đóng tàu mới, ra khơi phải có bằng lái tàu, đảm bảo các thiết bị an toàn, đánh bắt đúng giấy phép, hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình đánh bắt trên biển…để kịp thông báo cho lực lượng biên phòng mỗi khi có sự cố bất ngờ xảy ra. Từ khi mô hình đi vào hoạt động tình hình tranh chấp khai thác nguồn lợi trên biển giảm đáng kể; các rủi ro được ứng cứu kịp thời, tránh thiệt hại về người và của cho ngư dân.
Quỹ hiếm muộn, ấm tình đồng đội
Trước khi đến làm việc với Bộ chi huy BĐBP tỉnh Tây Ninh, chúng tôi được biết Tây Ninh là tỉnh nằm trong khu vực kinh tế trọng điểm của miền Đông Nam Bộ; với 20 xã, thuộc 5 huyện biên giới, tiếp giáp với 22 xã thuộc 3 tỉnh: Svây-riêng, Prây-ven và Công-pông-chàm của Vương quốc Cam-pu-chia. Trên tuyến biên giới có 2 cửa khẩu quốc tế (Mộc Bài, Xa Mát), 14 cửa khẩu phụ và nhiều đường tiểu ngạch, lối mòn qua lại giữa hai nước. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị trong thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), nên đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh nói chung, trên khu vực biên giới nói riêng, đã có bước cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn: cơ sở hạ tầng phát triển chưa đồng bộ; đời sống của nhân dân, nhất là vùng sâu, vùng xa chưa thực sự ổn định; Cơ sở chính trị ở một số xã biên giới chưa thật vững chắc. Các hoạt động truyền đạo trái pháp luật, xuất- nhập cảnh trái phép, buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ, ngoại tệ, chất ma túy,... qua biên giới có chiều hướng gia tăng. Do đó để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bộ đội biên phòng tỉnh rất coi trọng công tác vận động quần chúng khu vực biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Từ trụ sở Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Tây Ninh, thượng tá Hồ Ngọc Hệ, quê Nghệ An, Phó chủ nhiệm chính trị dẫn chúng tôi đến thăm Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Xa Mát. Tiếp chúng tôi, trung tá Triệu Ngọc Am, quê Nam Định, chính trị viên và trung tá Lê Văn Thao, quê Ninh Bình, đồn phó cho biết, Đồn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân từ năm 1978. Phát huy truyền thống đó Đồn Xa Mát luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi lĩnh vực công tác. Trò chuyện với chúng tôi về những việc làm nghĩa tình, các anh cho biết ngoài việc giúp đỡ nhân dân địa phương tăng gia sản xuất, học nghề cải thiện đời sống, giúp các em nhỏ đến trường …cán bộ chiên sĩ của đồn hằng tháng đều trích lương quyên góp cho các quỹ “Nâng bước em đến trường”, “Mái ấm biên cương”, “Ngân hàng bò” và “Quỹ hiếm muộn”.
Như hiểu được những thắc mắc của chúng tôi, thượng tá Hồ Ngọc Hệ giải thích: “Ngân hàng bò” là chương trình do Vietel phối hợp với BĐBP tạo quỹ từ việc sử dụng mạng di động Vietel để mua bò tặng bà con phát triển kinh tế gia đình. Còn Quỹ hiếm muộn là câu chuyện đậm tính nhân văn, thắm tình đồng đội. Cách đây gần hai năm, Bộ tư lệnh BĐBP tổ chức gặp mặt các đối tượng quân nhân hiếm muộn để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng, những vướng mắc, khó khăn trong công tác cũng như quá trình điều trị hiếm muộn. Hầu hết các trường hợp hiếm muộn con đều đã kết hôn nhiều năm, có những trường hợp hơn 10 năm, đã điều trị nhiều lần, nhưng chưa có kết quả. Các trường hợp hiếm muộn hầu hết tuổi đời còn trẻ, địa bàn công tác xa nhà, điều kiện kinh tế gặp nhiều khó khăn, trong khi việc điều trị hiếm muộn đòi hỏi sự kiên trì và chi phí tốn kém. Những khó khăn đó làm cho không ít quân nhân hiếm muộn rơi vào trạng thái bi quan, thậm chí có trường hợp buông xuôi. Tử thực tế đó Bộ tư lệnh BĐBP đã ban hành quy chế quản lý và sử dụng “Quỹ hiếm muộn con”. Theo đó, quỹ hỗ trợ quân nhân hiếm muộn với mức cao nhất là 30 triệu đồng/trường hợp/lần; mỗi quân nhân hiếm muộn nhận được hỗ trợ tối đa hai lần điều trị đầu tiên. Đối với các gia đình quân nhân hiếm muộn nhận con nuôi là trẻ sơ sinh, có đầy đủ thủ tục pháp lý, được hỗ trợ 5 triệu đồng.
