Đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:27 | 30/06/2019
(LĐTĐ) Suốt những năm qua, trên địa bàn Hà Nội, các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo được triển khai hiệu quả, góp phần mang đến sức sống mới cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  
doi thay tich cuc o vung dong bao dan toc thieu so Làng chè Ba Trại: Điểm sáng kinh tế của huyện Ba Vì
doi thay tich cuc o vung dong bao dan toc thieu so Huyện Ba Vì xây dựng các nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2019
doi thay tich cuc o vung dong bao dan toc thieu so Góc nhìn từ huyện Ba Vì
doi thay tich cuc o vung dong bao dan toc thieu so Huyện Ba Vì 50 năm ghi dấu nhiều thành tựu

Sự đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể nhìn thấy rõ nét tại xã Ba Vì (huyện Ba Vì), nơi cư trú của hơn 2.000 đồng bào dân tộc Dao, chiếm 98% dân số xã. Tại địa phương này, bất kỳ ai khi đặt chân đến cũng có thể cảm nhận rõ nét những đổi thay.

Dễ thấy nhất là sau nhiều năm đứng trước nguy cơ thất truyền, nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam đang hồi sinh, làm giàu cho nhiều hộ gia đình. Trên những con đường liên thôn, ở các thôn Hợp Sơn, Hợp Nhất, Yên Sơn hiện tại về cơ bản đã được bê tông hóa, đi lại thuận tiện, tạo nên một diện mạo nông thôn mới, khang trang và sạch đẹp hơn.

Tiếp giáp xã Ba Vì, diện mạo nông thôn ở xã Khánh Thượng, nơi có gần 5.000 đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày… sinh sống, chiếm 55% dân số của xã, cũng đang thay đổi từng ngày. Các tuyến đường được trải nhựa, bê tông hóa nối dài đến từng ngõ, xóm. Trong những nếp nhà, đồng bào các dân tộc vui với niềm vui có nước sạch, trẻ em được tạo mọi điều kiện thuận lợi để học hành...

doi thay tich cuc o vung dong bao dan toc thieu so

Phát triển nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam là giải pháp giảm nghèo hiệu quả ở xã Ba Vì (huyện Ba Vì). Ảnh: Đ.L

Khách quan nhìn nhận, Ba Vì là huyện nằm xa trung tâm Thủ đô, có diện tích khu vực miền núi, số lượng đồng bào dân tộc thiểu số chiếm đa số trong toàn thành phố. Chỉ tính riêng khu vực miền núi huyện Ba Vì có tổng diện tích đất tự nhiên là 19.943 ha, gồm có 7 xã, 77 thôn với 18.051 hộ (có 6.751 hộ dân tộc thiểu số), dân số 75.476 người, trong đó dân số đồng bào dân tộc thiểu số là 27.669 người, chiếm gần 10% dân số toàn huyện.

Đáng chú ý, quanh công tác đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2016- 2020, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 138/KH- UBND ngày 15/7/2016 đầu tư cơ sở hạ tầng cho khu vực miền núi, trong đó huyện Ba Vì có tổng số 85 dự án với mức đầu tư 1.548 tỷ đồng, có 36 dự án được bố trí và đã thi công với mức đầu tư 841,755 tỷ đồng… Nhờ vậy, tính đến nay, hệ thống nhà văn hóa và công trình nước sạch cơ bản được định hình.

Không thể phủ nhận sự phát triển vượt bậc về nhiều mặt ở vùng dân tộc thiểu số, song trên thực tế, nếu thiếu nguồn lực hỗ trợ, một số địa phương vẫn chưa có đủ năng lực tự thoát nghèo.

Chẳng hạn, tại xã Ba Vì, diện tích đất nông nghiệp chỉ có khoảng 22ha, trong khi đa số người dân nơi đây làm nông nghiệp. Thu nhập từ nghề trồng, chế biến, chữa bệnh bằng cây thuốc nam chiếm gần 50% tổng số nguồn thu của xã cũng đang gặp khó khăn, do thiếu đất trồng cây thuốc.

Để các hộ có nguồn sinh kế tạo dựng cuộc sống, ông Dương Trung Liên, Chủ tịch UBND xã Ba Vì kiến nghị quy hoạch vườn thuốc tập trung, ưu tiên bảo tồn các loại cây thuốc quý. Mô hình du lịch cộng đồng tại thôn Yên Sơn cần sớm được triển khai, tránh tình trạng hoạt động tự phát như hiện nay.

Rõ ràng, thời gian tới, để có sự đổi thay tích cực ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn rất cần sự nỗ lực và chung tay. Song với sự “tiếp sức” của các cấp, ngành, sự nỗ lực đồng lòng của người dân và các cấp chính quyền địa phương, tin chắc đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ tiếp tục được cải thiện.

Đ.L

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này