Nếp nhà người Hà Nội: Vẫn còn đó những giá trị tốt đẹp
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh | |
Biểu tượng sự hiếu học của người Hà Nội | |
Đến xây dựng người Hà Nội thanh lịch |
Những nề nếp, truyền thống gia đình chiếm phần quan trọng hình thành nên những nét đẹp trong văn hóa người Hà Nội. Trong quá trình tiếp biến văn hoá, một số yếu tố văn hoá truyền thống gia đình của người Hà Nội đã mất đi, du nhập thêm những yếu tố văn hoá khác.
Trong loạt bài “Nếp nhà người Hà Nội: Vẫn còn đó những giá trị tốt đẹp”, báo Lao động Thủ đô cố gắng phản ánh bản chất, quá trình tiếp biến văn hoá, tìm nguyên nhân của những “còn” và “mất” của những nếp nhà Hà Nội nhằm hướng đến giải pháp cho một vấn đề vừa quan trọng vừa cấp bách.
Bài 1: Nếp nhà người Hà Nội xưa và nay
Nói đến nếp nhà là nói đến văn hóa, giao tiếp, ứng xử trong gia đình. Người Hà Nội coi trọng nề nếp, gia phong của gia đình bởi đó là một cái nôi tạo dựng các thế hệ tương lai cho đất nước. Ở đó, cha mẹ, ông bà luôn là tấm gương mẫu mực cho con cháu noi theo.
Dạy từng “lời ăn, tiếng nói”
Mô hình gia đình truyền thống Hà Nội xưa hiện nay còn tồn tại ở những khu phố cổ Hà Nội hay ở một số làng cổ ngoại thành ven đô với nhiều thế hệ chung sống với nhau gọi là Tam đại đồng đường, Tứ đại đồng đường…
Nhiều gia đình ông bà, bố mẹ, con cháu sống chung trong một gian nhà, hoặc ngôi nhà có sân vườn, hàng cau, cây khế bờ ao, giếng thơi, cây mít, nhà ngói sân gạch.
Cả gia đình quây quần, sum vầy bên nồi bánh chưng ngày Tết. |
Theo Nhà nghiên cứu văn hoá Giang Quân, ở những gia đình có truyền thống này, họ giáo dục con cháu bài bản nghiêm khắc, dạy từng “lời ăn, tiếng nói”, văn hóa ứng xử làm người.
Trước hết là ở lời nói. Người Hà Nội dùng ngôn ngữ chuẩn xác, thanh âm mẫu mực, không quen những từ thô tục, sỗ sàng. Họ biết nhún mình, tôn trọng người khác, mềm mỏng mà không thớ lợ, tài hoa mà không khoe khoang, biết rộng mà không làm cao, biết “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.
Trong cách ăn mặc, họ cũng dạy con cháu hết sức lịch sự. Trang phục, trang sức ưa sự gọn gàng, trang nhã, tề chỉnh, cách tân tinh tế, đủ độ lộng lẫy, kiêu sa. Họ có thể thích diện, thích đổi mốt làm đẹp cho mình nhưng không cầu kỳ, khoe của và biết nâng cái đẹp đồng hành với cái nết. Người xưa ra đường là áo dài chỉnh tề. Khách đến chơi, chủ nhà giữ lễ tôn trọng, lui vào thay đồ tươm tất mới ra tiếp.
Con gái Hà Nội thì được cha mẹ dạy bảo “công, dung, ngôn, hạnh”, giữ đủ nét e lệ, dịu dàng, ý tứ, từ dáng đứng, bước đi, nụ cười, ánh mắt, thân mật nhưng không sàm sỡ, tế nhị mà không gò bó. Đặc biệt, con gái Hà Nội phải biết khâu vá, thêu thùa, nấu ăn.
Trong mỗi gia đình dù khá giả hay bình dân đều giữ được tôn ti trật tự, trên dưới rõ ràng. Tất cả vào khuôn phép rất tự nhiên, ví như vị trí ngồi quanh mâm cơm, thứ tự lời mời chào trước khi ăn, cách nhường nhịn nhau ngay trong bữa ăn tạo nên những nguyên tắc “trên kính dưới nhường”. Người ngoài nhìn vào dễ cho là khách sáo, hình thức, nhưng những thành viên trong một nếp nhà thấy rất tự nhiên.
Người Hà Nội rất sành trong ăn uống, nâng cách ăn, cách nấu thành nghệ thuật ẩm thực. Món ăn mặn, ngọt, chua, cay đều vừa độ, gia vị đầy đủ, nước chấm, nước canh khéo chế. Bữa ăn ngon từ cách xếp mâm, bãy đĩa, lên cỗ. Họ ăn lấy ngon để nhớ mãi chứ không ăn lấy no căng bụng. Vào mâm, họ biết trọng già, quý trẻ, nhường món ngon tiếp cho khách, cách ăn cũng từ tốn, thong thả, rượu uống từng ngụm, không dốc cả cốc to, không làm ầm ĩ.
Từ những nét văn hóa truyền thống này, các gia đình Hà Nội xưa dạy bảo con cái những cốt cách của người Thủ đô, sống có nề nếp, giữ cho mái ấm tình thương, xóm làng hòa thuận, vợ chồng hạnh phúc. Những nếp nhà Hà Nội này đã để lại một hệ thống văn hóa ứng xử, giáo dục lối sống làm người chăm chỉ, cần cù nhẫn nại, biết tôn ti trật tự, hành xử văn hóa: “Đói cho sạch, rách cho thơm”, “Giấy rách phải giữ lấy lề”, “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”…
Đặc biệt, những ngày lễ Tết luôn rất được coi trọng. Trong một lần phỏng vấn nhà sử học Lê Văn Lan, ông kể: "Tôi là người sống ít nhất qua 3 giai đoạn Tết. Gia đình tôi là gia đình nho giáo, bố tôi là học trò của cụ Lương Văn Can – người theo phong trào Đông Kinh nghĩa thục. Cho nên cụ là người tiêu biểu cho lối sống nho giáo, nề nếp, chỉn chu. Tôi là con út trong nhà có 7 anh chị em.