Nhằm chia sẻ khó khăn, động viên tinh thần đối với những gia đình quân nhân hiếm muộn, Bộ tư lệnh BĐBP đã có nhiều cách làm thiết thực, tạo điều kiện hỗ trợ các quân nhân hiếm muộn bằng những chính sách cụ thể. Đó là, không điều động các đồng chí thuộc diện hiếm muộn đi công tác ở các đơn vị xa nhà; sớm điều chuyển các đồng chí đang công tác xa về đơn vị gần gia đình; lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị BĐBP ưu tiên sắp xếp, bố trí cho các đồng chí hiếm muộn được nghỉ phép dài ngày hơn so với quy định để có thời gian đi điều trị tại các trung tâm lớn ở Hà Nội hoặc TP Hồ Chí Minh. Các cơ quan hành chính-hậu cần thuộc BĐBP ở hai thành phố này bảo đảm chỗ ở miễn phí; quân y giúp liên hệ các cơ sở điều trị kỹ thuật cao cho các đồng chí hiếm muộn… Những chính sách cụ thể đó đã góp phần củng cố niềm tin, tiếp thêm sức mạnh cho các gia đình quân nhân hiếm muộn trên hành trình tìm kiếm hạnh phúc làm cha, làm mẹ. Đến nay, sau hơn một năm thực hiện, đã có 60 cặp quân nhân hiếm muộn trong lực lượng BĐBP có tin vui, khẳng định chủ trương, cách làm hiệu quả, mang tính nhân văn sâu sắc của quỹ.
Vĩ thanh
Hầu hết cán bộ tại các đồn biên phòng chúng tôi gặp tại Kiên Giang và Tây Ninh đều quê ở phía Bắc, lại mùa xuân nữa các anh xa nhà vì sự bình yên của Tổ quốc. Xa nhà, nhưng chúng tôi hiểu, với những việc làm nghĩa tình đậm chất nhân văn, bên các anh luôn có sự yêu thương, đùm bọc của người dân địa phương, và một khi tình quân dân đã hòa quyện thì mùa xuân luôn nở sắc hồng, là niềm vui, là sức mạnh giúp các anh vượt qua mọi khó khăn vất vả hoàn thành sứ mệnh “Anh bộ đội cụ Hồ”.
Chia tay các anh, với những cái bắt tay thật chặt, chúng tôi như được truyền thêm sức mạnh từ các anh để vững vàng với ngòi bút của mình trên từng trang viết, cùng nhau góp phần xây đựng quê hương, đất nước hòa bình, giàu đẹp. Chúng tôi cùng vui chung niềm tự hào với các anh khi đến đâu cũng thấy khẩu hiệu lớn “ Tự hào là người chiến sĩ quân hàm xanh”. Để có niềm tự hào này là cả một sự nỗ lực phấn đấu và tu dưỡng không ngừng với tình yêu Tổ quốc, yêu nhân dân luôn thường trực trong các anh.
Hẹn gặp lại các anh để lại được cùng các anh tự hào với những gì các anh đã, đang và sẽ tiếp tục cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân.
Nguyễn Mẫn
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
10 sự kiện nổi bật của ngành khoa học và công nghệ năm 2024
Về nơi "xứ sở nhà thờ" mùa Giáng sinh
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hoạt động của Mặt trận theo phương châm hướng về cơ sở
Ba cựu Phó Giám đốc sở hầu tòa trong vụ "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
97 đề tài tham dự Cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp Thành phố dành cho học sinh trung học
Công đoàn ngành Xây dựng Hà Nội lên kế hoạch chăm lo cho người lao động dịp Tết Nguyên đán
“Quả ngọt” sau hàng năm trời chữa nuốt nghẹn không rõ nguyên nhân
Tin khác
Vòng 17 Premier League: MU thua tơi tả, Liverpool thắng tưng bừng
Thể thao 23/12/2024 08:15
Bán kết AFF Cup 2024, Singapore vs Việt Nam: Văn Toàn không thi đấu
Thể thao 23/12/2024 06:13
Trận đấu Việt Nam và Singapore, vừa mở bán đã cháy vé
Thể thao 22/12/2024 16:19
Chờ đón tiếng dương cầm của Đặng Thái Sơn tại Nhà hát Hồ Gươm ngày 21/12
Âm nhạc 22/12/2024 10:15
Nguyễn Xuân Son lập cú đúp, đội tuyển Việt Nam có chiến thắng 5 sao
Thể thao 21/12/2024 22:32
Nhận định trận đấu Việt Nam vs Myanmar: Thắng nhẹ để vào bán kết
Thể thao 21/12/2024 11:46
Aston Villa vs Man City: Chủ nhà khó kiếm 3 điểm
Thể thao 21/12/2024 08:43
Tottenham vs Liverpool: Chiến thắng không hề dễ dàng
Thể thao 21/12/2024 08:42
NSND Trần Hiếu xúc động nhận Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp biểu diễn âm nhạc Việt Nam"
Âm nhạc 20/12/2024 16:55
Á quân Giọng hát hay Hà Nội Đinh Xuân Đạt ra mắt MV đầu tay "Hoàn Kiếm"
Âm nhạc 19/12/2024 17:50