Người nghệ sĩ mang tên dòng sông

10:34 | 30/08/2015
Quá khứ của người đàn bà đẹp mang tên một dòng sông – Trà Giang, là sự nuối tiếc về những ký ức đầy ắp một thời được sống và đam mê với điện ảnh, nhưng hiện tại là sự mãn nguyện của một người phụ nữ dịu dàng và bình dị với đam mê và hạnh phúc mới.
Chiến tranh và những ám ảnh khôn nguôi
Khoảnh khắc yên lặng của chiến tranh
Gặp lại nữ anh hùng sông Hương
Ký ức về tấm áo lụa và bức thư của Bác
Người nghệ sĩ mang tên dòng sông
NSND Trà Giang

Sống trong từng vai diễn

Sinh năm 1942 ở miền Trung trên quê hương Quảng Ngãi, cuộc đời của Trà Giang gắn bó với nghệ thuật từ khi 10 tuổi. NSƯT Trần Văn Khánh - Trưởng đoàn nghệ thuật Quân khu 5 chính là cha của Trà Giang. Ông là người đã đưa Trà Giang đến với điện ảnh. NSND Trà Giang còn nhớ cái ngày sống và học tập trên đất Bắc, nghe thông tin Bộ Văn hóa tuyển sinh diễn viên điện ảnh, cha đã bảo bà thử sức và Trà Giang đã được tuyển vào lớp điện ảnh khóa đầu tiên vào năm 1959.

Từ mái trường này, Trà Giang bắt đầu làm quen với điện ảnh từ vai diễn chính đầu tiên trong bộ phim “Một ngày đầu thu” (1961). Sau đó là vai chị Tư Hậu trong bộ phim cùng tên (1962). Bộ phim này đã đoạt giải Bạc Liên hoan phim quốc tế Matxcơva - 1963. Từ đây, Trà Giang đã chiếm trọn cảm tình của khán giả qua nhiều bộ phim mà chị tham gia như: “Vỹ tuyến 17 ngày và đêm” (1972); “Bài ca ra trận” (1973); “Em bé Hà Nội” (1974); “Ngày lễ thánh” (1976); “Mối tình đầu” (1977); “Huyền thọai mẹ” (1987); “Thủ lĩnh áo nâu” (1987); “Dòng sông hoa trắng” (1989)...

Nhân vật Dịu trong phim “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” có thể nói là vai diễn thành công nhất của NSND Trà Giang. Để hoàn thành bộ phim, đoàn làm phim phải đã thu thập kịch bản từ năm 1968 cho đến khoảng tháng 10/1972 mới xong phần quay phim . Sau đó mất 2 tháng để dựng phim, các giai đoạn hậu kỳ trong những ngày Mỹ ném bom B52 ác liệt. Nhớ lại những ngày tháng vất vả của năm 1970 cùng đoàn phim từ bắc vào vùng Vĩnh Linh để thâm nhập thực tế, Trà Giang kể lại rằng: Lúc đó Mỹ đã tạm dừng đánh bom miền Bắc nhưng đoàn phim vẫn cảnh giác đi vào ban đêm.

Đến Vĩnh Linh, đoàn làm phim phải sống và làm việc dưới địa đạo. Ở đây, Trà Giang may mắn gặp được o du kích Hoàng Thị Thảo - Bí thư Chi bộ của một xã miền Nam thời ấy. Lời kể về cuộc đời của o du kích trẻ khi chứng kiến cha mẹ mình hoạt động cách mạng, rồi bị bắt và hi sinh như một cuốn tư liệu quý để tạo nên nhân vật Dịu. Sau này, Trà Giang và đạo diễn Hải Ninh trở về đây để tìm gặp o Thảo nhưng o đã hi sinh ở chiến trường Miền Nam. Trà Giang và người nhà của o Thảo ôm nhau khóc. Cuộc gặp gỡ xúc động ấy khiến ký ức về một thời làm phim cứ thế ùa về trong lòng nữ nghệ sĩ.

Người nghệ sĩ mang tên dòng sông

Có ai ngờ rằng, để có được cảnh nhân vật Dịu bế con sang sông đưa cho chồng rồi quay về miền Nam, đoàn làm phim đã phải quay trong nhiều ngày khiến Trà Giang bị nhiễm lạnh và ốm sốt vì lội nước. Thời điểm đó cũng là lúc Trà Giang có bầu Bích Trà – con gái duy nhất của bà được 4 tháng. Sau đó 1 năm, khi mang phim sang tham dự LHP Matxcơva lần thứ 8 – 1973, các bạn Nga nói, họ không thể tưởng tượng rằng Việt Nam có phim mà còn là phim truyện trong lúc chiến tranh khốc liệt như thế. Bộ phim đã nhận giải thưởng của Ủy ban Hòa bình thế giới và bản thân Trà Giang được vinh dự nhận giải nữ diễn viên xuất sắc nhất. Với nền điện ảnh còn rất non trẻ lúc bấy giờ, nói như NSND Trà Giang: “Đó là một thành tựu.” Đây không chỉ là niềm hạnh phúc lớn lao của riêng nữ nghệ sĩ mà còn là niềm tự hào của nền điện ảnh nước nhà khi được thế giới đánh giá và công nhận.