Ngày mùng 1, bố tôi ngồi ở tràng kỷ, mẹ tôi ngồi ở ghế ngồi lùi sau một chút, 7 anh chị em xếp hàng nối tiếp nhau để chúc Tết bố mẹ và bao giờ cũng phải nghĩ được một câu hay nhất, không trùng ai. Sau khi chúc xong, cụ lấy trong túi áo cánh bên trong một phong bao được làm từ giấy hồng điều gấp lại, đặt trong đó 1 đồng tiền xu mang niên hiệu Bảo Đại. Mỗi người được một đồng như thế và lập tức chạy ra ngõ mua kẹo kéo".
Truyền thống văn hoá gia đình mai một
Nhưng nếp sống, lối sống không phải là bất biến. Bước vào thời kỳ kinh tế thị trường, đồng tiền chế ngự xã hội đã làm phôi pha nét đẹp thanh lịch của người Hà Nội.
Hiện nay, mô hình gia đình truyền thống “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” bị thay thế bởi gia đình hạt nhân.
Ở hầu hết là các gia đình hạt nhân, cha mẹ tất bật với công việc, con cái chạy đua với lịch học, cha mẹ không còn thời gian nhiều dành cho việc nuôi dạy con cái. Những hoạt động giản đơn như việc cùng nhau quây quần bên mâm cơm, cùng nhau theo dõi một chương trình truyền hình, cùng bàn luận, chia sẻ về một vấn đề nào đó… đang dần vắng mặt trong đời sống hiện đại. Bữa cơm tối duy nhất của cả nhà đôi khi cũng không có mặt đông đủ các thành viên. Khi thì bố hoặc mẹ bận việc, lúc thì con cái phải đi học thêm. Bữa cơm thường được ăn nhanh chóng để mỗi người một việc, thậm chí cứ ai rảnh thì tự ăn trước, hoặc lấy riêng phần ăn của mình ngồi một chỗ xem tivi, hoặc làm việc.
Một số bà mẹ trẻ bận rộn bây giờ còn ngại cơm nước, vừa mệt, vừa mất thời gian nên có khi gọi điện đặt luôn các đồ ăn bán sẵn trên mạng internet. Không ít gia đình có nhà riêng, đồ đạc trong nhà đầy đủ, bếp ăn đàng hoàng nhưng gian bếp lại rất ít khi đỏ lửa. Tuần có 7 ngày thì đến 6 ngày đi ra ngoài ăn hàng, nhất là những gia đình vợ chồng mới cưới, chỉ có 2 người nên lại càng ngại nấu nướng.
Khi đó, mối quan hệ giữa các thành viên ngày càng trở nên lỏng lẻo. Giây phút bên nhau thưa dần, những hoạt động chung trong gia đình ngày càng ít đi. Không có sự chia sẻ, gắn bó, gần gũi giữa từng thành viên đã gây ra nhiều hệ luỵ.
Những mâu thuẫn, xung đột giữa các thế hệ về ứng xử, lối sống; tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng ngày càng gia tăng. Các giá trị văn hóa truyền thống gia đình tốt đẹp của người Hà Nội đang có biểu hiện xuống cấp, mai một. Nhiều tệ nạn xã hội như ma túy, cờ bạc, rượu chè, mại dâm… đã và đang xâm nhập vào các gia đình.
Có thể bạn quan tâm
Nên xem
Mối đe dọa từ những vật lạ rơi xuống từ nhà cao tầng
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tự động hóa quy trình chi trả quyền lợi bảo hiểm với công nghệ OCR thế hệ mới
Tứ kết UEFA Nations League: Mong chờ cuộc đối đầu giữa Đức và Italy
“Manifest” được chọn là từ của năm 2024
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Tin khác
Đặc sắc các sản phẩm tại Hội chợ trái cây, nông sản an toàn các tỉnh, thành phố năm 2024
Tiêu dùng 22/11/2024 23:33
Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa quận Bắc Từ Liêm
Văn hóa 22/11/2024 22:34
Cụm thi đua số 7 LĐLĐ thành phố Hà Nội: Làm tốt công tác đại diện, bảo vệ người lao động
Vì lợi ích đoàn viên 22/11/2024 21:40
Tuần Văn hóa Du lịch Thương mại làng nghề Vạn Phúc 2024: Tôn vinh di sản lụa nghìn năm
Du lịch 22/11/2024 18:57
Sơn Tây: Bảo tồn và khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên văn hóa
Nhịp sống Thủ đô 22/11/2024 18:56
Tháng văn hóa đặc sắc kỷ niệm 20 năm Phố cổ Hà Nội được công nhận Di tích Quốc gia
Văn hóa 22/11/2024 18:53
Chia sẻ khó khăn cùng gia đình có người thân bị tai nạn giao thông
Giao thông 22/11/2024 18:44
Tổ chức thành công Đại hội Hội Khuyến học quận Bắc Từ Liêm nhiệm kỳ 2024 - 2029
Tôi yêu Hà Nội 22/11/2024 17:29
Bảo vệ sức khỏe từ sớm, từ xa vì kỷ nguyên vươn mình
Bình luận 22/11/2024 16:49
Phụ nữ Hà Nội chung tay thu hẹp khoảng cách giới
Cộng đồng 22/11/2024 15:38