Người đẹp điện ảnh cho rằng mình là một nữ nghệ sĩ may mắn được sống và trải qua hai giai đoạn lịch sử quan trọng của đất nước: giai đoạn kháng chiến chống Pháp với vai diễn chị Tư Hậu và đến thời kháng chiến chống Mỹ thì có vai Dịu. Trà Giang tâm sự, với tôi khi đứng trước ống kính, nhập vai vào nhân vật, nữ nghệ sĩ như “lên đồng”, thoát hẳn đời thường. Có lẽ thành công mà chị có được qua mỗi vai diễn chính là nhờ đôi mắt “có thần”, lột tả được chiều sâu, tâm trạng của nhân vật mang dáng vẻ cao quý và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Sự mến mộ của khán giả dành cho Trà Giang từ thuở đôi mươi mà cho đến tận bây giờ tuổi đã xế chiều, đã xa ánh đèn sân khấu, chị vẫn cảm nhận được tình cảm chân tình ấy.

Đam mê nối tiếp đam mê

Có lẽ thành công mà chị có được qua mỗi vai diễn chính là nhờ đôi mắt “có thần”, lột tả được chiều sâu, nội dung của nhân vật mang dáng vẻ cao quý và đức hạnh của người phụ nữ Việt Nam. Sự mến mộ của khán giả dành cho Trà Giang từ thuở đôi mươi mà cho đến tận bây giờ tuổi đã xế chiều, đã xa ánh đèn sân khấu, chị vẫn cảm nhận được tình cảm chân tình ấy.

48 tuổi – độ tuổi còn đủ sức khỏe và nhiệt huyết nhưng NSND Trà Giang đã chủ động từ giã phim trường. Trà Giang từ chối nhiều lời mời tham gia đóng phim vì thấy mình không theo kịp thời điện ảnh đổi mới. Với Trà Giang, đó là một quyết định vô cùng khó khăn nhưng theo bà “cái duyên trời cho với điện ảnh đã hết”.

Rồi Trà Giang cân bằng cuộc sống với hội họa và để vực dậy nỗi đau mất đi người chồng yêu quý. Hồi tưởng lại mối tình với nghệ sĩ violon Bích Ngọc, NSND Trà Giang nhận rằng, mình may mắn và hạnh phúc đã được gặp một người chồng bao dung, đức độ và thương vợ hết lòng. Ông là tình yêu duy nhất trong cuộc đời của bà. Sự quan tâm chăm sóc của ông dành cho mình những ngày đi làm phim, chăm con, nâng giấc ngủ, dạy bà cách đóng phim… vẫn còn vẹn nguyên trong trí nhớ nữ nghệ sĩ. Giọng của Trà Giang như rung lên khi nhắc đến người chồng đã mất.

Yêu một diễn viên, nghệ sĩ Bích Ngọc luôn phải nhận phần thiệt thòi về mình. Ông là người hậu thuẫn, động viên, tạo điều kiện cho vợ được làm việc một cách tốt nhất mà không có bất cứ một lời trách móc nào. NSND Trà Giang luôn biết ơn và khi chồng bà còn sống, bà đã nói điều này với ông bằng tất cả tấm lòng. Nghệ sĩ Bích Ngọc đột ngột qua đời là một mất mát khó nguôi trong lòng bà. Bích Trà - cô con gái duy nhất đã đưa bà ra nhập nhóm học vẽ. Bà bắt đầu trải lòng mình qua những bức họa. Bà vẽ liên tục và tham gia triển lãm tranh cùng bạn bè. Bà cảm thấy mình có ích cho đời khi nhiều bức vẽ đẹp được người thân đặt mua, quyên góp cho quỹ từ thiện. Chồng đã mất, không còn đóng phim và con gái duy nhất ở xa, nhưng hội họa như tiếp thêm sức mạnh cho bà thêm niềm đam mê với nghệ thuật.

Khi tôi liên lạc với NSND Trà Giang để thực hiện bài viết này là lúc bà đang đi nghỉ cùng con gái. Bích Trà. Chị cũng là một nghệ sĩ Piano theo nghiệp cha. Chị sống và làm việc ở Anh. Chị về Việt Nam đợt này nhằm thực hiện một dự án âm nhạc tại thành phố Hồ Chí Minh rồi tiếp tục bay sang Mỹ theo đuổi sự nghiệp. NSND Trà Giang tâm sự, bà đã quen với sự bận rộn của con. Lần nào con gái về nước, một nửa thời gian đều cho công việc nhưng bà rất vui và dành nhiều tình yêu thương hơn cho con. Trong cái hối hả của cuộc sống thường ngày, người đàn bà đẹp của điện ảnh cách mạng đang sống bình yên, hạnh phúc bên gia đình cô em gái với các cháu gọi mình là “bà Ba”. Với bà bây giờ, hạnh phúc không ở xa xôi mà rất gần. Hạnh phúc là khi con cháu cười, gia đình đoàn tụ bên nhau. Mùng 2/9 năm nay, bà thấy phấn chấn và khỏe hơn năm ngoái. Bà nói với tôi nếu sắp xếp được bà sẽ ra Hà Nội một chuyến để đón chào kỷ niệm Quốc khánh cùng người dân thủ đô.

Nguyễn Hoài

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này